Quyền tự do biểu đạt trong pháp luật nhân quyền quốc tế và pháp luật Việt Nam hiện nay

TRẦN THỊ LOAN (Viện Nhà nước và Pháp luật, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam)

TÓM TẮT:

Quyền tự do biểu đạt là một trong những quyền tự nhiên, cơ bản nhất của con người. Bài viết nghiên cứu, phân tích các nội dung của quyền tự do biểu đạt trong các quy định của pháp luật nhân quyền quốc tế. Nghiên cứu các quy định hiện hành của pháp luật Việt Nam liên quan đến quyền tự do biểu đạt. Từ đó nhận diện một số vấn đề mà các quy định của pháp luật chưa hoàn thiện và đưa ra một số kiến nghị về hoàn thiện pháp luật, nhằm bảo đảm tốt hơn quyền tự do biểu đạt ở nước ta hiện nay.

Từ khóa: quyền tự do biểu đạt, quyền tự do ngôn luận, quyền con người, giới hạn quyền, pháp luật Việt Nam.

1. Đặt vấn đề

Quyền tự do biểu đạt được pháp luật nhân quyền quốc tế và pháp luật của hầu hết các quốc gia trên thế giới ghi nhận là một quyền cơ bản của con người. Quyền này được gọi là “quyền bảo vệ quyền”, bởi chúng là một trong những phương tiện quan trọng để bảo vệ các quyền và tự do khác, là chìa khóa cho sự phát triển con người, hướng tới hoàn thiện và phát triển cá nhân thông quan việc tìm kiếm thông tin, sự thật và đồng thời cũng là điều kiện tiên quyết cho một xã hội dân chủ.

2. Nội dung quyền tự do biểu đạt trong pháp luật nhân quyền quốc tế

Trong Tuyên ngôn Nhân quyền Quốc tế (UDHR), được Đại hội đồng Liên hợp quốc thông qua năm 1948 nêu rõ: “Mọi người có quyền tự do ý kiến và biểu đạt, quyền này bao gồm quyền tự do giữ ý kiến mà không bị can thiệp và tìm kiếm, tiếp nhận và truyền đạt thông tin và ý tưởng thông qua bất kỳ phương tiện truyền thông nào và không phân biệt biên giới”. Mặc dù đây là văn bản không chính thức ràng buộc về mặt pháp lý đối với các quốc gia, nhưng nội dung về quyền tự do nói chung và quyền tự do biểu đạt trong UDHR luôn được coi là một trong những giá trị phổ quát mà các quốc gia đều ghi nhận và có nghĩa vụ tôn trọng, bảo vệ. Quy định này sau đó được khẳng định và cụ thể hóa trong các Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị (ICCPR) năm 1966. Điều 19 ICCPR quy định chi tiết: “Mọi người có quyền giữ quan điểm của mình. Mọi người có quyền tự do biểu đạt. Quyền này bao gồm tự do tìm kiếm, tiếp nhận và truyền đạt mọi thông tin, ý kiến, không phân biệt lĩnh vực, hình thức tuyên truyền bằng miệng, bằng bản viết, in, hoặc dưới hình thức nghệ thuật, thông qua bất kỳ phương tiện thông tin đại chúng nào tùy theo sự lựa chọn của họ”. Một số khía cạnh liên quan đến nội dung Điều 19 ICCPR sau đó được Ủy ban Nhân quyền Liên hợp quốc làm rõ thêm trong Bình luận chung số 34.

Quyền tự do biểu đạt cũng được ghi nhận và bảo vệ trong các điều ước nhân quyền khu vực, bao gồm: Công ước nhân quyền châu Âu 1950, Công ước liên Mỹ về nhân quyền năm 1969, Hiến chương châu Phi về nhân quyền và quyền các dân tộc 1981.

