Quyền quản lý và quyền giám sát Quỹ đầu tư chứng khoán

ThS. NGUYỄN THỊ HỒNG PHƯỚC ( NCS. Học viện Khoa học xã hội, Giảng viên Đại học Thủ Dầu Một, Bình Dương)

Tóm tắt:

Quỹ đầu tư chứng khoán (QĐTCK), Công ty quản lý quỹ (CTQLQ) và Ngân hàng giám sát (NHGS) là các khái niệm mới trên thị trường chứng khoán Việt Nam. QĐTCK là loại hình có cơ cấu tổ chức và hoạt động khá đặc thù. Do đó, để bảo vệ quyền lợi của nhà đầu tư (NĐT) tham gia vào QĐTCK, pháp luật giao chức năng quản lý và chức năng giám sát QĐTCK cho các chủ thể độc lập. Bài viết phân tích về bản chất QĐTCK, quyền quản lý của CTQLQ và quyền giám sát của NHGS trong mối quan hệ với QĐTCK, đưa ra các kiến nghị hoàn thiện pháp luật, giúp cho những NĐT có được cơ chế bảo đảm an toàn các khoản tiền đầu tư của mình, tránh tình trạng thông đồng, móc ngoặc gây thiệt hại cho NĐT của các chủ thể được trao quyền.

Từ khóa: Quỹ đầu tư chứng khoán, quản lý quỹ đầu tư chứng khoán, giám sát quỹ đầu tư chứng khoán.

  1. Đặt vấn đề

Lịch sử hình thành Quỹ đầu tư xuất phát từ cuộc Cách mạng công nghiệp tại Anh vào thế kỷ 19 đã tạo ra một lượng tiền khổng lồ sẵn sàng để đầu tư. Theo quy luật, khi cung tiền quá lớn làm cho lãi suất trên thị trường giảm xuống. Trong khi đó, các nước tại châu Âu lục địa, Nam Mỹ, Bắc Mỹ lại đang thiếu tiền trầm trọng. Để thu hút đầu tư, các nước này đã phát hành trái phiếu với lãi suất cao, hấp dẫn so với tỷ lệ lãi suất thấp ở Anh làm cho các nhà đầu tư bắt đầu quan tâm tới các cơ hội kinh doanh ở nước ngoài. Mặc dù hứa hẹn thu được lợi nhuận cao nhưng các nhà đầu tư lại gặp phải những khó khăn đáng kể trong việc nghiên cứu và thực hiện đầu tư tại nước ngoài. Cuối cùng, việc huy động vốn và quản lý vốn đã được trao vào tay các chuyên gia đầu tư nhằm giảm tối đa rủi ro và tăng tối đa hiệu quả kinh tế. Đây là nguồn gốc cho việc định hình cơ chế tổ chức và hoạt động của các Quỹ đầu tư, đảm bảo tách bạch giữa quyền của chủ sở hữu, quyền quản lý và quyền giám sát.

  1. Bản chất Quỹ đầu tư chứng khoán

Theo từ điển Banking and Informationtics thì Quỹ đầu tư là một định chế tài chính trung gian phi ngân hàng thu hút tiền nhàn rỗi từ nhiều nguồn khác nhau để đầu tư vào các loại tài sản như cổ phiếu, trái phiếu và tiền tệ. Tất cả các khoản đầu tư này đều được quản lý chuyên nghiệp, chặt chẽ bởi CTQLQ, NHGS và cơ quan thẩm quyền khác [3]. QĐTCK thực chất là một tập hợp vốn do tổ chức và cá nhân góp lại để được quản lý, nhằm tăng cường tính chuyên nghiệp trong hoạt động đầu tư chứng khoán và tối đa hóa lợi nhuận cho những người tham gia [4]. Dưới góc độ kinh tế, QĐTCK được xem xét dưới hình thức là một khoản tiền, khoản vốn.

