Quốc tế nổi bật: Pháp tính rút quân khỏi Syria

Bộ trưởng Ngoại giao Pháp Jean-Yves Le Drian mới đây đã đề xuất rút các binh lính Pháp khỏi Syria ngay khi “một giải pháp chính trị” xuất hiện.

1/ Ngày 10/1, Bộ trưởng Dầu mỏ Iran Bijan Zanganeh tuyên bố các biện pháp trừng phạt của Mỹ nhằm vào Tehran là "hoàn toàn bất hợp pháp" và Iran sẽ không tuân theo. Ông cũng nhấn mạnh Iran sẽ không thảo luận về sản lượng xuất khẩu hay các nhà nhập khẩu dầu của Tehran trong bối cảnh mặt hàng này vẫn là mục tiêu trừng phạt của Mỹ. Quan chức này cũng cho biết đã thảo luận cùng giới chức Iraq về cách thức cải thiện hợp tác song phương trên các lĩnh vực khác nhau, đặc biệt là vấn đề dầu mỏ.

2/ Tổng cộng hơn 640 chuyến bay tại Đức phải hoãn, hủy trong ngày 10/1 do cuộc đình công đòi tăng lương của các nhân viên an ninh tại 3 sân bay Duesseldorf, Cologne-Bonn và Stuggart, làm ảnh hưởng đến khoảng 100.000 hành khách. Đây là đợt đình công thứ 2 của nhân viên an ninh sân bay trong tuần này. Các hành khách tại hai sân bay Tegel và Schoenefeld ở Berlin hôm 7/1 cũng hứng chịu hậu quả do sự bất đồng trong mức lương của nhân viên an ninh khi 50 chuyến bay bị hủy vì đình công.


3/ Vài tuần sau khi Mỹ tuyên bố rút toàn bộ binh sĩ của mình tại Syria, Bộ trưởng Ngoại giao Pháp Jean-Yves Le Drian mới đây đã đề xuất rút các binh lính Pháp khỏi Syria ngay khi “một giải pháp chính trị” xuất hiện. “Chúng ta có sự hiện diện quân sự ở Iraq và chúng ta cũng có sự hiện diện rất nhỏ ở Syria”, ông Le Drian tiết lộ. Ngoại trưởng Pháp cũng nói thêm rằng Nga hiện là quốc gia có trách nhiệm đạt được giải pháp chính trị nhằm chấm dứt cuộc xung đột ở Syria. Theo ông, Nga “có trách nhiệm để Syria có thể dẫn đến một giải pháp chính trị để tránh việc vũ khí hóa học được sử dụng”.

4/ Ngày 10/1, Hội đồng An ninh Quốc gia (NSC) của Hàn Quốc đã họp các quan chức ngoại giao và an ninh hàng đầu của nước này để bàn về chuyến thăm Trung Quốc mới đây của nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un. Theo thông báo của Phủ Tổng thống Hàn Quốc, các quan chức đều đánh giá kết quả chuyến thăm từ ngày 7-10/1 của ông Kim Jong-un sẽ tác động tích cực tới việc tổ chức thành công hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều Tiên lần 2. Bên cạnh đó, thông báo của Phủ Tổng thống Hàn Quốc cũng nhấn mạnh Seoul sẽ tiếp tục các nỗ lực theo đuổi vòng đàm phán phi hạt nhân hóa và thúc đẩy các cuộc trao đổi cấp cao giữa các bên liên quan.


5/ Ngày 10/1, Bộ trưởng Thông tin Yemen Moammar al-Eryani đã lên án vụ tấn công bằng máy bay không người lái của phiến quân Houthi nhằm vào một lễ diễu binh ở gần thành phố Aden. Hiện vẫn chưa có con số thương vong chính xác, song đài truyền hình Al-Hadath của Saudi Arabia cho biết đã có 5 người thiệt mạng trong vụ tấn công. Bộ trưởng Eryani cho rằng vụ tấn công cho thấy Houthi “không sẵn sàng cho hòa bình.”

6/ Ngày 10/1, Đại sứ Palestine tại Nga Abdel Hafiz Nofal cho biết, chuyến thăm Moskva của thủ lĩnh phong trào Hamas Ismail Haniya đã bị hoãn. Theo kế hoạch ban đầu, thủ lĩnh Hamas sẽ thăm Moskva vào ngày 15/1 tới để thảo luận với Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov về tình hình tại Gaza và các khu định cư Palestine. Đại sứ Nofal nêu rõ: "Theo thông tin từ Bộ Ngoại giao Nga, chuyến thăm của thủ lĩnh Hamas, ban đầu dự kiến diễn ra ngày 15/1 tới, đã bị hoãn”.


7/ Ngày 10/1, Không quân Cộng hòa Hồi giáo Iran (IRIAF) đã tổ chức một cuộc tập trận kéo dài hai ngày, với mục đích kiểm tra khả năng bảo vệ không phận Iran trước các mối đe dọa từ quân địch. Cuộc tập trận thường niên mang tên Người Bảo vệ Bầu trời Velayat, diễn ra tại căn cứ không quân Shahid Babaei ở tỉnh Isfahan, miền Trung Iran. Hàng chục loại máy bay chiến đấu, máy bay ném bom cùng các loại máy bay vận tải, tiếp dầu, do thám, tuần tra và máy bay không người lái đã tham gia vào cuộc tập trận nói trên.

8/ Nga đã triệu tập đại sứ Nhật Bản để phản đối khi Moscow cho là nỗ lực của Tokyo nhằm bóp méo các thỏa thuận của lãnh đạo hai bên về việc giải quyết tranh chấp đảo. Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đang thúc đẩy hiệp ước với Nga về các đảo tranh chấp giữa hai nước và dự định sẽ có cuộc hội đàm với Tổng thống Nga Vladimir Putin trong tháng này, nhưng Moscow cho thấy họ không sẵn sàng nhường quyền kiểm soát các đảo tranh chấp cho Tokyo. Nga và Nhật Bản đã tranh chấp trong bảy thập niên qua về chủ quyền đối với các đảo ở Thái Bình Dương mà quân đội Liên Xô giành quyền kiểm soát trong những ngày cuối cùng của cuộc Chiến tranh thế giới thứ hai.


9/ Ngày 10/1, giới chức Afghanistan cho biết nhóm phiến quân Taliban đã tiến hành một loạt vụ tấn công ở khu vực phía Tây và phía Bắc nước này một ngày trước đó, khiến 21 cảnh sát thiệt mạng. Người phát ngôn của tỉnh miền Tây Badghi, ông Jamshed Shahabi cho biết các tay súng Taliban đã tấn công một số tiền đồn ở tỉnh này, sát hại 6 cảnh sát. Trong khi đó, giới chức địa phương cho biết 7 cảnh sát tại tỉnh miền Bắc Baghlan và 8 cảnh sát tại tỉnh miền Bắc Takhar đã thiệt mạng trong các vụ tấn công của Taliban nhằm vào những chốt an ninh tại đây. Ít nhất 23 nhân viên an ninh đã bị thương sau loạt vụ tấn công này.

10/ Các nhà chức trách Mexico đã phát hiện 20 thi thể, trong đó 17 thi thể đã bị thiêu cháy ở gần thành phố Nuevo Laredo sát biên giới Mỹ. 5 chiếc xe bị cháy cũng được tìm thấy gần các thi thể ở thị trấn Miguel Aleman và phía bắc bang Tamaulipas. Tamaulipas đã trở thành một trong những bang bạo lực nhất Mexico do các băng đảng giao tranh giành kiểm soát việc buôn ma túy, tống tiền và khai thác người di cư.

PV