Quản trị rủi ro trong xuất khẩu đồ gỗ vào UKVFTA

Cần nâng cao năng lực quản trị, nhất là quản trị rủi ro và đặc biệt là câu chuyện hiện nay mà chúng ta nói nhiều là câu chuyện rủi ro về tỷ giá. Nếu không, sẽ trở thành một yếu tố có thể ảnh hưởng đến chi phí và lợi ích của doanh nghiệp cũng như khả năng tái đầu tư trong tương lai.

hiệp định UKVFTA

Cơ hội từ hiệp định UKVFTA

Cơ hội từ hiệp định UKVFTA với hàng xuất khẩu nước ta khá lớn. Trước đây khi chưa có sự kiện Brexit thì Vương quốc Anh (UK) đã là một thị trường khá quan trọng, khá lớn của sản phẩm Việt Nam, cụ thể sản phẩm gỗ chúng ta xuất khẩu sang thị trường UK thường chiếm khoảng 30 - 40% trong tổng kim ngạch xuất khẩu sang tất cả các nước thành viên của EU.

Với việc UK không còn là một thành viên của EU nữa, lúc đầu các doanh nghiệp xuất khẩu gỗ rơi vào trạng thái băn khoăn, lo lắng nhưng nhờ có UKVFTA và năm 2021 kim ngạch xuất khẩu sản phẩm gỗ vào UK đã đạt trên 265 triệu USD và tăng trên 18% so với năm trước đó. Năm 2022, xuất khẩu gỗ sang Anh tiếp tục tăng trưởng.

Một điều rất quan trọng, sản phẩm gỗ Việt Nam xuất khẩu sang UK có đến trên 92% là đồ mộc, đồ nội thất là nhóm sản phẩm có giá trị gia tăng cao hơn so với các sản phẩm gỗ được dùng làm vật liệu trung gian cho các công đoạn chế biến tiếp theo trong ngành công nghiệp gỗ và các doanh nghiệp của chúng ta cũng đã tận dụng được cơ hội mà UKVFTA mang lại.

Hơn thế nữa, theo thỏa thuận giữa hai quốc gia thì nhóm sản phẩm nội thất tinh chế khi xuất khẩu vào UK vẫn còn chịu mức thuế từ 1,2 - 2% và sẽ giảm dần trong những năm tới. Mức thuế đó thấp hơn nòn nhóm sản phẩm gỗ, sản phẩm vật liệu trung gian có mức thuế từ 2-10% (và cũng sẽ giảm trong những năm tới).  

Xuất khẩu gỗ nước ta khó cạnh tranh với các nước khác trên thị trường UK, nếu không có hiệp định UKVFTA, nếu không có cơ hội giảm thuế từ UKVFTA. Các quốc gia châu Âu khác có lợi thế lớn hơn Việt Nam khi xuất khẩu sản phẩm gỗ vào UK. Doanh nghiệp gỗ Trung Quốc cũng đến sớm hơn, mạnh hơn Việt Nam trên thị trường này. Hiện tại, sản phẩm gỗ từ Trung Quốc xuất sang UK chiếm tới trên 40% tổng giá trị nhập khẩu (gần 5 tỷ USD) của UK, còn các nước thành viên EU xuất  khẩu vào UK 1,4 tỷ USD sản phẩm gỗ. Xuất khẩu gỗ Việt Nam đến sau hơn, chi phí logistics và vận tải biển cao hơn, hiểu biết của doanh nghiệp Việt về thị hiếu nội thất và văn hóa chi tiêu của người Anh cũng hạn chế nhiều hơn.

Hiệu ứng lan toả

Nhìn ở góc nhìn toàn diện, tỷ trọng của đồ gỗ Việt Nam mới chỉ chiếm chưa được 10% tổng trị giá nhập khẩu đồ gỗ nội thất của Anh và do đó chúng ta vẫn còn rất nhiều dư địa để cho doanh nghiệp ngành công nghiệp đồ nội thất bằng gỗ của Việt Nam có thể tận dụng ở đây.

Ngành công nghiệp gỗ Việt Nam hiện nay mới chỉ chiếm 7,2% tổng kim ngạch nhập khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của UK. Nếu so sánh với tổng giá trị kim ngạch xuất khẩu của ngành công nghiệp gỗ Việt Nam thì thị trường UK mới chỉ chiếm 2%. Như vậy còn quá nhỏ.

Khi xuất khẩu sang UK chúng ta gặp phải một số khó khăn. UK là những là một thị trường bao gồm những khách hàng khó tính, người dân chi tiêu rất cẩn thận, không như một số thị trường khác. UK cũng là một quốc gia có ngành công nghiệp gỗ phát triển rất lâu đời. Chính từ UK, ngành công nghiệp đồ gỗ dịch chuyển sang một số nước như Mỹ, Đức, Nhật, sau đấy mới đến các con rồng châu Á và đến Việt Nam.

