Hà Nội: Bia cỏ tung hoành

Trong thời gian vừa qua, dư luận đang xôn xao về tình trạng “bia hơi dởm” xuất hiện ngày càng nhiều trong các quán hàng ăn, thực trạng này đã tồn tại quá lâu, hậu quả của nó không thể lường trước được

Gần đây, xu hướng uống bia hơi của người dân trở nên phổ biến, không chỉ ở những thành phố lớn mà ngay cả vùng thôn quê, thị trường bia hơi trở nên sôi động. Theo quy luật chung, “cầu” lớn thì ắt “cung” phải tăng. Tuy nhiên, trong lúc “cung tăng” thì xuất hiện tình trạng các chủ quán bia trộn bia kém chất lượng vào bia chuẩn để hưởng lợi.

Trong những lần có mặt tại các quán bia hơi trên địa bàn Hà Nội, tôi đã nghe được nhiều tâm sự của các thực khách bày tỏ về vấn đề bia kém chất lượng trong các nhà hàng, anh Hoàng Anh một khách hàng đang thưởng thức bia trên đường Tăng Bạt Hổ: “Ngoài một số nhà hàng uy tín ra thì hầu như các quán bia hơi đều có những mánh khoé riêng, chủ nhà hàng có thể cho bia xịn lúc thực khách mới vào, nhưng khi khách đã ngấm dần thì nhà hàng bắt đầu cho bia loại hai hay loại bia cỏ kém chất lượng, lúc này khách không có khả năng phân biệt”. Đây chính là quy luật “lợi ích cận biên” mà các nhà hàng áp dụng nhằm trục lợi.

Còn anh Long ở Hoàng Quốc Việt thì cho rằng, đã nhiều lần uống bia hơi bị đau đầu, anh khẳng định chắc chắn bia đã bị pha trộn, anh Long cho hay: “Một bom bia hơi Hà Nội loại 50 lít được bán với giá khoảng 425.000 ngàn đồng. Hiện giá bán phổ biến là 6.000 đến 6.500 đồng/cốc, như vậy mỗi cốc, chủ quán bia hơi đang “khuyến mãi” cho khách hàng khoảng 4.000 đồng. Với mức tiêu thụ mạnh khoảng 25 bom/ngày thì mỗi ngày chủ quán phải mất khoảng 5 triệu đồng, từ sự phân tích này chắc chắn rằng chủ quán đang bán bia dởm rất nhiều”. Theo như sự phân tích trên thì lợi nhuận từ các bom bia là rất lớn, hiện tượng này xuất hiện phải chăng các xưởng sản xuất bia thủ công đang quá thuận lợi trong việc sản xuất đơn giản và sơ sài của mình. Mặt khác, từ nhiều năm nay các nhà  sản xuất bia chuẩn tại Hà Nội chỉ đáp ứng dưới 50% nhu cầu của thực khách, do vậy trên 50% “thị phần” đã mở cho bia cỏ “hoà đồng”!

Bên cạnh những hãng bia tên tuổi như bia Hà Nội, Sài Gòn, Việt Hà, Halida... còn có hàng trăm cơ sở sản xuất bia thủ công trên địa bàn Hà Nội và các tỉnh lân cận cung cấp cho thị trường bia hơi Hà Nội. Thế nhưng, hàng triệu lít bia mỗi ngày cũng chưa đủ cho những ngày hè nóng bức. Vì thế, các quán bia to nhỏ mọc lên như nấm, từ phố lớn đến ngõ ngách nhỏ, các xưởng sản xuất bia tư nhân đều gia tăng chóng mặt.