Theo các quy định này, quyền tự do biểu đạt trong pháp luật nhân quyền quốc tế bao gồm các nội dung như sau:

- Thứ nhất, về hình thức, quyền tự do biểu đạt có thể được thể hiện dưới bất kỳ hình thức nào và với bất kỳ loại thông tin, ý tưởng nào. Biểu đạt không chỉ bao gồm các phát ngôn, ý tưởng được chấp nhận chung hoặc lời lẽ tôn trọng mà bao gồm cả những diễn đạt mang tính chất xúc phạm hoặc gây ra nhiều tranh cãi. Trong Bình luận chung số 34 của Ủy ban nhân quyền có diễn giải: “Tự do biểu đạt bao gồm các tranh luận chính trị, bình luận về một người và về các vấn đề chung, vận động, thảo luận về nhân quyền, báo chí, các biểu đạt văn hóa và nghệ thuật, dạy học và tranh luận tôn giáo”.

- Thứ hai, quyền tự do biểu đạt ko chỉ hàm ý là quyền truyền đạt thông tin, ý kiến ra bên ngoài mà còn là quyền “tìm kiếm”, “tiếp nhận” các thông tin từ người khác. Cụ thể hơn, nội hàm của quyền tự do biểu đạt bao gồm:

(1) Quyền được giữ quan điểm mà không bị xâm phạm. Mọi người đều có quyền giữ ý kiến, quan điểm của mình mà không bị can thiệp. Bao gồm cả việc một người được tự do lựa chọn quan điểm và có thể thay đổi quan điểm bất cứ khi nào. Việc giữ quan điểm của cá nhân là một tự do tuyệt đối. Tính chất tuyệt đối của quyền giữ quan điểm sẽ kết thúc khi một người bày tỏ, biểu đạt hay phát ngôn quan điểm của mình.

(2) Quyền tìm kiếm, tiếp cận thông tin: đề cập đến khả năng của “chủ thể quyền” được yêu cầu “chủ thể có nghĩa vụ” cung cấp những thông tin mà mình cần hoặc quan tâm trong phạm vi khuôn khổ pháp luật cho phép.

(3) Quyền tự do tiếp nhận thông tin, ý tưởng: quyền tự do tiếp nhận thông tin bao gồm quyền thu thập thông tin và tìm kiếm thông tin thông qua tất cả các nguồn hợp pháp có thể có.

(4) Quyền tự do truyền đạt thông tin, ý tưởng: nói về khả năng của “chủ thể quyền” được truyền đạt, chia sẻ quan điểm, thông tin với các chủ thể quyền khác, không phân biệt ranh giới hay hình thức phổ biến. Quyền này gắn liền với trách nhiệm của “chủ thể có nghĩa vụ” tôn trọng, không được ngăn cản quan hệ trao đổi, phổ biến thông tin của các chủ thể quyền.

Với nội hàm theo nghĩa rộng này, quyền tự do biểu đạt có phạm vi rộng và liên quan đến nhiều mặt của đời sống xã hội. Các khía cạnh của quyền tự do biểu đạt thường được đề cập tới gồm: quyền tự do ngôn luận (freedom of speech), quyền tự do báo chí (freedom of press), quyền tự do tiếp cận thông tin (right of access to information), quyền tự do học thuật (academic freedom), quyền tự do nghệ thuật (right to artistic freedom),…

- Thứ ba, về nghĩa vụ của các quốc gia trong việc bảo đảm quyền tự do biểu đạt:

Trước hết, nghĩa vụ tôn trọng quyền tự do biểu đạt là nghĩa vụ bắt buộc đối với mọi quốc gia thành viên của Công ước ICCPR. Tất cả mọi nhánh quyền lực nhà nước (hành pháp, lập pháp và tư pháp) và các cơ quan công quyền và tổ chức của chính phủ, dù ở cấp độ nào - quốc gia, khu vực hay địa phương - đều có trách nhiệm thực hiện nghĩa vụ này. Đồng thời, các quốc gia cũng cần kiềm chế, không thực hiện các hành động vi phạm tự do biểu đạt. Ví dụ: không tùy tiện dùng tường lửa để ngăn chặn, ngắt kết nối việc truy cập internet của người dân.

