Mô hình “Câu lạc bộ nữ công nhân làm việc xa nhà” tại Quảng Ninh: Một hình thức tập hợp nữ công nhân

Sau gần 3 năm ra đời, đến nay “CLB nữ CN làm việc xa nhà”, tại thị xã Uông Bí và Cẩm Phả (Quảng Ninh) đã thu hút khoảng 500 chị em. Trong đó, Uông Bí có 1 CLB, Cẩm Phả có 4 CLB.
Để nhân rộng thì mô hình này còn cần hoàn thiện nhiều khâu, nhưng không thể phủ nhận CLB đã góp phần xây dựng đời sống tinh thần cho nữ CNLĐ.

Nhu cầu của nữ CN

Theo LĐLĐ Quảng Ninh, đặc điểm của LĐ tại các DN ngoài quốc doanh và DN có vốn đầu tư nước ngoài là đa phần trong độ tuổi thanh niên, hầu hết chưa xây dựng gia đình, là người từ địa phương khác chuyển đến cư trú bằng hình thức tạm trú. Số LĐ ở khu vực này đều được tuyển dụng ngắn hạn, còn hạn chế về nhận thức nói chung, thiếu hiểu biết về pháp luật nói riêng.

Khi ký kết hợp đồng LĐ, điều mà họ quan tâm nhất chỉ là quyền lợi trước mắt, như việc làm và mức lương chứ không quan tâm đến quyền lợi hợp pháp khác theo quy định của pháp luật LĐ. Chính vì vậy, trong quá trình làm việc đã xảy ra một số bất đồng giữa NLĐ và người sử dụng LĐ, gây mâu thuẫn quan hệ LĐ. Bên cạnh đó còn có hiện tượng NLĐ bỏ việc hàng loạt làm ảnh hưởng đến tiến độ, kế hoạch SX của DN.

Một khảo sát của LĐLĐ Quảng Ninh tại Uông Bí và Cẩm Phả cho thấy, bình quân hàng tháng các DN phải tuyển dụng 100 CNLĐ mới do tình trạng CN bỏ việc. Mặt khác, do cường độ làm việc cao, điều kiện ăn ở khó khăn, đời sống tinh thần ít được cải thiện nên hầu hết CNLĐ không còn thời gian giao tiếp với dân cư cộng đồng, học tập nâng cao hiểu biết pháp luật.
Tại một số DN thuộc 2 địa bàn trên gần như không tổ chức được các loại hình sinh hoạt văn hoá tinh thần nào cho CN. Tâm sự của những nữ CNLĐ ở một khu nhà trọ tại thị xã Uông Bí đã thể hiện rõ những thiếu thốn của CNLĐ di cư nói chung, nữ CNLĐ làm việc xa nhà nói riêng: “Chúng em không biết những thông tin bên ngoài nhà máy vì không có đài, tivi, không cả báo...”.

Bởi vậy, hơn lúc nào hết rất cần một mô hình hoạt động dành cho nữ CNLĐ ở xa nhà để tập hợp, thông qua đó tuyên truyền, giáo dục họ.

Tạo điều kiện tham gia hoạt động cộng đồng

Thực tế cho thấy, hầu hết các “CLB nữ CN làm việc xa nhà” ở Quảng Ninh đều xây dựng được quy chế hoạt động và tổ chức sinh hoạt định kỳ 3 tháng/lần. Điều này cho thấy hiệu quả bước đầu của mô hình. Các hoạt động của CLB như: Nói chuyện chuyên đề về tình yêu, hôn nhân, chăm sóc sức khoẻ sinh sản, tổ chức thăm hỏi thành viên gặp khó khăn và đặc biệt là thông qua đó để tuyên truyền, nâng cao nhận thức về pháp luật, kiến thức xã hội, ứng xử trong cuộc sống... thu hút đông đảo hội viên tham dự.

Nhiều nữ CNLĐ cho biết, việc tham gia sinh hoạt CLB đã tạo điều kiện cho họ có được kiến thức về mọi mặt trong cuộc sống, kể cả trách nhiệm với cộng đồng nơi mình sinh sống và làm việc cũng như quyền lợi, trách nhiệm theo luật định của mình tại nơi làm việc. Có những nữ CNLĐ, chỉ đến khi được nghe nói chuyện về sức khoẻ sinh sản tại một kỳ sinh hoạt CLB mới biết các biện pháp tránh thai, mới hiểu cách phòng, chống bệnh lây nhiễm qua đường tình dục...

Theo chị Trần Thị Hằng - Trưởng ban Nữ công LĐLĐ tỉnh Quảng Ninh, mô hình CLB nữ CN làm việc xa nhà đã đáp ứng nhu cầu chính đáng của nữ CNLĐ trong việc tham gia các tổ chức, hội đoàn thể và tạo điều kiện để chị em được tham gia hoạt động tập thể lành mạnh, thực hiện tốt chủ trương, đường lối, chính sách pháp luật của Đảng, Nhà nước, của địa phương, góp phần giữ gìn an ninh trật tự khu dân cư. Do đó, thời gian tới tại một số huyện thị có nhiều DN ngoài quốc doanh và DN vốn đầu tư nước ngoài như Móng Cái, Hạ Long, Đông Triều, Yên Hưng, Vân Đồn phấn đấu mỗi nơi thành lập ít nhất 1 CLB/năm.

Để CLB ra đời và duy trì hoạt động hiệu quả, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa hội liên hiệp phụ nữ, LĐLĐ các cấp và chủ các nhà trọ. Bên cạnh đó, LĐLĐ tỉnh cần chỉ đạo cho LĐLĐ cấp huyện làm việc trực tiếp với các chủ DN để có cơ chế phối hợp và tạo điều kiện cho NLĐ được tham gia các hoạt động tại cộng đồng./.
  • Tags: