Petrovietnam: Khẩn trương xây dựng Kế hoạch thực hiện Quy hoạch điện VIII

Dự thảo Chiến lược phát triển Petrovietnam với định hướng ưu tiên phát triển nhiệt điện khi sử dụng nguồn khí trong nước kết hợp với nguồn LNG nhập khẩu và mở rộng phát triển điện gió ngoài khơi, năng lượng mới (hydro/amoniac) là phù hợp Quy hoạch điện VIII.

Tại tọa đàm về Quy hoạch điện VIII và các giải pháp thích ứng đối với Petrovietnam, đại diện Ban Chiến lược Petrovietnam đã trình bày tổng quan về Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Quy hoạch điện VIII) và đánh giá những tác động đến Petrovietnam. Theo đánh giá chung, tốc độ tăng trưởng điện thương phẩm trung bình cho giai đoạn 2021-2025 là 9,3%/năm, giai đoạn 2026-2030 là 8,6%/năm và giai đoạn 2031-2050 khoảng 4,7%/năm; Các nguồn năng lượng tái tạo (NLTT) như điện gió trên bờ, điện gió ngoài khơi (ĐGNK), điện sinh khối và nguồn điện mặt trời được ưu tiên phát triển, với tỷ trọng vào khoảng 30,9-39,2% vào năm 2030 và đến năm 2050 đạt 67,5-71,5%.

Tỷ trọng nguồn điện khí (khí tự nhiên trong nước và LNG nhập khẩu) tăng từ 10,2% (7,08 GW) năm 2020 lên 21,8% (32 GW) năm 2030, cho thấy sự chuyển dịch sang nhiên liệu ít phát thải khí nhà kính hơn, đồng thời linh hoạt hỗ trợ tốt hơn cho nguồn NLTT.

Quy hoạch điện VIII còn ưu tiên phát triển không giới hạn công suất các nguồn điện từ NLTT phục vụ xuất khẩu, sản xuất năng lượng mới (hydro, amoniac xanh...) với mục tiêu đến năm 2030, quy mô công suất xuất khẩu điện đạt khoảng 510 GW.

Petrovietnam Quy hoạch điện Viii
Lãnh đạo Tập đoàn Petrovietnam và các ban chuyên môn thảo luận, góp ý tại tọa đàm

 

Về tác động của Quy hoạch điện VIII đối với Petrovietnam, báo cáo cũng chỉ rõ những cơ hội cũng như thách thức đặt ra. Trong đó, nguồn điện khí được coi là cầu nối chuyển tiếp hướng tới đáp ứng Net Zero vào năm 2050 của Việt Nam. Điều này thể hiện rõ tỷ trọng nguồn điện khí tăng nhanh từ 10% hiện nay lên gần 25% vào đến 2030. Với nhu cầu tiêu thụ khí, LNG và Hydrolamoniac xanh cao cho thấy đây là thị trường tiềm năng để Petrovietnam tập trung đầu tư phát triển lĩnh vực công nghiệp khí và chế biến dầu khí nhằm đáp ứng nhu cầu tiêu thụ trong nước, góp phần đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia.

Dự thảo Chiến lược phát triển Petrovietnam với định hướng ưu tiên phát triển nhiệt điện khi sử dụng nguồn khí trong nước kết hợp với nguồn LNG nhập khẩu và mở rộng phát triển ĐGNK, năng lượng mới (hydro/amoniac) là phù hợp Quy hoạch điện VIII.

Tuy nhiên, việc triển khai các nhiệm vụ được giao tại Quy hoạch điện VIII (dự án nguồn khí trong nước, hạ tầng LNG, 5 dự án nguồn điện) theo đúng tiến độ, đồng thời xây dựng Kế hoạch/Lộ trình chuyển đổi nhiên liệu cho các nhà máy nhiệt điện khí và than là thách thức lớn đòi hỏi Petrovietnam phải tập trung mọi nguồn lực triển khai. Trong khi đó, mục tiêu phát triển lĩnh vực điện của Petrovietnam, đến năm 2045 tổng công suất đạt 37-47 GW, trong đó điện NLTT đạt 3,7-9,4 GW đòi hỏi Tập đoàn phải tích cực tìm kiếm các cơ hội/dự án đầu tư nguồn điện.

Về các đề xuất, kiến nghị để thực hiện mục tiêu đề ra, Petrovietnam cần khẩn trương xây dựng Kế hoạch triển khai thực hiện Quy hoạch điện VIII theo nội dung liên quan đến Tập đoàn; Rà soát danh mục đầu tư, xây dựng chiến lược phát triển như tính đến việc mở rộng phát triển khách hàng tiêu thụ khí, LNG tại lĩnh vực công nghiệp khí; Xác định thị phần, dự án điện tái tạo đáp ứng nhu cầu trong nước và xuất khẩu. Lĩnh vực chế biến và tồn trữ các sản phẩm dầu khí: xác định mục tiêu, thị phần cung cấp năng lượng mới như hydro/amoniac xanh tại lĩnh vực điện và NLTT.

Ngoài ra, đề xuất cơ chế thí điểm (fast track) cho phép Petrovietnam triển khai dự án ĐGNK để đáp ứng mục tiêu Quy hoạch điện VIII vào năm 2030 đạt 6 GW, xem xét cân nhắc xây dựng riêng Chiến lược/Lộ trình phát triển NLTT, năng lượng mới (hydro/amoniac xanh...).

Đối với Chính phủ, sớm tháo gỡ các khó khăn vướng mắc, hoàn thiện các cơ chế, chính sách để phát triển đồng bộ chuỗi dự án khí điện LNG, như các quy định tiêu chuẩn kỹ thuật, quy định, hợp đồng bao tiêu khối lượng khí, sản lượng điện... thúc đẩy xây dựng hạ tầng kho cảng nhập khẩu, phân phối LNG..., đặc biệt trong bối cảnh nhu cầu phát triển nguồn điện LNG lên tới 22,4 GW vào năm 2030.

Hoàn thiện, phê duyệt Quy hoạch không gian biển quốc gia giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và các cơ chế, chính sách thúc đẩy phát triển ĐGNK, trong đó chấp thuận cho phép các doanh nghiệp nhà nước tham gia triển khai thí điểm (fast track) dự án ĐGNK nhằm đáp ứng mục tiêu phát triển 6 GW vào năm 2030. Cùng đó, đẩy nhanh việc hoàn thiện các cơ chế, chính sách, quy định liên quan đến việc thúc đẩy phát triển, sử dụng các nguồn năng lượng mới như hydro/amoniac xanh.

Nguyên Hà