Thanh Hóa: 4 lĩnh vực ưu tiên thu hút đầu tư đến năm 2030

Trong giai đoạn đến năm 2030, tỉnh Thanh Hóa tập trung ưu tiên thu hút dự án đầu tư vào 04 lĩnh vực: Công nghiệp, nông nghiệp, dịch vụ và hạ tầng.

Quy hoạch tỉnh Thanh Hóa thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã đề ra mục tiêu phấn đấu đưa Thanh Hóa trở thành một trong những trung tâm lớn của khu vực và cả nước về công nghiệp nặng, công nghiệp năng lượng, chế biến, chế tạo; nông nghiệp quy mô lớn, giá trị gia tăng cao; dịch vụ logistics, du lịch, giáo dục và đào tạo, y tế chuyên sâu, văn hóa và thể thao.

Đến năm 2025, Thanh Hóa trong nhóm các tỉnh dẫn đầu cả nước - một cực tăng trưởng mới, có nền kinh tế phát triển nhanh và bền vững, cùng với Hà Nội, Hải Phòng và Quảng Ninh tạo thành tứ giác phát triển ở phía Bắc của Tổ quốc; đến năm 2030 trở thành tỉnh công nghiệp hiện đại, người dân có mức sống cao hơn bình quân cả nước; quốc phòng, an ninh đảm bảo vững chắc; giữ vững ổn định trật tự an toàn xã hội.

đầu tư Thanh Hóa
Bốc dỡ hàng hóa xuất nhập khẩu tại Cảng Quốc tế Nghi Sơn, tỉnh Thanh Hóa.

Tập trung ưu tiên thu hút dự án đầu tư vào 4 lĩnh vực

Để hiện thực hóa các mục tiêu phát triển đến năm 2030, Quy hoạch tỉnh Thanh Hóa xác định một trong những định hướng, nhiệm vụ trọng tâm cần thực hiện là thu hút các dự án đầu tư ngoài ngân sách nhà nước theo tiêu chí phù hợp với quan điểm, mục tiêu, định hướng phát triển của tỉnh trong giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045, trọng tâm là ưu tiên thu hút đầu tư để đẩy mạnh phát triển mô hình kinh tế của tỉnh, gồm: 4 trung tâm kinh tế động lực; 3 trụ cột tăng trưởng; 6 hành lang kinh tế.

Thu hút các dự án có tính cấp thiết, tháo gỡ, khắc phục những hạn chế, điểm nghẽn; phát huy lợi thế khác biệt, cơ hội nổi trội của tỉnh cho phát triển: Ưu tiên thu hút các dự án có hàm lượng khoa học công nghệ cao, các ngành kinh tế tri thức; thu hút các dự án có tính chất thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu trong nội bộ các ngành kinh tế; thu hút các dự án đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông đối ngoại, cảng biển, hạ tầng khu kinh tế, các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, hạ tầng thương mại lớn...

Các dự án có tính lan tỏa sâu rộng giữa các vùng, miền, giải quyết các vấn đề an sinh xã hội, nâng cao thu nhập và đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu lao động của tỉnh; các dự án hạ tầng kết nối các khu vực khó khăn, đặc biệt khó khăn với những khu vực có vai trò động lực của tỉnh, dự án có tính chất dẫn dắt, tạo điều kiện để thu hút các dự án công nghiệp phụ trợ, công nghiệp năng lượng, các dự án tạo thành chuỗi liên kết trong sản xuất.

Trong giai đoạn đến năm 2030, tỉnh tập trung ưu tiên thu hút dự án đầu tư vào 04 lĩnh vực.

Trong lĩnh vực công nghiệp, tập trung thu hút các dự án sản xuất hóa chất, sau lọc hóa dầu, phụ trợ lọc hóa dầu; luyện kim, cơ khí chế tạo; công nghiệp năng lượng; các thiết bị các thiết bị, linh kiện điện tử, thiết bị viễn thông, thiết bị tự động hóa trong sản xuất; thiết bị y tế, dược phẩm; công nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng và dệt may, giày da.

Trong lĩnh vực nông nghiệp, thu hút các dự án chăn nuôi theo quy mô công nghiệp gắn với vùng nguyên liệu và chế biến sản phẩm; các dự án nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, sản xuất thực phẩm sạch theo chuỗi cung ứng; thu hút các dự án chế biến lâm sản xuất khẩu; sản xuất nguyên liệu và chế biến thức ăn gia súc, gia cầm, thủy sản.

Trong lĩnh vực dịch vụ, thu hút các dự án du lịch, khách sạn nghỉ dưỡng cao cấp gắn với thế mạnh về du lịch biển, du lịch sinh thái; thu hút các dự án phát triển phần mềm, công nghệ số, các dự án thương mại, dịch vụ logistisc tại các vùng kinh tế trọng điểm của tỉnh.

