Phát triển sản xuất giống dừa giai đoạn 2017 - 2020

Nâng cao năng lực sản xuất giống dừa chất lượng cao phục vụ sản xuất cho các tỉnh trồng dừa, nhằm tăng năng suất và hiệu quả kinh tế cho người trồng dừa.

Thông tin chung đề tài:

Lĩnh vực: Công nghiệp thực phẩm – Công nghệ Sinh học

Tác giả: Thái Nguyễn Quỳnh Thư, Nguyễn Đăng Phú, Nguyễn Thị Thủy, Ngô Thị Thanh Trúc, Nguyễn Thị Mai Phương, Lưu Quốc Thắng, Lê Công Nông và cs.

Đơn vị: Viện Nghiên cứu Dầu và Cây có dầu

Nội dung chính của giải pháp/nghiên cứu

- Duy trì giống gốc: Chăm sóc vườn dừa giống gốc tại Trung tâm dừa Đồng Gò, tỉnh Bến Tre và Trung tâm Sản xuất giống Trảng Bàng, tỉnh Tây Ninh.

- Hoàn thiện quy trình công nghệ sản xuất giống dừa Sáp bằng kỹ thuật nuôi cấy phôi.

- Xây dựng mô hình trình diễn công nghệ sản xuất giống

- Tập huấn kỹ thuật trồng và sản xuất giống dừa chất lượng cao cho nông dân và cán bộ phụ trách nông nghiệp của các tỉnh trồng dừa trọng điểm vùng Duyên hải miền Trung.

- Sản xuất giống dừa chất lượng cao: Sản xuất cây giống dừa cao (Ta, Dâu), giống dừa lùn (Dứa, Xiêm, Ẻo); giống dừa Sáp nuôi cấy phôi và giống dừa lai (JVA1).

Mục tiêu giải pháp/nghiên cứu

Mục tiêu của dự án giai đoạn 2017 – 2020 là nâng cao năng lực sản xuất giống dừa chất lượng cao phục vụ sản xuất cho các tỉnh trồng dừa, nhằm tăng năng suất và hiệu quả kinh tế cho người trồng dừa.

Qua đó, đáp ứng được yêu cầu phát triển các giống dừa và kỹ thuật thâm canh để góp phần nâng cao năng suất và chất lượng quả dừa, hướng đến năm 2020 năng suất bình quân của cây dừa trong cả nước đạt từ 70 quả/cây/năm và hàm lượng dầu đạt hơn 60% đối với giống dừa lấy dầu.

Kết quả nghiên cứu/giải pháp

Dự án “Phát triển sản xuất giống dừa giai đoạn 2017 – 2020” đã đạt được một số kết quả nổi bật như sau:

Chăm sóc và duy trì 37ha vườn dừa giống gốc đạt tiêu chuẩn về sinh trưởng và phát triển tại Trung tâm Dừa Đồng Gò (Bến Tre) và Trung tâm Sản xuất Giống Trảng Bàng (Tây Ninh);

Hoàn thiện quy trình sản xuất giống dừa Sáp bằng phương pháp nuôi cấy phôi với tỷ lệ thành công của quy trình là 60,6%;

Xây dựng được 4 mô hình trình diễn sản xuất giống dừa bằng công nghệ tiên tiến tại các tỉnh Bến Tre, Tiền Giang, Kiên Giang, Bạc Liêu và Tây Ninh;

Triển khai 5 lớp tập huấn “Kỹ thuật nhân giống và thâm canh giống dừa chất lượng cao” ở các tỉnh duyên hải Nam Trung Bộ (Khánh Hòa, Phú Yên, Bình Định);

Sản xuất 48.850 cây giống gốc dừa cao, 262.569 cây giống gốc dừa lùn, 955 cây giống dừa Sáp nuôi cấy phôi và 6.268 cây giống dừa lai JVA1 phục vụ nhu cầu trồng dừa của cả nước.

Giá trị ứng dụng

Sau khi dự án được đầu tư hoàn thiện, toàn bộ hệ thống vườn giống gốc và vườn sản xuất giống lai được đưa vào khai thác, hàng năm có thể cung cấp cho sản xuất khoảng 300.000 cây giống đáp ứng cho việc trồng mới và cải tạo 1.500 ha dừa trong cả nước. Với việc sử dụng giống dừa mới, năng suất vườn dừa thu hoạch dự kiến tăng từ 7.900 quả/ha/năm trong năm 2015 lên 11.000 quả/ha/năm trong năm 2021, tăng 3.100 quả/cây năm (với giá 5.000 đồng/quả, lợi nhuận sẽ tăng 15.500.000 đồng/ha/năm).

Với các giống mới được tuyển chọn, từ việc đánh giá tính thích nghi của các giống dừa mới và các quy trình công nghệ sản xuất các giống dừa được hoàn thiện, năng suất giống dừa mới được đầu tư từ dự án có thể tăng 20 – 30% so với năng suất dừa hiện tại, chất lượng sản phẩm thu được cao hơn, từ đó nâng cao hiệu quả kinh tế từ việc trồng dừa.

Hiện nay quy trình nuôi cấy phôi dừa Sáp do Viện Nghiên cứu Dầu và Cây có dầu nghiên cứu đạt tỷ lệ thành công 60,6% với tổng thời gian nhân giống trung bình 10-13 tháng là cao nhất trong cả nước, đáp ứng nhu cầu chuyển giao công nghệ vào sản xuất cho các đơn vị có nhu cầu.

Việc hoàn thiện quy trình công nghệ sản xuất giống được đưa vào áp dụng rộng rãi trong sản xuất và sản xuất được nguồn giống dừa có chất lượng tốt đã góp phần mở rộng diện tích trồng dừa, nâng cao khả năng cạnh tranh với một số nước trồng dừa phát triển trong khu vực, từ đó góp phần nâng cao thu nhập cho người trồng dừa và các doanh nghiệp kinh doanh các sản phẩm từ dừa.