Cho nên khách hàng UK có gu thẩm mỹ tinh tế về mẫu mã, kiểu dáng. Đặc biệt Chính phủ UK đặt ra một số những yêu cầu rất nghiêm khắc về mặt môi trường. Bởi vì sản phẩm gỗ liên quan đến rừng - một bộ phận rất quan trọng của môi trường sống. UK khi còn là thành viên của EU cũng như hiện nay sau Brexit luôn luôn giương ngọn cờ về chống biến đổi khí hậu, tăng trưởng xanh, kinh tế xanh, và việc làm thế nào để giảm phát thải khí nhà kính... Cho nên các doanh nghiệp Việt Nam khi xuất khẩu vào UK đòi hỏi phải đảm bảo đến tính hợp pháp của nguồn gốc gỗ.

Doanh nghiệp xuất khẩu gỗ cũng có những vấn đề, như chưa tận dụng tốt nền tảng kỹ thuật số trong tiếp thị, để có thể đưa thông tin sản phẩm đến với khách hàng UK thuận tiện nhất, theo cách tiếp cận mà khách hàng UK vẫn thường làm. Ngoài ra Việt Nam thường là người đến sau, doanh nghiệp sản xuất, gia công một số sản phẩm theo những mẫu mã mà các quốc gia khác, các nhà cung ứng khác đã từng mang đến UK. Theo các chuyên gia, nếu chúng ta có năng lực thiết kế, năng lực xây dựng thương hiệu tốt hơn thì giá trị và dư địa mà chúng ta được hưởng trong tổng kim ngạch xuất khẩu vào thị trường UK còn rất rộng lớn.

Mặt khác, khi Việt nam duy trì được tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu vào UK sẽ tạo dựng được uy tín, tạo hiệu ứng lan toả sang các thị trường khác. Kết quả tăng trưởng xuất khẩu đồ gỗ vào UK sẽ là “chứng chỉ” khẳng định Việt Nam có ngành công nghiệp gỗ với khả năng cạnh tranh cao và sản phẩm gỗ Việt Nam đáp ứng được thị hiếu người tiêu dùng từ UK cho đến các nơi khác nữa.

Cần một hiệp định quản trị rừng tự nguyện

Để xuất khẩu đồ gỗ vào UK như một thị trường mang tính dẫn dắt như trên, doanh nghiệp cần phải chuyển đổi nhanh. Lâu nay ngành công nghiệp gỗ Việt Nam phát triển dường như theo chiều rộng, chúng ta sử dụng nhân công, sử dụng nguyên liệu đầu vào lớn để tạo ra giá trị sản phẩm.

Với tình hình biến động như hiện nay, trong những năm tới phải có một bước chuyển đổi, phải tạo ra một bước ngoặt lớn, đi vào chế biến và xuất khẩu, kể cả xuất khẩu sang UK nhóm sản phẩm có giá trị gia tăng cao hơn, sử dụng ít nhân công, ít nguyên liệu đầu vào hơn.

Thứ hai, doanh nghiệp phải chú ý đầu tư cho quản trị doanh nghiệp, sử dụng các phần mềm kế toán hiện đại, đảm bảo tính minh bạch của đầu vào, đầu ra. Khi chúng ta tăng tốc xuất khẩu sản phẩm gỗ, sẽ gặp tần suất xuất hiện những vụ kiện ngày càng nhiều hơn, kiện chống bán phá giá, kiện lẩn tránh thuế, rồi những rắc rối liên quan đến xuất xứ, đến tính hợp pháp của nguồn nguyên liệu đầu vào... Nếu có một hệ thống quản trị doanh nghiệp tốt hơn, doanh nghiệp có năng lực phòng vệ thương mại tốt hơn.

Tiếp theo nữa giống như các ngành khác, ngoài việc phải tận dụng tốt cơ hội mà công nghệ số mang lại. Hiệp hội Gỗ cũng như các hiệp hội địa phương với sự hỗ trợ của Bộ Công Thương cũng tổ chức rất nhiều những cuộc hội chợ, những show để có thể quảng bá thương hiệu, giới thiệu sản phẩm và thu hút khách hàng. Những năm tới chắc chắn phải tăng cường quảng bá thương hiệu ở tầm quốc gia chứ không phải là chỉ các doanh nghiệp, làm sao để thực sự chúng ta là một trung tâm chế biến gỗ có trách nhiệm, có năng lực cạnh tranh tốt và bền vững.

Bên cạnh đó, Chính phủ cần xem xét có thể đàm phán với UK và ký một Hiệp định VPA-FLEGT, tức là một Hiệp định đối tác tự nguyện nhằm tăng cường năng lực quản trị rừng, tuân thủ pháp luật và thương mại gỗ. Một hiệp định tương tự chúng ta đã ký với EU, nhưng với Brexit thì hiệp định này không còn hiệu lực đối với UK.

