Quy định về phòng vệ thương mại trong Hiệp định CPTPP và một số quốc gia thành viên Hiệp định

Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương gọi tắt là Hiệp định CPTPP, là một hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới. Giá trị đóng góp vào GDP và thương mại toàn cầu của Hiệp định CPTPP tương ứng là 15% và 15%. Việc các nước, trong đó có các thị trường lớn như Nhật Bản và Canada giảm thuế nhập khẩu về 0% cho hàng hóa của Việt Nam sẽ tạo ra những tác động tích cực trong việc thúc đẩy kim ngạch xuất khẩu.

Với việc tham gia Hiệp đinh Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Việt Nam trở thành đối tác của 10 thành viên, gồm: Australia,  Brunei, Canada, Chile, Nhật  Bản, Malaysia, Mexico, New Zealand, Peru và Singapore. Trong số các nước này, ngoại trừ Brunei không nội luật hoá các quy định về phòng vệ thương mại cũng như không thành lập cơ quan chuyên trách điều tra áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại, hầu hết các quốc gia thành viên còn lại đã chủ động xây dựng các văn bản pháp luật nhằm thực thi các cam kết về phòng vệ thương mại. Về mặt thực tiễn kinh nghiệm điều tra phòng vệ thương mại, trong nhóm các đối tác thành viên CPTPP, Australia và Canada là hai quốc gia nổi bật có số lượng lớn các vụ việc điều tra phòng vệ thương mại đối với hàng hoá xuất khẩu của Việt Nam.

Hiệp định CPTPP
Ngay tại thời điểm ký kết, Hiệp định CPTPP đã được kỳ vọng sẽ đặt ra các tiêu chuẩn cao cho các thỏa thuận thương mại, từ đó tạo ra động lực tăng  trưởng cho  hoạt động  trao đổi thương  mại trong  khu  vực và  trên thế giới.

Việc nghiên cứu, nắm rõ các quy định phòng vệ thương mại của các nước đóng vai trò quan trọng giúp cho các doanh nghiệp có liên quan có thể theo dõi cũng như hợp tác với cơ quan có thẩm quyền trong quá trình điều tra. Bài viết này sẽ giới thiệu tổng quan nội dung phòng vệ thương mại của Hiệp định CPTPP và sơ lược về hệ thống các văn bản pháp luật phòng vệ thương mại của một số đối tác thương mại quan trọng của Việt Nam trong Hiệp định CPTPP cũng như dẫn chiếu một số quy định quan trọng nhằm hỗ trợ doanh nghiệp bước đầu tìm hiểu về các quy định phòng vệ thương mại của các thị trường CPTPP.

Quy định chung của Hiệp định CPTPP về các biện pháp phòng vệ thương mại

Hiệp định CPTPP đưa ra các quy định về phòng vệ thương mại (chống bán phá giá, chống trợ cấp và tự vệ) trong Chương 6 – Phòng vệ thương mại gồm 2  phần, 8 Điều khoản và 1 phụ lục khuyến nghị về thực tiễn điều tra áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại. Bên cạnh đó, tại Chương 4  - Sản phẩm dệt may, các nước thành viên đã thống nhất về việc có thể áp dụng biện pháp khẩn cấp trong trường hợp cần thiết với các điều kiện có nhiều điểm tương đồng với biện pháp tự vệ chuyển tiếp.

Do đó, các biện pháp phòng vệ thương mại được quy định tại Hiệp định CPTPP gồm có 5 biện pháp: Biện pháp tự vệ toàn cầu; Biện pháp tự vệ chuyển tiếp; Biện pháp chống bán phá giá; Biện pháp chống trợ cấp; và Biện pháp khẩn cấp đối với hàng dệt may. So với 03 biện pháp phòng vệ thương mại cơ bản (tự vệ toàn cầu, chống bán phá giá và chống trợ cấp), các thành viên CPTPP đã đàm phán bổ sung 02 biện pháp phòng vệ thương mại.

