Tập đoàn Masan (MSN): Đẩy mạnh chiếm lĩnh thị trường bán lẻ hiện đại vùng nông thôn

WinCommerce, công ty con của Tập đoàn Masan, đang đẩy mạnh việc chiếm lĩnh thị phần thị trường bán lẻ hiện đại, đặc biệt là tại khu vực nông thôn với mô hình bán lẻ WinMart+ mới.

Đẩy mạnh mô hình chuỗi bán lẻ mới tại khu vực nông thôn

Từ cuối tháng 5/2023, Công ty Cổ phần Dịch vụ Thương mại Tổng hợp WinCommerce, đơn vị chủ quản chuỗi bán lẻ WinMart/WinMart+/WIN, đã đẩy mạnh chiếm lĩnh thị phần thị trường bán lẻ hiện đại thông qua việc đa dạng hóa, nâng cấp các mô hình bán lẻ, triển khai tại nhiều khu vực trên cả nước, đặc biệt là tại khu vực nông thôn và vùng ven các tỉnh thành.  

Cụ thể, WinCommerce đã cho ra mắt hai mô hình siêu thị mới (Premium và Urban) tại khu vực thành thị và đã ghi nhận một số thành công ban đầu, thu hút sự chú ý của người tiêu dùng. Tiếp đà này, WinCommerce vừa khai trương 37 cửa hàng WIN tại TP.Hồ Chí Minh và Hà Nội; đồng thời, chính thức ra mắt mô hình mới cho chuỗi cửa hàng tiện ích WinMart+ tại khu vực nông thôn và vùng ven các tỉnh thành.

Thị trường bán lẻ hiện đại Tạp chí Công Thương
WinCommerce hiện đặt mục tiêu hoàn thành nâng cấp 1.000 cửa hàng WinMart+ theo mô hình mới trên toàn quốc vào cuối năm nay.

Trong đó, WIN là mô hình cửa hàng đa tiện ích đã đi vào hoạt động từ tháng 9/2022. Mô hình này nhằm mang tới trải nghiệm mới lạ cho khách hàng khi đáp ứng cùng lúc các nhu cầu hằng ngày gồm: nhu yếu phẩm (WinMart+), dịch vụ tài chính (Techcombank), dịch vụ viễn thông (WinTel) và chăm sóc sắc đẹp (Hi!Beauty). Tính đến ngày 30/7, quy mô chuỗi cửa hàng WIN đã đạt 144 cửa hàng trên toàn quốc.

Về phía WinMart+, mô hình cửa hàng mới này mang phong cách thiết kế đơn giản, gần gũi và dễ nhận diện thương hiệu với khách hàng đang sinh sống trên từng địa bàn kinh doanh. Bên cạnh đó, cửa hàng cũng được bố trí, sắp xếp lại với điểm nhấn là dãy ụ đảo trưng bày 100 sản phẩm thiết yếu với giá cả hợp lý phù hợp với phân khúc khách hàng địa phương.

Đại diện WinCommerce cho biết, đây là kết quả của hơn một năm của doanh nghiệp này tập trung nghiên cứu thói quen tiêu dùng của người dân vùng ven.

“Hiện chúng tôi đã tiến hành cải tạo được 279 cửa hàng WinMart+ tại khu vực nông thôn và vùng ven của TPHCM, Hà Nội, Nghệ An, Hải Phòng, Quảng Ninh, Bình Dương, Long An… theo mô hình mới, và dự kiến sẽ hoàn thành nâng cấp 1.000 cửa hàng vào cuối 2023. Chúng tôi tin rằng mô hình mới này sẽ được khách hàng chào đón khi trải nghiệm mua sắm ấn tượng với sản phẩm chất lượng hơn, giá cả rẻ hơn”, đại diện WinCommerce nhấn mạnh.

Xem thêm: "Vì sao giá gạo xuất khẩu lên cao kỷ lục, lợi nhuận của Gạo Trung An (TAR) vẫn giảm 99%?" trên Tạp chí Công Thương tại đây.

