Nhận biết xu hướng tiêu dùng của đối tác trong xuất khẩu
Thị trường châu Âu (EU) là thị trường lớn với mức tiêu dùng cao, tuy nhiên để hàng hóa Việt Nam xâm nhập được vào thị trường này có không ít rào cản như: các yêu cầu về tiêu chuẩn kĩ thuật, trách nhiệm xã hội; môi trường khắt khe; cạnh tranh gay gắt giữa các nhà cung cấp; những hạn chế về chất lượng và mẫu mã sản phẩm so với các nước xuất khẩu khác… 

Nhằm giúp sức cho DN Việt Nam tăng sức cạnh tranh, đẩy mạnh xuất khẩu vào thị trường EU, vừa qua Dự án MUTRAP III đã tổ chức hội thảo “Cơ hội tiếp cận và mở rộng thị trường châu Âu đối với hàng xuất khẩu của Việt Nam”. Theo các chuyên gia của MUTRAP III, việc đầu tiên cần làm đối với các DN Việt Nam là nghiên cứu sâu hơn về xu hướng, những đòi hỏi của thị trường bán lẻ và người tiêu dùng tại EU. Lâu này các DN xuất khẩu của Việt Nam chủ yếu đưa hàng vào EU thông qua đối tác tại thị trường này. Theo đó, hàng hóa sản xuất dựa trên các yêu cầu mà đối tác nhập khẩu tại EU đưa ra, nếu đối tác “ bỏ rơi” coi như mất thị trường. Vì vậy, các DN Việt Nam cần nghiên cứu để hoạch định chiến lược bền vững, giảm thiểu sự bị động vào đối tác nhập khẩu. 

Ông Nguyễn Cảnh Cường, Vụ Thị trường EU—Bộ công Thương cho biết, nhóm hàng giày dép, dệt may, đồ gỗ, và đồ thủ công mỹ nghệ xuất vào thị trường EU có đóng góp lớn vào doanh thu xuất khẩu của Việt Nam. Đây là những mặt hàng Việt Nam có lợi thế tại EU do được hưởng ưu đãi theo hệ thống thuế quan phổ cập ( GSP). Tuy nhiên các nhà xuất khẩu Việt Nam lại chưa tận dụng được lợi thế này về những hạn chế về mẫu mã, chất lượng sản phẩm. Về mẫu mã thì chưa nắm rõ thói quen, sở thích của người tiêu dùng EU, còn chất lượng thì có được cải thiện nhiều nhưng cần phải nâng cao thêm. 

Ông Lê Bá Ngọc, Phó chủ tịch Hiệp hội Xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ Việt Nam chỉ ra xu hướng chính của thị trường EU trong thời gian tới.Tại thị trường Tây Ban Nha sẽ tiêu thụ mạnh sản phẩm liên quan đến công việc làm vườn; thị trường Đức sẽ là mặt hàng nội thất, phụ kiện trang trí bằng gốm sứ; thị trường Ý thì sẽ có nhu cầu lớn đồ sinh hoạt trong gia đình… Các DN xuất khẩu cần nắm rõ về khí hậu cũng như xu hướng dân số của từng thị trường trong EU để đưa ra quyết định đúng khi chọn mặt hàng, mẫu mã hàng đưa vào. Như ở Pháp, 21% người dân có căn hộ thứ 2 và đặc biệt quốc gia này có xu hướng dân số già nên họ muốn trang trí nhà bằng phụ kiện, nội thất gốm sứ là chủ yếu. 

Về mặt hàng giầy dép, TS. Nguyễn Thị Tòng, Phó chủ tịch Hiệp Hội Da giầy Việt Nam cung cấp thông tin. Năm 2007 tiêu thụ giầy da của EU đạt 50,3 tỷ Euro, tương đương 2,1 tỷ đôi và mức bình quân 4,2 đôi giầy/ người/năm. Có tới 5 thị trường tiêu thụ tới 72% lượng da giầy nhập khẩu vào EU là Đức 17,3%. Pháp 16,6%, Anh 16,3%, Ý 13,4%, Tây Ban Nha 8,5%... Tuy nhiên da giầy Việt Nam vấp phải sự cạnh tranh mạnh từ Trung Quốc. Trên thế giới cứ 10 đôi giầy làm ra thì có 6 đôi xuất phát từ Trung Quốc. Thị trường EU bán lẻ da giầy chiếm 47% nên các DN xuất khẩu cần chú ý đền thị trường bán lẻ, đặc biệt chú ý đến thị trường bán lẻ theo mùa. Về xu hướng của thị trường EU đối với mặt hàng da giầy, bà Tòng cho biết thị trường này tiêu thụ mạnh loại giầy da thời trang và công sở. Ở các nước mới gia nhập EU thì giầy dép phổ thông lại tiêu thụ mạnh hơn. 

Trong lĩnh vực gỗ và sản phẩm gỗ, ông Nguyễn Tôn Quyền, Tổng thư ký Hiệp Hội Gỗ và lâm sản Việt Nam cho biết, năm 2009 tổng kim ngạch xuất khẩu gỗ và đồ gỗ vào EU của Việt Nam đạt 763,7 triệu USD, đứng thứ 2 sau thị trường Hoa Kỳ. Đây là mặt hàng đòi hỏi những khắt khe về yếu tố bảo vệ môi trường thiên nhiên nên các tiêu chuẩn này thường rất cao ở EU như phải có chứng chỉ ISO 14001…
Gỗ là mặt hàng chịu tác động nhiều của khí hậu nên các DN chú ý đến từ khu vực, thị trường trong EU. Xu thế sử dụng nội thất gỗ của EU có từ lâu đời và vẫn còn cho đến ngày nay. Một thị trường có xu thế dân số già như EU thì nội thất gỗ ngày càng được trú trọng và mẫu mã đang quay về phong cách cổ điển. Mặt hàng ghễ gỗ giá rẻ đang tiêu thụ mạnh ở EU bởi xu thế chuyển sang các sản phẩm giá rẻ đang hình thành ở đây. Các DN xuất khẩu gỗ cần chú ý đến các thị trường như Thụy Điển, Hà Lan, Ý, Đức, Pháp, Anh, Và Tây Ban Nha vì đây là những thị trường có tỷ lệ người sử dụng đồ gỗ cao, chiếm 80% toàn EU. 

Với kinh nghiệm của mình, ông Lê Văn Đạo, Phó chủ tịch Hiệp Hội Dệt may Việt Nam cũng chỉ ra xu hướng hàng dệt may vào EU trong thời gian tới. Theo ông Đạo cần đưa sang EU những mặt hàng thân thiện với môi trường, hàng có chất lượng cao nhưng không cần thiết phải gắn các thương hiệu lớn và giá cả là điều người tiêu dùng EU quan tâm nhất. 

Bà Nguyễn Thị Hoàng Thúy, Giám đốc Dự án MUTRAP III nhấn mạnh, nhận biết xu hướng tiêu dùng là điều quyết định đến sự thành bại của DN xuất khẩu trong tương lai.Do đó,trước khi xuất khẩu mặt hàng gì sang EU các DN cần có nghiên cứu thị trường để giảm dần việc gia công theo đơn đặt hàng, tăng thế chủ động trong xuất khẩu hàng hóa.

  • Tags: