Phân biệt hợp đồng vô hiệu do giả tạo với một số loại hợp đồng vô hiệu khác

Nguyễn Việt Thu Hương (Sinh viên khoa Luật chất lượng cao, Trường Đại học Luật Hà Nội

Tóm tắt:

Bài viết phân tích sự khác nhau giữa hợp đồng vô hiệu do giả tạo so với hợp đồng vô hiệu do vi phạm điều cấm của luật hoặc trái đạo đức xã hội và hợp đồng vô hiệu do vi phạm ý chí tự nguyện khác, dựa trên các tiêu chí như căn cứ, ý chí các bên, mục đích, chủ thể xác lập, thời hiệu,…

Từ khóa: sự khác nhau, hợp đồng vô hiệu, hợp đồng vô hiệu do giả tạo.

1. Quy định về hợp đồng vô hiệu

Theo quy định tại Điều 385, Bộ luật Dân sự năm 2015, hợp đồng là sự thỏa thuận giữa các bên về việc xác lập, thay đổi hoặc chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự. Trong khi đó, Điều 116, Bộ luật Dân sự 2015 quy định: “Giao dịch dân sự là hợp đồng hoặc hành vi pháp lý đơn phương làm phát sinh, thay đổi hoặc chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự” do đó, hợp đồng được coi là một trong những giao dịch dân sự.

Như vậy, hợp đồng vô hiệu được hiểu là loại hợp đồng không có giá trị pháp lý và không làm phát sinh quyền, nghĩa vụ của các bên tham gia giao kết hợp đồng. Nói cách khác, hợp đồng vô hiệu là hợp đồng (hay giao dịch dân sự) không đáp ứng đầy đủ các điều kiện để hợp đồng có hiệu lực thực quy định pháp luật.

Cụ thể hơn, theo quy định tại Điều 122, Bộ luật Dân sự 2015 thì hợp đồng không có một trong các điều kiện sau thì vô hiệu, trừ trường hợp Bộ luật này có quy định khác:

  • Chủ thể có năng lực pháp luật dân sự, năng lực hành vi dân sự phù hợp với giao dịch dân sự được xác lập;
  • Chủ thể tham gia giao dịch dân sự hoàn toàn tự nguyện;
  • Mục đích và nội dung của giao dịch dân sự không vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội.

2. Phân loại hợp đồng vô hiệu

Căn cứ vào nguyên nhân gây ra vô hiệu hợp đồng, phân loại hợp đồng vô hiệu thành các loại cụ thể như sau:

2.1. Hợp đồng vô hiệu do vi phạm điều cấm của luật, trái đạo đức xã hội

Căn cứ theo quy định tại Điều 123, Bộ luật Dân sự thì hợp đồng mà có mục đích, nội dung vi phạm điều cấm của luật, trái đạo đức xã hội (những chuẩn mực ứng xử chung trong đời sống xã hội, được cộng đồng thừa nhận và tôn trọng) thì vô hiệu.

Ví dụ: Hợp đồng mua bán vận chuyển ma túy, các loại hàng hóa cấm sản xuất, buôn bán, tiêu thụ, các loại động vật quý hiếm có trong sách đỏ bị pháp luật cấm mua bán…

2.2. Hợp đồng vô hiệu do chủ thể ký kết

Hợp đồng vô hiệu do chủ thể ký kết là người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự, người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi, người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự xác lập, thực hiện được quy định tại Điều 125 Bộ luật Dân sự 2015.

Theo quy định của pháp luật hợp đồng này phải do người đại diện của họ xác lập, thực hiện hoặc đồng ý, trừ trường hợp sau:

Hợp đồng của người chưa đủ 6 tuổi, người mất năng lực hành vi dân sự nhằm đáp ứng nhu cầu thiết yếu hàng ngày của người đó;

Hợp đồng chỉ làm phát sinh quyền hoặc chỉ miễn trừ nghĩa vụ cho người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự, người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi, người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự với người đã xác lập, thực hiện giao dịch với họ;

Hợp đồng được người xác lập giao dịch thừa nhận hiệu lực sau khi đã thành niên hoặc sau khi khôi phục năng lực hành vi dân sự.