 Một vòng xung quanh TP. Hà Nội, chúng ta có thể bắt gặp rất nhiều cơ sở sản xuất bia hơi thủ công, một số xưởng bia trên đường Thụy khê (Quận Tây Hồ), Cầu Diễn, Đông Anh (Hà Nội), các thùng đựng bia được vứt ngổn ngang. Tại một xưởng bia ở Triều Khúc, Thanh Xuân (Hà Nội), mặt bằng ở đây rất chật chội, không thấy dụng cụ đóng chai đâu, thậm chí vỏ chai cũng không có, chỉ thấy “bom” rỗng nằm ngổn ngang trên nền nhà ướt át bẩn thỉu, nhưng bên ngoài xưởng vẫn treo biển “Chuyên sản xuất bia hơi và bia chai chất lượng cao”.

Trên địa bàn huyện Đông Anh rất nhiều xưởng bia hơi tồn tại, công nhân sản xuất bia vẫn không có đồng phục, khi được hỏi thì chị công nhân ở đây vô tư nói rằng: “Bom bia chúng em đem về có lúc nào tráng đâu, chỉ để thế rồi bơm bia vào bán luôn”. Theo như một số công nhân ở đây kể thì thùng đựng bia gom về chẳng cần rửa lại, mà tiếp tục được bơm bia mới rồi chuyển đi. Men ủ bia chưa đủ chín đã được xuất xưởng. Thậm chí hàng ế đem về được lọc lại, bơm thêm gas CO2 rồi trộn với bia mới và tiếp tục đưa ra thị trường. Bia cỏ kém chất lượng được các chủ quán đặt mua về pha vào bia xịn rồi rót ra bán cho khách, mỗi thùng bia cỏ loại 50 lít cho lợi nhuận rất cao từ 200 – 250 ngàn đồng.

Việc sản xuất bia thủ công cũng rất đơn giản, công nghệ chủ yếu dựa theo kinh nghiệm “truyền miệng”, công nhân trực tiếp làm chỉ được hướng dẫn sơ sài. Nhìn chung, các xưởng sản xuất bia thủ công này thường chỉ ủ bia 4-5 ngày, thậm chí trong mùa tiêu thụ mạnh, các chủ sản xuất chỉ cho ủ từ 1-2 ngày, men ủ cũng bị giảm đến mức tối đa, ngoài ra nước để nấu bia là nước giếng khoan. Trong khi đó, các nhà máy sản xuất đạt tiêu chuẩn cần phải ủ bia từ 15-20 ngày và dùng nước tinh khiết để sản xuất. Do quy trình sản xuất của các xưởng sản xuất tư nhân như vậy nên giá bia cỏ rất thấp. Bia thường có vị chua, hàm lượng cồn cao dễ say và gây đau đầu, còn tác dụng về lâu dài thì không thể lường trước được.

Kết quả kiểm tra mới đây của Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội cho thấy, trên địa bàn chỉ có 75/141 cơ sở sản xuất thực phẩm, đồ uống đạt yêu cầu về vệ sinh nhà xưởng, sự ô nhiễm đã quá mức cho phép từ 30-50 lần. Nhiều cơ sở chật chội, không được đầu tư nâng cấp. Có 37 xưởng không đạt tiêu chuẩn vệ sinh ngoại cảnh và môi trường, 46 cơ sở không đạt tiêu chuẩn vệ sinh dụng cụ, 43 cơ sở kém về vệ sinh cá nhân, còn 11 xưởng không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.

Với tình trạng sản xuất bia kém chất lượng này, các cơ quan chức năng cần thường xuyên kiểm tra nhà xưởng, quán hàng đang sản xuất, pha trộn bia kém chất lượng. Cần tăng cường kiểm tra định kỳ và xử phạt nghiêm minh những trường hợp vi phạm để đảm bảo sức khoẻ cho cộng đồng và đảm bảo công bằng cho những nhà sản xuất chân chính. Còn với người tiêu dùng thì nên tìm những địa chỉ tin cậy, những địa chỉ vàng được bảo đảm cam kết của các nhà sản xuất uy tín hiện nay như: Bia Hà Nội, Bia Sài Gòn, Bia Việt Hà... và nên thưởng thức bia tại các quán có tên tuổi có cam kết đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.

  • Tags: