Phân tích mô hình nghiên cứu về thực trạng marketing địa phương trong thu hút vốn đầu tư vào tỉnh Hà Tĩnh

TS. TRẦN THU THỦY (Khoa Kinh tế - Quản trị kinh doanh, Trường Đại học Hà Tĩnh)

TÓM TẮT:

Nghiên cứu marketing địa phương trong việc thu hút vốn đầu tư vào địa phương là nghiên cứu những hoạt động của chính quyền địa phương trong việc xây dựng chiến lược marketing để thu hút "khách hàng" của địa phương - các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Bài viết tổng hợp kết quả phân tích mô hình định lượng hồi quy đa biến về các yếu tố marketing địa phương có ảnh hưởng ở các mức độ khác nhau đến môi trường đầu tư tại tỉnh theo đánh giá của các nhà đầu tư làm cơ sở khoa học để tiếp tục nghiên cứu các giải pháp cải thiện môi trường đầu tư.

Từ khóa: Marketing, marketing địa phương, vốn đầu tư, tỉnh Hà Tĩnh.

1. Đặt vấn đề

Giai đoạn hiện nay đặt ra yêu cầu mỗi địa phương đều phải xây dựng cho mình sản phẩm, quy trình marketing nhằm thu hút được vốn đầu tư để phát triển kinh tế - xã hội địa phương, đặc biệt là những địa phương đang nằm trong giai đoạn lấy đầu tư làm động lực phát triển nền kinh tế như địa phương Hà Tĩnh. Nghiên cứu marketing địa phương cũng bao gồm các yếu tố: sản phẩm, giá cả, phân phối xúc tiến hỗn hợp và thêm yếu tố chính quyền và công chúng. Để có thể thu hút đầu tư phát triển kinh tế - xã hội theo định hướng mục tiêu, các địa phương cũng phải vận động như một doanh nghiệp theo định hướng thị trường để xây dựng địa phương thành một “sản phẩm” hấp dẫn và có các biện pháp quảng bá, thu hút đầu tư hiệu quả đối với nhóm khách hàng mục tiêu - là các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Thực tế cho thấy, Hà Tĩnh đã thực hiện một số nội dung liên quan đến việc xây dựng hình ảnh, chương trình xúc tiến đầu tư nhằm thu hút đầu tư, tuy nhiên chưa thực hiện được việc nghiên cứu và thực hiện quy trình marketing địa phương một cách hệ thống và hiệu quả. Do đó, xây dựng quy trình thực hiện marketing địa phương để tăng cường thu hút vốn đầu tư tại tỉnh đang là nhiệm vụ có ý nghĩa cấp thiết đối với Hà Tĩnh trong giai đoạn hiện nay để thu hút đầu tư phát triển kinh tế - xã hội địa phương, đồng thời cần đánh giá trên giác độ của chính các nhà đầu tư. Vì thế, bài viết phân tích mô hình nghiên cứu định lượng về hoạt động marketing địa phương trong thu hút đầu tư trên cơ sở khảo sát các nhà đầu tư tại địa phương.

2. Phương pháp nghiên cứu

Khung lý thuyết dùng để nghiên cứu về marketing địa phương trong thu hút đầu tư dựa trên các nghiên cứu trong và ngoài nước.

Các nghiên cứu ngoài nước bao gồm: Nghiên cứu về cung sản phẩm địa phương trong thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài của tác giả Philip Kotler năm 2002, 2010; Nghiên cứu về giá cả và chi phí của địa phương của Francois Parvex năm 2009, Philip Kotler năm 2010; Nghiên cứu về phân phối - hoạt động hỗ trợ của địa phương cho nhà đầu tư nước ngoài của Philip Kotler năm 2002; Francois Parvex năm 2009; Nghiên cứu về truyền thông trong thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài của Philip Kotler năm 2002; Nghiên cứu các vấn đề về chủ thể tham gia thực hiện marketing, khách hàng mục tiêu, định vị địa phương,… của Philip Kotler năm 1997, Philip Sidel năm 2002, Francois Parvex năm 2009.

Các nghiên cứu trong nước có liên quan đến đề tài bao gồm: các nghiên cứu về nội dung marketing mix địa phương trong thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài: Sản phẩm địa phương, giá cả chi phí, hoạt động phân phối, truyền thông, chính quyền, công chúng được một số tác giả kế thừa và phát triển nghiên cứu vào điều kiện cụ thể của Việt Nam như Vũ Trí Dũng, Phạm Thị Huyền (2005); Phạm Công Toàn (2010); Lê Mai Hải (2017), Nguyễn Đức Hải (2013),… Tất cả các nghiên cứu đã giúp bài viết kế thừa khung lý thuyết nghiên cứu về marketing địa phương trong thu hút đầu tư bao gồm các yếu tố/công cụ marketing địa phương: sản phẩm địa phương, giá cả - chi phí, phân phối - mức độ hỗ trợ đối với nhà đầu tư, truyền thông và quảng bá địa phương và chính quyền và công chúng. Những yếu tố này được cụ thể hóa để đưa vào mô hình nghiên cứu trong bài viết.

Bảng 1. Các yếu tố của marketing địa phương trong thu hút đầu tư

Các yếu tố của marketing địa phương trong thu hút đầu tư

Nguồn: Phiếu điều tra các doanh nghiệp đầu tư tại tỉnh của nghiên cứu

Theo đó, mô hình nghiên cứu bao gồm các yếu tố: Môi trường đầu tư (Y), Sản phẩm (SP), Giá cả (GC), Phân phối (PP), Truyền thông (TT), Chính quyền và công chúng (CQCC gọi chung là Địa phương - ĐP). Phương trình hồi quy bội trong nghiên cứu như sau: MTĐT (Y) = C + β1SP + β2GC + β3PP + β4TT + β5ĐP + e. Để có dữ liệu sơ cấp, đề tài đã khảo sát thông qua phiếu hỏi với các câu hỏi là những biến số thuộc các nhóm yếu tố của marketing địa phương, cụ thể: cung sản phầm địa phương (SP) gồm 11 yếu tố, giá cả (GC) - chi phí địa phương gồm 8 yếu tố, phân phối (PP) - mức độ hỗ trợ của địa phương gồm 7 yếu tố, hoạt động quảng bá và truyền thông (TT) gồm 7 yếu tố, vai trò của chính quyền và công chúng địa phương (ĐP) gồm 2 yếu tố (Bảng 1). Mặt khác để phân tích thông tin, các câu hỏi đã được mã hóa đối với các phương án trả lời theo số bắt đầu từ 1, trong đó các câu hỏi theo thang đo thứ bậc được mã hóa theo 5 mức độ tích cực tăng dần từ 1 đến 5 với 1 - mức độ tích cực thấp nhất, 5- mức độ tích cực cao nhất.

Đối tượng được khảo sát là các doanh nghiệp (DN) đầu tư trong và ngoài nước tại Hà Tĩnh thuộc các lĩnh vực, ngành nghề kinh doanh khác nhau, với 230 phiếu khảo sát. Kết quả khảo sát thu về 180 phiếu đủ dữ liệu phân tích và đảm bảo độ tin cậy trong nghiên cứu dựa theo yêu cầu của phân tích nhân tố khám phá EFA và hồi quy đa biến. Các bước tiến hành nghiên cứu được trình bày cụ thể ở phần nội dung nghiên cứu.

3. Khái quát tình hình thu hút vốn đầu tư vào tỉnh Hà Tĩnh

3.1. Thu hút vốn đầu tư trong nước

Theo báo cáo tổng hợp của tỉnh, từ năm 2001 đến năm 2019, tổng số dự án trong nước tại Hà Tĩnh là 1293 dự án với tổng số vốn đăng ký 108.462,352 tỷ đồng, vốn giải ngân 20.979,063 tỷ đồng. Số dự án có xu hướng tăng qua các năm trong khi đó số vốn đăng ký của các dự án có sự biến động tăng giảm [10-11].

Giai đoạn 5 năm gần đây (2015-2019) thu hút dự án trong nước tăng đáng kể so với 5 năm trước đó (2010-2014). Cụ thể, giai đoạn 2015-2019, thu hút được 915 dự án (bao gồm 425 dự án huyện cấp chủ trương đầu tư giai đoạn từ 2014 đến trước năm 2018) với vốn đăng ký 40.186,233 tỷ đồng, tăng 17.677,818 tỷ đồng và 78,54% so với giai đoạn 2010-2014; Vốn giải ngân đạt 15.101,81 tỷ đồng, tăng 11.618,392 tỷ đồng và 333,53% so với gian đoạn 2010-2014. 

Bảng 2. Tình hình thu hút các dự án đầu tư trong nước tại tỉnh Hà Tĩnh

Tình hình thu hút các dự án đầu tư trong nước tại tỉnh Hà Tĩnh

Nguồn: Trung tâm hỗ trợ phát triển DN và Xúc tiến đầu tư tỉnh Hà Tĩnh

3.2. Thu hút vốn đầu tư nước ngoài

Giai đoạn từ 2015 - 2019 tỉnh thu hút được 37 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) với số vốn đăng ký 462.193,498 nghìn USD, trong đó năm 2016 là năm thu hút được 8 dự án với lượng vốn đăng ký lớn nhất trong giai đoạn trên đạt 243.841,603 nghìn USD.

Đồng thời, giai đoạn này trên địa bàn tỉnh đã có 7 nước và vùng lãnh thổ đầu tư vào Hà Tĩnh, bao gồm: Đài Loan, Hàn Quốc, Brunei, Trung Quốc, Singarpore, Đức, Mỹ, trong đó các nhà đầu tư Đài Loan là chủ yếu, với 21 dự án tương đương vốn đăng ký 230.485,723 nghìn USD. Các nhà đầu tư Singapore, Hàn Quốc, Brunei, Trung Quốc cũng là những nhà đầu tư tiềm năng theo số vốn đăng ký. Ngoài ra, các dự án FDI thu hút được trong giai đoạn 2015-2019 đều tập trung chủ yếu vào huyện Kỳ Anh, có 7 dự án phân rải rác ở thành phố Hà Tĩnh, huyện Cẩm Xuyên, huyện Đức Thọ, huyện Hương Sơn và thị xã Hồng Lĩnh. Các dự án FDI đầu tư vào lĩnh vực thương mại - dịch vụ và công nghiệp - xây dựng là chủ yếu.

Bảng 3. Tổng hợp thu hút các dự án FDI theo giai đoạn 2015-2019 và giai đoạn trước đó

Tổng hợp thu hút các dự án FDI theo giai đoạn 2015-2019

Nguồn: Trung tâm hỗ trợ phát triển DN và Xúc tiến đầu tư tỉnh Hà Tĩnh

4. Kết quả phân tích mô hình nghiên cứu thực trạng marketing địa phương trong thu hút đầu tư vào Hà Tĩnh

Mô hình nghiên cứu được thiết kế với mục tiêu: Đánh giá tác động của các nhóm yếu tố marketing đối với sự hài lòng về môi trường đầu tư của DN đầu tư tại địa phương, là cơ sở khoa học để tiếp tục nghiên cứu các giải pháp cải thiện môi trường đầu tư. Các bước thống kê và xử lý số liệu được tiến hành phân tích như sau:

4.1. Đánh giá sơ bộ độ tin cậy và giá trị của thang đo

Việc đánh giá này được thực hiện bằng phương pháp hệ số tin cậy Cronbach alpha và phân tích nhân tố khám phá EFA thông qua phần mềm xử lý SPSS để sàng lọc, loại bỏ các biến quan sát không đáp ứng tiêu chuẩn. Quá trình phân tích Cronbach alpha, tác giả giữ lại các thang đo có trị số Cronbach alpha > 0,5 do có những nhóm biến quan trọng cần phân tích và loại các biến quan sát có tương quan biến tổng <0,3; trong quá trình EFA, sử dụng phương pháp trích Priciple Component với phép xoay Varimax; loại bỏ các biến quan sát có trị số Factor loading <0,5 hoặc trích vào các nhân tố khác mà chênh lệch trọng số Factor loading giữa các nhân tố < 0,3. Kết quả kiểm định thang đo các tập biến cụ thể như sau:

Thang đo sản phẩm: gồm 11 biến quan sát với hệ số Cronbach’s Alpha là 0.896. Song biến quan sát SP2 (Nguồn nguyên liệu tại địa phương) có tương quan biến tổng < 0.3 nên loại biến này. Khi kiểm định lại thang đo đã loại biến SP2 thì hệ số Cronbach’s Alpha tăng lên 0.934. Như vậy, thang đo sản phẩm để lại 10 biến quan sát tiếp tục phân tích nhân tố EFA.

Các thang đo: Giá cả (8 biến quan sát, Cronbach’s Alpha = 0.857), Phân phối (7 biến quan sát, Cronbach’s Alpha = 0.968), Quảng bá và truyền thông (6 biến quan sát, Cronbach’s Alpha = 0.9.14), Chính quyền và công chúng (2 biến quan sát, Cronbach’s Alpha = 0.887) đều lớn hơn 0.3 là phù hợp.

4.2. Phân tích nhân tố

Các tập biến sau khi kiểm định thang đo ở trên được đưa vào phân tích nhân tố khám phá EFA. Phân tích nhân tố cho thấy có một số biến có hệ số tải nhân tố (factor loading) và độ hội tụ có trọng số chênh lệch < 0.3, do đó bị loại ra khỏi mô hình, bao gồm các biến: SP9 (Tiềm năng thị trường), GC2 (Lương trả cho các cấp quản lý kể cả các khoản tiền thưởng), GC6 (Các khoản thuế); PP3 (Mức độ hỗ trợ của Sở Công Thương). Sau khi đã loại các biến này, phân tích chỉ số KMO = 0.835 với Kiểm định Bartlett, ước lượng Chi - Square mức ý nghĩa sig. = 0.000, chứng tỏ dữ liệu phân tích phù hợp để phân tích nhân tố, tổng phương sai trích đạt 75.741%. Bên cạnh đó, dựa trên tiêu chí Eigenvalues > 1 và tổng phương sai trích > 50% đều được đảm bảo cho thấy mô hình phân tích nhân tố EFA là phù hợp.

Mặt khác, thông qua kỹ thuật phân tích nhân tố và phép xoay varimax, các biến quan sát được phân thành các nhóm. Cụ thể, trong bảng ma trận xoay, các biến SP1, SP3, SP4, SP5, SP6, SP7, SP8, SP10, SP11 được nhóm lại thành một nhân tố; TT1, TT2, TT3, TT4, TT5, TT6 đo lường một nhân tố; GC1, GC3, GC4, GC5, GC7, GC8 cùng đo lường một nhân tố; PP1, PP2, PP4, PP5, PP6, PP7 cùng đo lường một nhân tố và CQCC1, CQCC2 đo lường một nhân tố. Các nhân tố này được kiểm định lại thang đo và hệ số Cronbach’s Alpha, kết quả cho thấy các nhân tố đều có độ tin cậy thang đo đạt yêu cầu tốt (Cronbach’s Alpha > 0.8). Để hồi quy các nhân tố này với biến phụ thuộc là sự hài lòng về môi trường đầu tư trong thu hút đầu tư, các biến đo lường nhân tố sẽ tính trung bình để tạo thành nhân tố và đưa vào phương trình hồi quy.

Bảng 4. Kết quả hồi quy

Kết quả hồi quy

Nguồn: Phân tích dữ liệu theo phần mềm SPSS của tác giả, 2020

Kết quả hồi quy cho thấy mối quan hệ của các biến với môi trường đầu tư có dấu phù hợp với giả thuyết đề ra, trong đó các biến khác đều có mối quan hệ dương chỉ có biến giá là có mối quan hệ âm với môi trường đầu tư. Kết quả cũng cho thấy không có hiện tượng đa cộng tuyến xảy ra ở đây (tất cả hệ số VIF đều nhỏ hơn 2).

Phương trình hồi quy chuẩn hóa được viết lại như sau:

MTĐT (Y) = 0.219SANPHAM - 0.071GIA + 0.236PHANPHOI + 0.360TRUYENTHONG + 0.214DIA PHUONG

Theo đó, tất cả các yếu tố đều tác động có ý nghĩa đến môi trường đầu tư tại tỉnh. Trong các biến tác động thì biến truyền thông có tác động lớn nhất đến môi trường đầu tư, tiếp đến là phân phối, sản phẩm, chính quyền công chúng và giá cả. Như vậy, nếu Hà Tĩnh muốn tăng cường mức độ hài lòng với môi trường đầu tư ở tỉnh thì cần tăng cường hơn nữa chất lượng truyền thông, hỗ trợ của các cơ quan tại tỉnh. Ngoài ra, tỉnh cần cải thiện cơ sở hạ tầng địa phương trong thu hút đầu tư, nâng cao chất lượng sản phẩm địa phương, đặc biệt là chất lượng nguồn lao động và ngành công nghiệp phụ trợ. Đồng thời, cải thiện mối quan hệ giữa chính quyền với DN cũng có vai trò nhất định trong việc nâng cao mức độ hài lòng của DN với môi trường đầu tư ở tỉnh,…

5. Kết luận

Như vậy, những phân tích và đánh giá cho thấy, có rất nhiều yếu tố tác động đến môi trường đầu tư của tỉnh Hà Tĩnh và ở các mức độ khác nhau. Trong thời gian qua, Hà Tĩnh đã có những thành công, điểm mạnh và thuận lợi về marketing địa phương trong thu hút một lượng vốn lớn đầu tư trong và ngoài nước, có xu hướng khả quan qua các năm, góp phần vào các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu đã đạt được, tỉnh vẫn còn đang tồn tại nhiều hạn chế, thách thức mà kết quả nghiên cứu đã chỉ ra. Vì thế, việc tiếp tục hoàn thiện và xây dựng những nhóm yếu tố đó một cách hệ thống là vấn đề có ý nghĩa cấp bách đối với địa phương nếu muốn tiếp tục đạt được những mục tiêu cao hơn về thu hút đầu tư trong thời gian tới.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

Tiếng Việt:

  1. Vũ Trí Dũng, Phạm Thị Huyền (2005), Marketing địa phương và vùng lãnh thổ với việc thu hút đầu tư để phát triển, Đề tài NCKH cấp Bộ, Bộ Giáo dục và Đào tạo.
  2. Vũ Trí Dũng, Nguyễn Đức Hải, (2009), “Khuếch trương hình ảnh địa điểm đầu tư: Kỹ thuật marketing trong hoạt động xúc tiến đầu tư”, Tạp chí Kinh tế và Phát triển, 150.
  3. Lê Mai Hải, (2014), Chiến lược marketing địa phương tỉnh Vĩnh Long đến năm 2020 nhằm thu hút đầu tư, Đề tài NCKH cấp tỉnh, đề tài nhánh, mã số CS-VL-01.
  4. Lê Mai Hải, (2017), Marketing địa phương trong thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài: Trường hợp tỉnh Bình Dương, Luận án tiến sĩ kinh tế, Học viện Khoa học xã hội - Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, Hà Nội.
  5. Lê Mai Hải, Nguyễn văn Hiến, (2015), “Giải pháp marketing địa phương nhằm đẩy mạnh thu hút vốn đầu tư cho tỉnh Vĩnh Long đến năm 2020”, Tạp chí Nghiên cứu Tài chính Marketing, UFM, TP. Hồ Chí Minh.
  6. Nguyễn Đức Hải (2013), Marketing lãnh thổ nhằm thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài trên địa bàn thành phố Hà Nội, Luận án Tiến sĩ, Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương, Hà Nội.
  7. Hồ Đức Hùng (chủ biên) (2005), Marketing địa phương của TP. Hồ Chí Minh, NXB Văn hóa Sài Gòn.
  8. Phạm Công Toàn (2010), Marketing địa phương với việc thu hút đầu tư của tỉnh Thái Nguyên, Luận án Tiến sĩ, ĐH Kinh tế quốc dân, Hà Nội.
  9. Trung tâm Hỗ trợ phát triển DN & XTĐT (2019), Tổng hợp dự án đầu tư từ giai đoạn 2001-2019.
  10. Ủy ban nhân dân tỉnh Hà Tĩnh (2016, 2017, 2018, 2019, 2020), Chương trình xúc tiến đầu tư vào Hà Tĩnh năm 2016, 2017, 2018, 2019, 2020.

Tiếng Anh:

  1. P.Kotler, Haider, Rein. (2010). Marketing Places. USA: Free Press.
  2. Kotler, P., Hamlin, M. A., Rein, I., & Haider, D. H. (2002). Marketing Asian Places: Attracting Investment, Industry, and Tourism to Cities, States and Nations. USA: John Wiley & Sons.
  3. Seppo K.Rainisto. (2003). Success factors of place marketing: A study of place marketing in pratices Northern Europe and The Unites States. Helsinki University of Technology, Institute of Strategy and International Business Doctoral Dissertations 2003/4.
  4. Francois Parvex. (2009). Marketing territorial: Quand le territoire devient produit. slideshare, accessed at http://www.slideshare.net/parvex/marketing-territorial-quand-le-territoire-devient-produit-serec-2009.

ANALYZING THE RESEARCH MODEL OF LOCAL MARKETING

IN ATTRACTING INVESTMENT INTO HA TINH PROVINCE

Ph.D TRAN THU THUY

Faculty of Economics - Business Administration, Ha Tinh University

ABSTRACT:

Researching local marketing in local investment attraction activities is to study the activities of local governments in developing their marketing strategies to lure both domestic and foreign investors. This paper summarizes the multivariate quantitative regression model analyses of local marketing factors which affect the provincial investment environment at different levels according to the evaluation of investors. This paper is expected to become a scientific basis to find out solutions for improving the investment environment.

Keywords: Marketing, local marketing, investment capital, Ha Tinh Province.

[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 16, tháng 7 năm 2020]