Như vậy, Quỹ đầu tư được xây dựng dựa trên học thuyết quan hệ đại diện hay quan hệ ủy thác. Ủy thác, nói một cách đơn giản nhất, là một sự dàn xếp được luật thừa nhận theo đó một chủ thể (người được ủy thác) nắm giữ tài sản vì lợi ích của chủ thể khác (người thụ hưởng) [5]. Lý thuyết đại diện nghiên cứu mối quan hệ giữa bên ủy quyền và bên được ủy quyền, “mối quan hệ ủy quyền - đại diện như là một hợp đồng theo đó một hay nhiều người (người chủ) thuê một người khác (người điều hành) thay mặt họ thực hiện một số dịch vụ và được phép đưa ra những quyết định liên quan” [6]. Theo đó, Quỹ đầu tư hoạt động theo cơ chế gồm 3 thành phần: Người đầu tư góp vốn hình thành quỹ; Công ty quản lý quỹ điều hành quỹ; Ngân hàng giám sát bảo quản tài sản và giám sát hoạt động của quỹ.

Khoản 27 Điều 6 Luật Chứng khoán 2006, Quỹ đầu tư chứng khoán là quỹ hình thành từ vốn góp của nhà đầu tư với mục đích kiếm lợi nhuận từ việc đầu tư vào chứng khoán hoặc các dạng tài sản đầu tư khác, kể cả bất động sản, trong đó nhà đầu tư không có quyền kiểm soát hàng ngày đối với việc ra quyết định đầu tư của quỹ. Theo khái niệm này thì một trong những đặc điểm pháp lý của QĐTCK là nhà đầu tư tham gia vào QĐTCK không có quyền kiểm soát hoạt động hàng ngày đối với việc ra quyết định đầu tư của quỹ. Các quy định về QĐTCK theo Luật Chứng khoán 2006 đã chỉ rõ các chủ thể tham gia vào QĐTCK bao gồm: CTQLQ thành lập QĐTCK (Điều 83), Nhà đầu tư có các quyền và nghĩa vụ khi tham gia vào QĐTCK (Điều 84) và Ngân hàng giám sát (Điều 98). Mỗi chủ thể có chức năng và vai trò đặc trưng riêng. Đối chiếu quy định về điều kiện để một tổ chức được công nhận là pháp nhân tại khoản 1 Điều 74 Bộ luật Dân sự 2015, thì QĐTCK không có tài sản độc lập và không nhân danh mình tham gia quan hệ pháp luật một cách độc lập. Do đó, QĐTCK tại Việt Nam không có tư cách pháp nhân. Hoạt động quản lý QĐTCK do CTQLQ thực hiện. Đồng thời, để bảo đảm tối đa lợi ích hợp pháp của NĐT còn có một chủ thể độc lập giám sát hoạt động của CTQLQ - đó là NHGS.

  1. Quyền quản lý, quyền giám sát quỹ đầu tư chứng khoán theo pháp luật Việt Nam

3.1. Quyền quản lý quỹ đầu tư chứng khoán

Công ty quản lý quỹ được tổ chức dưới hình thức công ty trách nhiệm hữu hạn hoặc công ty cổ phần theo quy định của Luật Doanh nghiệp. CTQLQ thực hiện nghiệp vụ kinh doanh sau: quản lý quỹ đầu tư chứng khoán, quản lý danh mục đầu tư chứng khoán, tư vấn đầu tư chứng khoán (Luật Chứng khoán 2006). Sau khi Luật Chứng khoán được sửa đổi, bổ sung năm 2010, nhằm tiếp tục hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật điều chỉnh về QĐTCK đáp ứng yêu cầu của thực tiễn, Bộ Tài chính ban hành Thông tư số 212/2012/TT-BTC ngày 05/12/2012 về thành lập, tổ chức và hoạt động công ty quản lý quỹ. Theo đó, Công ty quản lý quỹ là doanh nghiệp hoạt động kinh doanh chứng khoán, cung cấp dịch vụ quản lý QĐTCK, quản lý danh mục đầu tư chứng khoán và tư vấn đầu tư chứng khoán. Như vậy, quản lý QĐTCK là nghiệp vụ kinh doanh chính của CTQLQ. Nội dung quyền quản lý QĐTCK của CTQLQ thể hiện:

Quyền thành lập các loại hình QĐTCK: QĐTCK bao gồm quỹ đại chúng và quỹ thành viên. Việc thành lập và chào bán chứng chỉ quỹ ra công chúng của quỹ đại chúng do CTQLQ thực hiện và phải đăng ký với UBCKNN; Việc thành lập quỹ thành viên do CTQLQ thực hiện và phải báo cáo với UBCKNN.

