Tận dụng cơ hội, thúc đẩy giao thương Việt Nam - Ấn Độ

Từ đầu năm đến nay, nhiều hoạt động xúc tiến thương mại với các đối tác Ấn Độ đã được tổ chức nhằm tận dụng tốt cơ hội giao thương, thúc đẩy thương mại với thị trường này.

Thị trường trọng điểm tại khu vực Nam Á

Là quốc gia có dân số đông nhất, nhì thế giới và có nền kinh tế - công nghiệp phát triển mạnh, Ấn Độ là thị trường trọng điểm tại khu vực Nam Á của nhiều nhóm hàng hóa, sản phẩm Việt Nam.

Những năm gần đây, kim ngạch thương mại giữa Việt Nam - Ấn Độ không ngừng phát triển với mức tăng bình quân cao hơn mức tăng chung của Việt Nam với toàn thế giới. Đặc biệt, nhiều nhóm hàng công nghiệp của Việt Nam ngày càng khẳng định vị trí trong cơ cấu hàng hóa xuất khẩu sang Ấn Độ như: hoá chất bao gồm sản phẩm hoá chất; cao su; máy tính, sản phẩm điện tử và linh kiện; điện thoại và các loại linh kiện; máy móc, thiết bị; nhóm vật liệu phục vụ cho xây dựng hạ tầng như sắt thép các loại, kim loại thường khác; nhóm hàng dệt may...

Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, thương mại song phương Việt Nam - Ấn Độ năm 2021 đạt 13,2 tỷ USD tăng 36,5% so với mức 9,6 tỷ USD trong năm 2020. Trong đó, Ấn Độ xuất 6,95 tỷ USD (tăng 56%, tương ứng với 2,5 tỷ USD so với năm 2020), Việt Nam xuất 6,25 tỷ USD (tăng 20%, tương ứng với 1 tỷ so với năm 2020).

Một số mặt hàng Việt Nam xuất khẩu sang Ấn Độ có tốc độ tăng trưởng mạnh trong năm 2021 so với năm 2020 gồm: Chất dẻo nguyên liệu tăng 231%; Hóa chất tăng 162%; Cao su tăng 138%; Than đá tăng 128%. Xuất khẩu điện thoại di động và linh kiện tiếp tục có kim ngạch xuất khẩu lớn nhất đạt hơn 1,28 tỷ USD, chiếm khoảng 21% tổng giá trị xuất khẩu hàng hóa từ Việt Nam sang Ấn Độ. Xuất khẩu hàng hóa khác đạt 877 triệu USD, chiếm 14% tổng giá trị xuất khẩu. Xuất khẩu máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện đạt 828 triệu USD chiếm tỷ trọng 13%.

Ở chiều ngược lại, một số mặt hàng Ấn Độ xuất khẩu sang Việt Nam có tốc độ tăng trưởng mạnh trong năm 2021 so với năm 2020 gồm: Ngô tăng 20932%; Kim loại thường tăng 280%; Thức ăn gia súc tăng 162%; Đá quý và kim loại tăng 147%; Quặng và khoáng sản khác tăng 116%; Giấy các loại tăng 114%; Bông các loại tăng 105%.

Xét về kim ngạch, năm 2021 xuất khẩu sắt thép các loại có kim ngạch lớn nhất đạt gần 1,4 tỷ USD, chiếm khoảng 20% tổng giá trị xuất khẩu hàng hóa từ Ấn Độ sang Việt Nam. Xuất khẩu máy móc thiết bị, dụng cụ, phụ tùng khác đạt 428 triệu USD, chiếm 6,2% tổng giá trị xuất khẩu; Xuất khẩu kim loại thường khác đạt 405 triệu USD chiếm tỷ trọng 5,8%.

Thúc đẩy giao thương các mặt hàng thế mạnh của Việt Nam

Thị trường Ấn Độ có dung lượng gần 1,4 tỷ dân; số lượng người ăn chay, có nhu cầu, thói quen sử dụng trái cây nhiều. Những năm qua, nhóm hàng nông sản, thủy sản cũng là một trong những nhóm hàng có kim ngạch lớn trong cơ cấu hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam sang Ấn Độ. Tuy nhiên dư địa của thị trường này vẫn còn rất lớn cho hàng hóa, nông sản của Việt Nam. Hơn nữa, do ảnh hưởng của dịch COVID-19, xuất khẩu các nhóm nông sản Việt Nam sang Ấn Độ đã bị sụt giảm trong giai đoạn năm 2020 – 2021.

Để tận dụng cơ hội từ sự phục hồi mạnh mẽ của nền kinh tế Ấn Độ trong thời gian gần đây, đồng thời hỗ trợ các doanh nghiệp, nhà cung cấp nông sản Việt Nam với các đối tác thị trường này, từ đầu năm 2022 đến nay nhiều hoạt động giao thương với Ấn Độ đã được tổ chức.

Ngày 19/01/2022, Thương vụ - Đại sứ quán Việt Nam phối hợp Bộ Công Thương, Sở Công Thương các tỉnh Bình Thuận, Long An, Tiền Giang và các Cơ quan Xúc tiến Thương mại tại Ấn Độ tổ chức Hội nghị trực tuyến xúc tiến thanh long Việt Nam tại Ấn Độ.

Hội nghị thu hút sự tham dự của Lãnh đạo Phòng Thương mại và Công nghiệp các nhà nhập khẩu Ấn Độ; Ủy ban thực phẩm và an toàn vệ sinh thực phẩm, Phòng Thương mại và công nghiệp Gujarat; đại diện một số công ty nhập khẩu hoa quả lớn tại Ấn Độ cùng khoảng 50 doanh nghiệp xuất khẩu thanh long Việt Nam và 30 doanh nghiệp kinh doanh trái cây tại Ấn Độ.

Tại Hội nghị, các diễn giả và doanh nghiệp Việt Nam đã trao đổi về tiềm năng và vị trí của thị trường Ấn Độ đối với thanh long Việt Nam; đặc điểm thị trường Ấn Độ, tiềm năng thị trường Ấn Độ, hệ thống phân phối trái cây tại Ấn Độ và giải pháp đẩy mạnh tiêu thụ thanh long Việt Nam tại Ấn Độ, theo góc nhìn của các nhà nhập khẩu và bán buôn trái cây tại Ấn Độ; kết nối các doanh nghiệp Việt Nam và Ấn Độ có nhu cầu giao thương, trao đổi thông tin.

Nhằm hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam thúc đẩy xuất khẩu các mặt hàng gia vị và hương liệu sang thị trường Ấn Độ, ngày 23/2/2022 Trung tâm Hỗ trợ xuất khẩu, Cục Xúc tiến thương mại phối hợp với Đại sứ quán Ấn Độ tại Việt Nam và Ủy ban Gia vị Ấn Độ tổ chức Hội nghị giao thương trực tuyến sản phẩm gia vị và hương liệu Việt Nam - Ấn Độ 2022.

Việt Nam và Ấn Độ hiện là đối tác xuất nhập khẩu nhiều sản phẩm gia vị, hương liệu của nhau. Với lợi thế về sự đa dạng, bù trừ, sản lượng lớn, doanh nghiệp Việt Nam - Ấn Độ có nhiều cơ hội hợp tác nhằm gia tăng xuất khẩu mặt hàng gia vị, hương liệu sang thị trường của nhau và ra thị trường thế giới. Tuy nhiên, theo các huyên gia, để hợp tác và phát triển hiệu quả, các doanh nghiệp Việt Nam và Ấn Độ cần tăng cường hợp tác để đáp ứng các tiêu chuẩn chất lượng của các FTA thế hệ mới mà hai nước tham gia. Đồng thời cần đầu tư nghiên cứu nhu cầu thị trường, phát triển các sản phẩm có giá trị gia tăng cao.

Tăng chất lượng tư vấn, hỗ trợ doanh nghiệp

Bên cạnh việc xúc tiến xuất nhập khẩu hàng hóa, việc xúc tiến hợp tác thành lập doanh nghiệp tại Ấn Độ cũng đang được nhiều doanh nghiệp Việt Nam quan tâm.

Theo Thương vụ Việt Nam tại Ấn Độ, thương mại song phương Việt Nam - Ấn Độ lần đầu vượt 13 tỷ USD trong năm 2021, đưa Ấn Độ trở thành đối tác thương mại đứng thứ 8 của Việt Nam (sau Trung Quốc, Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan, Đài Loan và Hồng Kong). Tuy nhiên, kết quả đạt được chưa tương xứng với tiềm năng và kỳ vọng của hai nước, một trong những nguyên nhân quan trọng là thiếu sự hiện diện của doanh nghiệp Việt Nam tại Ấn Độ.

Thực tế cho thấy, nếu không có sự hiện diện thể nhân tại Ấn Độ, doanh nghiệp Việt Nam thường khó tìm kiếm được đối tác lớn uy tín và thường bị thua thiệt trong các vụ việc tranh chấp thương mại.

