1. 2 triệu thùng dầu thô của Mỹ sẽ đến Trung Quốc
Các tàu chở dầu này rời Galveston của Texas vào hồi tháng trước và đang trên đường đến cảng của Trung Quốc lần lượt dự kiến khoảng từ cuối tháng 1 đến đầu tháng 3, theo Reuters.
Siêu tàu vận chuyển Alboran, chở theo khoảng 2 triệu thùng dầu thô vừa đi qua khu vực Mũi Hảo Vọng của Nam Phi và dự kiến sẽ đến Trung Quốc vào cuối tháng 1 này. Hai tàu khác là Almi Atlas và Manifa cũng sẽ đến Trung Quốc vào cuối tháng 2 và 3. Hai tàu này hiện đang ở Brazil, theo dữ liệu của công ty theo dõi tàu Refinitiv Eikon.
Các lô hàng này sẽ đánh dấu việc vận chuyển hàng hóa đầu tiên của Mỹ đến Trung Quốc kể từ khi Tổng thống Mỹ Donald Trump cho biết hồi tháng 12/2018 rằng Trung Quốc sẽ dần nhập khẩu lại các mặt hàng của Mỹ.
2. Ông Trump chiêu đãi đội bóng vô địch với cả "biển" hamburger
Ngày 14/1 (giờ Mỹ), đội bóng đá Clemson Tigers đã có một chuyến tham quan Nhà Trắng để ăn mừng chiến thắng trong trận giành giải vô địch quốc gia trước đội Alabama Crimson Tide.
Trong khi một số vận động viên mong đợi một bữa tối với bít tết cho tất cả các thành viên trong đội bóng, những người vừa “chiến đấu” hết mình và giành chiến thắng, thì ông Trump tuyên bố sáng 14/1 cả đội sẽ được chiêu đãi một bữa tiệc buffet để ăn mừng chiến thắng của họ.
“Tôi nghĩ rằng chúng tôi sẽ chiêu đãi các món của McDonald, Wendy hay Burger Kings với pizza nữa”, ông Trump cho phóng viên được biết. “Tôi thực sự nghĩ về điều đó. Bữa tiệc sẽ rất thú vị”.
Và ông Trump đã giữ đúng lời hứa của mình, tự hào trưng bày một “biển” các loại bánh mì kẹp thịt để chiêu đãi những cầu thủ vào tối 14/1.
3. Ba Lan bắt giữ nhân viên Huawei, Bộ Ngoại giao Trung Quốc phản ứng
Tại buổi họp báo thường kỳ ngày 14/1, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc, bà Hoa Xuân Oánh, cho biết, cả Chính phủ Ba Lan và Tập đoàn Viễn thông Huawei (Trung Quốc) đều đã ra thông báo việc bắt giữ ông Vương Vĩ Tinh – nhân viên của Tập đoàn Huawei hôm 11/1 đơn thuần là vụ án cá nhân.
Bà Hoa Xuân Oánh yêu cầu phía Ba Lan nhanh chóng đáp ứng yêu cầu thăm lãnh sự đối với ông Vương Vĩ Tinh, đồng thời đưa ra bằng chứng xác thực, xử lý theo đúng quy định pháp luật nhằm đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của công dân Trung Quốc.
Đánh giá việc liệu vụ án này ảnh hưởng đến quan hệ Trung Quốc – Ba Lan hay không, bà Hoa Xuân Oánh nói: “Trung Quốc luôn coi trọng quan hệ với Ba Lan, bảo đảm quan hệ Trung Quốc – Ba Lan phát triển ổn định, lành mạnh phù hợp với lợi ích chung của hai nước. Trung Quốc mong muốn hai bên cùng cố gắng, làm thêm nhiều việc có lợi để tăng cường niềm tin và hợp tác giữa hai nước”.
4. Bị Thủ tướng Canada chỉ trích án tử hình, Trung Quốc phản bác gay gắt
Sau khi Thủ tướng Canada Justin Trudeau chỉ trích Bắc Kinh áp dụng án tử hình một cách tùy tiện và chính trị hóa bản án với một công dân Canada, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc, bà Hà Xuân Ánh đã phản bác gay gắt.
Bà Hoa Xuân Oánh cho rằng, chứng cứ về việc công dân Canada buôn lậu 222kg ma túy đá đã rõ ràng, đây là hành vi phạm tội nghiêm trọng, bất cứ quốc gia nào cũng sẽ nghiêm trị, trong đó có Trung Quốc. Theo bà, một phán quyết đúng đắn quan trọng hơn thời gian xét xử vụ án dài hay ngắn.
5. Pháp khởi động cuộc đối thoại toàn quốc “chưa từng có”
Tối 13/1 (giờ địa phương), Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã gửi cho toàn thể nhân dân Pháp một bức thư dài để khởi động cuộc đối thoại toàn quốc, dự kiến sẽ bắt đầu từ 15/1/2019 và kéo dài đến ngày 15/3/2019. Ông khẳng định đây sẽ “không phải là một cuộc bầu cử hay một cuộc trưng cầu ý dân”.