Vươn lên dẫn đầu thị trường bán lẻ hiện đại Việt Nam

Theo dữ liệu tính đến cuối tháng 6/2023, Công ty Cổ phần Tập đoàn Masan (Tập đoàn Masan, mã cổ phiếu MSN – sàn HoSE) đang chi phối 71,5% vốn cổ phần của công ty WinCommerce.

Báo cáo tình hình kinh doanh nửa đầu năm nay của Tập đoàn Masan cho thấy, doanh thu thuần của WinCommerce đạt 14.517 tỷ đồng trong 6 tháng đầu năm 2023 và 7.182 tỷ đồng, lần lượt tăng 1,5% và 2,5% so với cùng kỳ năm ngoái. Đáng chú ý, biên lợi nhuận gộp của doanh nghiệp bán lẻ này đã tăng lên mức 24,8% trong quý 2/2023.

WinCommerce đã mở thêm 152 cửa hàng WinMart+ và 2 siêu thị WinMart mới trong 6 tháng đầu năm 2023, nâng tổng số điểm bán lên 3.511 địa điểm trên toàn quốc cho cả siêu thị mini và siêu thị. 106 cửa hàng WIN đạt mức tăng trưởng doanh số bán hàng 4% so với cùng kỳ năm ngoái.

Cổ phiếu MSN Tập đoàn Masan Tạp chí Công Thương
Khối lượng giao dịch và xu hướng giá cổ phiếu MSN của Tập đoàn Masan từ đầu năm 2023 đến nay. (Nguồn: TradingView)

Vừa qua, tập đoàn tài chính hàng đầu thế giới J.P.Morgan (Hoa Kỳ) nhận định, thông qua việc nắm giữ cổ phần chi phối tại công ty WinCommerce, Tập đoàn Masan hiện đang sở hữu mạng lưới bán lẻ hiện đại hàng đầu Việt Nam, chiếm 24% thị phần thị trường bán lẻ hiện đại, đặc biệt là trong phân khúc siêu thị mini.

Xem thêm: "J.P Morgan: Cổ phiếu MSN của Tập đoàn Masan có thể đạt 100.000 đồng/cổ phiếu vào cuối năm 2024" trên Tạp chí Công Thương tại đây.

So sánh với Trung Quốc và Thái Lan trước năm 2010, thị trường bán lẻ tại Việt Nam được nhận định đang ở “thời điểm vàng” của sự phát triển thương mại hiện đại và có tiềm năng định giá lớn trong tương lai. Với dân số gần 100 triệu người, trong đó một nửa dưới 32 tuổi, Việt Nam đã đạt mức tăng trưởng GDP bình quân đầu người ấn tượng 7,1% CAGR từ năm 2017, lên đến hơn 4.000 USD vào năm 2022 - mức cao nhất trong số các nước ASEAN/các thị trường mới nổi. Việt Nam hiện đặt mục tiêu nâng mức GDP bình quân đầu người lên 7.500 USD vào năm 2030 và 10.000 USD vào năm 2035.

Trong bối cảnh đó, thông qua các hoạt động M&A và mở rộng tự nhiên, Tập đoàn Masan đã và đang theo đuổi chiến lược xây dựng hệ sinh thái công nghệ tiêu dùng theo chiến lược “Point of Life”, nhằm tối đa hóa thị phần chi tiêu của người tiêu dùng.

Trên thị trường chứng khoán, kết thúc phiên giao dịch ngày 4/8, giá cổ phiếu MSN của Tập đoàn Masan đạt 86.300 đồng/cổ phiếu.

“Chúng tôi tin rằng Tập đoàn Masan đang tạo dựng hệ sinh thái tiêu dùng mạnh mẽ, giúp gia tăng thị phần khách hàng, và công ty định vị mình là một trong những đại diện xuất sắc của thị trường bán lẻ và tiêu dùng Việt Nam. Chúng tôi lạc quan về cơ hội tăng trưởng trong thị trường bán lẻ hiện đại, nơi Tập đoàn Masan dẫn đầu về số lượng điểm bán và đang tiếp tục mở rộng thị phần”, tập đoàn J.P. Morgan nhận định.

Duy Quang