PMIS - Khởi đầu chuyển đổi số bằng việc số hóa dữ liệu quản lý kỹ thuật của Công ty Thủy điện Bản Vẽ

Chuyển đổi số trong sự lan toả của cách mạng công nghiệp 4.0 không còn là sự lựa chọn mà đã trở thành xu hướng phát triển tất yếu để doanh nghiệp, trong đó việc ứng dụng khai thác có hiệu quả các phần mềm dùng chung là bước đi dễ tiếp cận và triển khai cho các đơn vị trong EVNGENCO1.

Chuyển đổi số là gì? Vì sao chuyển đổi số lại quan trọng?

Chuyển đổi số (Digital transformation) là việc tích hợp công nghệ và kỹ thuật số vào  quá trình hoạt động kinh doanh của tổ chức, với mục tiêu chính là gia tăng hiệu quả vận hành, nâng cao trải nghiệm và làm  hài lòng khách hàng và hơn nữa là tạo được lợi thế cạnh tranh trên thị trường.

Chuyển đổi số đòi hỏi tổ chức phải có một quyết tâm thay đổi từ "gốc rễ", liên tục thách thức những thói quen, không ngừng thử nghiệm cái mới và học làm quen với thất bại. Chính vì thế, nhiều tổ chức rất chật vật trong quá trình chuyển đổi số vì không thể nào bỏ được những giá trị cốt lõi.  

•	Hệ thống phần mềm quản lý kỹ thuật nguồn điện - PMIS

Hệ thống phần mềm quản lý kỹ thuật nguồn điện - PMIS

Chuyển đổi số là một khái niệm mới, nhưng kết quả đạt được nhờ ứng dụng công nghệ số trong các doanh nghiệp là rất đáng khích lệ và cần thiết trong thời đại công nghệ 4.0:

  • Giảm thiểu chi phí
  • Cải thiện chiến lược khách hàng
  • Cải thiện hệ thống vận hành
  • Phân tích và bảo mật dữ liệu tốt hơn
  • Tập trung hơn vào khách hàng tiềm năng
  • Sản phẩm / dịch vụ mới
  • Phân khúc thị trường chính xác
  • Trải nghiệm khách hàng với thị trường rộng hơn kèm
  • Tăng sự đổi mới cho nhân sự
  • Liên kết các phòng ban trong nội bộ tổ chức
  • Tăng tỷ lệ tiếp xúc khách hàng mọi lúc mọi nơi

Chuyển đổi số - Thay đổi nhỏ từ số hóa dữ liệu quản lý

Nhiều cá nhân và tổ chức còn rất ngại với việc chuyển đổi số vì cho rằng chuyển đổi số là phải thay đổi hoàn toàn một hệ thống hay chuyển đổi ngay lập tức tất cả mô hình kinh doanh của cả một doanh nghiệp. Nhưng sự thật chuyển đổi số chính là việc bắt đầu đi từ những bước đi nhỏ để theo thời gian sẽ đạt được những lợi ích rất lớn và những việc nhỏ như số hoá tài liệu của Công ty.

Thông thường, tại các đơn vị trong nghành điện nói chung tồn tại nhiều các đầu việc thủ công có tính chất lặp lại gây mất thời gian và giảm hiệu suất làm việc của nhân viên, ngoài ra, việc tiêu tốn lượng giấy lớn cho việc lưu trữ dữ liệu gây tốn kém diện tích, dễ hư hỏng do tác động của ngoại cảnh và việc tra cứu cũng rất khó khăn, tốn nhiều thời gian.

Chuyển đổi số sẽ giúp số hoá tài liệu bằng cách chuyển toàn bộ tài liệu bản cứng này sang dạng tài liệu mềm thuận tiện cho việc sàng lọc, tìm kiếm và chia sẻ thông tin, kéo dài tuổi thọ của tài liệu và tiết kiệm không gian lưu trữ.

Việc ứng dụng các phần mềm, giải pháp công nghệ vào quá trình xử lý dữ liệu cũng sẽ giúp các đơn vị đơn giản hoá quá trình xử lý và quản trị cơ sở dữ liệu của mình. Nhanh chóng đáp ứng được những yêu cầu khắt khe của thời đại công nghệ 4.0 với tốc độ biến đổi chóng mặt cũng như phục vụ cho hoạt động sản xuất kinh doanh yêu cầu đặt ra.

