Tăng hiệu quả giao thương sản phẩm công nghiệp hỗ trợ Việt Nam - Nhật Bản

Cần những giải pháp hiệu quả, phù hợp để gia tăng các cơ hội hợp tác cung ứng, xuất khẩu sản phẩm công nghiệp hỗ trợ giữa các nhà cung cấp Việt Nam với các chuỗi sản xuất của doanh nghiệp Nhật Bản.

Sáng 5/7, Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) phối hợp với Trung tâm ASEAN – Nhật Bản (AJC) và Thương vụ Việt Nam tại Nhật Bản tổ chức Hội nghị giao thương trực tuyến sản phẩm công nghiệp hỗ trợ Việt Nam - Nhật Bản 2022.

hoi nghi

Phát biểu khai mạc Hội nghị, ông Vũ Bá Phú – Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại cho biết: Những năm qua doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ (CNHT) Việt Nam ngày càng phát triển cả về số lượng và chất lượng, từng bước làm chủ công tác thiết kế, nâng cao tỷ lệ nội địa hóa, cải thiện năng lực sản xuất và tham gia ngày càng sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu. Lĩnh vực CNHT cũng tạo ra nhiều việc làm cho người lao động và đóng góp doanh thu đáng kể cho ngành công nghiệp chế biến, chế tạo.

Cùng với sự phát triển mạnh mẽ của CNHT, quan hệ hợp tác thương mại và đầu tư trong lĩnh vực CNHT giữa Việt Nam và Nhật Bản ngày càng phát triển theo hướng tích cực. Nhiều linh kiện, sản phẩm thành phẩm và bán thành phẩm của Việt Nam đã đáp ứng được nhu cầu trong nước và xuất khẩu tới nhiều quốc gia, trong đó có Nhật Bản. Các mặt hàng này có thể kể đến như khuôn mẫu các loại, linh kiện xe đạp, xe máy; linh kiện cơ khí tiêu chuẩn; dây cáp điện; linh kiện nhựa – cao su kỹ thuật, săm lốp các loại.

"Trong những năm qua, đặc biệt trong thời gian dịch Covid-19 khởi phát cho đến nay, Cục Xúc tiến thương mại đã phối hợp với Trung tâm AJC và Thương vụ Việt Nam tại Nhật Bản tổ chức các sự kiện giao thương trong lĩnh vực CNHT. Các sự kiện này đã góp phần tạo điều kiện thiết thực cho doanh nghiệp Việt Nam - Nhật Bản trao đổi kinh nghiệm và kỹ thuật sản xuất, tìm kiếm các cơ hội hợp tác sản xuất, chế tạo và kinh doanh", ông Phú nhấn mạnh.

Trong khi đó, ông Kunihiko Hirabayashi - Tổng thư ký Trung tâm AJC cho rằng: Lĩnh vực CNHT Việt Nam có nhiều tiềm năng phát triển. Bên cạnh đó, Việt Nam đã có những chính sách, định hướng phát triển lĩnh vực CNHT với những mục tiêu cụ thể. Tuy nhiên, trong tình hình hiện nay đòi hỏi lĩnh vực CNHT Việt Nam phải có sự đổi mới, nâng cao trình độ lao động và năng lực sản xuất để đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của thị trường và các đối tác.

Tận dụng tốt các kênh kết nối

Ông Akutsu Michio - Chuyên gia Hiệp hội cố vấn thương mại Nhật Bản nhận định: Lĩnh vực CNHT và quan hệ hợp tác đầu tư sản xuất giữa doanh nghiệp Nhật Bản và Việt Nam trong lĩnh vực CNHT đã phát triển mạnh mẽ những năm qua; đặc biệt là sản xuất chế tạo máy móc, cơ khí, dệt may… Các sản phẩm CNHT đã cung ứng kịp thời các linh phụ kiện cho các dây chuyền sản xuất, đáp ứng yêu cầu chất lượng và thời gian thực hiện đơn hàng. Việt Nam cũng đã xây dựng được Cơ sở dữ liệu về doanh nghiệp hoạt động trong các lĩnh vực CNHT như: Cơ khí, điện tử, dệt may,…

Bên cạnh đó, với sự phối hợp của các cơ quan, tổ chức Việt Nam và Nhật Bản đã triển khai được nhiều hoạt động giao thương cho doanh nghiệp 2 nước tại Hà Nội, TP.HCM... cùng các chương trình hỗ trợ nâng cao trình độ sản xuất cho các doanh nghiệp CNHT Việt Nam.

michio

Mặc dù đã có những bước phát triển nhưng ông Akutsu Michio cho rằng, lĩnh vực CNHT Việt Nam vẫn còn tồn tại một số vấn đề, thách thức. Nổi bật là năng suất lao động của các địa phương còn thấp đặt ra vấn đề cần nâng cao trình độ lao động tại chỗ và cần đẩy mạnh biện pháp thu hút nhân lực chất lượng cao. Mặt khác, năng lực tài chính của các doanh nghiệp Việt Nam còn yếu, việc tiếp cận nguồn vốn còn khó khăn, do đó cần cải thiện khả năng cấp vốn của hệ thống tín dụng. 

