Tác động của Luật Thương mại năm 1997 và 2005

Những lĩnh vực Luật Thương mại điều chỉnh có sự tiếp cận của Luật Dân sự, ở chừng mực nào đó Bộ Luật Dân sự được xem là luật “mẹ” được sử dụng để điều chỉnh đối với các hoạt động kinh doanh sinh lời.
Luật Thương mại

Siêu thị Co.opmart Cống Quỳnh những ngày đầu mới thành lập. (Ảnh: TTXVN)

Sản xuất phát triển, đời sống các tầng lớp dân cư nhìn chung được cải thiện đã làm cho sức mua của thị trường trong nước tăng lên đáng kể.

Mặt khác, việc thể chế hóa các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước đã tạo điều kiện cho hoạt động của thương mại ngày càng phù hợp với cơ chế thị trường, nên thị trường trong nước duy trì được mức tăng trưởng ổn định, lưu thông hàng hóa thông suốt, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu tiêu dùng đa dạng và không ngừng tăng lên của sản xuất và đời sống.

Tốc độ tăng trưởng của khu vực thương mại - dịch vụ qua mỗi 5 năm 1996 - 2000, 2001 - 2005 và 2006 - 2010 đều theo hướng đi lên.

So sánh tốc độ tăng của 3 khu vực: Tăng trưởng của khu vực nông, lâm, thủy sản có xu hướng giảm qua mỗi 5 năm, từ 4,30% mỗi năm giai đoạn 1996 - 2000, giảm xuống 3,83%/năm giai đoạn 2001 - 2005, giảm tiếp xuống 3,34%/năm giai đoạn 2006 - 2010.

Tương tự, tăng trưởng khu vực công nghiệp - xây dựng cũng giảm dần từ 10,6% mỗi năm giai đoạn 1996 - 2000, giảm xuống 10,25%/năm giai đoạn 2001 - 2005, giảm tiếp xuống 7,94%/năm giai đoạn 2006 - 2010.

Duy nhất khu vực thương mại - dịch vụ có xu hướng tăng, từ 5,75% mỗi năm giai đoạn 1996 - 2000, tăng lên 6,96%/năm giai đoạn 2001 - 2005, tăng tiếp lên 7,73%/năm giai đoạn 2006 - 2010.

Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ cuối giai đoạn gấp 1,5 lần đầu giai đoạn, 219.400 tỷ đồng so với 145.874 tỷ đồng, mức tăng trưởng bình quân 5,75% mỗi năm.

Giá trị hàng hóa và doanh thu dịch vụ của 3 khu vực quốc doanh, tập thể, tư nhân đều tăng, nhưng xét về cơ cấu, khu vực quốc doanh và tập thể có xu hướng giảm, ngược lại, khu vực tư nhân có xu hướng tăng.

Về cơ cấu, không có những biến động đáng kể, thể hiện trên 2 mặt. Thứ nhất, không có sự “đổi ngôi” của 3 khu vực. Trong 10 năm 2001 - 2010, dẫn đầu luôn là bán lẻ, tiếp theo là dịch vụ lưu trú, ăn uống, cuối cùng là du lịch và dịch vụ khác. Thứ hai, mức dao động của mỗi khu vực không cao.

Lấy tỷ trọng cao nhất của khu vực du lịch và các dịch vụ khác năm 2008 là 11% với năm thấp nhất 2001 là 6%, dao động cũng chỉ 5%. Mức dao động của 2 khu vực tiếp theo còn thấp hơn nữa.

Tỷ trọng cao nhất của dịch vụ lưu trú, ăn uống năm 2002 là 12,7%, so với năm thấp nhất 2010 là 11,1%, mức dao động 1,6%. Tương tự, tỷ trọng cao nhất của bán lẻ năm 2001 là 81,5% so với năm thấp nhất 2007 là 77%, dao động cũng chỉ 4,5%.

Xét về giá trị tuyệt đối, qua mỗi 5 năm, tổng mức lưu chuyển hàng hóa và doanh thu dịch vụ ngày càng tăng cao. Trong 5 năm đầu, tổng mức lưu chuyển hàng hóa và doanh thu dịch vụ của năm cuối kỳ (2005) là 480,3 tỷ đồng, cao gấp 1,96 lần năm đầu kỳ (2001) là 245,3 tỷ đồng.

Đến 5 năm tiếp theo, tổng mức lưu chuyển hàng hóa và doanh thu dịch vụ năm cuối kỳ (năm 2010) đã tăng 2,58 lần so với năm đầu kỳ (2006). Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ của 5 năm 2006 - 2010 đạt 5,105 triệu tỷ đồng, gấp 2,86 lần so với 1,738 triệu tỷ đồng của 5 năm 2001 - 2005.

Hoạt động bán lẻ ngày càng có vai trò quan trọng trong nền kinh tế. 5 năm 1996 - 2000, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ đạt 913,694 nghìn tỷ đồng, tương đương 18,01% GDP cùng thời kỳ (5,072 triệu tỷ đồng).

Tương tự, giai đoạn 2001 - 2005 tổng mức bán lẻ đạt 1,738 triệu tỷ đồng, tương đương 25,06% GDP (6,934 triệu tỷ đồng); giai đoạn 2006 - 2010 tổng mức bán lẻ đạt 5,105 triệu tỷ đồng, tương đương 53% GDP (9,631 triệu tỷ đồng).

Tốc độ tăng trưởng và khối lượng luân chuyển của khu vực thương mại - dịch vụ được coi là ấn tượng nhờ sự đóng góp quan trọng của các chính sách liên tục được cập nhật, điều chỉnh sát với thực tiễn trong thời kỳ này.

Đó là sự ra đời của Luật Thương mại năm 1997, quy định một cách có hệ thống về các hoạt động thương mại hàng hóa như mua bán hàng hóa, đại diện, môi giới, ủy thác, đại lý, gia công, đấu giá, đấu thầu; các dịch vụ thương mại như giao nhận hàng hóa, giám định hàng hóa và các hoạt động xúc tiến thương mại như khuyến mại, quảng cáo...

Tiếp đó, Luật Thương mại năm 2005 đã điều chỉnh theo hướng mở rộng nội hàm của khái niệm hoạt động thương mại.

So với Luật Thương mại 1997, phạm vi điều chỉnh của Luật Thương mại 2005 không còn bị giới hạn bởi 14 hành vi thương mại mà đã được mở rộng ra là tất cả các hoạt động “nhằm mục đích sinh lợi”. Đối tượng điều chỉnh của Luật Thương mại 2005 là hoạt động thương mại của thương nhân và vấn đề giải quyết tranh chấp phát sinh trong hoạt động thương mại.

Những lĩnh vực Luật Thương mại điều chỉnh có sự tiếp cận của Luật Dân sự, ở chừng mực nào đó Bộ Luật Dân sự được xem là luật “mẹ” được sử dụng để điều chỉnh đối với các hoạt động kinh doanh sinh lời.

Đào Mạnh Đức