Chính sách nhập cư của cựu Tổng thống Donald Trump "nóng" trở lại
Tờ The Hill vừa đăng bài viết cho biết các đề xuất về chính sách nhập cư và an ninh biên giới của cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump dường như trở thành chủ đề xương sống trong các cuộc tranh luận của đảng Cộng hòa.
Năm 2016, ông Donald Trump đã có một bài phát biểu chỉ trích gay gắt những người nhập cư đến từ Mexico. Ở thời điểm đó, quan điểm này khá mới và hoàn toàn khác lạ so với thông điệp truyền thống của đảng Cộng hòa và nhóm cử tri ủng hộ ông Trump. Tuy nhiên, điều này đã thay đổi. Trong cuộc đua sắp tới, các ứng cử viên của đảng Cộng hòa đang sử dụng vấn đề nhập cư như một điểm nhấn quan trọng xuyên suốt tiến trình giành đề cử của đảng.
Ông Joe Biden sẽ tranh cử bằng chính sách “Bidenomics”
Tổng thống Mỹ Joe Biden đặt cược vào chính sách kinh tế “Bidenomics” để tái đắc cử năm tới. Giám đốc Hội đồng Kinh tế quốc gia Mỹ Lael Brainard nói rõ Tổng thống Biden từ chối chính sách “Reaganomics” nổi tiếng dưới thời Ronald Reagan những năm 1980 dựa trên học thuyết kinh tế “nhỏ giọt” dẫn đến tình trạng chuyển hoạt động sản xuất ra nước ngoài, nhiều kế hoạch nâng cấp cơ sở hạ tầng đầy tham vọng bị hủy bỏ. Chính sách “Bidenomics” dùng chi tiêu công như chất xúc tác tạo nên “sự bùng nổ” chi tiêu tư nhân trong ngành sản xuất cùng ngành xây dựng.
Hunggary lại tiếp tục làm khó Thụy Điển
Nghị sỹ của đảng đối lập Liên minh Dân chủ (DK) ở Hungary cho biết một ủy ban Hạ viện đã từ chối đề xuất lên lịch biểu quyết về việc phê chuẩn tư cách thành viên NATO của Thụy Điển vào tuần tới. Thủ tướng Thụy Điển Ulf Kristersson cho biết ông sẽ trao đổi với người đồng cấp Hungary về các thông tin trên.
Chính phủ của Thủ tướng Viktor Orban trước đó đã nhiều lần trì hoãn quá trình phê chuẩn Thụy Điển gia nhập NATO, dù các thành viên Nội các đều khẳng định ủng hộ quốc gia Bắc Âu trở thành thành viên thứ 32 của liên minh quân sự này. Nếu Quốc hội Hungary không tổ chức bỏ phiếu trong tuần tới, Thụy Điển sẽ chưa thể trở thành thành viên của NATO trước hội nghị thượng đỉnh tại Vilnius (Litva) vào ngày 11-12/7 tới.
Nổ khí gas tại trung tâm mua sắm ở Philippines
Ít nhất 18 người đã bị thương trong vụ nổ khí gas tại một trung tâm mua sắm ở tỉnh Oriental Mindoro của Philippines vào sáng 29/6. Cảnh sát cho biết vụ nổ xảy ra vào khoảng 10h20 (theo giờ địa phương) bên trong trung tâm mua sắm ở thành phố Calapan. Ngoài 18 người bị thương, ít nhất 13 ôtô đỗ ngoài trung tâm này cũng đã bị hư hại sau vụ nổ.Kết quả điều tra sơ bộ cho thấy khí gas rò rỉ từ một quán ăn Hàn Quốc là nguyên nhân gây nổ.
Nhật Bản và Hàn Quốc khôi phục đối thoại cấp Bộ trưởng Tài chính
Trong ngày 29/6, Nhật Bản và Hàn Quốc sẽ tiến hành đối thoại cấp Bộ trưởng Tài chính sau 7 năm. Bộ trưởng Tài chính Nhật Bản Shunichi Suzuki và người đồng cấp Hàn Quốc Choo Kyung-ho dự kiến sẽ thảo luận về thúc đẩy hợp tác kinh tế và tài chính song phương, với trọng tâm là khôi phục thỏa thuận hoán đổi tiền tệ giữa hai nước vốn đã hết hiệu lực.
Thỏa thuận hoán đổi tiền tệ trước đó giữa hai nước đã hết hạn vào năm 2015 và chưa được gia hạn lại trong bối cảnh quan hệ hai nước ở mức thấp nhất trong nhiều năm. Trước đó, thỏa thuận hoán đổi tiền tệ Nhật Bản - Hàn Quốc được ký kết năm 2001 với quy mô lên tới 70 tỷ USD nhằm hỗ trợ cuộc khủng hoảng tài chính.
Anh tuyên bố ủng hộ mở rộng Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc
Anh tuyên bố ủng hộ mở rộng Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, trong đó có một ghế thường trực cho châu Phi. Phát biểu tại Viện nghiên cứu Chatham House ở thủ đô London, Ngoại trưởng Anh James Cleverly nhấn mạnh nước này muốn thấy châu Phi có đại diện thường trực trong Hội đồng Bảo an. Ngoài ra, Ấn Độ, Brazil, Đức và Nhật Bản cũng nên có ghế thường trực trong Hội đồng Bảo an.
Anh là thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc cùng Trung Quốc, Pháp, Nga, Mỹ, và 10 thành viên không thường trực do Đại hội đồng Liên hợp quốc bầu với nhiệm kỳ hai năm.
EU phê duyệt gói hỗ trợ 100 triệu Euro
Liên minh châu Âu (EU) đã thông qua gói hỗ trợ 100 triệu Euro cho nông dân các nước Bulgaria, Hungary, Ba Lan, Romania và Slovakia vốn đang bị ảnh hưởng do dòng ngũ cốc từ Ukraine. Gói hỗ trợ 100 triệu Euro dành cho nông dân của 5 quốc gia có chung biên giới với Ukraine sẽ được phân bổ lần lượt là: 9,77 triệu Euro cho Bulgaria; 15,93 triệu Euro cho Hungary; 39,33 triệu Euro cho Ba Lan; 29,73 triệu Euro cho Romania và 5,24 triệu Euro cho Slovakia.