Để hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam hiểu rõ hơn về tiềm năng thị trường cũng như quy định pháp luật và thủ tục thành lập doanh nghiệp tại Ấn Độ, năm nay Thương vụ - Đại sứ quán Việt Nam tại Ấn Độ phối hợp với Văn phòng luật sư, Công ty trợ giúp pháp lý, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, Hội đồng Xúc tiến Thương mại, Xuất nhập khẩu Ấn Độ tổ chức chuỗi sự kiện giới thiệu thông tin về thị trường, xúc tiến thương mại - đầu tư tại Ấn Độ.

Chương trình đầu tiên trong chuỗi sự kiện này có chủ đề “Quy định và thủ tục thành lập doanh nghiệp liên doanh tại Ấn Độ” diễn ra ngày 16/2/2022 vừa qua. Diễn giả chính là cố vấn Manan Agarwal, Giám đốc Công ty Tư vấn KrayMan Consultants LLP, người có nhiều kinh nghiệm chuyên môn về luật doanh nghiệp, các quy định về thành lập doanh nghiệp, các thủ tục về thuế, Hội thảo giúp giải đáp những thắc mắc về việc thành lập doanh nghiệp ở Ấn Độ như: môi trường kinh doanh của Ấn Độ; Loại hình doanh nghiệp tại Ấn Độ; Những điều cần biết trước khi thành lập doanh nghiệp liên doanh ở Ấn Độ và Thủ tục đăng ký doanh nghiệp doanh nghiệp liên doanh tại Ấn Độ...

Ngày 19/2/2022, Chương trình hội thảo thứ hai của chuỗi sự kiện với chủ đề “Hướng dẫn trình tự và thủ tục thành lập doanh nghiệp Việt Nam tại Ấn Độ” đã được tổ chức. Theo các diễn giả tại hội thảo, các loại hình công ty mà các doanh nghiệp Việt Nam có thể xem xét để mở tại Ấn Độ như: doanh nghiệp liên doanh, doanh nghiệp trách nhiệm hữu hạn, chi nhánh (BO), văn phòng đại diện, văn phòng liên lạc LIAISON (LO). Ngoài ra, các doanh nghiệp Việt Nam cũng có thể đầu tư vào Ấn Độ thông qua hoạt động mua bán, sáp nhập (M&A). Đối với mỗi hình thức có những ưu điểm riêng, phù hợp với điều kiện và nhu cầu khác nhau của các doanh nghiệp.

Việc lựa chọn hình thức hiện diện khác nhau tại thị trường Ấn Độ như thành lập văn phòng, công ty Ấn Độ phải tương ứng với quy mô, tham vọng của doanh nghiệp. Hình thức văn phòng đại diện (LO) có thể là hình thức hoạt động tốt nhất cho một công ty nhỏ hơn đang khám phá triển vọng ở Ấn Độ. Mặt khác, việc kết hợp một công ty TNHH sẽ là quyết định hợp lý cho các công ty đang tìm cách mở rộng thị trường tại thị trường mới nổi ở Châu Á.

Ngày 21/2 Hội thảo giao thương trực tuyến “Áp dụng công nghệ mới tăng cường xúc tiến thương mại giữa Ấn Độ và các nước Tiểu vùng sông Mê-kông mở rộng (GMS) được Cục Xúc tiến thương mại phối hợp với Liên đoàn các Phòng Thương mại và Công nghiệp Ấn Độ (FICCI), Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) và các cơ quan liên quan tổ chức. Chương trình nhằm tăng cường liên kết thương mại giữa Ấn Độ và các nước Tiểu vùng Sông Mê-kông mở rộng (Việt Nam, Campuchia, Thái Lan); hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam kết nối với các nhà nhập khẩu, xuất khẩu, các chuyên gia tư vấn thị trường trong nhiều lĩnh vực tại Ấn Độ, Campuchia và Thái Lan. Đặc biệt đối với những ngành hàng: Công nghệ y tế, dược phẩm, phương tiện và phụ tùng vận tải, công nghệ thông tin (IT) và điện tử.

Các hoạt động xúc tiến thương mại được tổ chức hiệu quả với các hình thức phù hợp sẽ giúp thúc đẩy kết nối giao thương cho các doanh nghiệp Việt Nam và Ấn Độ nhằm sớm đạt kim ngạch thương mại song phương 15 tỷ USD như mục tiêu đề ra.

Thanh Hà