Quyền liên quan đến tổ chức quản trị của QĐTCK: CTQLQ triệu tập họp Đại hội NĐT (bao gồm tất cả các NĐT, là cơ quan quyết định cao nhất của QĐTCK); Chương trình và nội dung họp Đại hội NĐT được CTQLQ xây dựng theo quy định pháp luật về doanh nghiệp. Khi giải thể QĐTCK, CTQLQ cùng NHGS hoàn tất việc thanh lý tài sản quỹ và phân chia tài sản quỹ.

Quyền liên quan đến hoạt động đầu tư của QĐTCK: NĐT - người sở hữu QĐTCK, không có quyền kiểm soát hàng ngày đối với việc ra quyết định đầu tư của quỹ. CTQLQ xác định mục tiêu hoạt động, lĩnh vực đầu tư, trực tiếp quản lý và sử dụng nguồn vốn của quỹ để đầu tư vào chứng khoán hoặc các dạng tài sản đầu tư khác, kể cả bất động sản. Bên cạnh đó, CTQLQ còn có một số quyền khác như: chỉ định thành viên quản lý quỹ theo những tiêu chuẩn mà pháp luật quy định để trực tiếp điều hành hoạt động quỹ, xác định giá trị tài sản ròng của QĐTCK, xác định lợi nhuận và phân phối lợi nhuận, công bố thông tin về giao dịch của quỹ.

Có thể khẳng định, lý do tồn tại của CTQLQ chủ yếu là hoạt động quản lý QĐTCK để thu lợi nhuận. Do đó, quyền của CTQLQ đối với QĐTCK rất rộng, từ phát hành chứng chỉ quỹ huy động vốn thành lập quỹ tới quá trình tổ chức và hoạt động của QĐTCK. Bên cạnh đó, CTQLQ còn có quyền được hưởng các khoản phí quản lý và những khoản thu khác theo thỏa thuận với NĐT. Phí quản lý là khoản chi từ nguồn vốn của quỹ, khoản thu khác có thể là từ tiền thưởng cho hoạt động quản lý quỹ có hiệu quả của CTQLQ được xác định theo điều lệ và hợp đồng quản lý QĐTCK.

3.2. Quyền giám sát quỹ đầu tư chứng khoán

Ngân hàng giám sát là ngân hàng thương mại có Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động lưu ký chứng khoán có chức năng thực hiện các dịch vụ lưu ký và giám sát việc quản lý quỹ đại chúng. NHGS có trách nhiệm chính là bảo quản các tài sản của quỹ, kiểm tra, giám sát hoạt động quản lý quỹ của CTQLQ, đảm bảo hoạt động của công ty phù hợp với Điều lệ quỹ. Mối quan hệ giữa NHGS với CTQLQ liên quan đến việc thực hiện chức năng giám sát QĐTCK được quy định tại Điều 98 Luật Chứng khoán 2006. Có thể khái quát nội dung quyền giám sát của NHGS theo hai nhóm sau:

Quyền bảo quản các tài sản của QĐTCK: NHGS thực hiện lưu ký tài sản của quỹ đại chúng; quản lý tách biệt tài sản của quỹ đại chúng và các tài sản khác của NHGS; Thực hiện hoạt động thu, chi, thanh toán và chuyển giao tiền, chứng khoán liên quan đến hoạt động của quỹ đại chúng theo yêu cầu hợp pháp của CTQLQ; Xác nhận báo cáo do CTQLQ lập có liên quan đến quỹ đại chúng; Báo cáo Ủy ban Chứng khoán Nhà nước khi phát hiện CTQLQ và tổ chức, cá nhân có liên quan vi phạm pháp luật hoặc Điều lệ QĐTCK; Định kỳ cùng CTQLQ đối chiếu sổ kế toán, báo cáo tài chính và hoạt động giao dịch của quỹ đại chúng. Đối tượng kinh doanh của ngân hàng thương mại là tiền tệ. Bằng nghiệp vụ chuyên môn và cơ sở vật chất của ngân hàng thương mại, NHGS có đủ điều kiện để thực thi quyền bảo quản tài sản của QĐTCK một cách chuyên nghiệp.

Quyền kiểm tra, giám sát hoạt động quản lý QĐTCK: NHGS giám sát để bảo đảm CTQLQ quản lý quỹ đại chúng tuân thủ quy định pháp luật và Điều lệ QĐTCK; giám sát việc tuân thủ chế độ báo cáo và công bố thông tin của CTQLQ. Việc lặp lại thuật ngữ “giám sát” trong nội dung quyền giám sát làm cho quyền của NHGS vẫn còn mang tính chung chung, khó thực thi.