Theo Tổng thống Pháp, các đề xuất của người dân “sẽ giúp xây dựng một giao ước mới cho đất nước, cấu trúc lại hoạt động của chính phủ và quốc hội, cũng như định hình lại vai trò của nước Pháp tại châu Âu và trên trường quốc tế”.
Tổng thống Emmanuel Macron hứa sẽ thông báo kết quả trực tiếp tới người dân ngay trong tháng sau khi kết thúc cuộc thảo luận, và nhấn mạnh sẽ “không có vùng cấm cho các câu hỏi”.
6. Iraq đang hồi sinh sau gần hai thập niên chiến tranh và bạo lực
Sau chuyến thăm bất ngờ của Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo tới Iraq, hàng loạt quan chức các nước như Pháp, Jordan và Iran cũng có chuyến thăm tới quốc gia Trung Đông này trong những ngày qua.
Quốc vương Jordan Abdullah II hôm 14/1 tới thủ đô Baghdad, bắt đầu chuyến thăm đầu tiên tới Iraq trong hơn 1 thập kỷ qua. Theo kênh truyền hình nhà nước Iraq, Iraq đã trải thảm đỏ để đón Quốc vương Jordan Abdullah II. Tổng thống Iraq Barham Saleh ra tận sân bay đón Quốc vương Jordan và nhiệt liệt hoan nghênh chuyến thăm của ông, xem đây là sự kiện nhằm tăng cường an ninh và lợi ích chung. Dự kiến, hai bên sẽ tiến hành hội đàm, thảo luận các vấn đề kinh tế và chính trị.
7. EU chuẩn bị trì hoãn Brexit ít nhất cho đến tháng 7
EU đang chuẩn bị trì hoãn Brexit ít nhất cho đến tháng 7/2019, sau khi kết luận rằng Thủ tướng Anh Theresa May sẽ thất bại trong việc thuyết phục Quốc hội nước này thông qua thỏa thuận Brexit. Thời hạn chót của Anh rời khỏi EU vào ngày 29/3 hiện được Brussels coi là rất khó có thể đáp ứng do phe đối lập trong nước đang phản đối Thủ tướng Anh và dự kiến London sẽ yêu cầu gia hạn Điều 50 trong vài tuần tới.
8. Venezuela tăng lương tối thiểu 300%, lên hơn 6 USD
Phát biểu trong phiên họp đặc biệt của Quốc hội lập hiến Venezuela hôm 14/1, tại thủ đô Caracas, Tổng thống Maduro cam kết tạo ra một "hệ thống tiền tệ mới" và tăng lương tối thiểu một tháng lên 6,52 USD.
Đây sẽ là lần tăng lương đầutiên trong năm 2019. Mức lương tối thiểu tăng từ 4.500 bolivar lên 18.000 bolivar (6,52 USD) một tháng. Năm 2018, lương tối thiểu ở Venezuela đã tăng gấp 5 lần, theo Al Jazeera.
Tổng thống Maduro cũng cam kết tạo ra một "hệ thống tiền tệ mới", dựa trên đồng tiền ảo petro, và tập trung vào bảo vệ, củng cố đồng bolivar. Sau khi nhậm chức tổng thống nhiệm kỳ hai hôm 10/1, Maduro tuyên bố sẽ "ổn định" kinh tế sau 5 năm suy thoái nghiêm trọng. Lạm phát gần hai triệu phần trăm, tình trạng thiếu thuốc men và lương thực lan rộng khiến ba triệu người Venezuela phải rời bỏ đất nước từ năm 2015.
10. Quân đội Hàn Quốc xóa bỏ thuật ngữ Triều Tiên là “kẻ thù”
Quân đội Hàn Quốc đã xóa bỏ quy chiếu nhắc đến Chính quyền và Quân đội CHDCND Triều Tiên là “kẻ thù” trong Sách Trắng mới nhất được xuất bản hôm 14/1, một động thái phản ánh nỗ lực kiến tạo hòa bình đang diễn ra trên bán đảo.
Trong tài liệu được soạn thảo 2 năm/lần, Bộ Quốc phòng Hàn Quốc cũng bỏ qua tập hợp danh từ có thể coi là “biệt ngữ khiêu khích”, sự trừng phạt và trả đũa mạnh mẽ của Hàn Quốc (KMPR), một kế hoạch vô hiệu hóa lãnh đạo CHDCND Triều Tiên nếu xảy ra xung đột lớn, và nền tảng tấn công Kill Chain.
Việc xuất bản Sách Trắng quốc phòng, có sẵn phiên bản trực tuyến và thực tế được đưa ra khi Seoul thúc đẩy các biện pháp xây dựng lòng tin và kiểm soát vũ trang với Bình Nhưỡng với hy vọng tào điều kiện cho một nền hòa bình lâu dai trên bán đảo đang bị chia cắt.