Động thái bất ngờ của ông Zelensky với NATO
Ukraine muốn nhận được thư mời bắt đầu quá trình gia nhập NATO tại hội nghị thượng đỉnh của Liên minh quân sự này vào tháng 7 tới. Nếu không, Tổng thống Ukraine sẽ không tới dự hội nghị thượng đỉnh của khối.
Việc Tổng thống Ukraine gây sức ép với NATO được coi là điều bất ngờ. Bởi vào tháng trước, ông Zelensky thừa nhận rằng Ukraine chưa thể gia nhập NATO khi chiến sự đang diễn ra và do đó chưa thể kì vọng NATO đặt ra thời hạn kết nạp cụ thể.
Pháp họp khẩn về an ninh
Chiều 30/6, Pháp đã tiến hành một cuộc họp an ninh khẩn cấp để đánh giá và thảo luận các biện pháp nhằm ứng phó tình trạng bạo loạn kéo dài trên khắp cả nước để phản đối vụ cảnh sát bắn chết một thiếu niên 17 tuổi hồi đầu tuần. Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã sớm rời Hội nghị thượng đỉnh Liên minh châu Âu (EU) đang diễn ra tại Brussels (Bỉ), để trở về nước chủ trì cuộc họp này.
Tại cuộc họp, ông Macron thông báo sau 3 ngày diễn ra bạo loạn tại Pháp, đã có 492 tòa nhà bị hư hại, 2.000 phương tiện bị đốt cháy và 3.880 đám cháy bùng phát. Cảnh sát đã bắt giữ 875 người trong cuộc bạo loạn đêm 29/6, trong đó 50% là những người sống tại khu vực Paris.
Mỹ tái gia nhập UNESCO
Ngày 30/6, Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên Hợp Quốc (UNESCO) cho biết Mỹ đã tái gia nhập tổ chức này.
Tại phiên họp toàn thể bất thường của cơ quan này, các nước thành viên đã bỏ phiếu ủng hộ sự trở lại của Mỹ, với 132 phiếu thuận, 10 phiếu chống và 15 phiếu trắng.
Mỹ là một thành viên sáng lập UNESCO, cũng là nhà đóng góp chính cho ngân sách của cơ quan này đến năm 2011, thời điểm UNESCO chấp nhận Palestine là một nhà nước thành viên. Sau sự kiện này, Mỹ ngừng đóng góp cho UNESCO, bởi theo Đạo luật Ủy quyền quan hệ đối ngoại được thông qua năm 1990, Mỹ sẽ cắt hỗ trợ cho bất kỳ tổ chức nào của LHQ coi Tổ chức Giải phóng Palestine có vị thế giống như các quốc gia thành viên khác.
6 năm sau đó, năm 2017, Tổng thống Mỹ khi đó là ông Donald Trump đã tuyên bố Mỹ, cùng với Israel, rút khỏi UNESCO, với lý do tổ chức này thiên vị và chống lại nhà nước Do Thái. Quyết định này có hiệu lực từ năm 2018.
BRICS có thể sẽ kết nạp 5 thành viên mới vào tháng 8
Nhóm các nền kinh tế mới nổi hàng đầu thế giới (BRICS) có thể sẽ công bố quyết định kết nạp thêm 5 thành viên mới tại Hội nghị Thượng đỉnh của nhóm vào tháng 8 ở Nam Phi. Có khoảng 25 quốc gia đã bày tỏ nguyện vọng được gia nhập BRICS; trong đó, trường hợp của Saudi Arabia là chắc chắn nhất. Bên cạnh đó, các ứng cử viên khác còn bao gồm Indonesia, Các Tiểu vương quốc A-rập Thống nhất (UAE), Ai Cập, và Argentina.
BRICS hiện tại có 5 quốc gia thành viên gồm Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc, Nam Phi hiện chiếm tới hơn 42% dân số toàn cầu, 30% diện tích thế giới, 23% Tổng sản phẩm Quốc nội toàn cầu, và 18% thương mại xuyên lục địa.
EU sẵn sàng dỡ bỏ các hạn chế còn lại đối với thực phẩm Nhật Bản
Một nguồn tin ngoại giao cho biết Liên minh châu Âu (EU) đã sẵn sàng dỡ bỏ những hạn chế nhập khẩu còn lại mà khối này áp đặt đối với các mặt hàng thực phẩm của Nhật Bảnsau sự cố tại nhà máy điện hạt nhân Fukushima số 1 hồi năm 2011.
Theo nguồn tin trên, dự kiến quyết định về dỡ bỏ các hạn chế này sẽ được công bố vào cuối tháng 7 tới, qua đó mở đường dỡ bỏ yêu cầu về các giấy tờ chứng nhận kiểm tra phóng xạ đối với hải sản và nấm nhập khẩu từ 10 tỉnh của Nhật Bản, trong đó có Fukushima.
Iran phát triển thành công tên lửa đạn đạo thế hệ mới
Truyền thông Iran xác nhận nước này đã thử nghiệm thành công tên lửa đạn đạo tầm trung thế hệ mới Khaibar, được mô tả là thế hệ nâng cấp thứ 4 của mẫu tên lửa Khorramshahr.
Đây là tên lửa đạn đạo mới nhất và cũng là sản phẩm mới nhất của Tổ chức Công nghiệp Hàng không Vũ trụ (AIO) thuộc Bộ Quốc phòng Iran. Theo những thông tin được công bố, tên lửa có tầm bắn 2.000km và mang theo đầu đạn nặng 1,5 tấn.
Nga ấn định thời điểm rút khỏi hiệp ước quân sự ở châu Âu
Thứ trưởng Ngoại giao Nga cho biết nước này sẽ rút khỏi Hiệp ước về Các lực lượng vũ trang thông thường ở châu Âu vào tháng 11.
CFE được ký năm 1990 giữa NATO và các quốc gia Khối Hiệp ước Warsaw nhằm giới hạn số lượng xe tăng và thiết giáp, pháo, trực thăng và chiến đấu cơ đóng quân tại châu Âu, tránh các bên tập trung lực lượng quy mô lớn để tấn công chớp nhoáng, thiết lập thế cân bằng quân sự.
Nga đình chỉ CFE từ năm 2007, cáo buộc các thành viên NATO nhiều lần vi phạm hiệp ước và không phê chuẩn phiên bản cập nhật. Do đó, ông Ryabkov cho biết việc Nga chính thức rút khỏi CFE sẽ không khiến tình hình thực tế thay đổi nhiều.