Tóm lại, cơ chế tách bạch giữa quyền quản lý QĐTCK và quyền nắm giữ tài sản, giám sát hoạt động quản lý QĐTCK được hầu hết các quốc gia ghi nhận trong pháp luật về chứng khoán. Hoạt động quản lý QĐTCK được NĐT ủy thác cho CTQLQ. NHGS thay mặt NĐT tiến hành giám sát hoạt động CTQLQ liên quan đến QĐTCK. Việc thực thi mỗi quyền năng đòi hỏi CTQLQ và NHGS phải đáp ứng yêu cầu về chuyên môn nghiệp vụ do pháp luật quy định. Bên cạnh đó, để đảm bảo tính độc lập Luật Chứng khoán 2006 còn quy định hạn chế về tiêu chuẩn như sau: NHGS, thành viên Hội đồng quản trị, người điều hành và nhân viên trực tiếp của NHGS làm nhiệm vụ giám sát hoạt động quỹ đại chúng và bảo quản tài sản quỹ của NHGS không được là người có liên quan hoặc có quan hệ sở hữu, vay hoặc cho vay với CTQLQ và ngược lại (Khoản 1 Điều 99).

Theo báo cáo công tác chỉ đạo điều hành 6 tháng đầu năm 2018, Ủy ban chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) đã cấp phép thành lập 04 quỹ mới. Tính đến tháng 5/2018, thị trường có 39 QĐTCK đang hoạt động (trong đó có 30 quỹ đại chúng và 09 quỹ thành viên); 45 CTQLQ hoạt động bình thường, 04 CTQLQ thuộc diện tái cấu trúc và 12 NHGS [7]. Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên quản lý quỹ Ngân hàng thương mại cổ phần (NHTMCP) Công Thương Việt Nam (Vietinbank Capital) có vốn điều lệ lớn nhất Việt Nam 950 tỷ đồng, do NHTMCP Công thương Việt Nam (Vietinbank) sở hữu 100%, quản lý các QĐTCK: Quỹ đầu tư Khám phá giá trị ngân hàng Công thương Việt Nam (VTBF), Quỹ đầu tư trái phiếu Ngân hàng Công thương Việt Nam (VTBF), Quỹ đầu tư trái phiếu doanh nghiệp (CBIF), Quỹ tái cơ cấu doanh nghiệp (DAF). Ngân hàng thương mại thực hiện giám sát việc quản lý các QĐTCK trên là NHTMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam - chi nhánh Hà Thành. Hay Công ty Liên doanh Quản lý Quỹ đầu tư chứng khoán Vietcombank (VCBF) là Công ty liên doanh giữa NHTMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) và Tập đoàn Đầu tư đa quốc gia Franklin Templeton Investments (FTI). Đến ngày 30/6/2018, VCBF quản lý Quỹ Đầu tư cân bằng chiến lược VCBF (VCBF - TBF), Quỹ Đầu tư Cổ phiếu hàng đầu VCBF (VCBF - BCF) và quản lý tổng tài sản hơn 3.236 tỷ đồng. Ngân hàng giám sát cho hai QĐTCK này là Standard Chartered Bank. Bên cạnh đó, Vietinbank và Vietcombank đều là ngân hàng thương mại có chức năng thực hiện các dịch vụ lưu ký và giám sát việc quản lý quỹ đại chúng. Đây lại là các ngân hàng có quan hệ tài chính với Vietinbak Capital và VCBF. Như vậy, tính độc lập giữa quyền quản lý và quyền giám sát QĐTCK ít nhiều bị ảnh hưởng. Bởi vì mục tiêu hoạt động của CTQLQ và NHGS đều là kinh doanh vì lợi nhuận.

