Theo thông tin từ Tổng cục Quản lý thị trường, Bộ Công Thương, trong tuần qua, lực lượng chức năng liên tiếp phát hiện, triệt phá nhiều vụ vận chuyển, kinh doanh thực phẩm nhập lậu không đảm bảo chất lượng.
Mới đây nhất, ngày 22/5, lực lượng quản lý thị trường (QLTT) Thái Nguyên đã phối hợp với lực lượng Công an phát hiện, tiêu hủy hơn 3 tấn gà thịt đã bốc mùi hôi thối, chuẩn bị bán ra thị trường.
Cụ thể, nhận được nguồn tin báo từ cơ sở sau khi thẩm tra xác minh, Đội QLTT số 1, Cục QLTT Thái Nguyên đã phối hợp với Công an tỉnh Thái Nguyên, Chi cục chăn nuôi, thú y và thủy sản tỉnh Thái Nguyên tiến hành kiểm tra tại gia đình ông Phạm Văn Nhiệm, sinh năm 1972, địa chỉ: xóm Chùa 2, xã Đắc Sơn, thị xã Phổ Yên.
Tại thời điểm kiểm tra, Đoàn kiểm tra phát hiện tại sân nhà ông Nhiệm có 2.894 kg gà chết (loại gà công nghiệp) đã biến đổi màu sắc, bốc mùi hôi thối và 265 kg gà đã thịt đã đóng túi.
Quá trình làm việc, ông Nhiệm khai nhận, số gà trên được ông lấy từ một trang trại gà trên địa bàn xã Phúc Thuận, TX.Phổ Yên, tỉnh Thái Nguyên mang về bán cho ông Nguyễn Văn Hương địa chỉ: thôn Yên Tàm, xã Bắc Phú, huyện Sóc Sơn, TP. Hà Nội nhằm mục đích kiếm lời.
Khi lực lượng liên ngành đột kích kiểm tra, số lượng hàng trên đang trong quá trình cân, đóng bao cho lên xe ô tô BKS 29H-487.47 để vận chuyển về Sóc Sơn, Hà Nội.
Tại thời điểm làm việc, ông Nhiệm không xuất trình được bất kỳ giấy tờ gì liên quan đến nguồn gốc, xuất xứ của số gà trên và hoạt động giết mổ gia cầm của gia đình ông chưa được cấp có thẩm quyền cấp phép.
Đại điện của Chi cục Chăn nuôi, thúy y và thủy sản Thái Nguyên cho biết số gà trên đã chết, bốc mùi hôi thối, do vậy không đủ điều kiện để lấy mẫu xác định dịch bệnh, phải tiến hành tiêu hủy ngay theo quy định.
Số hàng hóa trên đã được cơ quan chức năng xử lý, tiêu hủy theo quy định của pháp luật để đảm bảo vệ sinh môi trường. Vụ việc được các cơ quan chức năng tiếp tục làm rõ để xử lý vi phạm các đối tượng liên quan theo quy định pháp luật.
Trước đó, ngày 19/5/2021, Đội QLTT số 7 (thị xã Đông Triều) đã phối hợp với Đội CSGT số 2 (Phòng PC08 - Công an tỉnh) tiến hành khám phương tiện xe ô tô biển kiểm soát: 14B-03356 do ông Đào Xuân Toàn là lái xe kiêm chủ hàng, địa chỉ tại Tổ 9, khu tập thể 201 Mạo Khê, phường Mạo Khê, thị xã Đông Triều, tỉnh Quảng Ninh.
Tại thời điểm kiểm tra, lực lượng chức năng phát hiện trên xe có 100 kg xúc xích được bao gói trong các túi nilon không có nhãn mác. Làm việc với Đoàn kiểm tra, ông Đào Xuân Toàn không xuất trình được hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc xuất xứ hàng hóa, trị giá 9.000.000 đồng. Đội QLTT số 7 ban hành Quyết định xử phạt 8.000.000 đồng, buộc tiêu hủy toàn bộ hàng hóa vi phạm.
Hay như ở Kiên Giang, chiều ngày 17/5/2021, Đoàn kiểm tra thuộc Đội QLTT số 1 phối hợp với Phòng PC 03, Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản (QLCLNLS&TS) tiến hành khám ô tô tải mang biển số 68C -12491 tại ấp 9 Xáng I, xã Đông Hòa, huyện An Minh, tỉnh Kiên Giang.
Kết quả khám, Đoàn kiểm tra phát hiện có 300kg tôm thẻ nguyên liệu không có hóa đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc xuất xứ và chưa xác định được chủ sở hữu. Đoàn kiểm tra đã tạm giữ lô hàng trên, đồng thời phối hợp với Chi cục QLCLNLS&TS xác định 300 kg tôm thẻ nguyện liệu trên có chứa tạp chất Agar.
Hiện lô hàng trên đã được Đội QLTT số 1 tạm giữ, phối hợp cùng cơ quan chuyên môn loại bỏ tạp chất để xử lý theo quy định, đồng thời thông báo tìm chủ sở hữu tang vật, thu thập thêm chứng cứ để xác minh làm rõ vụ việc.
Cũng theo thông tin từ Tổng cục QLTT, trước tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, Tổng cục đã yêu cầu đơn vị trực thuộc tại các địa phương tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát địa bàn gắn với phòng, chống dịch bệnh.
Trong đó, đặc biệt lưu ý đối với các tỉnh biên giới cửa khẩu như: Lạng Sơn, Lào Cai, Quảng Ninh, Quảng Trị, An Giang, Long An, Tây Ninh… thực hiện nghiêm công tác chống buôn lậu, hàng giả, không để xảy ra vụ việc lớn về buôn lậu, hàng giả, gian lận thương mại, nhất là đối với các mặt hàng trọng điểm như thiết bị y tế, thiết bị phòng chống dịch Covid-19, xăng dầu, mặt hàng đường...
Bên cạnh đó, lợi dụng sức nóng từ thị trường, các đối tượng đã trục lợi tăng giá trên chính những mặt hàng phòng chống dịch như thiết bị y tế, vật tư y tế, khẩu trang, nước rửa tay... Do đó, Tổng cục QLTT đề nghị, lực lượng QLTT cả nước phối hợp với các lực lượng chức năng tăng cường kiểm tra, không để xảy ra hiện tượng đầu cơ, găm hàng, tăng giá bất hợp lý diễn ra trên địa bàn.
Đồng thời, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật, vận động người dân chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật; cam kết không buôn lậu, không kinh doanh hàng lậu, hàng cấm, hàng giả, hàng kém chất lượng và vi phạm an toàn thực phẩm.