Những cuộc đấu tranh bình ổn giá thập niên 1950

Với hệ thống mậu dịch quốc doanh cùng các đại lý của mậu dịch quốc doanh và hợp tác xã mua bán, hoạt động nội thương trong giai đoạn này là phục vụ khôi phục kinh tế, giảm bớt khó khăn, ổn định đời sống nhân dân; đấu tranh bình ổn vật giá.
Bình ổn giá
Mỗi ngày, trạm thu mua của hợp tác xã mua bán huyện Thanh Trì, tỉnh Hà Đông thu mua của nông dân khoảng 10 tấn thóc (tháng 12/1958). (Ảnh: TTXVN))

Bình ổn giá là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của hệ thống thương nghiệp quốc doanh. Theo sách "Lịch sử Công Thương Việt Nam 1945-2010", tháng 01/1955, sau khi việc điều chỉnh giá hàng công nghiệp vừa được thực hiện, một khó khăn lớn xuất hiện: Giá gạo trên thị trường tăng nhanh, lực lượng gạo của mậu dịch quốc doanh giảm mạnh, nếu cứ tiếp tục bán tự do thì chỉ sau một thời gian ngắn là hết, Mậu dịch quốc doanh đã tiến hành những biện pháp mới để đấu tranh bình ổn giá gạo. Cụ thể, việc bán gạo được điều chỉnh như sau:

- Đối với công nhân viên chức và các thành viên trong gia đình, vẫn tiếp tục cung cấp theo định lượng và giá ổn định.

- Đối với các tầng lớp nhân dân khác, tạm thời điều chỉnh giá bán lên sát với giá thị trường, nhằm thu hút nguồn gạo còn trong nông dân và nguồn gạo từ miền Nam ra. Nhờ đó, thị trường có thêm nguồn gạo, tạm đáp ứng được nhu cầu, đà tăng giá bị chặn lại.

Từ tháng 6/1955, lúa chiêm được thu hoạch. Nguồn lực của Mậu dịch quốc doanh được bổ sung bằng thóc thuế và thu mua. Gạo viện trợ của các nước anh em cũng bắt đầu về. Có lượng gạo trong tay, lại phải nghiên cứu cách bán ra để kéo giá xuống.

Vì vậy, Chính phủ đã chấp thuận biện pháp mà Bộ Công Thương kiến nghị. Theo đó, mậu dịch quốc doanh từng bước mở rộng việc bán gạo cho nhân dân và từng bước kéo giá xuống; khi xuống đến mức 400đ/kg, tương ứng với mức giá dự kiến chỉ đạo mua thóc (240đ/kg) thì ngưng lại và Nhà nước sẽ công bố ổn định mức giá này trong một thời gian dài, áp dụng chung cho mọi đối tượng, chấm dứt vụ đột biến giá đầu tiên sau khi miền Bắc được giải phóng.

Cuộc đấu tranh bình ổn giá gạo lần thứ hai vào giữa năm 1957, mậu dịch quốc doanh mua không kịp, vì không có đủ tiền mua và không có đủ kho chứa thóc. Giá thóc gạo trên thị trường bị tư thương dìm xuống thấp.

Trước tình hình này, Bộ Thương nghiệp đã chỉ đạo Tổng công ty Lương thực phải mua hết lúa gạo của nông dân. Cuộc đấu tranh này kéo dài sang cả các năm 1958 - 1959, không những đối với lúa gạo, mà cả đối với một số nông sản khác như mía, đường mật… Kết quả là đã giữ được giá thị trường ở mức giá chỉ đạo có lợi cho sản xuất, thúc đẩy nhanh chóng phục hồi và phát triển nông nghiệp.

Cuối năm 1956, nguồn hàng công nghiệp của thương nghiệp quốc doanh giảm sút, lượng hàng giao cho đại lý giảm. Lợi dụng tình hình này, nhiều kinh tiêu, đại lý găm hàng hoặc tuồn hàng cho tư thương bên ngoài đầu cơ đẩy giá thị trường lên cao. Để đấu tranh bình ổn giá, Bộ Thương nghiệp đã đề ra một loạt biện pháp:

- Tăng cường quản lý việc bán hàng của các kinh tiêu, đại lý. Trừng trị nghiêm những kẻ đầu cơ lợi dụng hàng của mậu dịch quốc doanh để nâng giá kiếm lời bất chính.

- Nhanh chóng mở rộng mạng lưới bán lẻ của Mậu dịch quốc doanh ở thành thị và hợp tác xã mua bán ở nông thôn. Đến cuối 1957, Mậu dịch quốc doanh đã có hơn 900 cửa hàng và doanh số bán lẻ tăng gấp 2,2 lần năm 1955. Riêng ở Hà Nội, trong một thời gian ngắn đã mở được 3 cửa hàng lớn, gồm: Bách hóa Tràng Tiền; Bách hóa số 5 Nam Bộ; Vải sợi Đinh Tiên Hoàng…

- Tích cực tiếp nhận và đưa nhanh nguồn hàng viện trợ của các nước anh em vào lưu thông.

- Yêu cầu các Tổng công ty phải đẩy mạnh gia công, thu mua sản phẩm, khuyến khích tạo ra nhiều mặt hàng mới.

Đào Mạnh Đức