Sức mạnh tổng hợp quốc gia từ năng lực nội sinh, ngoại sinh

Từ bài học từ truyền thống lịch sử, Đảng ta đã chủ động điều tiết mối quan hệ “kiềng ba chân” hướng đến gắn kết sức mạnh nội sinh với sức mạnh ngoại sinh đưa đất nước phát triển, đi lên.
sức mạnh tổng hợp quốc gia

Kết hợp năng lực nội sinh với hội nhập kinh tế quốc tế

Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII đưa ra mục tiêu tổng quát: “Nâng cao năng lực lãnh đạo, năng lực cầm quyền và sức chiến đấu của Đảng; xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh toàn diện; khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc, phát huy ý chí và sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc kết hợp với sức mạnh thời đại; đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa”.

So với Đại hội XII, Đại hội XIII bổ sung thành tố động lực phát triển đất nước thông qua “khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc, phát huy ý chí và sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc kết hợp với sức mạnh thời đại”. Như vậy, thành tố “động lực phát triển đất nước” được hiểu bao gồm 2 vế. Một là giải phóng nguồn năng lực nội sinh trong xã hội; hai là kết hợp nguồn năng lực nội sinh ấy với hội nhập kinh tế quốc tế để thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. 

Hai vế trên không tách rời nhau, nhưng xét về tầm quan trọng, năng lực nội sinh có ý nghĩa quyết định đến sự phát triển đất nước; là yếu tố nền tảng đảm bảo độc lập chủ quyền quốc gia về biên cương lãnh thổ và về kinh tế. Năng lực nội sinh là sức mạnh tổng hợp quốc gia, được cấu thành từ sức mạnh cứng (trữ lượng tài nguyên, vị trí địa lý, nguồn lao động, tiềm lực về kinh tế, quốc phòng, an ninh…) và sức mạnh mềm (thể chế chính trị, truyền thống lịch sử - văn hóa, sức sáng tạo của con người, hệ giá trị và chính sách của quốc gia). Có thể nói, đến Đại hội XIII những thuộc tính của nguồn nội lực này đã được chỉ ra đầy đủ nhất.

Ngay trong mục tiêu tổng quát, nguồn năng lực nội sinh trong sức mạnh tổng hợp quốc gia đã được thể hiện rất rõ thông qua bổ sung một loạt các nhân tố: “năng lực cầm quyền”; “hệ thống chính trị”, “toàn diện”, “tăng cường niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước, chế độ xã hội chủ nghĩa” vào nội dung “nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng”.

Để phát huy sức mạnh tổng hợp quốc gia từ các nguồn năng lực nội sinh và ngoại sinh, Đảng ta yêu cầu  các bộ, ngành, địa phương nắm vững và xử lý tốt các quan hệ lớn: Quan hệ giữa đổi mới, ổn định và phát triển; giữa đổi mới kinh tế và đổi mới chính trị; giữa tuân theo các quy luật thị trường và bảo đảm định hướng xã hội chủ nghĩa; giữa phát triển lực lượng sản xuất và xây dựng, hoàn thiện từng bước quan hệ sản xuất; giữa tăng trưởng kinh tế và phát triển văn hoá, thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội; giữa độc lập, tự chủ và hội nhập quốc tế; giữa Đảng lãnh đạo với Nhà nước quản lý và nhân dân làm chủ; giữa thực hành dân chủ và tăng cường pháp chế, bảo đảm kỷ cương xã hội.

Trên cơ sở xử lý linh hoạt các quan hệ lớn nêu trên, đã định hình ra mối quan hệ “kiềng ba chân” giữa Nhà nước, thị trường và xã hội. Trong đó, Nhà nước quản lý nền kinh tế bằng luật pháp, cơ chế, chính sách, chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, các tiêu chuẩn, định mức và lực lượng kinh tế nhà nước.

Thị trường đóng vai trò quyết định trong xác định giá cả hàng hoá, dịch vụ; tạo động lực huy động, phân bổ các nguồn lực; điều tiết sản xuất và lưu thông; điều tiết hoạt động của doanh nghiệp, thanh lọc những doanh nghiệp yếu kém.

