Quy định về ghi nhãn hàng hóa tại một số thị trường xuất khẩu chính

Các thị trường khó tính, đồng thời cũng là các thị trường xuất khẩu lớn của Việt Nam như EU, Mỹ và Hàn Quốc đều có những quy định rất khắt khe về ghi nhãn hàng hóa.

Thị trường EU

Muốn xuất khẩu vào EU, các doanh nghiệp phải ghi nhãn tuân thủ theo yêu cầu thị trường của EU. Việc ghi nhãn cần đáp ứng được các nguyên tắc chung là đầy đủ thông tin để người tiêu dùng có thể lựa chọn cũng như có thể truy suất nguồn gốc khi lô hàng đó có sự sai phạm.

Liên minh châu Âu yêu cầu người nhập khẩu có trách nhiệm đảm bảo rằng bất kỳ sản phẩm nào được nhập đều phải được dán nhãn theo đúng các quy định có liên quan. Sự khác biệt lớn so với Mỹ là EU cụ thể hoá quy định ghi nhãn cho nhiều loại sản phẩm hơn. Điều này giúp các doanh nghiệp dễ dàng hơn khi xác định một sản phẩm nhất định phải được dán nhãn như thế nào. Hiện nay, đã có yêu cầu nhãn mác cụ thể cho một chủng loại sản phẩm sau:

+ Dệt may

+ Mỹ phẩm

+ Sản phẩm có chất độc hại

+ Thiết bị điện và điện tử

+ Thiết bị gia dụng

+ Giày dép

+ Lốp xe

+ Bao bì gỗ

+ Đồ chơi

+ Thủy sản

Bên cạnh các quy tắc ghi nhãn chung, theo Quy định 1169/2011 của FIC mà các doanh nghiệp Việt Nam cần nắm rõ thì các doanh nghiệp cần chú ý các quy tắc đặc biệt trong ghi nhãn các sản phẩm thuộc các nhóm đặc biệt, ví dụ thủy hải sản phải bao gồm thông tin về tên thương mại, tên khoa học, phương pháp khai thác và khu vực đánh bắt. Theo quy định của EU, tên thương mại phải được thể hiện bằng ngôn ngữ chính thức của các nước thành viên. Ngoài ra, các sản phẩm nhập khẩu vào EU cũng có yêu cầu có chứng nhận sản phẩm. (Những chỉ thị về yêu cầu chứng nhận sản phẩm bao hàm cả các yêu cầu ghi nhãn sản phẩm của riêng mà các doanh nghiệp xuất khẩu cần tìm hiểu kỹ đối với sản phẩm cụ thể mà mình xuất khẩu).

Ngày 2/9/2015, châu Âu thông báo cho các nước Thành viên WTO về việc xây dựng Quy định của Nghị viện và Hội đồng châu Âu quy định khung khổ ghi nhãn năng lượng. Quy định này sẽ thay thếChỉ thị số 2010/30/EU ngày 19/5/2010. Dự thảo đưa ra các quy định về nhãn năng lượng và thông tin sản phẩm đối với các sản phẩm tiêu dùng năng lượng cụ thể. Quy định cũng yêu cầu nhà cung cấp (nhà sản xuất và nhập khẩu) cung cấp thông tin từ mức A đến G trên nhãn và yêu cầu nhà bán lẻ chỉ rõ vị trí của nhãn này và thông tin liên quan cho người tiêu dùng. Mục đích của Quy định này là giúp người tiêu dùng có thông tin khi lựa chọn mua các sản phẩm sử dụng năng lượng và định hướng thị trường tới các sản phẩm tiết kiệm năng lượng. Đây sẽ là đóng góp lớn cho việc tiết kiệm năng lượng ở châu Âu và chống lại biến đổi khí hậu.

Thị trường Hoa Kỳ

Các quy định về nhãn mác hàng hóa tại thị trường Hoa Kỳ rất phức tạp, ngoài các quy định chung trong Luật về Bao bì và nhãn hàng (Fair Packaging and Labeling Act) thì các tiểu bang cũng có thể đưa ra các quy định riêng của mình. Tóm lại các quy định về nhãn mác hàng hóa có thể do:

Các quy định liên bang

Các quy định riêng của từng tiểu bang

Loại sản phẩm

Tiêu chuẩn an toàn sản phẩm/luật phải áp dụng

Một điểm cần lưu ý khi tự tìm hiểu các thông tin về nhãn hàng hóa tại Hoa Kỳ là trên trang tin điện tử của các cơ quan Liên bang Mỹ thường đề cập đến "nhà sản xuất", nhưng “nhà sản xuất” ở đây là muốn nói đến các nhà sản xuất nội địa ở Mỹ - không phải áp dụng cho các nhà sản xuất nước ngoài. Khi một sản phẩm được sản xuất ở nước ngoài, các nhà nhập khẩu luôn phải có trách nhiệm đảm bảo rằng sản phẩm nhập khẩu được dán nhãn phù hợp với các quy định có liên quan. Doanh nghiệp có thể tham khảo chi tiết các quy định về dán nhãn đối với từng nhóm hàng hóa tại các website sau đây:

- Trang theo dõi Nhãn cho các sản phẩm dành cho trẻ em (CPSC): Sản phẩm thực phẩm (FDA)

- Thiết bị y tế (FDA)

- Mỹ phẩm (FDA)

- Sản phẩm dệt, may mặc, giày dép và hàng du lịch (OTEXA).

Tuy nhiên, có rất nhiều sản phẩm không thuộc một trong những thể loại này lại được quy định bởi các yêu cầu ghi nhãn cụ thể. Điều đó không có nghĩa là chúng không nằm ngoài các quy định ghi nhãn khác. CPSC chỉ ra rằng: "Đạo Luật Liên bang về các chất độc hại (FHSA) yêu cầu có nhãn cảnh báo đối sản phẩm gia dụng có chứachấtđộc hại để giúp người tiêu dùng bảo quản, cất giữ, sử dụng chúng một cách an toàn và cung cấp cho người dùng thông tin về các bước sơ cứu nếu xảy tai nạn với sản phẩm này".

Các yêu cầu về ghi nhãn FHSA áp dụng đối với tất cả các sản phẩm có tính chất sau đây:

Nếu sản phẩm của bạn có thể gây ra chấn thương hoặc bệnh tật khi nuốt hoặc hấp thụ qua da

Nếu sản phẩm của bạn quá mẫn cảm

Nếu sản phẩm của bạn là "cực kỳ dễ cháy", "dễ cháy", và "có khả năng cháy"

Lưu ý riêng đối với nhóm hàng nông sản, thực phẩm xuất khẩu vào Hoa Kỳ

Các thông tin trên nhãn hàng phải được ghi rõ ràng để người tiêu thụ bình dân có thể đọc và hiểu được trong điều kiện mua và sử dụng thông thường.

Nếu nhãn hàng có ghi bằng tiếng nước ngoài, thì trên nhãn đó vẫn phải ghi cả bằng tiếng Anh tất cả các thông tin theo qui định. Tất cả thực phẩm nhập khẩu phải ghi bằng tiếng anh tên nước xuất xứ. Điều luật 21 CFR101 qui định chi tiết về kích cỡ và thể loại, vị trí… của các thông tin ghi trên nhãn hàng. Dưới đây là tóm tắt các thông tin cần thiết ghi trên nhãn hàng dán/gắn trên bao bì hàng hoá:

- Tên và địa chỉ đầy đủ của người sản xuất, người đóng gói, hoặc người phân phối.

- Ghi chính xác số lượng thực phẩm bên trong.

- Tên thông thường của thực phẩm phải được ghi trên mặt chính, cùng với hình dạng của sản phẩm (ví dụ: “thái miếng”,“nguyên con”, “thái lát”,…).

- Trừ khi thực phẩm đã được tiêu chuẩn hoá, các chất thành phần phải được ghi bằng tên thông thường theo thứ tự trọng lượng từ cao đến thấp. Nhãn của các thực phẩm đã được tiêu chuẩn hoá chỉ cần ghi các thành phần mà trong tiêu chuẩn ghi là tuỳ ý (optional).

