Người tiêu dùng Canađa ngày càng quan tâm nhiều hơn đến mặt hàng thủ công mỹ nghệ (TCMN), đặc biệt là hàng ngoại nhập. Đây chính là cơ hội cho hàng thủ công mỹ nghệ Việt Nam nếu doanh nghiệp xuất khẩu biết tận dụng thời cơ và đảm bảo đúng những yêu cầu mà thị trường này đặt ra.

            Dự báo nhu cầu hàng năm đối với mặt hàng TCMN tại Canađa đạt khoảng 750 triệu - 1 tỷ USD. Theo ước tính, khoảng 60% các mặt hàng TCMN cung ứng cho thị trường nội địa Canađa được nhập khẩu từ bên ngoài. Đối tác xuất khẩu các mặt hàng này sang Canađa là Mỹ, Trung Quốc, EU, Ấn Độ, Thái Lan, Phillipines, Indonesia, Việt Nam…

            Thị trường màu mỡ cho hàng TCMN Việt Nam

            Thương vụ Canađa cho biết, Canađa là quốc gia đa sắc tộc, dân số đa dạng, tăng nhanh, có nhu cầu ngày càng cao với đủ loại mặt hàng từ đồ pha lê đến đồ sứ chạm khắc, đồ trang trí… Người tiêu dùng Canađa đang có xu hướng quan tâm đến truyền thống văn hóa và nghệ thuật của nước ngoài; đến phong cách sống mới được giới thiệu qua các hoạt động quảng bá du lịch. Thêm vào đó, sự đánh thức niềm tự hào của các nhóm cộng đồng di dân đã tạo ra một thị trường mới cho mặt hàng TCMN. Trong khi đó, ngành hàng TCMN ở Canađa bao gồm các hoạt động kinh doanh nhỏ và vừa thường được điều hành tại các studio, xưởng sản xuất nhỏ. Sự cạnh tranh mang tính chất quốc tế đối với một số mặt hàng TCMN của Canađa hầu như không có, mặc dù các nhóm mặt hàng này đôi khi kết hợp với nhau để bán hàng và tiếp thị. Hình ảnh mờ nhạt của ngành TCMN từng được coi là "công nghiệp vô hình" đã hạn chế sự đóng góp đáng kể về kinh tế, văn hóa Canađa của các nghệ nhân và thị trường TCMN.

            Thị trường hàng TCMN ở Canađa bao gồm các sản phẩm từ những hàng hóa thủ công độc đáo như đồ trang sức mỹ nghệ thời trang, đến các sản phẩm lớn như những bức trướng treo tường, bức điêu khắc gỗ và kim loại, đồ nội thất và vật dụng trang trí dùng cho nhà ở hoặc văn phòng. Đặc biệt họ rất chú ý đến những sản phẩm thủ công nhập khẩu với chất liệu đa dạng từ tơ sợi, đá, kim loại, kính gỗ, da vải và giấy…, tạo một thị trường màu mỡ cho hàng TCMN Việt Nam.

            Cũng theo Thương vụ Canađa, người tiêu dùng Canađa đang có xu hướng tập trung vào trang trí nhà cửa sao cho tiện nghi và sinh động hơn, nên mặt hàng trang trí nhà cửa đang trở nên ăn khách. Bên cạnh đó, giữa các miền lại có sự khác biệt về phong cách: ở bờ biển phía Tây có xu hướng thích đơn giản, còn ở miền Trung cầu toàn hơn - đây là điều mà doanh nghiệp xuất khẩu hàng TCMN Việt Nam cần lưu tâm để có chiến lược xuất khẩu các mặt hàng phù hợp với từng khu vực. Ngoài ra, người Canađa ngày càng để ý đến trang trí khu đất trước và sau nhà bằng cách thiết kế những mảnh vườn, khu thư giãn. Vì vậy, những mặt hàng như tượng trang trí, bình hoa, đồ gỗ mỹ nghệ… được sử dụng với số lượng lớn và rất đa dạng.