Biện pháp tự vệ toàn cầu: Được quy định tại Điều 6.2 Hiệp định CPTPP, bảo lưu quyền và nghĩa vụ của các thành viên theo Hiệp định tự vệ của Tổ chức Thương mại Quốc tế (WTO). Biện pháp này không được áp dụng đối với hàng hoá áp dụng hạn ngạch. Các quốc gia thành viên CPTPP không áp dụng hoặc duy trì áp dụng biện pháp tự vệ toàn cầu cùng  với 1 hoặc các biện pháp sau: (1) Biện pháp tự vệ chuyển tiếp; (2) Biện pháp tự vệ theo Phụ lục B trong biểu phụ lục 2-D của Hiệp định CPTPP; và (3) Biện pháp khẩn cấp đối với hàng dệt may.

Biện pháp tự vệ chuyển tiếp: Được quy định tại Điều 6.3 Hiệp định CPTPP, là biện pháp tự vệ áp dụng trong giai đoạn chuyển tiếp. Giai đoạn chuyển tiếp liên quan tới một hàng hoá cụ thể, là thời gian 03 năm kể từ ngày Hiệp định CPTPP có hiệu lực, trừ trường hợp việc cắt giảm thuế hoặc giảm thuế hàng hoá diễn ra trong thời gian dài hơn, trong trường hợp đó giai đoạn chuyển tiếp sẽ là thời gian cắt giảm thuế theo giai đoạn đối với hàng hoá đó. 

Các biện pháp tự vệ chuyển tiếp gồm có đình chỉ việc tiếp tục giảm bất kỳ thuế suất nào theo quy định của Hiệp định này đối với hàng hóa đó; hoặc tăng thuế suất đối với hàng hóa đó đến một mức không cao hơn mức thấp hơn trong các mức sau: (i) thuế suất theo nguyên tắc tối huệ quốc (MFN) có hiệu lực tại thời điểm áp dụng biện pháp này; và (ii) thuế suất theo nguyên tắc tối huệ quốc có hiệu lực vào ngày liền trước ngày Hiệp định này có hiệu lực cho Bên đó.

Biện pháp chống bán phá giá: Được quy định tại Điều 6.8 Hiệp định CPTPP, nhấn mạnh nghĩa vụ của các bên tuân thủ theo quy định của các hiệp định liên quan trong khuôn khổ WTO.

Biện pháp chống trợ cấp: Được quy định tại Điều 6.8 Hiệp định CPTPP, nhấn mạnh nghĩa vụ của các bên tuân thủ theo quy định của các hiệp định liên quan trong khuôn khổ WTO.

Biện pháp khẩn cấp đối với sản phẩm dệt may: Được quy định tại Điều 4.3 Hiệp định CPTPP, là biện pháp áp dụng trong giai đoạn chuyển tiếp đối với hàng dệt may. Thời gian chuyển tiếp là giai đoạn bắt đầu từ khi Hiệp định có hiệu lực giữa các bên liên quan cho đến 05 năm sau ngày Bên nhập khẩu xoá bỏ thuế cho hàng hoá của Bên xuất khẩu theo Hiệp định này. Biện pháp khẩn cấp bao gồm: tăng thuế suất đối với hàng hoá đó đến một mức không cao hơn mức thấp hơn trong các mức sau: (i) thuế suất theo nguyên tắc tối huệ quốc (MFN) có hiệu lực tại thời điểm áp dụng biện pháp này; và (ii) thuế suất theo nguyên tắc tối huệ quốc có hiệu lực vào ngày liền trước ngày Hiệp định CPTPP có hiệu lực cho Bên đó. 

Trong đó, biện pháp tự vệ chuyển tiếp là biện pháp tự vệ áp dụng trong trường hợp cam kết của Hiệp định dẫn đến việc gia tăng  hàng hóa nhập khẩu, gây thiệt hại nghiêm trọng cho ngành sản xuất trong nước. Biện pháp khẩn cấp đối với hàng dệt may có nhiều điểm tương đồng với biện pháp tự vệ chuyển tiếp. Các điểm khác biệt giữa hay biện pháp này gồm có:

  • Về thời gian chuyển tiếp của hai biện pháp, biện pháp tự vệ chuyển tiếp được áp dụng trong thời gian chuyển tiếp là ba năm kể từ ngày Hiệp định này có hiệu lực, trừ trường hợp việc cắt giảm thuế hoặc giảm thuế hàng hóa diễn ra trong thời gian dài hơn, trong trường hợp đó giai đoạn chuyển tiếp sẽ là thời gian cắt giảm thuế theo giai đoạn đối với hàng hóa đó. Đối với biện pháp khẩn cấp đối với hàng dệt may, thời gian chuyển tiếp dài hơn khá nhiều, thời gian chuyển tiếp được xác định là là giai đoạn bắt đầu từ khi Hiệp định có hiệu lực giữa các bên liên quan cho đến 05 năm sau ngày Bên nhập khẩu xóa bỏ thuế cho hàng hóa của Bên xuất khẩu theo Hiệp định này.
  • Về đối tượng áp dụng, biện pháp tự vệ chuyển tiếp áp dụng với tất cả các ngành hàng (bao gồm cả sản phẩm dệt may) còn biện pháp khẩn cấp đối với hàng dệt may chỉ áp dụng riêng với hàng dệt may.

Quy định về phòng vệ thương mại của Australia

Australia là một thành viên CPTPP sớm xây dựng các văn bản hướng dẫn chi tiết việc điều tra, áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại trước cả khi các biện pháp này được đưa vào cam kết trong khuôn khổ WTO. Trong đó, Australia duy trì và hoàn thiện 03 văn bản hướng dẫn về điều tra áp dụng các biện pháp chống bán phá giá và chống trợ cấp và 02 văn bản hướng dẫn điều tra áp dụng biện pháp tự vệ. Cùng với đó, các khái niệm, hướng dẫn cụ thể về việc điều tra, áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại cũng được xây dựng thành cẩm nang hướng dẫn công khai, giúp cho doanh nghiệp cũng như các bên liên quan có thể dễ dàng theo tiến trình điều tra.

Về quy trình điều tra, Australia đưa ra các quy định khung thời gian cơ bản và phù hợp với các cam kết tại WTO:

Đối với vụ việc điều tra chống bán phá giá/chống trợ cấp

Để phục vụ cho hoạt động điều tra chống bán phá giá/chống trợ cấp, Australia đã xây dựng chi tiết và thống nhất về các nội dung liên quan đến thủ tục cũng như nội dung điều tra. Theo đó, trong cuộc điều tra của Úc, Cơ quan điều tra sẽ tuân thủ chặt chẽ các mốc thời gian liên quan đến Kết luận sơ bộ, công bố thông tin trọng yếu và kết luận cuối cùng.

Nội dung quy định pháp luật về điều tra chống bán phá giá chống trợ cấp của Australia có một số điểm đáng quan tâm như sau:

Quy định về nền kinh tế phi thị trường: Úc có quy định về việc sử dụng phương pháp tính toán giá trị thông thường đối với hàng hóa xuất xứ từ các nước có nền kinh tế phi thị trường. Với các phương pháp này, biên độ bán phá giá được tính toán thường rất cao, gây bất lợi cho hàng hóa nhập khẩu. Năm 2008, Việt Nam đã được Australia công nhận nền kinh tế thị trường và sẽ không chịu ảnh hưởng bởi quy định này của Australia. Tuy nhiên, Australia vẫn có thể xem xét áp dụng việc tính toán riêng trong trường hợp xác định ngành hàng liên quan có tình hình thị trường đặc biệt (particular market economy) hoặc nền kinh tế chuyển đổi (economy in transition).

Về việc điều tra chống lẩn tránh biện pháp chống bán phá giá/chống trợ cấp, Australia đã sớm có quy định về điều tra chống lẩn tránh biện pháp chống bán phá giá, chống trợ cấp, gồm (1) Hàng lắp ráp hàng xuất khẩu vào Úc; (2) Hàng lắp ráp ở nước thứ ba; (3) Xuất khẩu hàng hóa qua một hoặc nhiều nước thứ ba; (4) Thỏa thuận giữa các nhà xuất khẩu; (5) Lẩn tránh tác động của các biện pháp; và (6) Sửa đổi hàng hóa.

Về việc điều tra lại, căn cứ trên quy định về việc rà soát lại các quy định về biện pháp chống bán phá giá/chống trợ cấp, các vụ việc điều tra có thể được tiến hành điều tra lại và quyết định của vụ việc điều tra lại sẽ thay thế cho quyết định ban đầu.

Cho đến nay Australia đã tiến hành điều tra 37 vụ việc điều tra chống bán phá giá và 04 vụ việc điều tra chống trợ cấp. Thực tiễn cho thấy Úc rất thận trọng trong việc đưa ra quyết định áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại với 17 biện pháp chống bán phá giá và 02 biện pháp chống trợ cấp.

Đối với vụ việc điều tra tự vệ

Pháp luật Australia không đưa ra một văn bản cụ thể về việc điều tra áp dụng biện pháp tự vệ. Thủ tục điều tra được ban hành dưới dạng một thông báo kèm theo Đạo luật về Ủy ban năng suất (Productivity act). Theo đó, trong vụ việc điều tra áp dụng biện pháp tự vệ cần đảm bảo:

Về thủ tục điều tra: (1) Đảm bảo tổ chức tham vấn và các hình thức phù hợp để các bên liên quan cung cấp bằng chứng và lập luận; (2) Công khai các kết quả điều tra đảm bảo đúng luật và thực tiễn; và (3) Bảo mật các thông tin mật do các bên liên quan cung cấp.

Về điều kiện áp dụng: (1) áp dụng đối với hàng hóa nhập khẩu vào Úc có lượng gia tăng (tương đối và tuyệt đối) gây ra thiệt hại nghiêm trọng cho ngành sản xuất trong nước; (2) loại trừ áp dụng đối với hàng hóa nhập khẩu từ các nước đang phát triển với điều kiện về tỷ lệ nhập khẩu theo quy định.

Biện pháp tự vệ được áp dụng: (1) Hạn ngạch; (2) Hạn ngạch thuế quan; và (3) Thuế bổ sung.

Trên thực tiễn, mặc dù là một thành viên tích cực sử dụng các biện pháp phòng vệ thương mại, Australia lại không ưu tiên áp dụng biện pháp tự vệ. Cho đến nay, Australia chỉ mới điều tra áp dụng 04 vụ việc tự vệ. Vụ việc gần nhất mà Úc tiến hành điều tra được thực hiện từ năm 2013.

Thẩm quyền điều tra áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại được Chính phủ Australia giao cho hai cơ quan, gồm: Ủy ban chống bán phá giá (Anti-dumping Commission) và Ủy ban năng suất (Productivity Commission).

Trong đó, Ủy ban chống bán phá giá là đơn vị trực thuộc Bộ Công nghiệp – Khoa học – Năng lượng và Nguồn lực của Australia. Ủy ban được giao nhiệm vụ điều tra áp dụng các biện pháp chống bán phá giá và/hoặc chống trợ cấp. Ủy ban chống bán phá giá chịu trách nhiệm tiến hành điều tra và đưa ra khuyến nghị để Bộ ban hành quyết định áp dụng biện pháp. Các quyết định của Bộ và Ủy ban về biện pháp chống bán phá giá sẽ được rà soát bởi Ban hội thẩm rà soát biện pháp chống bán phá giá nếu có yêu cầu của các bên liên quan trong vòng 30 ngày kể từ ngày ban hành quyết định có liên quan.

Ủy ban năng suất (Productivity Commission) là đơn vị thuộc Chính phủ Australia, chuyên trách điều tra, nghiên cứu và đánh giá về tình hình, thực trạng các ngành sản xuất.

Quy định về phòng vệ thương mại của Nhật Bản

Đối với lĩnh vực phòng vệ thương mại, Nhật Bản đã quy định tại Điều 8 Luật Thuế quan, Pháp lệnh và hướng dẫn về biện pháp chống bán phá giá, chống trợ cấp và biện pháp khẩn cấp (biện pháp Tự vệ) của nước này.

Các quy định và hướng dẫn của Nhật Bản rất rõ ràng và tuân thủ chặt chẽ cam kết của WTO. Ngoài ra, trong văn bản hướng dẫn về thủ tục quy trình điều tra, Nhật Bản có những quy định rất chặt chẽ liên quan đến:

  • Tỷ lệ đa số của đại diện ngành sản xuất trong nước có quyền nộp đơn yêu cầu điều tra áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại (trên 50% sản lượng sản xuất trong nước, quy định này chặt hơn so với quy định của WTO);
  • Doanh nghiệp nắm quyền kiểm soát doanh nghiệp khác khi xem xét vấn đề doanh nghiệp liên kết;
  • Mô tả chi tiết các yêu cầu về chứng minh các điều kiện áp dụng biện pháp trong hồ sơ yêu cầu;
  • Xác định ngành sản xuất trong nước;
  • Hướng dẫn chi tiết về cách thức yêu cầu tham vấn, bao gồm cả đơn vị phụ trách tham vấn;
  • Hướng dẫn chi tiết về các nội dung thẩm định hồ sơ yêu cầu áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại;
  • Hướng dẫn về nội dung điều tra, thời gian điều tra, vấn đề chấm dứt điều tra đều rất chi tiết như một bản cẩm nang điều tra vụ việc.

Đặc biệt, với quy trình điều tra chống trợ cấp, Nhật Bản quy định chi tiết việc xác định và tính toán mức trợ cấp đối với từng dạng chương trình cụ thể.Như vậy, Nhật Bản có khung thời gian cụ thể cho từng bước điều tra các vụ việc chống bán phá giá và chống trợ cấp. Thời gian điều tra kéo dài trong vòng 1 năm với các hoạt động điều tra thông qua thông tin được cung cấp và hoạt động điều tra tại chỗ.

Các hoạt động điều tra của Nhật Bản gồm có: Khởi xướng điều tra; Tổng hợp thông tin do các bên cung cấp; Thẩm tra tại chỗ; Kết luận sơ bộ; Công bố thông tin trọng yếu; và Kết luận cuối cùng.

Đối với vụ việc điều tra biện pháp tự vệ (Nhật Bản gọi là biện pháp khẩn cấp), quy trình điều tra được cân đối gồm các bước như sau: Đơn yêu cầu; Khởi xướng điều tra; Bản câu hỏi điều tra; Tham vấn công khai; và Kết luận vụ việc.

Hiện nay, trong cẩm nang và các quy định pháp luật của Nhật Bản không đưa ra các mốc thời gian cụ thể như đối với các vụ việc điều tra chống bán phá giá và chống trợ cấp. Do đó, thời gian điều tra của một vụ việc tự vệ của Nhật Bản sẽ tuân thủ theo pháp luật WTO (kéo dài không quá 01 năm).

Về mặt thực tiễn, Nhật Bản cũng không phải là một quốc gia tích cực sử dụng biện pháp tự vệ để bảo vệ ngành sản xuất trong nước (khởi xướng 01 vụ việc và áp dụng 0 vụ việc), có thể đây là lý do Nhật Bản chưa xây dựng khung thời gian chi tiết với các vụ việc điều tra này. Do đó, các bước điều tra sẽ được linh hoạt và đảm bảo tổng thời gian điều tra theo cam kết WTO.

Việc điều tra các vụ việc phòng vệ thương mại của Nhật Bản được thực hiện do các nhóm điều tra (bao gồm Bộ Tài Chính, Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp và các đơn vị Bộ ngành quản lý khác có liên quan). Trong đó, Bộ Tài Chính và Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp đóng vai trò cơ quan đầu mối.

Về cơ chế làm việc, nhóm điều tra sẽ được thành lập sau khi vụ việc được khởi xướng điều tra và kết luận điều tra của nhóm sẽ là căn cứ để ban hành các Quyết định áp dụng biện pháp tạm thời và chính thức. Các Quyết định này sẽ do Bộ Tài chính ban hành.