Nhãn hàng thực phẩm phải có thông tin về dinh dưỡng nhằm giúp cho người tiêu dùng lựa chọn thực phẩm phù hợp và tốt cho sức khoẻ của mình. Điều luật 21CFR phần 101 quy định rất cụ thể và đầy đủ các thông tin cần có trên nhãn hàng. Đối với một số sản phẩm hay nhóm sản phẩm đặc biệt còn có thêm các quy định riêng. Các quy định về ghi thành phần dinh dưỡng đã được sửa đổi bổ sung đầy đủ hơn năm 1993. Những điều khoản và yêu cầu mới có hiệu lực từ ngày 8/5/1994. Yêu cầu tối thiểu, được quy định trong Điều luật 21CFR101.9, bao gồm các nội dung như sau:

- Liều lượng dùng và số lần dùng của mỗi hộp.

- Tổng lượng calo và lượng calo từ chất béo mỗi lần dùng;

- Tổng lượng chất béo và lượng chất béo no (saturated) tính theo gram;

- Phần trăm của tất cả các thành phần liệt kê tính theo tỷ lệ cần cho cơ thể trong một ngày trên cơ sở lượng calo cần thiết hàng ngày là 2.000 calo;

- Tỷ lệ % trong mức khuyến cáo tiêu thụ hàng ngày RDA của Mỹ của một số loại vitamin và chất khoáng của một lần dùng;

- Ghi các trị giá cần hàng ngày, các trị giá kiến nghị tính bằng gram hoặc miligram tuỳ theo từng thành phần - đối với chất béo, chất béo no, cholesterol, sodium, carbohydrate, dietary fiberm, cùng với lượng calo trên gram đối với chất béo, carbohydrate, và protein.

- Các chất dinh dưỡng khác được coi là thành phần cơ bản trong thức ăn của người có thể được liệt kê nếu những chất này chiếm ít nhất 2% RDA của Mỹ.

- Phải ghi thêm hàm lượng chất béo chuyển hoá (Trans Fat) ngay sau dòng về hàm lượng chất béo no (Saturated Fat). Yêu cầu này trên nhãn đối với rau quả và cá tươi là tự nguyện. Kể từ ngày 01/01/2006, các sản phẩm trên nhãn không ghi hàm lượng axít béo chuyển hoá sẽ không được phép lưu thông trên hoặc nhập khẩu vào thị trường Hoa Kỳ.

- Để bảo vệ người tiêu dùng có tiền sử dị ứng, các nhà sản xuất phải ghi rõ (bằng tiếng Anh, đơn giản, dễ hiểu) trên nhãn các loại thực phẩm chứa protein có nguồn gốc từ 8 loại thực phẩm gây dị ứng như: Sữa, trứng, cá, thuỷ sản giáp xác (cua, tôm, tôm hùm), các hạt cây (almon, pecan, walnut), lạc, lúa mì, và đỗ tương.

Bạn đọc có thể tham khảo chi tiết trên trang web tại địa chỉhttp://www.cfsan.fda.gov/~dms/whalrgy.html có thông tin và hướng dẫn cụ thể cách ghi nhãn.

Thị trường Hàn Quốc

Các yêu cầu về dán nhãn hàng hàng hóa được quy định áp dụng cụ thể cho từng loại sản phẩm. Nói chung, hàng nhập khẩu được yêu cầu dán nhãn viết bằng tiếng Hàn Quốc và phải chỉ rõ nước xuất xứ của hàng hóa.

Nội dung chính của nhãn hàng hóa phải được bao gồm: Nước sản xuất; Tên và địa chỉ của nhà sản xuất và nhà nhập khẩu; Tên sản phẩm; Ngày sản xuất và số thứ tự của lô sản phẩm; Số lượng; Số đơn vị; Phương pháp bảo quản; Thành phần các chất;

Xuất xứ (nước sản xuất): Hàng hóa thương mại nhập khẩu vào Hàn Quốc phải có nhãn mác ghi rõ nước xuất xứ. Cơ quan Hải quan Hàn Quốc cung cấp danh sách các nước cần áp dụng qui định về nhãn mác xuất xứ theo mã HS. Hàn Quốc cũng áp dụng các qui định riêng về ký mã hiệu và nhãn mác đối với một số sản phẩm đặc biệt như dược phẩm và thực phẩm.