            Các mặt hàng TCMN trang trí phòng tắm chứa đựng sắc tố tự nhiên như đá granit và đá hoa cương cũng đang được phổ biến tại Canađa. Các sản phẩm chăm sóc cá nhân, liệu pháp bằng mùi hương, nến, thảm yoga, đài phun nước…, là những mặt hàng đang được ưa chuộng và dành cho những khách hàng "bình dân". Ngoài ra, mảng thị trường quà tặng thủ công dành cho các công ty, đặc biệt là mặt hàng TCMN có gắn logo hay biểu tượng nhận biết về công ty đó… cũng là một mảnh đất tiềm năng cho hàng TCMN Việt Nam.

            Chữ tín là yêu cầu hàng đầu

            Cục Xúc tiến thương mại nhận định, trong hầu hết các trường hợp, khách hàng Canađa là khách mua lẻ hay là tổ chức thì họ đều đòi hỏi hàng hóa phải mang tính sáng tạo, chất lượng cao, giá cả phải chăng. Vì vậy, các mặt hàng TCMN Việt Nam cần đáp ứng đầy đủ những yêu cầu trên.

            Theo quy định của cơ quan thuế và hải quan Canađa, một số hàng TCMN nhập khẩu vào Canađa có thể được miễn hoặc áp mức thuế thấp, nếu hàng đến từ các nước được hưởng qui chế ưu đãi thuế quan chung (GPT), miễn là thỏa mãn các tiêu chí như: có hình thức hay trang trí truyền thống của người bản xứ hay đại diện cho bất kỳ biểu tượng quốc gia, lãnh thổ hay tôn giáo nào của nơi làm ra sản phẩm đó; được làm bởi thợ thủ công là đặc thù đối với quốc gia đó - không phải là hàng nhái của một nước khác…

            Ngược lại, hàng TCMN không đủ tiêu chuẩn miễn thuế hoặc hưởng mức thuế ưu đãi nếu là hàng tiêu dùng đơn thuần không có đặc điểm nghệ thuật hay trang trí nào; là hàng nhái hoặc bắt chước sản phẩm của nước khác.

            Do nhu cầu nhập khẩu cao nên hầu hết các nhà xuất khẩu hàng TCMN trên thế giới đều mong muốn hiện diện ở thị trường Canađa, vì vậy mà sự cạnh tranh diễn ra liên tục và rất quyết liệt. Thương vụ Canađa khuyến cáo, để hàng TCMN Việt Nam thâm nhập thành công vào thị trường hàng TCMN Canađa, doanh nghiệp cần chớp thời cơ gây ấn tượng tốt ban đầu cho các nhà nhập khẩu Canađa thông qua tiếp thị hình ảnh công ty, giới thiệu giá cả, quy cách kỹ thuật và giấy chứng nhận chất lượng sản phẩm TCMN của mình. Đặc biệt, hàng hóa nhập vào Canađa phải là hàng chất lượng cao, bền, do đó doanh nghiệp nên lưu tâm cụ thể đến yêu cầu dán nhãn và bao gói chính xác. Hàng TCMN dùng ngoài trời (có hoặc không có mái che) như hàng song, mây phải đủ khả năng chịu được sự biến đổi mạnh về nhiệt độ và độ ẩm. Mặt hàng dành cho trẻ em phải thỏa mãn yêu cầu chỉ tiêu an toàn về sức khỏe, tính mạng và các tiêu chuẩn chống cháy nổ. Đây là yếu tố vô cùng quan trọng tạo ấn tượng với nhà nhập khẩu nói chung và người tiêu dùng Canađa nói riêng.

            Việc thiết kế mẫu mã sản phẩm TCMN phải mang tính mới, kiểu dáng độc đáo, cải tiến phù hợp với cuộc sống hiện đại, có bản sắc văn hóa độc đáo, sản phẩm có tính thương mại và dễ sản xuất hàng loạt. Doanh nghiệp cần lưu ý tới những điểm mấu chốt như: sản xuất hàng mẫu với vòng quay nhanh, hàng giao phải đúng với đặc trưng kỹ thuật đã thỏa thuận; đảm bảo tính liên tục của nguồn cung; duy trì chất lượng cao ở mức giá cạnh tranh và bao bì thích hợp cho vận tải đường biển. Đặc biệt, phải tuyệt đối tôn trọng chữ tín kinh doanh, đây cũng chính là yêu cầu hàng đầu của các nhà nhập khẩu Canađa đối với đối tác làm ăn của họ.

 

  • Tags: