Pháp luật về tiền gửi được bảo hiểm, chấm dứt bảo hiểm tiền gửi và chi trả tiền bảo hiểm - thực trạng và một số giải pháp hoàn thiện

ThS. GVC. Lê Huỳnh Phương Chinh ( Khoa Luật, Đại học Cần Thơ)

Phần 1: Giới thiệu khái quát pháp luật về tiền gửi được bảo hiểm, chấm dứt bảo hiểm tiền gửi và chi trả tiền bảo hiểm

Tóm tắt:

Tổ chức Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam được thành lập theo Quyết định số 218/1999/QĐ-Ttg ngày 09/11/1999 của Thủ tướng Chính phủ. Đến năm 2012, Luật Bảo hiểm tiền gửi ra đời, cùng với Nghị định số 68/2013/NĐ-CP ngày 28/6/2013 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Bảo hiểm tiền gửi; Thông tư số 24/2014/TT-NHNN ngày 06/9/2014 của Ngân hàng Nhà nước hướng dẫn một số nội dung về hoạt động Bảo hiểm tiền gửi, hành lang pháp lý trong hoạt động Bảo hiểm tiền gửi được cải thiện, góp phần bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người gửi tiền, kiểm soát và đảm bảo an toàn, lành mạnh cho hoạt động của hệ thống các tổ chức tín dụng, tạo điều kiện thu hút tiền gửi trong người dân. Tuy nhiên, khung pháp luật về Bảo hiểm tiền gửi hiện nay vẫn còn bất cập liên quan đến quy định về hạn mức, thời gian chi trả, mức phí áp dụng chưa phù hợp. Điều này đã là một số trở ngại cho việc áp dụng vào thực tiễn. Xuất phát từ bối cảnh đó, bài viết trình bày quy định pháp luật chung về Bảo hiểm tiền gửi, phân tích quy định hiện hành của pháp luật về Bảo hiểm tiền gửi; chỉ ra một số bất cập và định hướng hoàn thiện. Theo đó, phần 1 của bài viết sẽ giới thiệu tổng quan và khái quát nội dung pháp luật liên quan đến vấn đề tiền gửi được bảo hiểm, chấm dứt bảo hiểm tiền gửi và chi trả tiền bảo hiểm.

Từ khóa: tiền gửi, bảo hiểm tiền gửi.

1. Khái niệm về Bảo hiểm tiền gửi

Theo Hiệp hội Bảo hiểm tiền gửi quốc tế (IADI), Bảo hiểm tiền gửi được hiểu là “một hệ thống được thiết lập để bảo vệ người gửi tiền khỏi những tổn thất về tiền gửi được bảo hiểm của họ trong trường hợp tổ chức nhận tiền gửi không thể hoàn thành các nghĩa vụ nợ theo cam kết đối với người gửi tiền”.

Tại Việt Nam, khái niệm Bảo hiểm tiền gửi cũng được đề cập trong một số công trình nghiên cứu khoa học. Theo quan điểm của TS. Lê Thị Thu Thủy trong sách chuyên khảo “Pháp luật về Bảo hiểm tiền gửi tại Việt Nam”, Bảo hiểm tiền gửi được định nghĩa“là loại hình bảo hiểm, theo đó bảo đảm nghĩa vụ chi trả trong tương lai các khoản tiền gửi cho người gửi tiền tại tổ chức tham gia Bảo hiểm tiền gửi khi các tổ chức này gặp rủi ro dẫn đến tình trạng mất khả năng thanh toán”[1]. Cụ thể, Khoản 1, Điều 4 của Luật Bảo hiểm tiền gửi năm 2012 “Bảo hiểm tiền gửi là sự bảo đảm hoàn trả tiền gửi cho người được bảo hiểm tiền gửi trong hạn mức trả tiền bảo hiểm khi tổ chức tham gia Bảo hiểm tiền gửi lâm vào tình trạng mất khả năng chi trả tiền gửi cho người gửi tiền hoặc phá sản”. Mối quan hệ bảo hiểm tiền gửi gồm 3 bên cụ thể:

- Chủ thể được Bảo hiểm tiền gửi: trên thực tế, chủ thể gửi tiền tại các tổ chức tín dụng, ngân hàng có thể là cá nhân, tổ chức, tuy nhiên, chủ thể được bảo hiểm tiền gửi theo pháp luật Việt Nam chỉ là cá nhân có tiền gửi được bảo hiểm tại tổ chức tham gia Bảo hiểm tiền gửi. Quy định này xuất phát từ mục tiêu cốt lõi của Bảo hiểm tiền gửi là bảo vệ quyền của người gửi tiền riêng lẻ khi tổ chức nhận tiền gửi mất khả năng thanh toán. Theo đó, trong trường hợp tổ chức tham gia Bảo hiểm tiền gửi bị mất khả năng thanh toán, chấm dứt hoạt động, tổ chức Bảo hiểm tiền gửi sẽ thực hiện chi trả cho các khoản tiền gửi được bảo hiểm của người gửi tiền theo hạn mức chi trả hoặc chi trả toàn bộ tùy theo từng thời kỳ và tình huống xảy ra sự kiện Bảo hiểm tiền gửi.

- Tổ chức tham gia Bảo hiểm tiền gửi là tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài thành lập và hoạt động theo Luật các Tổ chức tín dụng được nhận tiền gửi của cá nhân. Quy định tham gia Bảo hiểm tiền gửi là điều kiện bắt buộc đối với tổ chức tín dụng áp dụng phổ biến ở các nước trên thế giới, kể cả Việt Nam. Nguyên tắc “Bắt buộc tham gia Bảo hiểm tiền gửi” là nguyên tắc số 8 trong “Bộ nguyên tắc cơ bản phát triển hệ thống Bảo hiểm tiền gửi hiệu quả” của Ủy ban Basel về giám sát ngân hàng và Hiệp hội Bảo hiểm tiền gửi quốc tế. Bên cạnh đó, “Chỉ thị về hệ thống bảo đảm cho người gửi tiền” của Cộng đồng châu Âu (EU) cũng quy định tất cả các tổ chức tín dụng hoạt động tại châu Âu phải là thành viên của một hoặc nhiều hệ thống bảo đảm cho người gửi tiền. Nếu vi phạm quy định này, Nhà nước thành viên của EU mà tổ chức tín dụng có trụ sở phải có chế tài cưỡng chế và việc xử phạt có thể dẫn tới việc rút giấy phép của tổ chức tín dụng.

- Tổ chức Bảo hiểm tiền gửi là tổ chức tài chính Nhà nước, hoạt động không vì mục tiêu lợi nhuận, thực hiện chính sách Bảo hiểm tiền gửi. Chức năng chủ yếu của tổ chức Bảo hiểm tiền gửi theo pháp luật của các nước thành viên Hiệp hội Bảo hiểm tiền gửi quốc tế (IADI) là bảo vệ tiền gửi thuộc sở hữu của cá nhân tại các tổ chức tham gia Bảo hiểm tiền gửi. Để thực hiện chức năng này, các tổ chức Bảo hiểm tiền gửi có những công cụ tài chính nhất định như Quỹ Bảo hiểm tiền gửi, công cụ pháp lý như quyền hạn, trách nhiệm trong xác lập, chấm dứt quan hệ Bảo hiểm tiền gửi với tổ chức tham gia Bảo hiểm tiền gửi. Ở Việt Nam hiện nay, cho đến thời điểm hiện tại, Bảo hiểm tiền gửi được thực hiện duy nhất bởi một cơ quan là “Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam” (Deposit Insurance of Vietnam-DIV). Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam được thành lập năm 1999 và đi vào hoạt động năm 2000 theo mô hình Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ. Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam có tư cách pháp nhân theo pháp luật Việt Nam; có con dấu và được mở tài khoản tại Ngân hàng; được miễn các loại thuế theo quy định của pháp luật[2].

2. Quy định pháp luật về tiền gửi được bảo hiểm, chấm dứt Bảo hiểm tiền gửi, chi trả tiền bảo hiểm

2.1. Quy định pháp luật về tiền gửi được bảo hiểm

Pháp luật các nước quy định chủng loại tiền gửi được bảo hiểm có sự khác nhau, tùy vào mục tiêu chính sách công của mỗi nước. Chẳng hạn như Anh, Nhật Bản, Bỉ, Pháp,... tiền gửi được bảo hiểm là đồng bản tệ, một số nước khác như Mỹ, Đức, Hà Lan quy định tiền gửi được bảo hiểm bao gồm bằng đồng bản tệ và ngoại tệ. Việc quy định rõ loại tiền gửi được bảo hiểm sẽ tạo sự thống nhất về thực hiện pháp luật về Bảo hiểm tiền gửi.

Ở Việt Nam, loại tiền gửi được bảo hiểm được quy định tại Điều 18 Luật Bảo hiểm tiền gửi năm 2012 “là tiền gửi bằng đồng Việt Nam của cá nhân gửi tại tổ chức tham gia Bảo hiểm tiền gửi dưới hình thức tiền gửi không kỳ hạn, tiền gửi có kỳ hạn, tiền gửi tiết kiệm, chứng chỉ tiền gửi, kỳ phiếu, tín phiếu và các hình thức tiền gửi khác theo quy định của Luật Các tổ chức tín dụng”.

Với loại hình tiền gửi không kỳ hạn, người gửi tiền có thể nhằm mục đích lợi nhuận thông qua việc nhận lãi từ tổ chức tín dụng hoặc phục vụ mục đích thanh toán tiền hàng hóa, dịch vụ; người gửi tiền có thể rút tiền ra bất kỳ lúc nào nhưng lãi suất đối với loại hình tiền gửi này rất thấp hoặc có thể không có lãi.

Tiền gửi có kỳ hạn là loại hình tiền gửi có thời hạn cố định và người gửi tiền chỉ được phép rút tiền khi đến hạn, trường hợp muốn rút tiền trước hạn phải được tổ chức tín dụng đồng ý và phải chấp nhận mức lãi suất thấp hơn mức lãi suất đã thỏa thuận; người gửi tiền thường chọn loại hình tiền gửi này khi có vốn nhàn rỗi tương đối ổn định vì lãi suất áp dụng với tiền gửi có kỳ hạn khá cao.

Tiền gửi tiết kiệm là loại hình tiền gửi của cá nhân được gửi vào tài khoản tiền gửi tiết kiệm. Đối với loại hình này, người gửi tiền chỉ đạt được mục đích đầu tư kiếm lãi chứ không được yêu cầu ngân hàng trích tiền từ tài khoản tiền gửi tiết kiệm để thanh toán tiền hàng hóa, dịch vụ. Tiền gửi tiết kiệm có 2 loại: tiền gửi tiết kiệm có kỳ hạn và tiền gửi tiết kiệm không kỳ hạn.

Pháp luật nước ta quy định các loại tiền gửi không được bảo hiểm, bao gồm:

(i) Tiền gửi tại tổ chức tín dụng của cá nhân là người sở hữu trên 5% vốn điều lệ của chính tổ chức tín dụng đó.

(ii) Tiền gửi tại tổ chức tín dụng của cá nhân là thành viên Hội đồng quản trị, thành viên Hội đồng thành viên, thành viên Ban kiểm soát, Tổng giám đốc (Giám đốc), Phó Tổng giám đốc (Phó Giám đốc) của chính tổ chức tín dụng đó; tiền gửi tại chi nhánh ngân hàng nước ngoài của cá nhân là Tổng giám đốc (Giám đốc), Phó Tổng giám đốc (Phó Giám đốc) của chính ngân hàng nước ngoài đó.

(iii) Tiền mua các giấy tờ có giá vô danh do tổ chức tham gia Bảo hiểm tiền gửi phát hành.[3]

2.2. Quy định pháp luật về chấm dứt Bảo hiểm tiền gửi và chi trả tiền bảo hiểm

Về nguyên tắc, quan hệ Bảo hiểm tiền gửi sẽ chấm dứt khi xảy ra sự kiện bảo hiểm[4] tương ứng. Đối với loại hình Bảo hiểm tiền gửi bắt buộc, việc tổ chức tham gia bị thu hồi Chứng nhận tham gia Bảo hiểm tiền gửi là một sự kiện làm chấm dứt quyền và nghĩa vụ pháp lý trong quan hệ Bảo hiểm tiền gửi giữa tổ chức tham gia và tổ chức Bảo hiểm tiền gửi.

Về thời điểm phát sinh nghĩa vụ trả tiền bảo hiểm, “Nghĩa vụ trả tiền bảo hiểm phát sinh kể từ thời điểm Ngân hàng Nhà nước Việt Nam có văn bản chấm dứt kiểm soát đặc biệt[5] hoặc văn bản chấm dứt áp dụng hoặc văn bản không áp dụng các biện pháp phục hồi khả năng thanh toán mà tổ chức tín dụng là tổ chức tham gia Bảo hiểm tiền gửi vẫn lâm vào tình trạng phá sản hoặc Ngân hàng Nhà nước có văn bản xác định chi nhánh ngân hàng nước ngoài là tổ chức tham gia Bảo hiểm tiền gửi mất khả năng chi trả tiền gửi cho người gửi tiền”.

Khi phát sinh nghĩa vụ chi trả bảo hiểm, tổ chức Bảo hiểm tiền gửi sẽ tiến hành trả cho người gửi tiền một số tiền trong phạm vi hạn mức tối đa mà pháp luật quy định. Trường hợp số tiền gửi của người được Bảo hiểm tiền gửi bao gồm cả gốc và lãi vượt quá hạn mức trả tiền bảo hiểm sẽ được giải quyết trong quá trình xử lý tài sản của tổ chức tham gia Bảo hiểm tiền gửi theo quy định.

Về thời hạn chi trả, Hiệp hội Bảo hiểm tiền gửi quốc tế khuyến nghị: “Tổ chức Bảo hiểm tiền gửi có thể chi trả cho phần lớn người gửi tiền được bảo hiểm trong vòng 07 ngày làm việc kể từ khi cơ quan chức năng tuyên bố đóng cửa, phá sản ngân hàng. Nếu chưa đạt được mục tiêu này, tổ chức Bảo hiểm tiền gửi cần có kế hoạch đáng tin cậy để đạt được mục tiêu đó”. Ở nước ta, Điều 23 Luật Bảo hiểm tiền gửi năm 2012 quy định thời hạn trả tiền bảo hiểm là 60 ngày kể từ thời điểm phát sinh nghĩa vụ trả tiền bảo hiểm cho người được Bảo hiểm tiền gửi.

Về thủ tục trả tiền bảo hiểm được quy định cụ thể tại Điều 26 Luật Bảo hiểm tiền gửi năm 2012:

Trong thời hạn 10 ngày làm việc kể từ thời điểm phát sinh nghĩa vụ trả tiền bảo hiểm, tổ chức tham gia Bảo hiểm tiền gửi phải nộp hồ sơ đề nghị trả tiền bảo hiểm cho Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam. Hồ sơ gồm văn bản đề nghị trả tiền bảo hiểm, danh sách người được Bảo hiểm tiền gửi, số tiền gửi của từng người được Bảo hiểm tiền gửi và số tiền bảo hiểm đề nghị tổ chức Bảo hiểm tiền gửi chi trả.

Sau đó, trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ, Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam sẽ tiến hành thẩm định hồ sơ, kiểm tra các chứng từ, sổ sách để xác định số tiền chi trả.

Trong thời hạn 10 ngày làm việc kể từ ngày kết thúc kiểm tra hồ sơ, Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam phải có phương án trả tiền bảo hiểm cho người được Bảo hiểm tiền gửi và thông báo công khai về địa điểm, thời gian, phương thức trả tiền bảo hiểm trên ba số liên tiếp của một tờ báo trung ương, một tờ báo địa phương nơi đặt trụ sở chính, các chi nhánh của tổ chức tham gia Bảo hiểm tiền gửi và trên một báo điện tử của Việt Nam; niêm yết danh sách người được trả tiền bảo hiểm tại địa điểm đã thông báo.