- Thứ tư, quyền tự do biểu đạt không phải là quyền tuyệt đối, nhà nước có thể đặt ra những giới hạn nhất định đối với quyền này để bảo vệ quyền, tự do cơ bản của cá nhân, cũng như những giá trị, lợi ích chung của cộng đồng, xã hội.

Theo khoản 3 Điều 19 và Điều 20 ICCPR quyền tự do biểu đạt phải chịu những hạn chế nhất định. Những hạn chế này phải được quy định rõ ràng trong luật, phải được xem là “cần thiết” và “có lý do chính đáng”, nhằm để: (i) tôn trọng các quyền hoặc uy tín của người khác; và (ii) bảo vệ an ninh quốc gia hoặc trật tự công cộng, sức khỏe hoặc đạo đức công chúng.

Bình luận chung số 34 cũng có giải thích chi tiết và cụ thể việc áp dụng các quy định về giới hạn quyền, cũng như giải thích nội hàm của các lý do: (i) tôn trọng các quyền hoặc uy tín của người khác; và (ii) bảo vệ an ninh quốc gia hoặc trật tự công cộng, sức khỏe hoặc đạo đức công chúng.

Để ngăn ngừa tình trạng các quốc gia lạm dụng lý do “an ninh quốc gia” để giới hạn quá mức quyền tiếp cận thông tin của người dân, Nguyên tắc 12 trong Các Nguyên tắc Johannesburg về an ninh quốc gia, tự do biểu đạt và tiếp cận thông tin năm 1995 nêu yêu cầu đối với các nhà nước là chỉ quy định phạm vi hẹp thông tin về an ninh quốc gia (chứ không phải tất cả các thông tin liên quan đến an ninh quốc gia) cần giữ bí mật. Cụ thể, một quốc gia “không thể từ chối tổng thể việc tiếp cận tất cả các thông tin liên quan đến an ninh quốc gia, mà phải quy định trong luật chỉ có những loại thông tin cụ thể và hẹp mà nó cần giữ lại để bảo vệ lợi ích an ninh quốc gia chính đáng.”

Như vậy, có thể nội dung chi tiết trong những văn bản ở cấp độ quốc tế, cấp độ khu vực là khác nhau, song tất cả đều coi tự do biểu đạt là quyền cơ bản, nhưng quyền này có thể bị giới hạn bởi những đạo luật phù hợp nhằm bảo vệ các lợi ích xã hội chính đáng. Việc nội luật hóa các quy định về giới hạn quyền tự do biểu đạt theo pháp luật nhân quyền quốc tế phụ thuộc vào quan điểm diễn giải và áp dụng pháp luật của từng quốc gia.

3. Quyền tự do biểu đạt trong pháp luật Việt Nam hiện nay

Tại Việt Nam, quyền tự do biểu đạt thường được hiểu tương đồng với quyền tự do ngôn luận khi đề cập đến quyền được nói, bày tỏ ý kiến của một người mà không chịu bất kỳ sự ngăn chặn, kiểm duyệt. Đây là một trong những quyền con người cơ bản được Nhà nước Việt Nam ghi nhận và bảo đảm thực thi. Theo Hiến pháp 2013, quyền tự do biểu đạt được ghi nhận tại Điều 25: “Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin, hội họp, lập hội, biểu tình. Việc thực hiện các quyền này do pháp luật quy định”. Đồng thời, Hiến pháp năm 2013 đã bổ sung nguyên tắc hạn chế quyền phù hợp với các công ước quốc tế về quyền con người mà Việt Nam là thành viên. Theo đó, quyền con người, quyền công dân chỉ có thể bị hạn chế theo quy định của luật trong trường hợp cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng (Điều 14). Việc hạn chế quyền con người, quyền công dân không thể tùy tiện mà phải “theo quy định của luật”. Quy định như trên tránh tình trạng xâm phạm quyền; phòng ngừa sự cắt xén hay hạn chế các quyền này một cách tùy tiện từ phía các chủ thể khác.