2.3. Hợp đồng vô hiệu do nhầm lẫn

Căn cứ theo Điều 126, Bộ luật Dân sự thì hợp đồng có sự nhầm lẫn làm cho một bên hoặc các bên không đạt được mục đích thì bên bị nhầm lẫn có quyền yêu cầu Tòa án tuyên bố giao dịch dân sự vô hiệu, trừ trường hợp sau:

- Mục đích xác lập hợp đồng của các bên đã đạt được;

- Các bên có thể khắc phục ngay được sự nhầm lẫn làm cho mục đích của việc xác lập giao dịch dân sự vẫn đạt được.

2.4. Hợp đồng vô hiệu do bị lừa dối, đe dọa, cưỡng ép

Khi một bên tham gia giao dịch dân sự do bị lừa dối hoặc bị đe dọa, cưỡng ép thì có quyền yêu cầu Tòa án tuyên bố hợp đồng đã ký kết là vô hiệu (theo quy định tại Điều 127, Bộ luật Dân sự).

2.5. Hợp đồng vô hiệu do người xác lập không nhận thức và làm chủ được hành vi của mình

Hợp đồng vô hiệu trong trường hợp người xác lập không nhận thức và làm chủ được hành vi của mình (theo quy định tại Điều 128, Bộ luật Dân sự).

Ví dụ: Hợp đồng được ký khi một trong các bên bị say rượu, sử dụng chất ma túy không nhận thức và làm chủ được hành vi của mình thì bị vô hiệu.

2.6. Hợp đồng vô hiệu do không tuân thủ quy định về hình thức

Rất nhiều trường hợp hợp đồng bị vô hiệu do không tuân thủ hành quy định về hình thức (theo Điều 129, Bộ luật Dân sự). Cụ thể như: hợp đồng văn bản không có chữ ký đóng dấu xác nhận của các bên, hợp đồng không có công chứng của cơ quan pháp luật,…

2.7. Hợp đồng vô hiệu từng phần

Hợp đồng bị vô hiệu từng phần khi một phần nội dung của hợp đồng vô hiệu nhưng không ảnh hưởng đến hiệu lực phần còn lại của giao dịch. Khi ký hợp đồng các bên cần lưu ý để nội dung hợp đồng là nhất quán và không vi phạm quy định pháp luật về hợp đồng.

2.8. Hợp đồng vô hiệu do giả tạo

Hợp đồng vô hiệu do giả tạo được căn cứ theo quy định tại Điều 124, Bộ luật Dân sự 2015. Trong trường hợp các bên ký hợp đồng giả tạo để che giấu một hợp đồng khác thì hợp đồng giả tạo vô hiệu, hợp đồng bị che giấu vẫn có hiệu lực. Nếu hợp đồng bị che giấu thuộc trường hợp giao dịch đó cũng vô hiệu theo quy định của Bộ luật này hoặc luật khác có liên quan thì hợp đồng đó vô hiệu.

Trường hợp hợp đồng giả tạo nhằm trốn tránh nghĩa vụ với người thứ ba thì giao dịch dân sự đó vô hiệu.

3. Nhận diện hợp đồng vô hiệu do giả tạo

Điều 124 Bộ luật Dân sự 2015 nêu lên cách hiểu về giao dịch dân sự vô hiệu do giả tạo và ghi nhận các hình thức của giao dịch do giả tạo như sau: "Khi các bên xác lập giao dịch dân sự một cách giá tạo nhằm che giấu một giao dịch dân sự khác thì giao dịch dân sự giả tạo vô hiệu, còn giao dịch dân sự bị che giấu vẫn có hiệu lực, trừ trường hợp giao dịch đó cũng vô hiệu theo quy định của Bộ luật này hoặc luật khác có liên quan. Trường hợp thiết lập giao dịch dân sự giả tạo nhằm trốn tránh nghĩa vụ với người thứ ba thì giao dịch dân sự đó vô hiệu”.

Từ cơ sở pháp luật nói trên có thể phân tích, hợp đồng vô hiệu do giả tạo là hợp đồng được các bên xác lập trên cơ sở ý chí không đích thực, không có sự thống nhất giữa ý chí thực sự bên trong và bày tỏ ý chí thực sự ra bên ngoài. Do đó, hợp đồng giả tạo bị coi là vi phạm pháp luật và bị tuyên bố vô hiệu do thiếu đi sự thống nhất về ý chí này.

Hợp đồng vô hiệu do giả tạo có 2 trường hợp, đó là hợp đồng nhằm trốn tránh việc thực hiện nghĩa vụ với người thứ ba và trường hợp hợp đồng được xác lập có yếu tố giả tạo nhằm che giấu hợp đồng khác, tùy từng trường hợp mà có tồn tại một hoặc nhiều hợp đồng. Theo đó, việc xác lập hợp đồng giả tạo có thể có một hợp đồng (trường hợp hợp đồng nhằm trốn tránh nghĩa vụ với người thứ ba) hoặc tồn tại song song ít nhất 2 hợp đồng, đó là hợp đồng giả tạo và hợp đồng đích thực (trường hợp hợp đồng giả tạo nhằm che giấu hợp đồng khác).

Ví dụ 1:

Khi cho vay tiền thì người cho vay yêu cầu người vay ký thêm hợp đồng mua bán nhà với lý do để bảo đảm người vay thực hiện hợp đồng vay. 2 hợp đồng này có sự khác nhau giữa ý chí và bày tỏ ý chí, không thống nhất với nhau. Hợp đồng mua bán được 2i bên xác lập ở đây về bản chất là 2 bên mong muốn thực hiện giao dịch cho vay. Nhưng mặt khác, 2 bên biểu lộ ý chí ra bên ngoài bằng hợp đồng mua bán tài sản. Như vậy có sự không thống nhất ý chí của bên bán với bản chất ban đầu là mục đích vay tiền, và việc bày tỏ ý chí ở đây lại là ký kết hợp đồng chuyển nhượng tài sản. Đồng thời, đối với bên cho vay tiền, tại thời điểm ký kết giữa việc muốn mua tài sản và cho vay là không rõ ràng.

Giao dịch bị che giấu ở đây là giao dịch vay tài sản vì mục đích ban đầu của 2 bên là thực hiện việc vay và cho vay tài sản. Tuy nhiên, 2 bên lại ký tiếp hợp đồng chuyển nhượng tài sản để đảm bảo cho việc bên vay thực hiện hợp đồng vay. Nếu trong trường hợp bên vay không còn khả năng trả nợ thì hợp đồng mua bán sẽ thay thế hợp đồng vay. Tức là trong trường hợp này, bên vay sẽ thực hiện hợp đồng mua bán thay vì thực hiện hợp đồng vay. Như vậy, tại thời điểm ký kết hợp đồng chuyển nhượng tài sản các bên đã có ý định che giấu hợp đồng vay, trường hợp này được xem là giao dịch giả tạo liên quan đến hợp đồng.

Việc các bên xác lập một giao dịch để nhằm che giấu một giao dịch khác hoặc thực hiện giao dịch nhằm trốn tránh nghĩa vụ với bên thứ ba thì giao dịch đó vô hiệu. Khi đó với giao dịch nhằm che giấu một giao dịch khác thì giao dịch bị giả tạo sẽ vô hiệu còn giao dịch bị che giấu vẫn có hiệu lực nếu như giao dịch bị che giấu đó vẫn tuân thủ đúng các điều kiện có hiệu lực của giao dịch dân sự. Trường hợp giao dịch giả tạo nhằm trốn tránh nghĩa vụ với người thứ 3 thì giao dịch giả tạo đương nhiên bị vô hiệu.

Ví dụ 2:

A cho B vay nợ với số tiền là 1 tỷ đồng, để bảo đảm cho việc trả nợ thì B ký giấy đồng ý bán căn nhà cho A. Việc mua bán chưa được thực hiện thì B bán căn nhà này cho C (Hợp đồng mua bán nhà đã công chứng). Sau khi bán nhà xong thì B không chịu trả tiền cho A. Như vậy, với mục đích nhằm trốn tránh nghĩa vụ trả nợ cho A mà B đã thực hiện một hợp đồng mua bán khác với C, do đó, hợp đồng giữa B và C bị coi là vô hiệu do giả tạo.

4. Ý nghĩa ghi nhận giao dịch dân sự vô hiệu do giả tạo

Quy định của pháp luật về hợp đồng vô hiệu nói chung và hợp đồng vô hiệu do giả tạo nói riêng có ý nghĩa quan trọng trong việc thiết lập kỷ cương xã hội, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, pháp nhân và Nhà nước, đảm bảo an toàn pháp lý cho các chủ thể trong giao dịch dân sự.

Riêng quy định ghi nhận hợp đồng vô hiệu do giả tạo còn có ý nghĩa đặc biệt sau:

Một là, đảm bảo hành lang pháp lý an toàn cho các chủ thể tham gia giao dịch.

Các chủ thể khi tham gia giao kết hợp đồng đều có quyền tự do, tự nguyện cam kết, thỏa thuận mà không vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội sẽ có hiệu lực thực hiện giữa các bên và được các chủ thể khác tôn trọng. Hợp đồng giả tạo nhằm che giấu một giao dịch khác hay trốn tránh nghĩa vụ với người thứ ba là vi phạm nguyên tắc tự nguyện. Các bên không bày tỏ ý chí đích thực của mình, không nhằm xác lập các quyền và nghĩa vụ đích thực từ giao dịch, dẫn tới xâm phạm lợi ích của các chủ thể khác trong xã hội và lợi ích của nhà nước, vì lẽ đó pháp luật quy định hợp đồng giả tạo sẽ bị vô hiệu.

Hai là, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các bên tham gia giao kết hợp đồng hoặc người thứ ba ngay tình, đảm bảo tính công bằng và giải quyết hậu quả của hợp đồng vô hiệu do giả tạo.

Khi các bên chủ thể giao kết hợp đồng giả tạo, thì giao dịch đó sẽ bị vô hiệu. Hợp đồng vô hiệu sẽ không làm phát sinh, thay đổi, chấm dứt quyền và nghĩa vụ dân sự của các bên kể từ thời điểm xác lập. Các bên phải khôi phục lại tình trạng ban đầu, hoàn trả cho nhau những gì đã nhận, nếu không hoàn trả được bằng hiện vật thì phải hoàn trả bằng tiền, bên ngay tình trong việc thu hoa lợi, lợi tức không phải hoàn trả lại hoa lợi, lợi tức đó, bên có lỗi gây thiệt hại thì phải bồi thường thiệt hại theo quy định pháp luật.

Như vậy, các quy định của pháp luật về việc giải quyết bảo vệ quyền lợi của các chủ thể có liên quan khi một giao dịch dân sự bị tuyên bố vô hiệu do giả tạo góp phần đảm bảo tính khách quan, bảo vệ tốt hơn quyền lợi của các chủ thể khi tham gia vào quan hệ pháp luật này.

Ba là, đảm bảo sự kiểm tra, giám sát của các cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

Các hợp đồng là sự thỏa thuận và thống nhất ý chí của các bên tham gia giao kết, ý chí đó phải được bày tỏ một cách trung thực, thống nhất ý chí bên trong và ý chí bày tỏ ra bên ngoài. Mọi sự thỏa thuận của các chủ thể đều được pháp luật ghi nhận và cũng có các chế tài phù hợp để xử lý khi các bên thông đồng gian dối trong thỏa thuận nhằm che giấu một sự thật khác. Căn cứ vào các quy định pháp luật về hợp đồng vô hiệu do giả tạo, các cơ quan nhà nước có thẩm quyền sẽ kiểm tra, giám sát và xử lý các giao dịch giả tạo phát sinh trên thực tế chính xác hơn.

Bốn là, là căn cứ để các bên tự thỏa thuận hoặc để Tòa án giải quyết khi có xảy ra tranh chấp mà các bên chủ thể khởi kiện tại Tòa án.

Nội dung của hợp đồng sẽ là chứng cứ để xác định có hay không sự thông đồng trong việc giao kết giao dịch giả tạo, có tồn tại trên thực tế giao dịch giả tạo nhằm che giấu một giao dịch khác hoặc trốn tránh nghĩa vụ với người thứ ba. Hệ quả từ việc thông đồng các bên sẽ phải chịu hậu quả pháp lý theo trách nhiệm của các bên có liên quan đến giao dịch dân sự giả tạo và tuyên bố giao dịch dân sự giả tạo vô hiệu.

5. Xử lý hợp đồng vô hiệu do giả tạo

Theo Điều 131 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định về hậu quả pháp lý khi giao dịch dân sự vô hiệu như sau:

- Về quyền, nghĩa vụ dân sự của các bên khi xác định là giao dịch dân sự vô hiệu: không làm thay đổi, phát sinh, chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự của các bên kể từ thời điểm giao dịch được xác lập.

- Về vấn đề khôi phục lại tình trạng ban đầu: Các bên có trách nhiệm khôi phục lại tình trạng ban đầu, hoàn trả cho nhau những gì đã nhận khi giao dịch dân sự vô hiệu. Trường hợp không thể hoàn trả được bằng hiện vật thì trị giá thành tiền để hoàn trả.

- Về vấn đề lợi tức, hoa lợi: Bên ngay tình không phải hoàn trả lại hoa lợi, lợi tức trong việc thu lợi tức, hoa lợi. Như vậy, việc hoàn trả hoặc không hoàn trả số hoa lợi, lợi tức thu được phụ thuộc vào bên nhận tài sản có ngay tình hoặc không ngay tình chiếm hữu tài sản không có căn cứ pháp luật.

- Về vấn đề bồi thường thiệt hại: Khi giao dịch dân sự vô hiệu mà có thiệt hại xảy ra thì bên có lỗi gây thiệt hại thì phải bồi thường. Trong trường hợp này, khi các bên có yêu cầu giải quyết bồi thường thì Tòa án xác định thiệt hại.

- Về giải quyết hậu quả của giao dịch dân sự vô hiệu: khi giao dịch dân sự vô hiệu có liên quan đến quyền nhân thân thì căn cứ theo quy định của Bộ luật Dân sự hoặc luật khác có liên quan quy định.

Như vậy, khi hợp đồng dân sự vô hiệu do giả tạo thì hậu quả pháp lý theo quy định tại Điều 131 Bộ luật Dân sự năm 2015 như đã phân tích ở trên.

Tài liệu tham khảo:

  1. Quốc hội (2015), Bộ luật Dân sự Việt Nam năm 2015.
  2. Nguyễn Minh Tuấn (Chủ biên), Bình luận khoa học Bộ luật Dân sự năm 2015, 2016, NXB Tư pháp, Hà Nội.
  3. Nguyễn Văn Cường (2005), Giao dịch dân sự vô hiệu và việc giải quyết hậu quả pháp lý của giao dịch dân sự vô hiệu, Luận án tiến sĩ Luật học, Trường Đại học Luật Hà Nội.
  4. Lê Thị Bích Thọ (2002), Hợp đồng kinh tế vô hiệu và hậu quả pháp lý của nó, Luận án tiến sĩ Luật học, Viện Nghiên cứu Khoa học pháp luật, Hà Nội.

 

Differences between a voidable contract due to forgery and a voidable contract due to other reasons

 

Nguyen Viet Thu Huong

Student, Hanoi Law University

Abstract:

This paper analyzes the differences among reasons that make a contract voidable including forgery, violation of law, violation against social morality, and violation against voluntary will based on criteria such as bases, will of the parties, purposes, established subjects, statute of limitations, etc.

Keywords: difference, voidable contract, voidable contract due to forgery.