Cuối cùng, Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam sẽ tiến hành trực tiếp chi trả Bảo hiểm tiền gửi cho người gửi tiền hoặc ủy quyền cho tổ chức tham gia Bảo hiểm tiền gửi khác thực hiện trên cơ sở hợp đồng ủy quyền.

Ngoài ra, khi nhận tiền bảo hiểm, người được Bảo hiểm tiền gửi phải xuất trình các giấy tờ chứng minh quyền sở hữu hợp pháp đối với các khoản tiền gửi được bảo hiểm. Sau thời hạn 10 năm, kể từ ngày tổ chức Bảo hiểm tiền gửi có thông báo lần thứ nhất về việc trả tiền bảo hiểm, những khoản tiền bảo hiểm không có người nhận sẽ được xác lập quyền sở hữu Nhà nước và bổ sung vào nguồn vốn hoạt động của tổ chức Bảo hiểm tiền gửi, người có quyền sở hữu khoản tiền gửi được bảo hiểm sẽ không có quyền yêu cầu tổ chức Bảo hiểm tiền gửi trả số tiền bảo hiểm đó.

Trường hợp tổ chức tham gia Bảo hiểm tiền gửi bị phá sản, thì Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam trở thành chủ nợ đối với số tiền mà Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam đã chi trả cho người gửi tiền. Thủ tục giải quyết thu hồi nợ tuân thủ theo quy định của pháp luật về phá sản.

2.3. Quy định pháp luật về hạn mức trả tiền bảo hiểm

Việc quy định hạn mức trả tiền bảo hiểm tối đa ở mỗi nước phụ thuộc vào nhiều yếu tố như thực trạng kinh tế - tài chính của quốc gia đó, tỉ lệ số người gửi tiền được bảo hiểm, lạm phát, độ rủi ro trong hoạt động của hệ thống ngân hàng; thu nhập bình quân tính theo GDP/đầu người; thực lực tài chính của bản thân tổ chức Bảo hiểm tiền gửi.

Theo thông lệ các nước thì hạn mức trả tiền bảo hiểm ở mức từ 2 đến 3 lần GDP bình quân đầu người. Hiệp hội Bảo hiểm tiền gửi quốc tế (IADI) khuyến nghị thiết lập hạn mức trả tiền bảo hiểm cần tuân thủ hai mục tiêu cơ bản. Thứ nhất, hạn mức chi trả phải đủ cao để bảo vệ đại đa số người gửi tiền (90% đến 95% người gửi tiền). Thứ hai, hạn mức chi trả cần được xác định đủ thấp để có một tỷ lệ đáng kể giá trị tiền gửi tuân theo kỷ luật thị trường. Điều này nhằm hạn chế khả năng người gửi số tiền lớn tìm kiếm ngân hàng có lãi suất cao để gửi tiền mặc dù biết ngân hàng đó có rủi ro cao hơn. Pháp luật Việt Nam sẽ chi trả tiền bảo hiểm cho người có tiền gửi được bảo hiểm tại tổ chức đó mà không căn cứ vào số lượng tài khoản của họ, cụ thể: “Hạn mức trả tiền bảo hiểm là số tiền tối đa mà tổ chức Bảo hiểm tiền gửi trả cho tất cả các khoản tiền gửi được bảo hiểm của một người tại một tổ chức tham gia Bảo hiểm tiền gửi khi phát sinh nghĩa vụ trả tiền bảo hiểm[6]. Việc thay đổi hạn mức trả tiền bảo hiểm do Thủ tướng Chính phủ quyết định trên cơ sở đề nghị của Ngân hàng Nhà nước trong từng thời kỳ[7].