Trong lĩnh vực hạ tầng, ưu tiên thu hút các dự án đầu tư kinh doanh hạ tầng các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, cảng biển; hạ tầng công nghệ thông tin và chuyển đổi số.

Đưa công nghiệp chế biến, chế tạo trở thành trụ cột tăng trưởng của tỉnh

Tại Kế hoạch thực hiện Quy hoạch tỉnh Thanh Hóa thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045, UBND tỉnh Thanh Hóa giao Sở Công Thương Thanh Hóa tham mưu tổ chức thực hiện đầy đủ, hiệu quả các cơ chế, chính sách phát triển công nghiệp đã được ban hành như: chính sách khuyến khích phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp; đề án phát triển công nghiệp chế biến, chế tạo tỉnh Thanh Hóa đến năm 2030; cơ chế, chính sách thu hút và mở rộng sản xuất các ngành công nghiệp có thế mạnh của tỉnh Thanh Hóa, trọng tâm là phát triển công nghiệp năng lượng và chế biến, chế tạo giai đoạn 2022 - 2030 sau khi được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Thường xuyên rà soát, đề xuất sửa đổi, bổ sung, ban hành mới cơ chế, chính sách phát triển công nghiệp, tạo động lực công nghiệp phát triển.

Đẩy mạnh thu hút các dự án đầu tư phát triển công nghiệp chế biến, chế tạo, đưa công nghiệp chế biến, chế tạo thực sự trở thành một trụ cột tăng trưởng của tỉnh với các lĩnh vực chính gồm: công nghiệp hóa dầu, hóa chất và chế biến sản phẩm từ hóa dầu; công nghiệp sản xuất, cung ứng điện; công nghiệp cơ khí, điện tử và sản xuất kim loại; công nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng và công nghiệp dệt may, giầy da.

Chủ trì, phối hợp với UBND các huyện, thị xã, thành phố xây dựng kế hoạch phát triển các cụm công nghiệp, đảm bảo phù hợp với thực tế, định hướng phát triển và chỉ tiêu sử dụng đất cụm công nghiệp được phân bổ. Hướng dẫn, theo dõi, kiểm tra, đôn đốc việc triển khai đầu tư hạ tầng cụm công nghiệp theo tiến độ được phê duyệt; tăng cường phối hợp các sở, ban, ngành, UBND huyện, thị xã, thành phố thực hiện các giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của các chủ đầu tư cụm công nghiệp, nhất là công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng.

Tham mưu các giải pháp phát triển đồng bộ hạ tầng thương mại dịch vụ, trọng tâm là thu hút đầu tư các dự án trung tâm thương mại lớn, có quy mô cấp vùng. Chủ trì, phối hợp với các huyện, thị xã, thành phố kêu gọi đầu tư, nâng cấp hệ thống các chợ theo quy hoạch, đáp ứng yêu cầu giao lưu thương mại trong tỉnh. Tham mưu triển khai phương án phát triển hệ thống các kho xăng dầu, khí hóa lỏng theo quy hoạch.

Thực hiện các giải pháp phát triển công nghiệp, như thu hút vốn đầu tư; đào tạo và phát triển nguồn nhân lực; khoa học công nghệ, bảo vệ môi trường, tài nguyên... để hiện thực hóa mục tiêu đưa Thanh Hóa trở thành một trong những trung tâm lớn của khu vực và cả nước về công nghiệp nặng, công nghiệp năng lượng, chế biến, chế tạo.

Chủ trì, phối hợp với Công ty Điện lực Thanh Hóa và các đơn vị liên quan xây dựng kế hoạch đầu tư, nâng cao chất lượng nguồn điện trên địa bàn nhằm phục vụ sinh hoạt, hoạt động sản xuất, kinh doanh, đặc biệt tại các khu công nghiệp, cụm công nghiệp. Tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả các chủ trương, chính sách, chiến lược, giải pháp phát triển điện lực; thường xuyên kiểm tra, đôn đốc thực hiện các chủ trương, chính sách, chiến lược, giải pháp phát triển điện lực đảm bảo cung cấp điện an toàn, ổn định phục vụ phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Thanh Hóa.

Phối hợp chặt chẽ với Bộ Công Thương, Tổng Công ty Điện lực Miền Bắc, Công ty Điện lực Thanh Hóa và các đơn vị liên quan đầu tư hoàn thiện hạ tầng phân phối, truyền tải điện gắn với định hướng phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh và phù hợp với quy hoạch điện lực quốc gia; trọng tâm là xây dựng mới, nâng cấp, cải tạo các trạm biến áp và đường dây điện 500kV, 220kV và 110kV, các đường dây trung thế, hạ thế; đẩy nhanh tiến độ ngầm hóa mạng lưới điện trung và hạ thế hiện có.

Thanh Hà