Tái chế rác thải nhựa – không nên xem nhẹ

Tái chế rác thải nhựa đang là yêu cầu cấp thiết đối với một thành phố lớn như TP.HCM. Hoạt động này không chỉ làm giảm lượng rác chôn lấp, bớt ô nhiễm môi trường mà còn đem lại giá trị kinh tế.


Trên địa bàn TP.HCM, ước tính mỗi năm có khoảng 250 ngàn tấn chất thải nhựa phát sinh. Lượng rác thải nhựa chiếm tỷ trọng lớn trong thành phần rác thải. Theo khảo sát của Quỹ Tái chế chất thải (Sở TN&MT TP.HCM), rác thải nhựa chiếm 20% trong chất thải rắn siêu thị, trung tâm thương mại, 14,3% trong khu vực văn phòng. 20% lượng rác thải nhựa được chôn lấp lẫn trong các loại rác thải khác, phần còn lại được thu mua, tái chế thô sơ và phát tán ra môi trường.

Dự báo đến năm 2020, mỗi năm TP.HCM sẽ phát sinh khoảng nửa triệu tấn chất thải nhựa. Lượng chất thải nhựa này một mặt là gánh nặng đối với công tác quản lý môi trường của thành phố, đồng thời lại là cơ hội để cho ngành tái chế nhựa nói riêng và ngành nhựa nói chung.

Trong khi đó, nhu cầu nguyên liệu nhựa của Việt Nam mỗi năm vào khoảng 1,6 – 1,7 triệu tấn các loại, nhưng thị trường trong nước chỉ cung cấp được khoảng 300 ngàn tấn. Vì vậy, đối với ngành nhựa, thách thức lớn nhất hiện nay là nguồn cung cấp nguyên liệu, vì quá phụ thuộc vào nhập khẩu, sản phẩm nhựa khó cạnh tranh với các nước trong khu vực.

Đặc biệt, nguồn nguyên liệu nhựa phế liệu được thu gom từ nhiều nguồn, thành phần và chất lượng không ổn định, đặc biệt lẫn nhiều tạp chất gây khó khăn cho công việc lưu trữ và tái chế nhựa và chất lượng sản phẩm nhựa tái chế. Nguồn cung cấp phế liệu không đảm bảo về số lượng và chất lượng gây khó khăn cho các dự án tái chế quy mô lớn. Trong đó, Tổng Công ty CP Nhựa Việt Nam (VINAPLAST) đã có kế hoạch hợp tác với một doanh nghiệp của Canada để xây dựng 2 nhà máy xử lý phế liệu nhựa ở phía Bắc và phía Nam. Mặc dù đang được triển khai xây dựng nhưng thách thức đặt ra lúc này chính là vấn đề thiếu hụt trầm trọng nguyên liệu đầu vào đạt chuẩn bởi thống thu gom phế liệu trong nước còn manh mún tự phát, không đạt yêu cầu về số lượng và chất lượng.

Thực tế, tại TP.HCM, hoạt động tái chế nhựa đã có từ lâu đời nhưng với công nghệ tái chế lạc hậu, gây ô nhiễm môi trường và chất lượng sản phẩm tái chế thấp. Trong khi đó, các dự án tái chế nhựa quy mô lớn lại khó khăn về vấn đề nguồn nguyên liệu… Theo đó, đối với các cơ sở tái chế nhựa vừa và nhỏ, công nghệ sử dụng lạc hậu, hiệu quả kinh tế - môi trường không cao: Hiệu suất tiêu thụ năng lượng cao, phát thải ô nhiễm cao, hạt nhựa tái chế có chất lượng thấp chỉ để sản xuất các mặt hàng nhựa gia dụng giá trị thấp, hiệu quả kinh tế đem lại không cao. Còn đối với các doanh nghiệp tái chế quy mô lớn, khoảng 15% các doanh nghiệp nhựa lớn tại TP.HCM có hoạt động tái chế nhựa, trong đó khoảng 57% sử dụng nguồn phế liệu nhựa là sản phẩm lỗi trong sản xuất của công ty, phần còn lại thu mua phế liệu nhựa từ bên ngoài để tái chế. Đối với những doanh nghiệp này, do sử dụng công nghệ tiên tiến, hoạt động tái chế nhựa tại các đơn vị này đem lại hiệu quả kinh tế, môi trường và xã hội cao. Tuy nhiên, hầu hết các doanh nghiệp nhựa lớn hiện nay chỉ mới dừng lại ở việc tái chế các phế phẩm nhựa trong sản xuất, chưa mạnh dạn thu gom, tái chế phế liệu nhựa từ rác thải sinh hoạt….

Như vậy, việc phát triển hoạt động tái chế nhựa ở quy mô lớn, đảm bảo các yếu tố môi trường, kinh tế, xã hội đang là vấn đề cấp thiết đối với TP.HCM nói riêng và cả nước nói chung.

Theo Quỹ Tái chế chất thải, để nâng cao hiệu quả và phát triển hoạt động tái chế nhựa tại TP.HCM, cần phải thực thi đồng bộ nhiều giải pháp về pháp lý, các giải pháp mang tính kinh tế và các giải pháp mang tính nâng cao nhận thức cộng đồng, thay đổi thói quen người tiêu dùng. Cụ thể, cần quy trách nhiệm tái chế chất thải nhựa đối với doanh nghiệp sản xuất nhựa; nâng cao hiệu quả thu gom phế liệu nhựa; hỗ trợ các doanh nghiệp tham gia tái chế nhựa. Chương trình phân loại rác tại nguồn đang được Sở TN&MT triển khai hiệu quả tại hệ thống trung tâm thương mại, siêu thị, chợ đầu mối và phát động trong cộng đồng dân cư… sẽ góp phần cung cấp một lượng rác thải nhựa đạt tiêu chuẩn cho các đơn vị tái chế nhựa.