Nhiệm vụ trọng tâm là đáp ứng cơ bản nhu cầu điện cho nền kinh tế và sinh hoạt của nhân dân

Đảng bộ Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) vừa tiến hành Đại hội tổng kết công tác lãnh đạo và đề ra phương hướng nhiệm vụ cho nhiệm kỳ 2010 - 2105. Nhân dịp này, phóng viên Tạp chí Công nghiệp đã có cu

PV: EVN là một tập đoàn kinh tế lớn, hoạt động trên địa bàn cả nước, vậy quy mô ra sao và tổ chức Đảng hoạt động theo mô hình nào, thưa ông? 

Ông Nguyễn Hữu Tuấn: Tháng 10 năm 2007, Đảng bộ Tập đoàn Điện lực Việt Nam được thành lập theo Quyết định số 299 - QĐ/ĐUK của Đảng uỷ Khối Doanh nghiệp Trung ương trên cơ sở Đảng bộ cơ quan Tập đoàn, các tổ chức đảng thuộc Trung tâm Điều độ Hệ thống Điện quốc gia và một số tổ chức đảng thuộc khối nguồn điện. 

Ngay sau khi thành lập, Đảng bộ tập trung lãnh đạo, chỉ đạo kiện toàn, sắp xếp, củng cố tổ chức; thành lập, chia tách, chuyển giao, nâng cấp, giao quyền, uỷ quyền cho các tổ chức cơ sơ đảng; xây dựng và củng cố tổ chức để nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu, tạo được sự chuyển biến về chất lượng hoạt động; kiện toàn bộ máy 5 cơ quan tham mưu, giúp việc...; tích cực đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, đảm bảo vững mạnh về chính trị, tư tưởng và tổ chức. Đến nay, Đảng bộ Tập đoàn có 32 tổ chức Đảng trực thuộc với 2.238 đảng viên. 

PV: Trước nhu cầu sử dụng điện ngày càng cao của đất nước, Đảng bộ đã có định hướng gì trước mắt và lâu dài, để lãnh đạo Tập đoàn đáp ứng cơ bản nhu cầu điện cho nền kinh tế và sinh hoạt của nhân dân? 

Ông Nguyễn Hữu Tuấn: Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Tập đoàn lần thứ I, nhiệm kỳ 2010 - 2015 nêu rõ những giải pháp nhằm thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị thời gian tới, trong đó nhiệm vụ trọng tâm là đáp ứng cơ bản nhu cầu điện cho nền kinh tế và sinh hoạt của nhân dân, cụ thể là:

- Về sản xuất và cung ứng điện: Đảm bảo vận hành an toàn và ổn định hệ thống điện; chú trọng nâng cấp các nhà máy điện, các đường dây truyền tải có thời gian vận hành lâu năm; tăng cường công tác quản lý kỹ thuật, an toàn hành lang lưới điện, an toàn lao động, giảm sự cố; khai thác tối ưu nhất đối với các nguồn nhiên liệu, đặc biệt nguồn tài nguyên thủy điện, nguồn nhiên liệu khí, nguồn than trong nước và nhập khẩu cho phát điện; đưa các nhà máy đang xây dựng vào vận hành đúng tiến độ. 

- Giảm tỷ lệ điện tổn thất và thực hành tiết kiệm điện: Sử dụng đồng bộ các giải pháp về kinh tế, kỹ thuật để giảm tỷ lệ điện dùng cho truyền tải và phân phối điện; chủ động tham mưu, triển khai sâu rộng và thực hiện nghiêm túc Luật sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả. 

- Nâng cao năng suất lao động và giảm chi phí sản xuất, kinh doanh: Đẩy mạnh các chương trình tự động hóa lưới điện, nhà máy điện; giảm chi phí cho một đơn vị sản phẩm bằng các giải pháp khoa học, công nghệ; tổ chức sản xuất, phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật; giảm chi phí và lực lượng lao động gián tiếp thông qua việc áp dụng công nghệ mới trong phương thức thu, thanh toán tiền điện; xây dựng mô hình tổ chức thống nhất và bộ máy quản lý ở các nhà máy điện, tổng công ty truyền tải và phân phối; tiến hành cổ phần hóa mạnh các đơn vị sản xuất, dịch vụ và đào tạo, nhằm giảm lực lượng lao động trong biên chế như hiện nay. 

- Đảm bảo nhu cầu vốn đầu tư: Đảm bảo nguồn vốn tự có của Tập đoàn đạt mức có thể trả nợ và đầu tư phát triển với mức tỷ lệ tự đầu tư trong giai đoạn 2010 - 2015 đạt trên 25%; đẩy nhanh tiến độ các công trình đưa vào vận hành để nâng cao hiệu quả nguồn vốn; đảm bảo sản xuất kinh doanh đạt lợi nhuận cao; tăng cường hợp tác với các tổ chức quốc tế vay vốn ODA, các ngân hàng thương mại trong nước để vay vốn đầu tư xây dựng; phát hành trái phiếu trong nước và quốc tế; sử dụng hiệu quả nguồn vốn ngân sách nhà nước để thực hiện di dân tái định cư các công trình nguồn điện và các chương trình phát triển lưới điện vùng đồng bào dân tộc khó khăn. 

PV: EVN định hướng phát triển thành tập đoàn kinh tế đa ngành, đa lĩnh vực, vậy ngành nào, lĩnh vực nào được Đảng bộ coi là quan trọng, then chốt để tập trung lãnh đạo? Những giải pháp chủ yếu để hoàn thành nhiệm vụ đó? 

