Theo số liệu của Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP), 7 tháng đầu năm 2023, sản lượng cá tra của Việt Nam tăng nhẹ 2,3% so với cùng kỳ năm ngoái, lên mức 920.000 tấn. Tuy nhiên, kim ngạch xuất khẩu chỉ đạt 1 tỷ USD, giảm 37% so với cùng kỳ năm ngoái.
Mức sụt giảm kim ngạch một phần do giá cá tra xuất khẩu của Việt Nam giảm đáng kể so với năm 2022. Nếu như giá cá tra xuất khẩu trung bình của Việt Nam các tháng đầu năm 2022 dao động từ 2,83-3,4 USD/kg, đến năm 2023, giá cá tra xuất khẩu đã giảm từ 3 USD/kg từ tháng 2/2023 xuống còn 2,26 USD/kg vào tháng 7/2023.
Về thị trường, trong 7 tháng đầu năm 2023, xuất khẩu cá tra ghi nhận sụt giảm về trị giá ở cả 5 thị trường lớn: kim ngạch xuất khẩu cá tra sang Hoa Kỳ giảm tới 59% so với cùng kỳ năm ngoái, chỉ còn 159 triệu USD; sang Trung Quốc giảm 32%, đạt 325 triệu USD; EU giảm 22%, đạt 101 triệu USD; Brazil giảm 16%, đạt 47 triệu USD; Anh giảm 16%, đạt 40 triệu USD.
Đại diện VASEP cho rằng, ngành thủy sản nói chung và cá tra nói riêng của Việt Nam rất kỳ vọng vào tăng trưởng sau khi Trung Quốc mở cửa, tuy nhiên thực tế kim ngạch xuất khẩu cá tra sang thị trường này lại giảm tới 32%. Nguyên nhân chủ yếu được cho là do nền kinh tế Trung Quốc gặp khó khăn, khiến tiêu dùng tại đây sụt giảm.
Dù vậy, nhìn theo chiều hướng tích cực, mức sụt giảm kim ngạch cá tra tại thị trường Trung Quốc đang ít dần lại, từ mức sụt giảm 65% trong tháng 1/2023 xuống 30% vào tháng 5/2023 và chỉ còn 7% vào tháng 7/2023.
“Điều này kỳ vọng sẽ giúp xuất khẩu cá tra sang Trung Quốc phục hồi vào các tháng cuối năm khi nền kinh tế Trung Quốc khả quan hơn, người tiêu dùng thích nghi dần với bối cảnh mới sau dịch Covid-19” - đại diện VASEP nhấn mạnh.
Cơ quan Hải quan Trung Quốc vừa ra thông báo đình chỉ nhập khẩu các sản phẩm thủy hải sản có nguồn gốc Nhật Bản từ 24/8 nhằm ngăn chặn toàn diện các rủi ro an toàn thực phẩm do ô nhiễm phóng xạ, chỉ vài giờ sau khi Nhật Bản tiến hành xả nước thải hạt nhân qua xử lý từ nhà máy Fukushima Daiichi ra Thái Bình Dương. Giới chuyên gia phân tích, lệnh cấm này của Trung Quốc mang ý nghĩa chính trị hơn là kinh tế.
Tại thị trường Hoa Kỳ, hiện Việt Nam vẫn là nhà cung cấp số một về cá tra nhập khẩu cho Hoa Kỳ khi chiếm tới 91% tổng sản lượng nhập khẩu của nước này.
Tuy nhiên, trong các tháng đầu năm nay, Hoa Kỳ lại là thị trường kém lạc quan nhất của ngành cá tra Việt Nam. Nền kinh tế Hoa Kỳ đã phải đối mặt với sự suy giảm, lạm phát ở mức cao, tồn kho cá tra của các nhà nhập khẩu lớn,… các yếu tố này đã đưa lượng và trị giá xuất khẩu cá tra Việt Nam sang thị trường này giảm tới gần 60%.
Mặc dù vậy, việc xuất khẩu cá tra sang một số thị trường nhỏ đang có sự tăng trưởng tốt. “Đây được coi là điểm sáng trong bức tranh xuất khẩu năm 2023 cũng như là niềm hy vọng của các doanh nghiệp cá tra khi đang gặp khó khăn tại các thị trường lớn truyền thống.” - Đại diện VASEP nhận định.
Điển hình, xuất khẩu cá tra Việt Nam sang Phần Lan tăng cao gấp 18 lần so với cùng kỳ năm 2022; sang thị trường Đức và Thuỵ Điển đều tăng 25%, New Zealand tăng 17% và Singapore tăng nhẹ 1% so với cùng kỳ năm ngoái.
VASEP dự báo những tháng cuối năm 2023, xuất khẩu cá tra sang thị trường Hoa Kỳ có thể sẽ chững lại, nhưng đặt kỳ vọng vào thị trường Trung Quốc sẽ hồi phục tốt hơn về nhu cầu, xuất khẩu cá tra có khả năng cao hơn nửa đầu năm 2023. Do đó, dự báo cả năm 2023 xuất khẩu cá tra có thể đạt 1,7 tỷ USD, giảm 32% so với năm 2022.