Trong năm nay, với giả định giá dầu thô ở mức 70 USD/thùng, Tổng Công ty Điện lực Dầu khí Việt Nam (PV Power, mã chứng khoán: POW – sàn: HoSE), đặt mục tiêu sản xuất 15,6 tỷ kWh điện, tăng gần 10% so với năm 2022. Doanh thu toàn Tổng Công ty dự kiến đạt 30.332 tỷ đồng, tăng 7% so với thực hiện năm 2022; nhưng lợi nhuận sau thuế giảm tới 56%, xuống còn 1.118 tỷ đồng. Đồng thời, Tổng Công ty sẽ không chia cổ tức trong năm nay.
Tổng Công ty Điện lực Dầu khí Việt Nam đánh giá năm nay tiếp tục là một năm nhiều thách thức đối với ngành điện nói chung và Tổng Công ty nói riêng trong bối cảnh giá nhiên liệu đầu vào (khí tự nhiên, than, dầu) tăng đột biến. Nguồn khí có giá rẻ khu vực Đông Nam Bộ, Tây Nam Bộ ngày càng suy giảm khiến Tổng Công ty phải sử dụng nguồn khí bổ sung với giá cao, ảnh hưởng đến việc giao kế hoạch sản lượng cho các nhà máy điện thành viên, cũng như làm giảm tính cạnh tranh khi chào giá trên thị trường điện. Đồng thời, nguồn cung của hệ thống điện đang gia tăng đáng kể, đặc biệt là từ các dự án điện năng lượng tái tạo, ảnh hưởng đến việc tham gia thị trường điện của các nhà máy điện.
Theo đánh giá của một số tổ chức uy tín trên thế giới giá dầu thô Brent năm 2023 có thể dao động trong khoảng 85 - 100 USD/thùng.
Năm 2023, nhiều nhà máy điện của Tổng Công ty Điện lực Dầu khí Việt Nam sẽ ngưng máy thời gian dài để thực hiện sửa chữa lớn như: Nhà máy điện Cà Mau 2 và Nhà máy điện Nhơn Trạch 2 thực hiện đại tu; Nhà máy điện Hủa Na và Nhà máy điện Nhơn Trạch 1 thực hiện trùng tu… Điều này sẽ khiến chi phí sản xuất của Tổng Công ty tăng lên.
Tổng Công ty Điện lực Dầu khí Việt Nam cũng cho biết công tác thu xếp khoản vay tín dụng xuất khẩu (ECA) cho dự án Nhà máy điện Nhơn Trạch 3 và 4 gặp nhiều khó khăn do dự án không thuộc đối tượng được Chính phủ bảo lãnh khoản vay. Mặt khác, đây là dự án điện khí LNG đầu tiên của Việt Nam nên các ngân hàng đều đặt vấn đề đối với tính hiệu quả của dự án. Việc chưa có được sản lượng điện hợp đồng cố định trong suốt thời gian vay vốn của dự án (15 năm) đang là một thách thức đối với quá trình thu xếp vốn của Tổng Công ty Điện lực Dầu khí Việt Nam.
Đối với dự án LNG Quảng Ninh, Tổng Công ty với vai trò đại diện cho 4 cổ đông đã tích cực làm việc với tỉnh Quảng Ninh, TP.Cẩm Phả, các cơ quan ban ngành để được cấp giấy chứng nhận đầu tư, hoàn tất các thủ tục cần thiết để thành lập công ty, tiến tới lập nghiên cứu khả thi dự án.
Đối với Dự án Thuỷ điện Luang Prabang, Tổng Công ty cho biết đang đánh giá cẩn trọng về khả năng tham gia tại dự án do một số nguyên nhân khách quan như lạm phát, giá nguyên vật liệu đầu vào tăng, làm giảm hiệu quả kinh tế.
Hiện Tổng Công ty Điện lực Dầu khí Việt Nam đang xếp thứ 4 trong số các nhà sản xuất điện lớn nhất Việt Nam. Tổng Công ty sở hữu và vận hành 6 nhà máy điện với tổng công suất lên tới 4.205 MW, gồm 3 nhà máy nhiệt điện khí (2.700 MW), 1 nhà máy nhiệt điện than (1.200 MW) và 2 nhà máy thuỷ điện công suất 305 MW với tổng sản lượng điện hàng năm khoảng 20 – 22 tỷ kWh, chiếm 8% tổng nhu cầu thị trường.
Trong lĩnh vực năng lượng tái tạo, Tổng Công ty đã nhận chuyển nhượng và quản lý 5 dự án điện mặt trời áp mái Phú Mỹ 1, 2, 3 và Dung Quất 1, 2 (tổng công suất 4,6 MWp) trong năm 2022.
Năm 2022, tổng sản lượng điện toàn Tổng Công ty đạt 14,2 tỷ kWh, tương đương 102% kế hoạch. Tổng doanh thu toàn Tổng công ty là 28.790 tỷ đồng, đạt 119% kế hoạch. Theo đó, lợi nhuận sau thuế là 2.553 tỷ đồng, đạt 344% kế hoạch.
Trên thị trường chứng khoán, đóng cửa phiên giao dịch ngày 7/4, cổ phiếu POW của Tổng Công ty Điện lực Dầu khí Việt Nam giảm 0,76%, đạt 13.050 đồng/cổ phiếu; khối lượng giao dịch trung bình 20 phiên gần nhất đạt hơn 8,03 triệu cổ phiếu.
Tổng Công ty Điện lực Dầu khí Việt Nam sẽ tiến hành họp Đại hội đồng cổ đông thường niên vào ngày 25/04 tới đây tại Hà Nội.