Hoàn thiện pháp luật về kinh doanh lưu trú du lịch từ thực tiễn Thành phố Hồ Chí Minh

THS. PHẠM QUỐC ĐẠT (Giảng viên Khoa Tài chính - Ngân hàng, Trường Cao đẳng Viễn Đông)

TÓM TẮT:

Từ thực trạng pháp luật về kinh doanh lưu trú du lịch ở Thành phố Hồ Chí Minh, tác giả tập trung nghiên cứu, phân tích sự tác động của thực tiễn đến pháp luật hiện hành, từ đó kiến nghị hoàn thiện pháp luật nhằm tăng cường vai trò quản lý của Nhà nước đối với dịch vụ lưu trú du lịch và nâng cao hiệu quả kinh doanh lưu trú du lịch.

Từ khóa: pháp luật, kinh doanh lưu trú du lịch, Thành phố Hồ Chí Minh.

1. Đặt vấn đề

Thành phố Hồ Chí Minh được xem là một trung tâm du lịch quốc gia, sở hữu nguồn tài nguyên du lịch, văn hóa đa dạng, phong phú gồm hơn 200 tài nguyên văn hóa vật thể, hơn 100 tài nguyên nhân tạo, hệ thống bảo tàng, di tích lịch sử, đền chùa,… Ngoài ra, Thành phố Hồ Chí Minh cũng có nhiều điểm tham quan hấp dẫn, du khách có thể kết hợp với dịch vụ du lịch nghỉ dưỡng, du lịch khám chữa bệnh và tham gia các sự kiện lễ hội văn hóa, thể thao lớn. Việc đẩy mạnh quảng bá, xúc tiến đã giúp cho du khách trong và ngoài nước biết nhiều hơn đến Thành phố Hồ Chí Minh - một điểm đến thân thiện, hấp dẫn và an toàn.

Do đó, cùng với sự phát triển của ngành Du lịch ở Thành phố Hồ Chí Minh, ngành nghề kinh doanh dịch vụ lưu trú du lịch cũng chiếm một vị thế rất quan trọng trong sự phát triển của ngành Du lịch. Tuy nhiên, do sự ảnh hưởng của nền kinh tế thị trường và những biến động của xã hội, đặc biệt là đại dịch Covid-19, Luật Du lịch vẫn chưa thể đáp ứng được những yêu cầu bức thiết để phát triển hoạt động kinh doanh dịch vụ lưu trú du lịch. Hệ thống pháp luật về kinh doanh dịch vụ lưu trú du lịch phù hợp sẽ tăng cường thúc đẩy các mô hình kinh doanh du lịch khác phát triển, đảm bảo các nguyên tắc cơ bản mà Đảng và Nhà nước đã đề ra.

2. Thực tiễn thực hiện pháp luật về kinh doanh dịch vụ lưu trú du lịch từ thực tiễn Thành phố Hồ Chí Minh

Thị trường cơ sở lưu trú tại Thành phố Hồ Chí Minh trong những năm gần đây hoạt động rất sôi nổi. Theo số liệu thống kê ở Bảng 1, trong năm 2019, toàn thành phố có tất cả 931 cơ sở lưu trú du lịch từ 3 sao đến 5 sao, với tổng số buồng là 138.122. Du lịch ở Thành phố Hồ Chí Minh đã thu hút một lượng khách du lịch nội địa lẫn khách du lịch quốc tế rất lớn đến tham quan, nghỉ dưỡng. Chính vì vậy, để đáp ứng yêu cầu phát triển của ngành Du lịch ở Thành phố Hồ Chí Minh, các doanh nghiệp cũng đẩy mạnh đầu tư về cơ sở hạ tầng, chất lượng gói dịch vụ lưu trú và các điều kiện khác theo quy định hiện hành. Số liệu tại Bảng 1cho thấy thị trường du lịch tiềm năng ở Thành phố Hồ Chí Minh hiện nay là rất lớn. Cho nên Nhà nước và doanh nghiệp cần phải phối hợp nhịp nhàng trong việc thúc đẩy phát triển ngành du lịch lữ hành, mà đặc biệt quan trọng chính là hoạt động kinh doanh lưu trú du lịch.

Bảng 1. Cơ sở lưu trú du lịch phân theo xếp hạng, số cơ sở, số buồng

Năm

Tổng số

5 sao

4 sao

3 sao

Biệt thự và căn hộ du lịch cao cấp

Số cơ sở

Số buồng

Số cơ sở

Số buồng

Số cơ sở

Số buồng

Số cơ sở

Số buồng

Số cơ sở

Số buồng

2019

931

138.122

178

59.446

306

40.835

446

37.841

1

126

2018

970

127.076

152

51.810

276

36.754

537

38.170

5

342

2017

882

104.315

122

35.326

264

34.258

491

34.394

5

337

Nguồn: Tổng cục Du lịch, Báo cáo TSA 2013 - 2015

Theo số liệu thống kê của Sở Du lịch Thành phố Hồ Chí Minh ở Bảng 2 và Bảng 3, trong năm 2019, Thành phố Hồ Chí Minh có tất cả 1.533 cơ sở lưu trú được thẩm định, xếp hạng đạt tiêu chuẩn 1 - 5 sao và loại hình nhà nghỉ du lịch, với tổng số phòng là 20.860; hoạt động công suất buồng bình quân là 52%, tăng trưởng 2,7% so với cùng kỳ năm 2018. Số liệu tại Bảng 2 và Bảng 3 cho  thấy Thành phố Hồ Chí Minh là một trung tâm du lịch quan trọng bậc nhất của Việt Nam hiện nay. Chính vì vậy, việc đầu tư phát triển về cơ sở hạ tầng và chuẩn bị đầy đủ, kỹ lưỡng về kế hoạch chiến lược để khai thác có hiệu quả cao nhất về hoạt động lưu trú du lịch là một điều rất quan trọng và cấp thiết, góp phần không nhỏ trong việc tạo ra thương hiệu cho du lịch Việt Nam trên trường quốc tế.

Bảng 2. Cơ sở lưu trú được thẩm định, xếp hạng đạt tiêu chuẩn 1 - 5 sao và nhà nghỉ du lịch năm 2019 của Thành phố Hồ Chí Minh (Đơn vị: cơ sở)

Loại/ hạng cơ sở lưu trú

 

1 sao

 

2 sao

 

3 sao

 

4 sao

 

5 sao

Căn hộ du lịch cao cấp

Nhà nghỉ du lịch

 

Tổng số

Số cơ sở lưu trú được xếp hạng

 

1.029

 

191

 

75

 

26

 

21

 

1

 

190

 

1.533

Số phòng

20.860

6.250

5.653

3.500

6.607

126

1.236

44.232

Nguồn: Sở Du lịch Thành phố Hồ Chí Minh

Bảng 3. Cơ sở lưu trú du lịch phân theo số cơ sở, số buồng, công suất buồng bình quân

Năm

Số lượng cơ sở

Tăng trưởng
(%)

Số buồng

Tăng trưởng
(%)

Công suất buồng bình quân
(%)

2019

22.184

2,7

499.305

24,2

52

2018

21.611

24,0

401.865

8,3

54

2017

17.422

20,5

370.907

16,6

56,5

2016

14.453

10,9

318.237

10,1

57

2015

13.029

5,3

288.935

9,7

55

Nguồn: Sở Du lịch Thành phố Hồ Chí Minh

Bảng 3 cho thấy, phí đánh giá và cấp giấy chứng nhận của cơ sở lưu trú du lịch đã thay đổi so với trước đây. Ngoài ra, phí xác định và phân loại các điểm lưu trú du lịch 3 sao cũng được giảm bớt. Vì vậy, sự thay đổi này có ý nghĩa rất lớn để thúc đẩy việc đăng ký và xếp hạng các điểm lưu trú du lịch, vì hầu hết các điểm lưu trú du lịch ở Việt Nam hiện nay đều đạt các tiêu chuẩn, điều kiện của cơ sở lưu trú du lịch 3 sao.

3. Đề xuất một số giải pháp hoàn thiện quy định pháp luật về kinh doanh dịch vụ lưu trú du lịch từ thực tiễn Thành phố Hồ Chí Minh

Sau đây là một số ý kiến ​​đề xuất cho việc sửa đổi, bổ sung Luật Du lịch như: Bổ sung hình thức lưu trú mới. Lịch, caravan, lều du lịch, khách sạn container, condotel (khách sạn căn hộ), khách sạn con nhộng và các hình thức lưu trú mới khác đã hình thành và rất phát triển. Do chưa điều chỉnh luật nên mỗi nơi sẽ có cái nhìn khác nhau về những loại hình mới này, và cơ quan quản lý du lịch của mỗi nước cũng có cách phân loại, xếp hạng khác nhau. Sự phát triển của xã hội, đặc biệt là sự phát triển của ngành lưu trú luôn đi trước sự điều tiết của pháp luật, việc bổ sung ngành lưu trú mới trong luật Du lịch là điều cần thiết và phù hợp với sự phát triển thực tế của xã hội.