Ông Nguyễn Hữu Tuấn: Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Tập đoàn lần thứ I, nhiệm kỳ 2010 - 2015 đã khẳng định: Nhiệm vụ trọng tâm là đáp ứng cơ bản nhu cầu điện cho nền kinh tế và sinh hoạt của nhân dân, vì vậy phát triển kinh tế đa ngành, đa lĩnh vực để sử dụng tối ưu hoá nguồn lực của Tập đoàn, khai thác có hiệu quả tiềm năng sẵn có, phát huy tối đa nội lực đồng thời thu hút các nguồn lực bên ngoài theo hướng xã hội hóa..., cũng là nhằm phục vụ cho nhiệm vụ then chốt là sản xuất và cung ứng đủ điện cho nền kinh tế và sinh hoạt của nhân dân. 

Để hoàn thành nhiệm vụ đó, Đảng bộ Tập đoàn phải thực hiện đồng bộ 7 nhóm giải pháp sâu đây: 

Một là, thực hiện vai trò chủ đạo trong đảm bảo đầu tư, phát triển nguồn và lưới điện theo Quy hoạch điện VI, vận hành tối ưu, đáp ứng nhu cầu điện cho phát triển kinh tế - xã hội của đất nước phù hợp với năng lực tài chính và khả năng trả nợ của Tập đoàn; 

Hai là, phấn đấu hoàn thành chương trình đưa điện về nông thôn, miền núi đã được đề ra, đảm bảo đến năm 2020 hầu hết số hộ dân nông thôn có điện theo Nghị quyết của Bộ Chính trị về định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia; 

Ba là, tiếp tục sắp xếp, đổi mới, nâng cao năng lực quản trị doanh nghiệp và hoàn thiện cơ chế hoạt động để phát triển EVN thành Tập đoàn kinh tế mạnh; kinh doanh có hiệu quả, bảo toàn và phát triển vốn; 

Bốn là, khai thác có hiệu quả tiềm năng sẵn có và các lợi thế để phát triển kinh doanh viễn thông và công nghệ thông tin, phấn đấu trở thành nhà cung cấp viễn thông hàng đầu; phát triển mạnh cơ khí điện, cơ bản đáp ứng nhu cầu cơ khí điện trong nước; đầu tư hợp lý có hiệu quả với tỷ lệ theo qui định của Chính phủ để phát triển các lĩnh vực ngân hàng, tài chính, bảo hiểm... 

Năm là, hoàn thiện thực hiện lộ trình cấp độ 1 thị trường phát điện phát triển cạnh tranh, tạo tiền đề chuẩn bị thực hiện lộ trình cấp độ 2 cho thị trường bán buôn điện cạnh tranh đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; 

Sáu là, áp dụng khoa học và công nghệ tiên tiến trong xây dựng, quản lý vận hành hệ thống điện; tăng cường đào tạo nhân lực để quản lý, vận hành hệ thống điện và chuẩn bị nguồn nhân lực trình độ cao đáp ứng yêu cầu hiện đại hóa ngành điện; cải thiện và từng bước nâng cao đời sống của người lao động; Tăng cường thực hiện nhiệm vụ quốc phòng - an ninh, phòng chống tham nhũng; thực hiện văn hoá doanh nghiệp; 

Bảy là, tăng cường hợp tác quốc tế, mở rộng hội nhập và nghiên cứu kết nối lưới điện với với Lào, Campuchia, Trung Quốc và các nước trong khu vực để trao đổi điện năng. 

PV: Xin Ông cho biết những kết quả từ cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” của EVN và vai trò của Đảng trong việc tiếp tục thực hiện hiệu quả Cuộc vận động? 

Ông Nguyễn Hữu Tuấn: Là đơn vị được chọn chỉ đạo điểm của Ban chỉ đạo Trung ương Cuộc vận động, ngay sau khi thành lập, Đảng ủy Tập đoàn và cấp uỷ các cấp đã xây dựng kế hoạch, thành lập ban chỉ đạo, xây dựng chương trình hành động, triển khai thực hiện, đảm bảo đúng mục đích, yêu cầu đề ra. 

Thông qua thực hiện Cuộc vận động, cán bộ, đảng viên, CNVC có nhiều chuyển biến tích cực, thực hiện tốt hơn các quy định về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, tiết kiệm vật tư, tài chính, thời gian lao động, bảo quản tài sản, tiết kiệm trong chi tiêu hành chính. Cuộc vận động đã giúp cho cán bộ, đảng viên và CNVC trong Tập đoàn phấn khởi, nỗ lực cao hơn trong khó khăn, nhiều công trình được đưa vào vận hành trước tiến độ, góp phần hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Trong thời gian tới, Đảng bộ tiếp tục lãnh đạo cán bộ, đảng viên, công nhân viên và người lao động học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh với nội dung trọng tâm là giáo dục rèn luyện đạo đức, lối sống; nâng cao tinh thần trách nhiệm phục vụ nhân nhân; gắn với cuộc vận động toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá và thực hiện nhiệm vụ chính trị của từng cơ quan, đơn vị, làm cho Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” trở thành động lực trong thực hiện nhiệm vụ của mỗi cán bộ, đảng viên. 

PV: Xin cảm ơn ông!

  • Tags: