Những ngày đầu nới lỏng giãn cách: Nguồn cung đầy đủ, không có hiện tượng đầu cơ, găm hàng

Chiều 26/4/2020, Tổng cục Quản lý thị trường (Bộ Công Thương) thông tin diễn biến thị trường hàng hóa trong dịch Covid-19.

Theo báo cáo nhanh của lực lượng Quản lý thị trường các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, các cơ sở kinh doanh cơ bản đã chấp hành nghiêm việc niêm yết giá và bán theo giá niêm yết.

Cùng với đó, các siêu thị, cửa hàng tiện ích tăng lượng dự trữ hàng hóa nên nguồn cung các mặt hàng lương thực, thực phẩm tương đối đầy đủ.

Tại Khánh Hòa, các khu vui chơi, giải trí, các dịch vụ không thiết yếu trên địa bàn vẫn tạm thời đóng cửa. Một số cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, nhà hàng, quán ăn... đã mở cửa hoạt động trở lại.

Công tác kiểm tra, giám sát, tuyên truyền vận động các cơ sở kinh doanh, quầy thuốc, nhà thuốc tiếp tục được triển khai. Giá cả các mặt hàng thiết yếu trên địa bàn ổn định; hàng hóa tại các siêu thị, cửa hàng tiện ích, chợ, trung tâm thương mại dồi dào đáp ứng đầy đủ nhu cầu tiêu dùng của người dân.

giãn cách xã hội
Trong những ngày nới lỏng giãn cách xã hội, tại Khánh Hòa, hàng hóa dồi dào nguồn cung, không có hiện tượng đầu cơ, găm hàng, định giá bán hàng hóa bất hợp lý

Trong ngày, lực lượng quản lý thị trường Khánh Hòa chưa phát hiện hành vi đầu cơ, găm hàng, định giá bán hàng hóa bất hợp lý.

Đáng chú ý, mặt hàng khẩu trang vải kháng khuẩn và dung dịch sát khuẩn cơ bản đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của người dân, giá bán tương đối ổn định.

Để hỗ trợ người dân dễ dàng tiếp cận các điểm bán khẩu trang vải (khẩu trang vải kháng khuẩn, khẩu trang vải kháng khuẩn, kháng giọt bắn, khẩu trang vải thường) để phòng, chống dịch bệnh Covid-19, Tổng cục Quản lý thị trường cung cấp danh sách các điểm bán khẩu trang vải các loại trên địa bàn một số tỉnh, thành phố trong cả nước trên trang thông tin điện tử của Tổng cục.

Trong ngày 26/4/2020, lực lượng quản lý thị trường cả nước đã kiểm tra, giám sát 30 vụ việc. Lũy kế từ ngày 31/1 đến ngày 26/4/2020, lực lượng quản lý thị trường cả nước đã kiểm tra, giám sát 8.544 vụ việc, số tiền xử phạt vi phạm hành chính là 4,37 tỷ đồng.

Điển hình, ngày 26/4, Cục Quản lý thị trường tỉnh Thanh Hóa đã cập nhật kết quả kiểm tra, xử lý vi phạm hành chính, buộc tiêu hủy hơn 1.200 chiếc khẩu trang vải không có giá trị sử dụng.

Cụ thể, ngày 22/4/2020, Cục QLTT Thanh Hóa đã ban hành Quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với Công ty TNHH may HGP, địa chỉ thôn Thọ Thượng, xã Thăng Thọ, huyện Nông Cống, tỉnh Thanh Hóa. Đã có hành vi vi phạm hành chính.

Theo đó, cơ sở này đã sản xuất hàng giả là khẩu trang vải kháng khuẩn không có giá trị sử dụng, công dụng. Phạt tiền 30.000.000 đồng, tịch thu phương tiện là công cụ, máy móc và vật khác được sử dụng để sản xuất hàng giả gồm: 1 chiếc máy khâu nhãn hiệu SOTA đã qua sử dụng; 1 chiếc máy khâu nhãn hiệu TYPICAL đã qua sử dụng. Đình chỉ hoạt động một phần hoạt động sản xuất vi phạm trong thời hạn 18 tháng.

Ngoài ra, buộc tiêu hủy toàn bộ tang vật là 1.240 chiếc khẩu trang vải kháng khuẩn Nudin do công ty TNHH may HGP sản xuất giả không có giá trị sử dụng, công dụng.

kiểm tra khẩu trang
Trong ngày 26/4, lực lượng quản lý thị trường cả nước đã kiểm tra, giám sát 30 vụ việc liên quan đến các mặt hàng phục vụ công tác phòng, chống dịch Covid-19

Cùng với đó, lực lượng chức năng cũng xử phạt cơ sở này về hành vi kinh doanh ở địa điểm mà không thông báo với Phòng đăng ký kinh doanh cấp tỉnh nơi doanh nghiệp thực hiện hoạt động kinh doanh, phạt tiền: 7.500.000 đồng và buộc thông báo nơi đặt địa điểm kinh doanh với Phòng đăng ký kinh doanh cấp tỉnh.

Trong công tác phòng chống dịch Covid-19, Cục Quản lý thị trường tỉnh Thanh Hóa đã xử lý 57 cơ sở với tổng số tiền xử phạt vi phạm hành chính 212,5 triệu đồng.

Các hành vi vi phạm chủ yếu gồm: không niêm yết giá, lợi dụng dịch bệnh để định giá bán hàng hóa bất hợp lý, kinh doanh hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ...

Ngoài ra, các Đội QLTT đã tổ chức ký cam kết đến 1.777 cơ sở bảo đảm chấp hành các quy định pháp luật trong hoạt động kinh doanh.

Đặc biệt là đối với các mặt hàng phục vụ phòng, chống dịch và phối hợp với Đài phát thanh truyền hình, báo Thanh Hóa tuyên truyền thông tin về công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19, đưa tin kịp thời các vụ việc kiểm tra, kiểm soát thị trường trên địa bàn tỉnh của các lực lượng chức năng tránh để xảy ra hiện tượng đầu cơ găm hàng, tăng giá bất hợp lý mặt hàng khẩu trang, nước sát trùng, găng tay y tế, lương thực thực phẩm để trục lợi bất chính.

Trong thời gian tới, Tổng cục sẽ tiếp tục chỉ đạo, đôn đốc lực lượng QLTT tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm các trường hợp buôn lậu, gian lận thương mại, đầu cơ găm hàng, gây khan hiếm giả tạo, hàng giả, hàng nhái trên thị trường, nhất là các mặt hàng thiết yếu trong phòng chống dịch như khẩu trang, dung dịch diệt khuẩn, vật tư y tế. 

Hạ An