Ngôn ngữ: Ngoài tiếng bản địa, nhãn mác cần ghi bằng tiếng Hàn Quốc, ngoại trừ ký mã hiệu nước xuất xứ, phải có sẵn vào thời điểm thông quan hoặc được gắn tại kho ngoại quan của Hàn Quốc trước hoặc sau khi thông quan. Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hàn Quốc (Korea Food & Drug Administration - KFDA) chịu trách nhiệm quản lý các vấn đề về nhãn mác tiếng Hàn Quốc đối với các sản phẩm thực phẩm. Bộ Nông nghiệp và Lâm nghiệp (Ministry of Agriculture and Forestry - MAF) đưa ra những tiêu chuẩn riêng về việc ghi ký mã hiệu của nhãn mác nước xuất xứ đối với các sản phẩm nông nghiệp. Các nhà nhập khẩu Hàn Quốc thường in nhãn mác bằng chữ Hàn Quốc đối với những lô hàng nhập khẩu có giá trị không lớn và có thể tham khảo KCS về vị trí dán nhãn trên sản phẩm. Ngoài ra, nhãn mác cần xác định "hàm lượng chế biến tối thiểu" một cách chi tiết nhằm tăng cường tính minh bạch; đưa ra mô tả cụ thể về những yêu cầu đối với việc đăng ký danh mục nước xuất xứ.

Tất cả các sản phẩm thực phẩm nhập khẩu phải ghi nhãn mác bằng tiếng Hàn, bằng chữ hoa rõ ràng và có đầy đủ các thông tin sau:

Tên sản phẩm: tên trên nhãn mác phải giống với tên đã đăng ký với cơ quan cấp phép/cơ quan giám định.

Loại sản phẩm: chỉ những sản phẩm được chỉ định mới cần phải cung cấp thông tin về loại sản phẩm.

Tên và địa chỉ nhà nhập khẩu và địa chỉ nơi hàng hóa có thể được gửi trả hoặc đổi lại trong trường hợp hàng bị lỗi/hỏng.

Ngày, tháng, năm sản xuất, được chỉ định cho những sản phẩm đặc biệt như hộp đựng đồ ăn trưa và hộp đựng đường. Thời hạn lưu hành những sản phẩm này cũng phải được ghi rõ trên nhãn mác. Đối với những sản phẩm như rượu thì không đòi hỏi ghi hạn sử dụng nhưng bắt buộc phải ghi ngày sản xuất (số lô) hoặc ngày đóng chai. Tuy nhiên, yêu cầu đối với hàng chất lỏng này cũng có thể được miễn nếu có số lô hàng hoặc ngày đóng chai. Thời hạn sử dụng: sản phẩm đồ ăn nên ghi rõ thời hạn sử dụng và xác nhận bởi nhà sản xuất.

Nội dung: cân nặng, số lượng và số món hàng.

Những thành phần hoặc nguyên liệu, tỷ lệ thành phần/nguyên liệu.

Tên nguyên liệu chính (hay tên của ít nhất 4 nguyên liệu chính). Tên các nguyên liệu này phải được liệt kê theo thứ tự thành phần/nguyên liệu có tỷ lệ % từ cao xuống thấp. Nước cất vừa đủ không được tính là một trong năm thành phần nguyên liệu chính.

Chất dinh dưỡng: những thực phẩm dinh dưỡng đặc biệt, thực phẩm nhằm tăng cường sức khỏe, sản phẩm muốn mang nhãn dinh dưỡng hoặc sản phẩm muốn mang ký mã hiệu nhấn mạnh là sản phẩm dinh dưỡng phải theo qui định về ghi nhãn dinh dưỡng.

Những tiêu chuẩn ghi nhãn chi tiết khác đối với thực phẩm bao gồm thông tin cảnh báo, tiêu chuẩn chất lượng khi sử dụng hoặc bảo quản (ví dụ: trọng lượng khô đối với sản phẩm đóng hộp, sản phẩm chiếu xạ...), nhiệt độ bảo quản sản phẩm (sản phẩm phải được bảo quản nơi nhiệt độ thấp.

Điều này một mặt tạo động lực để các doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam minh bạch hóa thông tin hàng xuất khẩu, mặt khác cũng là thách thức về rào cản kỹ thuật lớn mà nếu không thể vượt qua, họ sẽ không thể thâm nhập và phát triển tại các thị trường này...

P.V