Cụ thể hóa các quy định trong Hiến pháp, các văn bản quy phạm pháp luật được ban hành để bảo đảm quyền tự do biểu đạt được thực thi trên thực tế như Luật Báo chí 2016 đưa ra quy định về thực hiện quyền tự do biểu đạt trên báo chí; Luật Xuất bản 2012 quy định về tổ chức và hoạt động xuất bản, quyền và nghĩa vụ của cơ quan, tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động xuất bản; Luật Tiếp cận thông tin 2016 quy định việc thực hiện quyền tiếp cận thông tin của công dân; Luật Giáo dục đại học năm 2012 sửa đổi, bổ sung năm 2018 đã bổ sung điều khoản về quyền tự chủ học thuật của cơ sở giáo dục đại học và giảng viên, góp phần nâng cao việc bảo đảm quyền tự do học thuật; Luật An ninh mạng 2018 quy định về hoạt động bảo vệ an ninh quốc gia và bảo đảm trật tự, an toàn xã hội trên không gian mạng; Bộ luật Tố tụng Hình sự 2015 quy định về quyền im lặng thực - một dạng thể hiện của quyền tự do biểu đạt tại các quy định về quyền của bị can, bị cáo, người bị tạm giữ và người bị bắt khẩn cấp tại Điều 58; Điều 59; Điều 60; Điều 61. Ngoài ra, Bộ luật Hình sự 2015 cũng quy định các tội phạm liên quan đến tự do biểu đạt. Liên quan đến bí mật nhà nước, Luật Bảo vệ bí mật nhà nước năm 2018 tại Điều 5 có quy định cấm: “Đăng tải, phát tán bí mật nhà nước trên phương tiện thông tin đại chúng, mạng Internet, mạng máy tính và mạng viễn thông” (Điều 5).

Mặc dù pháp luật Việt Nam đã có nhiều quy định nhằm tôn trọng, bảo đảm quyền tự do biểu đạt. Tuy nhiên, do quyền tự do biểu đạt là một phạm trù rộng, bao trùm nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội nên nhiều quy định còn một số vướng mắc, hạn chế chưa đáp ứng được nhu cầu bảo đảm quyền tự do biểu đạt của công dân.

Nhiều quy định về giới hạn tự do biểu đạt chưa thể hiện được bản chất cốt lõi của việc giới hạn quyền con người là nhằm cân bằng quyền lợi của mỗi cá nhân với lợi ích chung của cả cộng đồng, từ đó để bảo vệ quyền một cách tốt hơn.

Trong nhiều quy định của luật có nội hàm chưa rõ ràng, diễn đạt mơ hồ nên quá trình thực thi có rất nhiều trường hợp cho thấy việc cơ quan nhà nước lạm dụng quyền hạn để hạn chế tự do biểu đạt của cá nhân. Luật Báo chí quy định các hành vi nghiêm cấm báo chí thực hiện (Điều 9), trong đó có nhiều hành vi khó có thể xác định được tính cần thiết và mức độ tương xứng giữa bảo đảm quyền tự do, của cá nhân với lợi ích của cộng đồng, xã hội. Ví dụ: cấm hành vi đưa tin sai sự thật. Trên thực tế, cơ quan quản lý nhà nước thường xuyên xử phạt hành vi này. Tuy nhiên, như thế nào là sự thật, ai có thể xác định sự thật và làm thế nào để biết đó đúng là sự thật? Nếu đúng sai liên quan đến một lời phát biểu, ai sẽ là người diễn giải ý nghĩa câu phát biểu ấy? Luật Báo chí năm 2016 không có một quy định nào quy định rõ về giới hạn của báo chí, mà chỉ liệt kê các hành vi, nội dung bị cấm thông tin trên báo chí tại Điều 9. Các hành vi bị cấm rất trìu tượng, mơ hồ, khó có thể xác định được nội hàm, như: chiến tranh tâm lý; hằn thù, kỳ thị, chia rẽ; thần bí; thuần phong mỹ tục, anh hùng dân tộc, chính sách đoàn kết quốc tế,…