Cho đến nay, tình hình kinh tế Việt Nam có cải thiện đáng kể; lạm phát, GDP bình quân đầu người, lãi suất, hoạt động của hệ thống ngân hàng và mức độ huy động tiền gửi đã có những thay đổi theo chiều hướng tích cực. Vì lẽ đó, theo Quyết định số 21/2017/QĐ-TTg ngày 15/6/2017 về hạn mức trả tiền bảo hiểm của Thủ tướng Chính phủ, hạn mức trả tiền bảo hiểm đã được nâng lên mức tối đa là 75 triệu đồng (bao gồm cả gốc lẫn lãi)[8] so với mức 50 triệu đồng trước đó.

Việc hạn mức trả tiền bảo hiểm được giới hạn cụ thể không chỉ quy định trong pháp luật nước ta, mà có ở hầu hết các nước. Ví dụ như ở Mỹ, hạn mức trả tiền bảo hiểm là 250.000 USD; ở Nhật Bản là 10.000.000 JPY; ở Bỉ là 50.000.000 BEF; ở Anh là 20.000 GBP; ở Canada là 60.000 CAD; và ở Pháp là 1.000.000 FRF[9].

Tổng kết phần 1 của bài viết

Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam được thành lập theo Quyết định số 218/1999/QĐ-Ttg ngày 09/11/1999 của Thủ tướng Chính phủ. Luật Bảo hiểm tiền gửi năm 2012 góp phần vào công cuộc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người gửi tiền, kiểm soát và đảm bảo an toàn, lành mạnh cho hoạt động của hệ thống tổ chức tín dụng. Việc phân tích các quy định của pháp luật hiện hành có sự so sánh với các quy định trước đây cũng như thông lệ quốc tế về Bảo hiểm tiền gửi đã chỉ ra rằng, pháp luật hiện hành vẫn còn một số hạn chế, bất cập nhất định liên quan đến vấn đề tiền gửi được bảo hiểm, chấm dứt việc bảo hiểm tiền gửi và chi trả tiền bảo hiểm. Do vậy, phần 2 của bài viết sẽ đánh giá thực trạng áp dụng pháp luật về bảo hiểm tiền gửi và nêu một số định hướng hoàn thiện.

Tài liệu trích dẫn:

1 Điều 12 Luật Bảo hiểm tiền gửi Đài Loan năm 2012, Tài liệu nghiên cứu, Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam, http://www.div.gov.vn/Default.aspx?tabid=198 [truy cập ngày 30/01/2020].

2 Lê Thị Thu Thủy. (2008). Pháp luật về Bảo hiểm tiền gửi tại Việt Nam, Hà Nội, NXB Đại học Quốc gia Hà Nội, trang 36.

3 Chính phủ. (2013). Điều 3 Nghị định số 68/2013/NĐ-CP Quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Bảo hiểm tiền gửi.

4 Quốc hội (2012). Điều 19, Luật Bảo hiểm tiền gửi 2012.

5 Ngân hàng Nhà nước Việt Nam. (2014). Khoản 1, Điều 8 Thông tư số 24//2014/TT-NHNN ngày 06/9/2014 hướng dẫn một số nội dung về hoạt động bảo hiểm tiền gửi.

6 Quốc hội (2012). Điều 27 Luật Bảo hiểm tiền gửi 2012.

7 Quốc hội (2012). Khoản 1 Điều 24 Luật Bảo hiểm tiền gửi 2012.

8 Quốc hội (2012). Khoản 2 Điều 24 Luật Bảo hiểm tiền gửi 2012.

9 Thủ tướng Chính phủ. (2017). Điều 3 Quyết định số 21/2017/QĐ-TTg ngày 15/6/2017 về hạn mức trả tiền bảo hiểm.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