Quy định về phòng vệ thương mại của Canada

Trong số các văn bản pháp luật có liên quan đến phòng vệ thương mại của Canada thì Đạo luật về các biện pháp nhập khẩu đặc biệt là văn bản quan trọng nhất, được ban hành vào năm 2004, sửa đổi vào năm 2016, 2017 và năm 2019. Gần đây nhất, năm 2020, Canada đã ban hành bổ sung một số quy định liên quan đến các biện pháp nhập khẩu đặc biệt áp dụng trong thời kỳ nền kinh tế bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19. Các văn bản pháp luật đều được thông báo đầy đủ trên trang thông tin điện tử của WTO.

Trong giai đoạn 2016, 2017, Canada đã bổ sung nhiều quy định hoàn thiện pháp luật phòng vệ thương mại, đặc biệt là các nội dung về điều tra, áp dụng biện pháp chống bán phá giá, chống trợ cấp:

  • Điều tra chống lẩn tránh thuế chống bán phá giá, chống trợ cấp: Canada bổ sung quy trình điều tra chống lẩn tránh thuế chống bán phá giá/ chống trợ cấp làm cơ sở mở rộng phạm vi áp dụng biện pháp nhằm bảo đảm hiệu lực của biện pháp trên thực tế;
  • Rà soát phạm vi sản phẩm: Canada đưa ra quy trình xem xét đán giá một sản phẩm cụ thể nhằm xem xét việc có đưa sản phẩm này vào phạm vi áp dụng biện pháp chống bán phá giá/chống trợ cấp hay không;
  • Giá bị bóp méo: Pháp luật Canada đưa ra quy định về việc áp dụng phương pháp tính toán thay thế trong trường hợp tình hình thị trường đặc biệt (Particular market situation – PMS);
  • Sự tham gia của Công đoàn: Công đoàn lao động được xác định là một bên liên quan có quyền xem xét đưa ra các khiếu nại cần thiết liên quan đến việc áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại.

Quy trình điều tra chống bán phá giá/chống trợ cấp, Canada xác định việc điều tra áp dụng các biện pháp chống bán phá giá/chống trợ cấp là hết sức quan trong công tác bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của ngành sản xuất trong nước trước các hành vi thương mại không công bằng. Quy trình điều tra của Canada rất cụ thể và được quy định chặt chẽ. Trong đó, việc điều tra thiệt hại và điều tra hành vi bán phá giá/ trợ cấp được thực hiện độc lập.

Đối với công tác điều tra áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại tại Canada, 02 cơ quan được giao nhiệm vụ độc lập: Cơ quan dịch vụ biên mậu Canada (Canada Border Services Agency –CBSA) và Tòa án Thương mại Quốc tế (Canadian International Trade Tribunal – CITT).

Trong đó, CBSA là cơ quan có chức năng cung cấp đa dịch vụ liên quan đến biên giới, bao gồm bảo đảm an ninh quốc gia, an toàn công cộng cũng như bảo đảm các hoạt động lưu thông hàng hóa và con người. Về lĩnh vực phòng vệ thương mại, CBSA là Cơ quan chịu trách nhiệm điều tra hành vi bán phá giá và trợ cấp. Đây là một nội dung trong nhóm các nhiệm vụ liên quan đến thương mại của CBSA.

CITT là tòa án có thể bao gồm tối đa bảy thành viên chuyên trách, gồm 01 chủ tịch được chỉ định với nhiệm kỳ lên đến năm năm. Ngoài ra, các thành viên tạm thời có thể được bổ nhiệm. CITT chịu trách nhiệm xem xét vấn đề thiệt hại trong các vụ việc điều tra phòng vệ thương mại.

Quy định về phòng vệ thương mại của Canada

New Zealand đã tiến hành nội luật hóa các quy định của các Hiệp định WTO về phòng vệ thương mại vào 02 văn bản của nước này, gồm Đạo luật Thương mại năm 1988 về chống bán phá giá và chống trợ cấp và Đạo luật Thương mại năm 2014 về biện pháp tự vệ.