Các tổ chức xã hội có vai trò tạo sự liên kết, phối hợp hoạt động, giải quyết những vấn đề phát sinh giữa các thành viên; đại diện và bảo vệ lợi ích của các thành viên trong quan hệ với các chủ thể, đối tác khác; cung cấp dịch vụ hỗ trợ cho các thành viên; phản ánh nguyện vọng, lợi ích của các tầng lớp nhân dân với Nhà nước và tham gia phản biện luật pháp, cơ chế, chính sách của Nhà nước, giám sát các cơ quan và đội ngũ cán bộ, công chức nhà nước trong việc thực thi pháp luật.

Từ bài học từ truyền thống lịch sử, Đảng ta đã chủ động điều tiết mối quan hệ “kiềng ba chân” hướng đến gắn kết sức mạnh nội sinh với sức mạnh ngoại sinh thành sức mạnh tổng hợp quốc gia đưa đất nước phát triển, đi lên. Tính đến nay ta đã ký kết 16 Hiệp định thương mại tự do (FTA). Các FTAs này, không chỉ tạo ra nguồn lực ngoại sinh, đa dạng hoá thị trường xuất nhập khẩu, mà còn kích thích nguồn lực nội sinh, tạo ra động lực đổi mới từ bên trong.

Thách thức từ biến động thế giới

Trong bối cảnh  tình hình kinh tế, chính trị thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường; cạnh tranh chiến lược các nước lớn ngày càng gay gắt, tính bất định gia tăng, tăng trưởng kinh tế toàn cầu phục hồi còn chậm và khó khăn, tiềm ẩn nhiều rủi ro; khủng hoảng năng lương, lương thực, đứt gãy chuỗi cung ứng nguyên liệu sản xuất đầu vào còn tiềm ẩn, gây ra những hệ lụy nhất định tới tăng trưởng chung. Nguy cơ suy thoái kinh tế, lạm phát và lãi suất tiếp tục duy trì ở mức cao khiến nhu cầu tiêu dùng giảm mạnh tại các quốc gia trên thế giới trong đó có khu vực châu Âu – châu Mỹ, là những đối tác thương mại lớn của Việt Nam.

Trong đó, sự bất ổn, không chắc chắn của kinh tế toàn cầu đang ở mức cao nhất trong nhiều năm, tác động đến ổn định kinh tế vĩ mô và triển vọng tăng trưởng của Việt Nam trong thời gian tới, nhất là với nền kinh tế có độ mở lớn như nước ta. Kết quả phát triển thời gian tới của Việt Nam cũng phụ thuộc đáng kể vào khả năng đa dạng hóa các thị trường xuất khẩu, gắn với tận dụng cơ hội từ các FTA, xử lý các rủi ro gắn với cạnh tranh thương mại - công nghệ giữa các nước lớn, ứng phó với các chính sách quốc tế có tác động mạnh mẽ đến các ngành, lĩnh vực như việc áp dụng thuế doanh nghiệp tối thiểu toàn cầu, quy định của EU về việc nhập khẩu các sản phẩm nông nghiệp liên quan đến rừng, các sản phẩm thủy sản khai thác...

Đồng thời, xu hướng phi toàn cầu hoá đang trỗi dậy mạnh mẽ; Chính sách bảo hộ của các nước ngày một tăng. Các nước phát triển càng ngày càng quan tâm nhiều đến các vấn đề an toàn cho người tiêu dùng, phát triển bền vững, chống biến đổi khí hậu. Từ đó, dựng lên những tiêu chuẩn và quy định mới liên quan đến chuỗi cung ứng, nguyên liệu, lao động, môi trường đối với các sản phẩm nhập khẩu (dự luật chống phá rừng, CBAM của EU; Mỹ nâng cao và gắn các tiêu chuẩn lao động, môi trường, sở hữu trí tuệ...với thương mại).

Cuối cùng, xu hướng dịch chuyển nguồn cung về gần thị trường tiêu thụ để giảm thiểu các rủi ro gián đoạn nguồn hàng ngày càng rõ nét trong việc đa dạng hóa nguồn cung của các thị trường xuất khẩu của Việt Nam. Các tập đoàn đa quốc gia đang thực hiện chiến lược chuyển dịch chuỗi cung ứng, sản xuất đến gần với thị trường tiêu thụ (Near sourcing) và đang dạng hóa chuỗi cung ứng sản xuất, (thay vì chỉ tập trung nhà máy sản xuất ở một số nước như Trung Quốc, Việt Nam). Các tập đoàn đa quốc gia đang tập trung đầu tư các nhà máy sản xuất ở một số nước như: Ấn Độ, Mexico, Braxin… làm gia tăng đối thủ cạnh tranh tại các thị trường xuất khẩu chính của Việt Nam và ảnh hưởng trực tiếp đến thị phần của Việt Nam tại các thị trường này.