A. Danh mục văn bản quy phạm pháp luật

  1. Quốc hội. (2012). Luật Bảo hiểm tiền gửi năm 2012.
  2. Quốc hội. (2010). Luật Các tổ chức tín dụng năm 2010.
  3. Quốc hội. (2017). Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật các tổ chức tín dụng năm 2017.
  4. Chính phủ. (2013). Nghị định số 68/2013/NĐ-CP ngày 28/6/2013 Quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Bảo hiểm tiền gửi.
  5. Chính phủ. (2013). Quyết định số 1394/QĐ-TTg ngày 13/08/2013 của Thủ tướng Chính phủ về việc thành lập Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam và quy định chức năng, nhiệm vụ của Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam.
  6. Chính phủ. (2016). Quyết định số 527/QĐ-TTg ngày 01/04/2016 của Thủ tướng Chính phủ về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Điều lệ về tổ chức và hoạt động của Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam ban hành kèm theo Quyết định số 1395/QĐ-TTg ngày 13/08/2013 của Thủ tướng Chính phủ.
  7. Chính phủ. (2017). Quyết định số 21/2017/QĐ-TTg ngày 15/06/2017 của Thủ tướng Chính phủ về hạn mức trả tiền bảo hiểm.
  8. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam. (2014). Thông tư số 24/2014/TT-NHNN ngày 06/9/2014 của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam hướng dẫn một số nội dung về hoạt động Bảo hiểm tiền gửi.
  9. Bộ Tài chính. (2016). Thông tư số 312/2016/TT-BTC ngày 24/11/2016 của Bộ Tài chính quy định chế độ tài chính đối với Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam. 

B. Danh mục sách, báo, tạp chí

  1. Hoàng Thu Hằng. (2013). Pháp luật về hoạt động BHTG ở Việt Nam, Hà Nội: NXB Đại học Quốc gia Hà Nội.
  2. Lê Thị Thu Thủy. (2008). Pháp luật về BHTG tại Việt Nam, Hà Nội: NXB Đại học Quốc gia Hà Nội.

C. Danh mục các trang thông tin điện tử

  1. http://div. gov.vn/Default.aspx?tabid=390
  2. https://luattaichinh.wordpress.com

D. Danh mục tài liệu tham khảo khác

  1. (2009). Bộ nguyên tắc cơ bản phát triển hệ thống bảo hiểm tiền gửi hiệu quả.
  2. Hiệp hội Bảo hiểm tiền gửi Quốc tế (IADI). (2010). Phương pháp đánh giá tuân thủ bộ nguyên tắc cơ bản phát triển hệ thống BHTG hiệu quả của Ủy ban Basel về giám sát ngân hàng (BCBS) và hiệp hội BHTG quốc tế (IADI).
  3. Hiệp hội Bảo hiểm tiền gửi Quốc tế (IADI). (2014). Các nguyên tắc cơ bản phát triển hệ thống bảo hiểm tiền gửi hiệu quả.

LEGAL PROVISIONS ON DEPOSIT INSURANCE, TERMINATION OF DEPOSIT INSURANCE AND INSURANCE PAYMENT: CURRENT SITUATION AND SOLUTIONS

Part 1: An overview on legal provisions on deposit insurance, termination of deposit insurance and insurance payment

Master. Le Huynh Phuong Chinh

Faculty of Law, Can Tho University

Abstract:

The Deposit Insurance of Vietnam was established in accordance with Decision No. 218/1999/QD-Ttg dated November 9, 1999 of the Prime Ministe. The Law on Deposit Insurance which was passed in 2012, the Decree No. 68/2013/ND-CP dated June 28, 2013 of the Government detailing and guiding the implementation of the Law on Deposit Insurance and the Circular No. 24/2014/TT-NHNN dated September 6, 2014 of the State Bank of Vietnam guiding a number of contents on deposit insurance activities have improoved the legal framework for deposit insurance in Vietnam, contributing to protecting the rights and interests of depositors. These legal documents ensure operations of credit institutions in Vietnam and create conditions to attract more deposits. However, the current legal framework on deposit insurance still has shortcomings regarding to the limit, payment time and fees. This paper presents an overview on legal provisions on deposit insurance, analyzes the current regulations of the law on deposit insurance, and points out some related shortcomings. Based on the paper’s findings, some recommendations are proposed to improve the effectiveness of legal provisions on deposit insurance. This paper’s Part 1 is to introduce an overview on legal provisions on deposit insurance, termination of deposit insurance and insurance payment.

Keywords: deposit, deposit insurance.

[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, 

Số ́8, tháng 4 năm 2021]