PMIS – điểm khởi đầu của chuyển đổi số đối với lĩnh vực Quản lý sản xuất của Công ty Thủy điện Bản Vẽ.

	Minh họa: Chuyển đổi số - Lợi ích lớn

Ảnh minh họa: Chuyển đổi số - Lợi ích lớn

Phần mềm quản lý kỹ thuật nguồn điện (PMIS) chính là một trong những điểm khởi đầu hoàn hảo trong chuyển đổi số trong công tác quản lý kỹ thuật các đơn vị sản xuất điện. Thực tế hiện nay, các công tác báo cáo, cập nhật dữ liệu sản xuất vẫn đang quản lý tổ chức của mình theo phương thức truyền thống thông qua excel, sổ sách, chưa ứng dụng tốt công nghệ thông tin vào quá trình quản trị doanh nghiệp.

Hệ thống PMIS giúp quản trị hiệu quả hơn thông qua việc sử dụng hệ thống thống nhất, tích hợp được tất cả các mảng như thiết bị, sản xuất, an toàn, RCM, vật tư, dự toán… giúp đơn quản lý hiệu quả hơn quá trình kinh doanh trong tổ chức.

PMIS được khai thác trong Công ty Thủy điện Bản Vẽ mục tiêu ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác quản lý kỹ thuật, giúp các đơn vị vận hành an toàn, tối ưu, tăng hiệu suất và giảm chi phí. Đồng thời, việc triển khai hệ thống phần mềm PMIS một cách thống nhất, xuyên suốt tạo điều kiện tổng hợp, báo cáo thuận lợi và dễ dàng giữa các cấp quản lý.

PMIS dược xây dựng dựa trên nền tảng số hóa toàn bộ cơ sở dữ liệu lưới điện theo dạng cây sơ đồ nguyên lý, chi tiết đến từng vị trí, các đơn vị thực hiện việc cập nhật dữ liệu sản xuất vận hành, sửa chữa lớn, sửa chữa thường xuyên, RCM, dự toán, vật tư thiết bị,… Từ đó, hỗ trợ truy xuất các số liệu báo cáo theo các biểu mẫu quản lý kỹ thuật cho các cấp theo quy định một cách nhanh chóng và tiện lợi, đồng thời cung cấp các số liệu chính xác phục vụ công tác tham mưu cho lãnh đạo Công ty, mang lại lợi ích kinh tế - kỹ thuật cho Công ty.

Đáp ứng tối đa mục tiêu đề ra như: Số hóa hồ sơ tài liệu, xây dựng kho dữ liệu dùng chung, đưa ra các cảnh báo dựa vào thông số vận hành, công cụ hỗ trợ thống nhất và chuẩn hóa quy trình, giảm tồn kho vật tư thiết bị, tối ưu năng lực khai thác thiết bị, hỗ trợ lập kế hoạch mua sắm mới, nâng cao chất lượng dịch vụ, đánh giá chất lượng thiết bị.

Việc áp dụng hệ thống quản lý kỹ thuật PMIS, ngoài chức năng quản lý toàn bộ lý lịch thiết bị hỗ trợ người sử dụng truy xuất các thông số đo đếm, các thông số vận hành, tổng hợp thông tin các sự cố, thông tin về thí nghiệm định kỳ, sửa chữa, bảo dưỡng...

Nhận thức được những lợi ích mà PMIS mang lại, Công ty Thủy điện Bản Vẽ chỉ đạo các đơn vị tăng cường cập nhật thông tin vào các phân hệ trong hệ thống nhằm đồng nhất số liệu giữa PMIS với số liệu quản lý kỹ thuật. Đến nay, đã hoàn thiện cơ sở dữ liệu và sẽ là nguồn dữ liệu duy nhất phục vụ các báo cáo quản lý kỹ thuật, trong bước tiếp theo sẽ ứng dụng ký số đối với các báo cáo, cập nhật dữ liệu từ cá nhân cấp đơn vị Phòng/Phân xưởng...

Khai thác hiệu quả PMIS tạo ra sự phối hợp đồng bộ giữa các cấp trong công tác quản lý kỹ thuật các đơn vị sản xuất điện, hiện thực hóa chủ trương chuyển đổi số quốc gia của chính phủ và chuyển đổi số trong Tập đoàn điện lực Quốc gia Việt Nam.

 

Đậu Ngọc Dũng (TĐBV)