Tương tự như vậy, theo quy định của Điều 8 Luật An ninh mạng 2018, các hành vi thông tin sai sự thật trên không gian mạng cũng bị nghiêm cấm.. Điều 16 của Luật này cũng cấm các hành vi thông tin tuyên truyền chống phá Nhà nước, kích động gây bạo loạn, gây rối trật tự công cộng; làm nhục, vu khống… Các hành vi bị cấm này rất khó nhận diện và đánh giá được những hành vi này tác động như thế nào đến vấn đề quốc phòng, an ninh quốc gia, an toàn, đạo đức xã hội.

4. Một số kiến nghị hoàn thiện pháp luật về quyền tự do biểu đạt tại Việt Nam

Có thể nhận thấy, hệ thống pháp luật Việt Nam còn nhiều quy định về hạn chế quyền tự do của công dân chưa hoàn thiện, nhiều quy định còn mơ hồ, khó giải thích, dẫn đến sự lạm quyền từ các cơ quan nhà nước. Thẩm quyền của các cơ quan nhà nước trong từng lĩnh vực còn chồng chéo. Đồng thời, Việt Nam cần có trách nhiệm hoàn thiện pháp luật phù hợp với các tiêu chuẩn nhân quyền quốc tế để thực hiện nghĩa vụ của quốc gia thành viên các công ước quốc tế về quyền con người. Vấn đề về bảo đảm quyền tự do biểu đạt tại Việt Nam cũng luôn là một trong những vấn đề được các tổ chức nhân quyền quốc tế, quốc gia trên thế giới quan tâm và đưa ra khuyến nghị cho Việt Nam trong các rà soát định kỳ phổ quát UPR. Trong các đối thoại nhân quyền các vấn đề về tù nhân lương tâm, người bất đồng chính kiến bị kết án vì những tội lợi dụng các quyền tự do, dân chủ, tuyên truyền chống phá nhà nước, luôn là vấn đề mà các quốc gia trên thế giới đề cập với Việt Nam. Do đó, việc hoàn thiện hệ thống pháp luật về quyền tự do biểu đạt để có cơ sở pháp lý nhằm bảo đảm quyền này được thực thi tốt hơn trên thực tế là hoàn toàn cấp thiết. Để nâng cao mức độ đảm bảo quyền tự do biểu đạt ở nước ta, cần xem xét thực hiện một số kiến nghị sau:

Thứ nhất, hoàn thiện pháp luật về trong lĩnh vực báo chí, xuất bản, biểu diễn nghệ thuật... để các cá nhân, tổ chức đều có thể thực hiện quyền tự do biểu đạt của họ trong các lĩnh vực này. Hoàn thiện pháp luật về ghi nhận, bảo đảm các quyền tự do liên quan đến tự do biểu đạt như luật về hội, hay luật biểu tình... để người dân có cơ sở tham gia vào đời sống chính trị, quản lý nhà nước và là tiền đề thực hiện quyền tự do biểu đạt của mình.

Thứ hai, cần làm rõ các nội dung về giới hạn quyền con người nói chung và quyền tự do biểu đạt nói riêng. Cần có sự giải thích chính thức từ cơ quan lập pháp cao nhất của nhà nước là Quốc hội về các điều kiện quốc phòng, an ninh quốc gia; trật tự, an toàn xã hội; đạo đức xã hội; sức khỏe cộng đồng. Điều này sẽ là cơ sở để pháp luật về tự do biểu đạt cụ thể hóa, đưa ra được những quy định giới hạn tự do biểu đạt rõ ràng, phù hợp với pháp luật nhân quyền quốc tế.