Các văn bản của New Zealand tuân thủ chặt chẽ các cam kết tại các hiện định liên quan của WTO và được quy định theo các nội dung rõ ràng, bám sát quy trình điều tra cũng như các điều kiện áp dụng các biện pháp cụ thể.

Đối với điều tra chống bán phá giá/chống trợ cấp

Quy trình điều tra được chia thành hai nội dung điều tra:

Bước điều tra số 1: Điều tra về các điều kiện áp dụng biện pháp chống bán phá giá/chống trợ cấp

Bước điều tra số 2: Điều tra về lợi ích công cộng: Những tác động của biện pháp tới lợi ích công cộng được xem xét gồm có:

  1. Ảnh hưởng của thuế đối với giá của hàng hóa được bán phá giá hoặc được trợ cấp;
  2. Ảnh hưởng của thuế đối với giá của các hàng hóa tương tự được sản xuất tại New Zealand;
  3. Ảnh hưởng của nghĩa vụ đối với sự lựa chọn hoặc sẵn có của hàng hóa tương tự;
  4. Ảnh hưởng của nghĩa vụ đối với chất lượng sản phẩm và dịch vụ;
  5. Ảnh hưởng của nghĩa vụ đối với hoạt động tài chính của ngành sản xuất trong nước;
  6. Ảnh hưởng của nghĩa vụ đối với mức việc làm;
  7. Bất kỳ yếu tố nào mà Bộ trưởng cho là cần thiết để đảm bảo sự tồn tại của cạnh tranh trên thị trường.

Như vậy, cơ quan điều tra New Zealand sẽ tiến hành lần lượt việc xem xét điều kiện áp dụng vụ việc và yếu tố lợi ích công cộng, đảm bảo biện pháp được áp dụng phù hợp với lợi ích của cả người tiêu dùng và các nhà nhập khẩu sản phẩm bị điều tra dùng làm nguyên vật liệu để sản xuất các sản phẩm hạ nguồn. Bên cạnh đó, thời gian điều tra của New Zealand cũng ngắn hơn so với quy định của WTO. WTO cho phép cuộc điều tra kéo dài từ 12 đến 18 tháng. Đối với New Zealand, cuộc điều tra chỉ kéo dài trong vòng 180 ngày (6 tháng) đối với bước điều tra về đều kiện áp dụng và 90 ngày (3 tháng) đối với bước điều tra về lợi ích công cộng . Do đó, quá trình điều tra của New Zealand chỉ kéo dài khoảng 9 tháng.

Đối với điều tra tự vệ

Cuộc điều tra tự vệ theo quy định của New Zealand cũng có thời gian ngắn hơn so với cam kết của WTO. WTO cho phép cuộc điều tra tự vệ kéo dài từ 9 – 12 tháng. Trong khi đó, báo cáo điều tra tự vệ của New Zealand cần được hoàn tất trong 75 - 85 ngày làm việc kể từ ngày khởi xướng điều tra (khoảng gần 4 tháng). Trong trường hợp không thể hoàn tất điều tra, Cơ quan điều tra cần có giải trình hợp lý về sự chậm trễ.

Có thể nhận thấy New Zealand xây dựng quy trình điều tra rất tinh gọn, hướng đến việc rút ngắn quá trình điều tra vụ việc phòng vệ thương mại. Với thời gian điều tra như vậy, các doanh nghiệp tham gia vụ việc cần có sự tập trung cao để đưa ra các ý kiến tham vấn cần thiết trong quá trình điều tra.

Cơ quan điều tra phòng vệ thương mại của New Zealand là đơn vị thuộc Bộ Kinh doanh – Đổi mới và Lao động (Ministry of Business, Innovation and Employment – MBIE). Công tác điều tra phòng vệ thương mại là một mảng việc thuộc Nhóm công tác về Thương mại và môi trường quốc tế. Cơ quan trực tiếp tiến hành điều tra là Tổ công tác Phòng vệ thương mại.

Uyên Chi