Nếu được thì chúng ta xúc tiến ký một hiệp định với UK giống như Indonesia đã làm, sẽ tạo điều kiện cho tất cả các cái lô hàng mà chúng ta xuất khẩu vào UK không còn phải băn khoăn nhiều về những yêu cầu môi trường, những yêu cầu về bảo vệ rừng nữa và các doanh nghiệp có thể yên tâm để mà đầu tư vào sản xuất.

Cách nhìn đầy đủ về lợi thế cạnh tranh

Các chuyên gia cho rằng, điểm quan trọng đầu tiên doanh nghiệp phải chủ động tìm hiểu cái thông tin từ các hiệp định. Nếu doanh nghiệp không chủ động tìm kiếm thông tin từ các cam kết của hiệp định, cơ hội từ hiệp định thì việc tận dụng sẽ rất khó.

Thứ hai là ý thức về khả năng cạnh tranh trong chuỗi giá trị, bởi vì khả năng cạnh tranh trong chuỗi giá trị, nếu doanh nghiệp chỉ nhìn nhận thuận lợi từ UKVFTA là lợi thế từ việc cắt giảm thuế nhập khẩu thì vẫn chưa phải là một cách nhìn đầy đủ về lợi thế cạnh tranh. Lợi thế phải xuất phát từ việc doanh nghiệp có khả năng tiếp cận được, kết nối được với doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài và đặc biệt là doanh nghiệp của Anh trong chuỗi cung ứng. Để làm được điều đó thì không phải chỉ cạnh tranh về giá mà còn làm thế nào để bảo đảm được đáp ứng tiêu chuẩn hàng hóa.

Thứ ba là ý thức được về việc bảo hộ sở hữu trí tuệ, trong đó có việc đăng ký bảo hộ sở hữu trí tuệ tại thị trường Anh. Thứ tư, làm thế nào để bảo đảm được hàng hóa của mình giao cho các đối tác ở thị trường Anh không bị rủi ro về các kênh logistics từ vận tải đường biển quốc tế trong bối cảnh hiện nay.

Thứ năm, nâng cao năng lực quản trị, nhưng một yếu tố phải nhấn mạnh là quản trị rủi ro và đặc biệt là câu chuyện hiện nay mà chúng ta nói nhiều là câu chuyện rủi ro về tỷ giá. Nếu không có những công cụ quản trị rủi ro về tỷ giá là một yếu tố có thể ảnh hưởng đến chi phí và lợi ích của doanh nghiệp cũng như khả năng tái đầu tư trong tương lai.

Xây dựng FTAP và FTA Index

Trong một cuộc Toạ đàm về cải thiện năng lực nội tại, tận dụng cơ hội từ UKVFTA, ông Ngô Chung Khanh, Phó Vụ trưởng Vụ chính sách Thương mại Đa biên (Bộ Công Thương) cho rằng, đầu tiên là giải quyết vấn đề về cung cấp thông tin. Theo đó, không nên tổ chức các hội nghị, hội thảo chung chung nữa mà đi sâu vào chuyên ngành. Xác định ra ngành nào mà chúng ta cần thúc đẩy, ví dụ như thủy sản, dệt may, rau quả.... sau đó tổ chức các hội nghị chuyên đề và mời các chuyên gia trong những lĩnh vực có liên quan đến mặt hàng đó đến nói chuyện, chia sẻ.

Thứ hai, cần thông tin mang tính trải nghiệm, mời doanh nghiệp đã thành công sang Anh, chia sẻ cách làm như thế nào, những khó khăn họ đã vượt qua và những vấn đề cần phải làm. Cần phải chia sẻ để cho doanh nghiệp tự tin rằng có những người đi trước, có những người mở được thì sẽ làm được.

Thứ ba, theo ông Khanh, Bộ Công Thương đã xây dựng cổng thông tin FTAP - cổng thông tin về các FTA. Đây là một cổng lớn cấp Chính phủ. Chính phủ đã giao Bộ Công Thương thành lập tổ công tác cùng đại diện các bộ, ngành có liên quan xây dựng cổng một để cung cấp thông tin, tương tác với doanh nghiệp. Tất cả các vấn đề liên quan đến FTA từ quy tắc thuế, quy tắc xuất xứ, thông tin thị trường, xúc tiến, vấn đề lao động, môi trường... được kết nối lại với nhau. Thông qua FTAP, doanh nghiệp có thể ngồi một chỗ tra cứu gần như đầy đủ các thông tin mình mong muốn.

Thứ tư, Chính phủ cũng đã phê duyệt chủ trương xây dựng một đề án đánh giá kết quả thực thi FTA tại các địa phương để đưa ra một chỉ số, tương tự như PCI Index sẽ có FTA Index vào cuối năm 2023, theo đó xếp hạng tất cả 63 tỉnh thành về kết quả thực thi các FTA. Với chỉ số FTA Index sẽ giúp thay đổi tư duy và giúp cho các chính quyền địa phương tích cực hơn, đẩy mạnh hơn hoạt động hỗ trợ, đồng hành với doanh nghiệp.

Nguyễn Anh Trung