Phát huy sức mạnh tổng hợp quốc gia

Để vượt qua những thách thức nói trên, trên nền tảng sức mạnh tổng hợp quốc gia từ năng lực nội sinh, ngoại sinh, chúng ta cần tập trung vào các hoạt động sau:

Một là, tiếp tục tập trung đẩy mạnh triển khai thực hiện đồng bộ, quyết liệt, hiệu quả các nhiệm vụ được giao tại Nghị quyết 01 của Chính phủ. Tập trung cao để hoàn thành có chất lượng và đúng thời hạn các nhiệm vụ được giao trên cơ sở nâng cao năng lực phân tích, dự báo; chủ động đối với mọi tình huống, nhạy bén nắm bắt những diễn biến mới của tình hình, kịp thời, quyết liệt xử lý có hiệu quả các vấn đề, xây dựng các kịch bản, phương án linh hoạt, thích ứng với các vấn đề mới phát sinh.

Các địa phương khẩn trương chỉ đạo hoàn thiện Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2050 trên cơ sở phù hợp với các Định hướng phát triển 6 vùng chiến lược đã được Bộ Chính trị thông qua, Quy hoạch Tổng thể Quốc gia, các Quy hoạch ngành Công Thương làm cơ sở xây dựng Chiến lược, Chương trình hành động và các Đề án phát triển công nghiệp, thương mại trên địa bàn giai đoạn đến năm 2030; Bố trí nguồn lực phù hợp để thúc đẩy phát triển công nghiệp và thương mại của địa phương.

Hai là, đẩy mạnh thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm các cân đối lớn và an sinh xã hội trong tình hình mới:

- Tập trung thực hiện hiệu quả Nghị quyết của Chính phủ về các nhiệm vụ, giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm các cân đối lớn và an sinh xã hội trong tình hình mới ngay sau khi Nghị quyết được ban hành.

- Bám sát tình hình sản xuất của các ngành, lĩnh vực để kịp thời nắm bắt, tích cực tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy mạnh đơn giản hóa thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho các hoạt động đầu tư, sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.

- Rà soát tồn đọng, bám sát tiến độ, tháo gỡ khó khăn để sớm đưa vào vận hành các công trình dự án trọng điểm, có vai trò quan trọng trong lĩnh vực điện, dầu khí, than, công nghiệp chế biến, chế tạo, khoáng sản... nhằm gia tăng năng lực sản xuất mới.

- Thực hiện đồng bộ các giải pháp đảm bảo cung ứng điện phục vụ sản xuất và tiêu dùng, bao gồm: Điều tiết việc cung cấp than, sản xuất, nhập khẩu than phục vụ phát điện; khai thác hiệu quả các nguồn thuỷ điện; Đảm bảo các nhà máy nhiệt điện vận hành ổn định, kịp thời khắc phục sự cố nếu phát sinh; Khẩn trương hoàn tất đàm phán với chủ đầu tư các dự án điện gió, điện mặt trời đủ điều kiện theo quy định để có thể phát điện ngay lên hệ thống điện quốc gia; Tăng cường truyền thông về công tác tiết kiệm điện.

- Tập trung đẩy nhanh tiến độ các dự án phát triển nguồn; trình Chính phủ chiến lược phát triển năng lượng sạch như hydrogen xanh, amoniac xanh; Khẩn trương xây dựng Kế hoạch triển khai Quy hoạch Điện 8 và Chiến lược phát triển ngành Điện; Hoàn thiện Hồ sơ đề nghị xây dựng Luật Điện lực sửa đổi; Luật về năng lượng tái tạo và các văn bản hướng dẫn, đặc biệt là đối với các nội dung liên quan đến khung giá phát điện cho nhà máy điện mặt trời, điện gió, hợp đồng mua bán điện, cơ chế điều chỉnh mức giá bán lẻ điện bình quân, cơ chế đặc thù trong đầu tư phát triển các dự án NLTT… hỗ trợ tháo gỡ khó khăn, nhất là thủ tục pháp lý để sớm đưa các dự án điện (nhất là các dự án năng lượng tái tạo) đi vào vận hành thương mại;

- Chủ động xây dựng phương án điều tiết thị trường, đảm bảo cung ứng, phân phối xăng dầu và các mặt hàng thiết yếu phục vụ nhu cầu sản xuất và tiêu dùng của người dân. Công khai, minh bạch trong điều hành giá cả hàng hóa, dịch vụ; tiếp tục thực hiện các giải pháp quản lý, điều hành chặt chẽ việc điều chỉnh giá các hàng hóa quan trọng, dịch vụ sự nghiệp công do Nhà nước định giá, nhất là giá điện, xăng dầu, hàng hóa, dịch vụ quan trọng, thiết yếu khác; có các giải pháp phù hợp để ổn định giá các nguyên vật liệu quan trọng và các hàng hóa, dịch vụ tiêu dùng thiết yếu phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh và đời sống người dân; đẩy mạnh thanh tra, kiểm tra, ngăn chặn và xử lý nghiêm các hành vi gian lận thương mại, đầu cơ, thao túng, tăng giá bất hợp lý.

Ba là, tiếp tục đẩy mạnh xuất khẩu, mở rộng thị trường tạo các đơn hàng mới để tiêu thụ sản phẩm đầu ra, thúc đẩy sản xuất cho các doanh nghiệp: (i) Hỗ trợ doanh nghiệp tận dụng các cam kết trong các Hiệp định FTA, nhất là các Hiệp định CPTPP, EVFTA, UKVFTA để đẩy mạnh XK, thông qua hướng dẫn áp dụng quy tắc xuất xứ, thuận lợi hóa thủ tục cấp Giấy chứng nhận xuất xứ ưu đãi để khai thác các cơ hội từ các Hiệp định; (ii) Đẩy mạnh đàm phán, ký kết các Hiệp định, cam kết, liên kết thương mại mới để đa dạng hóa thị trường, sản phẩm, chuỗi cung ứng, trước mắt với Israel và UAE. (iii) Mở rộng thị trường XK cho hàng hóa của Việt Nam thông qua công tác XTTM, công tác Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài, phát triển TMĐT; (iv) Tổ chức kết nối giúp các doanh nghiệp trong nước tham gia chuỗi cung ứng của các doanh nghiệp FDI, nhất là DN lớn toàn cầu, tham gia vào hệ thống phân phối ở nước ngoài.

Bốn là, tiếp tục nâng cao khả năng cạnh tranh, hỗ trợ doanh nghiệp khai thác và phát triển thị trường trong nước: Tiếp tục thực hiện các biện pháp cân đối cung cầu, bình ổn thị trường góp phần kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội, làm tiền đề triển khai các giải pháp kích cầu tiêu dùng, thúc đẩy thương mại trong nước và các mục tiêu kinh tế vĩ mô của Chính phủ; Triển khai kịp thời và hiệu quả các chương trình kích cầu tiêu dùng trong nước; Đẩy mạnh các hoạt động kết nối cung cầu và xúc tiến thương mại thị trường trong nước; tăng cường áp dụng thương mại điện tử trong hoạt động lưu thông, phân phối hàng hóa thông qua khuyến khích các hệ thống phân phối hiện đại, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, phát triển mạnh thương mại điện tử; Tiếp tục triển khai hiệu quả các chương trình, Đề án về phát triển thị trường trong nước…

Năm là, triển khải đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ quản lý nhà nước trong các lĩnh vực phát triển công thương địa phương, xúc tiến thương mại, phòng vệ thương mại, quản lý cạnh tranh, quản lý thị trường và các mặt hoạt động khác, đảm bảo thị trường phát triển lành mạnh, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh và bảo vệ lợi ích người tiêu dùng.

Sáu là, tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính, nâng cao hiệu lực, hiệu quả chỉ đạo, điều hành gắn với đề cao trách nhiệm người đứng đầu trong triển khai thực hiện nhiệm vụ. Tiếp tục đổi mới lề lối, phương thức làm việc, đẩy mạnh cải cách, đơn giản hóa thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho hoạt động đầu tư, sản xuất, kinh doanh; chủ động phối hợp xử lý công việc gắn với đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong mọi hoạt động, tạo chuyển biến mạnh mẽ trong toàn hệ thống.

Kiều Thanh