  1. Một số kiến nghị và kết luận

Tâm lý của NĐT hiện nay vẫn thích đầu tư riêng lẻ. Do đó, để thu hút NĐT tham gia đầu tư tập thể thông qua QĐTCK cần phải có cơ chế đảm bảo quyền lợi NĐT, hạn chế đến mức thấp nhất rủi ro gặp phải. Pháp luật Việt Nam về QĐTCK được xây dựng theo hướng bảo vệ tốt nhất cho quyền lợi của NĐT thông qua việc giao quyền cho các chủ thể độc lập trong việc quản lý và giám sát QĐTCK. Tuy nhiên, pháp luật vẫn còn một số tồn tại và cần phải được hoàn thiện như sau:

Thứ nhất, về quyền kiểm tra, giám sát hoạt động quản lý QĐTCK. Như đã phân tích, quy định về quyền giám sát hoạt động quản lý QĐTCK của NHGS còn mang tính chung chung. Trong khi nghiệp vụ chính của NHGS (ngân hàng thương mại) là hoạt động ngân hàng, không phải là hoạt động giám sát. Do đó, pháp luật cần quy định cụ thể hơn nội dung hoạt động giám sát để NHGS dễ dàng thực thi quyền hạn của mình.

Thứ hai, tiếp tục hoàn thiện các tiêu chuẩn về CTQLQ và NHGS. Tiêu chuẩn trở thành CTQLQ và NHGS ảnh hưởng đến tính độc lập trong hoạt động quản lý, hoạt động giám sát QĐTCK. Mặc dù pháp luật đã có quy định về các hạn chế của CTQLQ, hạn chế của NHGS. Tuy nhiên, trên thực tế các chủ thể này vẫn có mối quan hệ tài chính với nhau nên dễ dẫn đến tình trạng móc ngoặc vụ lợi gây thiệt hại cho NĐT.

Thứ ba, cần có quy định để đảm bảo tính độc lập của CTQLQ và NHGS khi mà pháp luật về QĐTCK không cấm CTQLQ được quản lý nhiều QĐTCK khác nhau, NHGS được giám sát nhiều QĐTCK khác nhau.           

An toàn và hiệu quả là đặc tính thu hút NĐT tham gia đầu tư vào QĐTCK. Trong đó, chủ thể quản lý và chủ thể giám sát QĐTCK được tổ chức theo hướng tách bạch, độc lập về phạm vi quyền và trách nhiệm là một trong những yếu tố thể hiện đặc tính này. Do đó, pháp luật điều chỉnh về QĐTCK cần được hoàn thiện kịp thời những điểm còn hạn chế là bảo đảm pháp lý cần thiết để NĐT có thể kiểm soát được quá trình hoạt động của QĐTCK, góp phần phát triển mô hình đầu tư tập thể này trên thị trường chứng khoán Việt Nam.

Tài liệu tham khảo:

  1. Luật Chứng khoán 2006, được sửa đổi bổ sung năm 2010.
  2. Thông tư số 212/2012/TT-BTC của Bộ Tài chính ngày 05/12/2012 về thành lập, tổ chức và hoạt động công ty quản lý quỹ.
  3. Trần Thị Thùy Linh (2011), Quỹ đầu tư chứng khoán trên thị trường chứng khoán Việt Nam, NXB Lao động Xã hội, trang 5.
  4. Nguyễn Thu Thủy (2011), Phát triển các quỹ đầu tư chứng khoán ở Việt Nam hiện nay, Luận án Tiến sỹ kinh tế - Đại học Thương mại Hà Nội, trang 9.
  5. Ủy ban Chứng khoán nhà nước - Trung tâm Nghiên cứu khoa học và đào tạo chứng khoán (2009), Giáo trình những vấn đề cơ bản về chứng khoán và thị trường chứng khoán, NXB Văn hóa - Thông tin Hà Nội, trang 304.
  6. Lê Nết, Kinh tế luật, NXB Tri thức 2006.
  7. Website: www.ssc.gov.vn

RIGHTS OF MANAGEMENT AND SUPERVISORY OVER THE SECURITIES INVESTMENT FUND

Nguyen Thi Hong Phuoc

Post Graduate Student of Academy of Social Sciences

Lecturer of Thu Dau Mot University, Binh Duong

Abstract:

Securities investment fund, fund management company and supervisory bank are new concepts in Vietnamese securities market. The securities investment fund is characterized by their distinctive organizational structures and operations. Therefore, to protect investors interests when joining securities investment funds, the legal system assigns the functions of management and supervisor over securities investment funds to independent entities. This article analyzes the nature of the securities investment fund, the management right of fund management company and the supervisory authority of the supervisory bank in relation to the securities investment fund. The article also makes suggestions to improve related laws and provides investors a mechanism to safeguard their investments, avoiding empowered entities wrongdoings.

Keywords: Securities investment fund, securities investment fund management, securities investment fund supervision.