"Đặc biệt, các doanh nghiệp CNHT Việt Nam còn thiếu thông tin thị trường, thông tin về nhu cầu của các doanh nghiệp nước ngoài, đồng thời còn hạn chế trong phát triển các kênh bán hàng trong và ngoài nước". 

Để giải quyết các "nút thắt" này, ông Akutsu Michio gợi ý một "công cụ", giải pháp hiệu quả, đó là các doanh nghiệp CNHT Việt Nam nên hợp tác, sử dụng thế mạnh của các công ty thương mại.

Lấy ví dụ những vụ việc thực tế khi doanh nghiệp CNHT từng gặp khó khăn khi thông quan lô hàng linh kiện tại Brazil hay việc gián đoạn sản xuất tại nhà máy ở Philippines do thiếu nguồn cung linh phụ kiện, khiến doanh nghiệp phải thông qua các công ty thương mại để liên hệ mua gấp các lô linh kiện tại Thái Lan chuyển về Philippines kịp thời nối lại chuỗi sản xuất, ông Akutsu Michio nhận định: Vai trò của các công ty thương mại thể hiện rõ qua khả năng kết nối hợp tác giữa các khách hàng, nhà nhập khẩu trên thế giới với các nhà cung cấp sản phẩm CNHT trong nước. Đồng thời có thể cung cấp những thông tin hữu ích cho doanh nghiệp CNHT như: kế hoạch đầu tư, phương thức sản xuất mới của các chuỗi sản xuất toàn cầu; thông tin về các nguồn cung linh phụ kiện CNHT cạnh tranh… thông qua mạng lưới thông tin các nhà sản xuất trong cùng lĩnh vực; mối quan hệ của các công ty thương mại với các nhà cung cấp, nhà sản xuất giúp họ cập nhật kịp thời được những yêu cầu đối với sản phẩm mà các chuỗi sản xuất cần tìm kiếm, mong muốn cung ứng…

Theo ông Akutsu Michio, những công ty thương mại ở Nhật Bản, công ty thương mại Nhật Bản tại Việt Nam, tại các nước ASEAN hoặc trên toàn cầu đều có mạng lưới mua hàng rộng khắp có thể thâm nhập, tiếp cận được các khách hàng và các nhà cung cấp ở nhiều thị trường khác nhau. Những công ty này cũng có kinh nghiệm trong hỗ trợ xử lý các hợp đồng giao thương, hồ sơ thông quan các lô hàng hóa nhanh chóng với chi phí hợp lý, giúp chuỗi sản xuất không bị gián đoạn.

"Hiện giờ đã có nhiều công ty thương mại Nhật Bản như vậy có mặt tại Việt Nam, sẵn sàng kết nối hợp tác giữa các nhà cung cấp sản phẩm CNHT Việt Nam với các đối tác, doanh nghiệp Nhật Bản", ông Akutsu Michio chia sẻ.

Hình thành các nhóm sản xuất chuyên sâu

Thông tin về cơ hội đầu tư và kinh doanh trong lĩnh vực CNHT Việt Nam, bà Trương Thị Chí Bình – Tổng thư ký Hiệp hội Công nghiệp hỗ trợ Việt Nam (VASI) cho biết: Việt Nam có 6 ngành ưu tiên phát triển CNHT theo Nghị định 111/2015/NĐ-CP ngày 3/11/2015 của Chính phủ về phát triển CNHT, trong đó có 3 lĩnh vực liên quan trực tiếp đến công nghiệp chế tạo là: công nghiệp cơ khí, công nghiệp ô tô và công nghiệp điện tử.

Với ngành công nghiệp cơ khí có nhiều lĩnh vực sản xuất khác nhau, điển hình là sản xuất xe máy với nhiều khách hàng quan trọng đến từ Nhật Bản như: Honda, Yamaha... sản lượng tuy có giảm trong năm 2021, đạt 2,5 triệu xe/năm nhưng vẫn là ngành có sản lượng tốt nhất, có tỷ lệ nội địa hoá cao và sự tham gia của doanh nghiệp Việt Nam ở tất cả các lớp cung ứng, các lớp sản phẩm như linh kiện nhựa, cơ khí, cao su, điện, điện tử.

vasi

Ngành thứ hai được ưu tiên phát triển CNHT là công nghiệp ô tô, nổi bật với dung lượng thị trường và tỷ lệ nội địa hóa của Toyota. Sản lượng của ngành này thấp hơn nhiều so với công nghiệp sản xuất xe máy, sản lượng năm 2020 là 416.000 xe/năm, trong đó 60% (khoảng 250.000 xe) được lắp ráp trong nước với nhiều model khác nhau; model xe có sản lượng lớn nhất cũng chỉ vào khoảng 30.000 xe/năm là của Toyota Việt Nam. Đây cũng chính là lý do khiến ngành công nghiệp ô tô có tỷ lệ nội địa thấp và sự tham gia của doanh nghiệp Việt Nam rất hạn chế. Doanh nghiệp Việt Nam chỉ có thể cung cấp linh kiện nhựa, rập cơ khí cho các hãng ô tô, do đây là những loại linh kiện cồng kềnh, chi phí logistics lớn nên các hãng xe phải nội địa hoá để giảm chi phí sản xuất.

Thứ ba là ngành công nghiệp điện tử Việt Nam có sản lượng rất lớn, riêng điện thoại di dộng chiếm gần 20% sản lượng xuất khẩu của ngành. Tuy vậy phần tham gia của doanh nghiệp Việt Nam chủ yếu vẫn là nhựa và cao su. Linh kiện điện tử phần lớn được cung cấp bởi các doanh nghiệp FDI.

Đáng chú ý, bà Bình cho biết: Không chỉ từ khi có dịch Covid-19 mà trong khoảng 5 năm trở lại đây, khi xung đột thương mại Mỹ - Trung Quốc căng thẳng hơn thì có sự dịch chuyển chuỗi cung ứng tìm kiếm các nhà cung cấp tại Việt Nam của các doanh nghiệp toàn cầu rõ rệt, cả về chiều rộng (khối lượng đơn hàng lớn hơn) và chiều sâu (yêu cầu chất lượng sản phẩm cao hơn, phức tạp hơn).

Tuy nhiên, điểm yếu của nhà cung cấp sản phẩm CNHT Việt Nam là mới chỉ cung cấp được linh phụ kiện đơn chiếc, linh phụ kiện rời hạ nguồn cho các ngành, chưa tham gia được vào các phân khúc cao hơn đòi hỏi cung cấp các cụm linh kiện phức tạp hơn. Mặc dù một số lĩnh vực như máy móc chế tạo hay lĩnh vực xây dựng khá hơn, đã cung cấp được các cụm linh kiện, giải pháp kỹ thuật, sản phẩm hoàn chỉnh… nhưng những trường hợp như vậy chưa nhiều.

Nhằm khắc phục những hạn chế đó, thời gian qua, VASI đã tập trung tìm kiếm giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp tiến lên trong chuỗi cung ứng, chủ lực là chuỗi cung ứng công nghiệp chế tạo bằng cách hình thành các nhóm doanh nghiệp chuyên sản xuất cùng lĩnh vực nhằm gia tăng năng lực sản xuất và chất lượng sản phẩm cung cấp. Qua đó có thể đáp ứng các đơn hàng dịch chuyển mới có khối lượng lớn hơn, yêu cầu cao hơn so với những đơn hàng mà các doanh nghiệp trong nước thường thực hiện trước đây.

Hiện có 3 nhóm chính tập trung vào 3 lĩnh vực: nhóm chuyên sản xuất khuôn; nhóm chuyên sản xuất nhựa; nhóm chuyên sản xuất linh kiện kim loại; tập trung tại các khu vực sản xuất lớn như Hà Nội, TPHCM...

Bên cạnh đó, mặc dù chưa triển khai được nhưng VASI hiện cũng bắt đầu tập hợp các nhóm doanh nghiệp có thể tập trung sản xuất chuyên sâu những cụm linh kiện, các sản phẩm tương đối hoàn chỉnh để có thể xuất khẩu trực tiếp cho khách hàng trên toàn cầu. Trước mắt dự kiến tập trung vào nhóm công nghiệp chế tạo và năng lượng tái tạo là lĩnh vực thị trường mới đang phát triển mạnh tại Việt Nam.

"VASI với khoảng 500 hội viên sản xuất công nghiệp chế tạo trong các lĩnh vực chủ yếu là cơ khí, cao su, nhựa, điện và điện tử. Cơ hội hợp tác rất lớn, bởi vì hiện giờ là thời điểm chúng tôi cần phải hợp tác rất nhiều để tạo ra được dung lượng sản xuất lớn hơn cũng như sản xuất được hoàn chỉnh sản phẩm, do đó rất mong sự hợp tác của các doanh nghiệp Nhật Bản cùng tham gia với chúng tôi trong quá trình chuyển đổi này", bà Bình nhấn mạnh.

Sau những trao đổi, chia sẻ của các chuyên gia, doanh nghiệp hai nước tham gia các phiên giao thương trực tuyến của Hội nghị theo cả hai hình thức giao thương nhóm và giao thương theo cặp doanh nghiệp để chia sẻ nhu cầu hợp tác, tìm kiếm sản phẩm CNHT...

Việt Hằng