Thứ ba, cần tiếp tục xây dựng, hoàn thiện cơ chế giám sát, bảo vệ phù hợp với việc bảo đảm thực hiện các quyền tự do biểu đạt nhằm ngăn ngừa, phát hiện, xử lý những hành vi lạm dụng, tùy tiện của các chủ thể có nhiệm vụ, quyền hạn liên quan. Cơ chế này cần được quy định cụ thể trong pháp luật và cần được trao cho một cơ quan độc lập trong lĩnh vực nhân quyền như cơ quan nhân quyền quốc gia. Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện nay, cơ quan nhân quyền quốc gia đang được nghiên cứu xây dựng, cần nâng cao chất lượng của Tòa án trong việc áp dụng và giải thích pháp luật về giới hạn quyền con người, xét xử công bằng các hành vi xâm phạm quyền tự do biểu đạt của công dân.

5. Kết luận

Trong bối cảnh hội nhập quốc tế, tôn trọng, bảo vệ và bảo đảm quyền con người, bao gồm quyền tự do biểu đạt đã trở thành nghĩa vụ bắt buộc đối với mọi quốc gia. Bảo đảm quyền tự do biểu đạt phải tuân thủ các tiêu chuẩn điều kiện chặt chẽ mà luật nhân quyền quốc tế đã đưa ra. Nhà nước Việt Nam cần thực hiện các giải pháp nhằm tạo ra các điều kiện thuận lợi để các chủ thể thực hiện được quyền tự do biểu đạt của mình, phát huy vai trò quan trọng của tự do biểu đạt đối với đời sống của mỗi cá nhân, của toàn xã hội và phát triển đất nước.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. Đại hội đồng Liên Hiệp quốc (1948), Tuyên ngôn Nhân quyền quốc tế.
  2. Đại hội đồng Liên Hiệp quốc (1966), Công ước quốc tế về các quyền dân sự, chính trị.
  3. Quốc hội (2012), Luật số 19/2012/QH13: Luật Xuất bản.
  4. Quốc hội (2015), Luật số 101/2015/QH13: Bộ luật Tố tụng Hình sự 2015.
  5. Quốc hội (2015), Luật số 100/2015/QH13: Bộ luật Hình sự 2015.
  6. Quốc hội (2016), Luật số 103/2016/QH13: Luật Báo chí.
  7. Quốc hội (2016), Luật số 104/2016/QH13: Luật Tiếp cận thông tin.
  8. Quốc hội (2017), Luật số 12/2017/QH14: Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13.
  9. Quốc hội (2018) Luật số 34/2018/QH14: Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học số 08/2012/QH13 đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Luật số 32/2013/QH13, Luật số 74/2014/QH13 và Luật số 97/2015/QH13.
  10. Quốc hội (2018), Luật số 24/2018/QH14: Luật An ninh mạng.
  11. Quốc hội (2018), Luật số 29/2018/QH14: Luật Bảo vệ bí mật nhà nước năm 2018.
  12. Ủy ban Nhân quyền (1995), Các nguyên tắc Johannesburg về an ninh quốc gia, tự do biểu đạt và tiếp cận thông tin.
  13. Council of Europe (1950), The European Convention on Human Rights, http://www.hri.org/docs/ ECHR50.html.
  14. Inter-American Specialized Conference on Human Rights. (1969). American convention on human rights, https://www.cidh.oas.org/basicos/english/basic3.american%20convention.htm.
  15. Organisation of African Unity. (1981). African Charter on Human and Peoples' Rights, http://www.achpr.org/ instruments/achpr/.

FREEDOM OF EXPRESSION UNDER

THE INTERNATIONAL HUMAN RIGHTS LAW

AND CURRENT VIETNAMESE LAW

• TRAN THI LOAN

Institute of State And Law

Vietnam Academy of Social Sciences  

ABSTRACT:

Freedom of expression is one of the most basic and natural human rights. This paper researches and analyzes the international human rights law’s provisions of the rights to freedom of expression. The paper also analyzes current Vietnamese provisions of the rights to freedom of expression to point out some existing issues. Based on the paper’s findings, some recommendations are made to help Vietnam improve its legal framework in orde to better ensure the rights to freedom of expression.

Keywords: freedom of expression, freedom of speech, human rights, limitation of rights, Vietnamese law.

[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 23, tháng 10 năm 2022]