Quốc tế nổi bật: Ông Trump bị nghi ngờ là tay trong của Nga

Giới chức Mỹ quá lo ngại về các hành động của Tổng thống Trump thời gian sau ngày ông sa thải Giám đốc FBI, James Comey, nên đã mở cuộc điều tra phản gián là phải chăng ông Trump đang làm việc cho Nga

1/ Phát biểu trực tiếp trên truyền hình tại Ankara hôm 14/1, Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu đã lên tiếng chỉ trích Tổng thống Mỹ vì đã sử dụng kênh Twitter để bình luận về các vấn đề ngoại giao nhạy cảm. ông Cavusoglu nói : “Các đối tác chiến lược và là đồng minh của nhau không nên tổ chức các cuộc thảo luận qua trang Twitter, phương tiện truyền thông xã hội”.

2/ Một tòa án ở thành phố Đại Liên, Trung Quốc, ngày 14-1 đã tuyên án tử hình đối với Robert Lloyd Schellenberg, một công dân người Canada, vì tội buôn ma túy. Bản án mới này được được đưa ra trong phiên tòa phúc thẩm kéo dài 1 giờ, trong đó thẩm phán cho rằng bản án trước đó 15 năm tù là quá nhẹ, đồng thời bác bỏ hoàn toàn lời giải thích và biện hộ của bị cáo 36 tuổi. Trong khi đó, Schellenberg khẳng định mình vô tội. “Tôi không phải kẻ buôn ma túy. Tôi là một du khách tới thăm Trung Quốc”, bị cáo Schellenberg nói.

3/ Ngày 14/1, Thủ tướng Hy Lạp Alexis Tsipras đã bổ nhiệm Tham mưu trưởng lực lượng vũ trang nước này, Đô đốc Evangelos Apostolakis làm Bộ trưởng Quốc phòng, thay cho người tiền nhiệm mới từ chức. Đô đốc Apostolakis đã tuyên bố tiếp nhận cương vị trên. Phát biểu với báo giới trước cuộc họp với Thủ tướng Tsipras, ông Apostolakis nhấn mạnh tình hình hiện nay đòi hỏi phải có "sự thỏa hiệp và đoàn kết".

4/ Ngày 14/1, các lãnh đạo Liên minh châu Âu (EU) đã khẳng định tính pháp lý của cam kết không sử dụng điều khoản "rào chắn", vốn nhằm giúp đảm bảo một biên giới mở giữa vùng Bắc Ireland thuộc Anh và CH Ireland trong thỏa thuận Brexit, để ràng buộc London với những quy định của khối. Trong lá thư gửi Thủ tướng Anh Theresa May, Chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk và Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jean-Claude Juncker đã loại trừ khả năng đồng ý với bất kỳ thay đổi nào hoặc những nội dung không nhất quán với thỏa thuận. Về điều khoản "rào chắn" liên quan đến CH Ireland, EU không mong muốn nhìn thấy điều khoản này có hiệu lực và sẽ chỉ áp dụng tạm thời nếu thực sự cần thiết.

5/ Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov ngày 14/1 cho rằng nước này với Nhật Bản vẫn còn nhiều điểm bất đồng lớn và hiện cản trở con đường thúc đẩy mục tiêu ký kết một thỏa thuận hòa bình nhằm chấm dứt tranh cãi lãnh thổ song phương kéo dài hàng thập kỷ qua. Phát biểu họp báo tại thủ đô Moskva (Nga) sau cuộc hội đàm với người đồng cấp Nhật Bản Taro Kono, Ngoại trưởng Lavrov cho rằng rất khó để đạt được tiến triển trong đàm phán hòa bình nếu Tokyo trước tiên không công nhận chủ quyền của Moskva đối với các đảo tranh chấp.

6/ Trong những ngày cuối tuần vừa qua, hàng nghìn người dân Serbia đã tiếp tục xuống đường biểu tình ở thủ đô Belgrade. Đây là đợt biểu tình thứ sáu liên tiếp của người dân Serbia nhằm phản đối Tổng thống Aleksandar Vucic và đảng Tiến bộ Serbia cầm quyền. Người biểu tình yêu cầu quyền tự do truyền thông, chấm dứt các vụ tấn công nhằm vào các nhà báo và chính trị gia đối lập, đồng thời yêu cầu cải thiện hệ thống dân chủ của quốc gia Balkan này.

7/ Sau khi bắt giữ rồi bỏ tù nhiều nhân vật thân cận của Tổng thống Donald Trump bị tình nghi “móc ngoặc với Nga để can thiệp cuộc bầu cử năm 2016”, tư pháp Mỹ nay bắt đầu điều tra đến chính khả năng ông Trump “làm việc cho Nga”. Tờ báo The New York Times ngày 11/1 đưa bản tin làm chấn động dư luận, nói rằng giới chức Mỹ quá lo ngại về các hành động của Tổng thống Donald Trump thời gian sau ngày ông sa thải Giám đốc FBI, James Comey, nên đã mở cuộc điều tra phản gián là phải chăng ông Trump đang làm việc cho Nga, đe dọa quyền lợi nước Mỹ.

8/ Singapore tuyên bố họ sẵn sàng bảo vệ lợi ích quốc gia sau một loạt căng thẳng về chủ quyền biển với Malaysia kể từ khi Thủ tướng Mahathir Mohamad trở lại nắm quyền. Phát biểu trước quốc hội ngày 14/1, Ngoại trưởng Singapore Vivian Balakrishnan tuyên bố: "Chúng ta sẽ luôn thực hiện các biện pháp phù hợp để bảo vệ quyền lợi của mình, và bất cứ quốc gia nào có quan hệ với Singapore đều không được phép nghĩ rằng họ có thể thoải mái bắt tay vào làm những việc phiêu lưu hoặc diễn trò hề với chúng ta. Sẽ có những hậu quả", Ngoại trưởng Balakrishnan cảnh báo, trong phát biểu được cho là nhắm đến "người hàng xóm" Malaysia giữa lúc hai bên đang có những căng thẳng về chủ quyền trên biển.

9/ Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo và “cánh tay phải” của nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un, ông Kim Yong-chol, có thể sớm gặp nhau ở Bình Nhưỡng hoặc New York để chuẩn bị cho cuộc gặp thượng đỉnh lần thứ hai giữa lãnh đạo hai nước này. Ông Pompeo và ông Kim Yong-chol, Phó Chủ tịch Ban chấp hành Trung ương Đảng Lao động Triều Tiên, có thể gặp nhau cuối tuần này để sắp xếp thời gian và địa điểm tiến hành cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ-Triều.

10/ Trong khuôn khổ chuyến công du Trung Đông, ngày 14/1, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo và Thái tử Saudi Arabia Mohammed bin Salman đã nhất trí về tầm quan trọng của việc giảm leo thang trong các chiến dịch quân sự tại Yemen, trong bối cảnh Liên hợp quốc đang tiến hành các nỗ lực hòa bình nhằm chấm dứt cuộc xung đột ở quốc gia Trung Đông này.

 

PV