Đối với công tác quản lý ngành Du lịch quốc gia, ngành đã triển khai sử dụng phần mềm iOffice và chữ ký số để tạo môi trường làm việc điện tử nhanh chóng, chính xác, tiết kiệm thời gian và chi phí văn phòng phẩm. Ngoài ra, Nhà nước đã triển khai ứng dụng giao dịch “một cửa điện tử”, có nhiều quy trình tiếp nhận thông tin, nhận hồ sơ, trả lời trực tuyến. Hiện nay, ngành đang phối hợp với các nhà thầu xây dựng phần mềm tin học ứng dụng để quảng bá hệ thống di tích và các điểm tham quan của Thành phố Hồ Chí Minh được tích hợp trên điện thoại thông minh; một website du lịch song ngữ Việt - Anh được thành lập nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho việc tra cứu, truy cập và liên kết với cơ sở dữ liệu du lịch của Thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội, các tỉnh thành phố trong nước và quốc tế, đồng thời, du lịch Thành phố Hồ Chí Minh đã và đang tích cực quảng bá thương hiệu du lịch qua các kênh: Website, Fan page, Facebook, Youtube, Cổng thông tin điện tử, Vblog, Tiktok....

Cơ quan chức năng cần thường xuyên thanh tra, kiểm tra việc niêm yết giá, bán đúng giá niêm yết, chống hàng giả, hàng “nhái”, hàng kém chất lượng tại các cơ sở lưu trú, các điểm đến du lịch; kiểm tra, xử lý các hành vi đeo bám, chèo kéo, ép giá, bắt chẹt khách du lịch và tình trạng hàng rong, ăn xin tại các điểm đến du lịch, các cơ sở lưu trú.

4. Kết luận

Nhằm hướng đến mục tiêu phát triển du lịch bền vững, tạo cơ hội vững chắc cho hệ thống cơ sở lưu trú du lịch cả về nhân lực và vật lực để thực hiện chiến lược phát triển du lịch đến năm 2030, ngành Du lịch nói chung và hệ thống cơ sở lưu trú du lịch nói riêng của Thành phố Hồ Chí Minh đã có nhiều cố gắng trong công tác xây dựng cơ sở vật chất, nâng cao chất lượng trang thiết bị tiện nghi, đào tạo - tập huấn nghiệp vụ du lịch, chuẩn hóa dịch vụ và đội ngũ cán bộ nhân viên, từng bước đi vào chuyên nghiệp.

Nhiều cơ sở lưu trú du lịch ở Thành phố Hồ Chí Minh đã kịp thời đáp ứng nhu cầu lưu trú của các đối tượng khách du lịch; nhưng với thực trạng về năng lực quản lý, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, nguồn nhân lực sẵn có, không phải cơ sở lưu trú nào cũng đáp ứng được hết các nhu cầu của khách. Trên thực tế đó, việc đưa ra giải pháp hoàn thiện pháp luật và nâng cao hiệu quả thực thi pháp luật về hoạt động kinh doanh dịch vụ lưu trú du lịch tại TP. Hồ Chí Minh là việc làm cấp thiết, cần được thực hiện ngay.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:                                    

  1. Vũ Thế Bình (2012), Hội thảo về Luật Du lịch ngày 30/05/2012, Dự án Chương trình Phát triển Năng lực Du lịch có trách nhiệm với môi trường và xã hội phối hợp với Hiệp hội Du lịch Việt Nam tổ chức, Hà Nội.
  2. Nguyễn Thị Thanh Bình (2018), “Kinh doanh lưu trú du lịch - khó khăn và thách thức”, truy cập tại http://www.vtr.org.vn/kinh-doanh-luu-tru-du-lich-kho-khan-va-thach-thuc.html
  3. Hoàng Thị Lan Hương (2011), Phát triển kinh doanh lưu trú du lịch tại vùng du lịch Bắc bộ của Việt Nam, Luận án tiến sĩ, Đại học Kinh tế Quốc dân Hà Nội.
  4. Phạm Duy Phú (2018), Tăng cường quản lý nhà nước về dịch vụ lưu trú du lịch trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh, Luận văn Thạc sĩ, Đại học Thái Nguyên.
  5. Đỗ Thị Hồng Xoan (2006), “Những thuận lợi trong kinh doanh lưu trú du lịch khi Luật Du lịch thực thi”, truy cập tại http://tapchidulich.net.vn/nhung-thuan-loi-trong-kinh-doanh-luu-tru-du-lich-khi-luat-du-lich-duoc-thuc-thi.html.

 Improving the quality of regulations on tourist accommodation business from the practice in  Ho Chi Minh City

Master. Pham Quoc Dat

Lecturer, Faculty of Finance and Banking, Vien Dong College

Abstract:

This study analyzes the current regulations on tourist accommodation business in Ho Chi Minh City and examines the practice impact of these regulations. Based on the study’s findings, some recommendations are made to enhance the effectiveness of regulations on tourist accommodation business, strengthen the state management of tourist accommodation business, and also improve the performance of tourist accommodation providers.

Keywords: law, tourist accommodation business, Ho Chi Minh city.

[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 2 tháng 1 năm 2023]