Nỗ lực đưa Nhà máy Đạm Ninh Bình vào sản xuất đúng tiến độ

Được đầu tư trên 11.000 tỷ đồng với thời gian thi công 42 tháng, Dự án Nhà máy Đạm Ninh Bình có tầm quan trọng và cấp bách đối với bài toán an ninh lương thực quốc gia trong những năm tới.

Tới kiểm tra thi công và giao ban công trường Dự án Nhà máy Đạm Ninh Bình, dự án trọng điểm của ngành hóa chất, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải chỉ đạo một số giải pháp đảm bảo tiến độ của công trình trọng điểm, có vai trò quan trọng đối với sản xuất nông nghiệp những năm tới.

Theo báo cáo của chủ đầu tư, sau gần 2 năm thi công, đến nay Dự án đã hoàn thành toàn bộ thiết kế cơ sở, thiết kế kỹ thuật. Phần thiết kế chi tiết cũng đã hoàn thành trên 90% và dự kiến hoàn tất những phần việc cuối cùng vào tháng 5/2010. Việc đặt hàng chế tạo các thiết bị với tổng giá trị trên 370 triệu USD cũng đang tiến hành phù hợp với tiến độ xây dựng và lắp đặt.

Công tác thi công xây lắp đã hoàn thành san đắp mặt bằng đảm bảo yêu cầu thiết kế trên diện tích 42 ha, phần móng cọc đạt 90%, ống ngầm và đường nội bộ đạt trên 80%. Tổng giá trị đầu tư xây dựng đến hết Quý I/2010 ước 5.507 tỷ đồng, đạt trên 50% tổng mức đầu tư toàn dự án.

Theo Tổng thầu dự án, năm 2010 này sẽ tập trung kết thúc toàn bộ công tác thiết kế chi tiết, đưa tới chân công trình khoảng 90% khối lượng thiết bị, vật tư, hoàn thành toàn bộ công tác XDCB, 80% công tác lắp đặt. Phấn đấu đảm bảo mốc tiến độ tháng 4/2011 đưa dự án vào vận hành thử, tháng 10/2011 đi vào vận hành thương mại.

Tại buổi giao ban, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải biểu dương những nỗ lực của chủ đầu tư, nhà thầu, địa phương  thời gian qua trong việc đảm bảo cơ bản tiến độ, chất lượng, an toàn công trình, không để xảy ra những sự cố, vướng mắc lớn.

“Dự án này có tầm quan trọng và cấp bách đối với bài toán an ninh lương thực trong những năm tới. Vì vậy, trong thời gian hơn 1 năm tới các đơn vị liên quan phải cố gắng hết sức và tập trung tối đa để hoàn thành, đưa vào vận hành Nhà máy một cách hiệu quả”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Phó Thủ tướng chỉ đạo, Bộ Công Thương tiến hành giao ban từng quý, cùng chủ đầu tư, nhà thầu tiếp tục kiểm soát chặt tiến độ, đặc biệt quan tâm tới chất lượng và an toàn lao động khi Dự án bước vào giai đoạn có tính chất quyết định, khối lượng công việc lớn cả về thi công xây dựng và chế tạo, lắp đặt thiết bị giá trị cao.

Chủ đầu tư – Tập đoàn hóa chất Việt Nam phối hợp chặt chẽ, giải quyết nhanh cho nhà thầu các vấn đề phát sinh trong quá trình triển khai dự án. Ngân hàng phát triển đảm bảo cấp vốn đã cam kết, xem xét cơ chế miễn thuế một số hạng mục vật tư nhập khẩu theo quy định.

Tổng thầu bố trí đầy đủ nhân lực và máy móc thi công và thực hành nghiêm ngặt trình tự và chế độ quản lý đối với một dự án mang tính quốc tế, lấy lại tiến độ một số hạng mục đang bị chậm.

Đặc biệt, Dự án Nhà máy Đạm Ninh Bình thuộc dòng công nghệ kỹ thuật cao, sử dụng công nghệ khí hóa than cám Shell còn mới đối với thế giới nên trước giai đoạn vận hành, chủ đầu tư hết sức chú ý tới công tác đào tạo, nhất là bộ khung công nhân vận hành.

Chính quyền địa phương chú ý công tác quản lý lao động, nhất là việc cấp thẻ lao động, quản lý người nước ngoài, đăng ký tạm trú, giữ gìn an ninh trật tự xã hội tại Nhà máy, tại địa phương.

Trong điều kiện thị trường nhiều biến động hiện nay, việc xây dựng nhà máy đạm Ninh Bình với công suất 560.000 tấn urê/năm sẽ góp phần vào việc chủ động vật tư nông nghiệp để phát triển sản xuất, bảo đảm an ninh lương thực quốc gia.

Dự án có tổng mức đầu tư trên 11.000 tỷ đồng với thời gian thi công 42 tháng. Sau khi hoàn thành vào năm 2011, nhà máy sẽ đạt sản lượng 1.760 tấn urê/ngày, cùng với sản lượng urê của Nhà máy Đạm Phú Mỹ và Nhà máy Phân đạm Hà Bắc (sau khi mở rộng) sẽ đáp ứng khoảng 65-70% nhu cầu đạm urê của cả nước.
 
Nhà máy Đạm Ninh Bình được xây dựng tại Khu công nghiệp Ninh Phúc (Ninh Bình) và là dự án trọng điểm của ngành Hoá chất đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt trong Quy hoạch phát triển ngành Hoá chất Việt Nam nhằm cân đối sử dụng hiệu quả giữa nguồn tài nguyên năng lượng dầu khí và than theo vùng.