Thanh niên Việt Nam tiếp tục đóng góp hành động vì khí hậu năm 2022

Từ ngày 18 -20/8, Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) và Cục Biến đổi khí hậu, Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức Trại viết thanh niên cập nhật Báo cáo đặc biệt “Thanh niên Việt Nam hành động vì khí hậu” 2022.

khi hau

Giáo sư Trần Thục (Phó Chủ tịch Hội đồng tư vấn Quốc gia về BĐKH), Tiến sĩ Tăng Thế Cường, Cục trưởng Cục Biến đổi khí hậu, Bộ Tài nguyên và Môi trường, các chuyên gia trong nước, chuyên gia UNDP và hơn 20 thanh niên từ các vùng miền khác nhau, đã tham dự trại viết.

Báo cáo đặc biệt Thanh niên Việt Nam hành động vì khí hậu do UNDP tại Việt Nam công bố từ năm 2021, do nhóm 20 thanh niên đại diện cho khoảng 1.000 thanh niên đến từ ba miền: Bắc, Trung, Nam của Việt Nam thực hiện. Mục đích của báo cáo là nêu lên tiếng nói của người trẻ cũng như chia sẻ tầm nhìn chung của họ với các nhà hoạch định chính sách, để thanh niên có thể nhận được các hỗ trợ cần thiết và tăng cường sự đóng góp của thanh niên cho các hành động vì khí hậu.

Báo cáo chỉ ra những thách thức cụ thể mà thanh niên phải đối mặt trong việc thực hiện hành động vì khí hậu như khả năng tiếp cận công nghệ và nguồn tài chính hạn chế, thiếu cơ hội hợp tác với các bên liên quan, đồng thời nêu bật hướng giải quyết cho những nút thắt này.

Nhiều sáng kiến của thanh niên đề cập trong báo cáo đã nhận được giải thưởng và được giới thiệu rộng rãi thông qua Cuộc thi “Thanh niên sáng tạo vì khí hậu”. Các hành động mới cũng được thiết kế, xây dựng và thực hiện như tạo ra một không gian học tập trực tuyến cho thanh niên về khoa học, chính sách và hành động liên quan đến khí hậu…

hình ảnh tại sự kiện
Báo cáo đặc biệt Thanh niên Việt Nam hành động vì khí hậu do UNDP tại Việt Nam công bố từ năm 2021, do nhóm 20 thanh niên đại diện cho khoảng 1.000 thanh niên đến từ ba miền: Bắc, Trung, Nam của Việt Nam thực hiện.

Chia sẻ tại sự kiện ông Tăng Thế Cường, Cục trưởng Cục Biến đổi khí hậu khuyến khích các bạn thanh niên cần cập nhật thông tin sâu rộng hơn, có những ví dụ điển hình thực tiễn của thanh niên ở các vùng, miền trên cả nước; đưa ra những khuyến nghị của thanh niên cần làm gì để góp phần cho việc xây dựng chính sách ứng phó với BĐKH.

“Báo cáo cần mang tính toàn diện hơn để UNDP và Bộ TN&MT có thể sẽ chuyển tới Hội nghị COP27 vào cuối năm nay. Các bạn thanh niên cần phát huy vai trò xung kích, tình nguyện, năng động và sáng tạo, phát huy tại diễn đàn về ứng phó với biến đổi khí hậu, để đóng góp chung cho công cuộc ứng phó với BĐKH của Việt Nam, tăng cường hợp tác với thanh niên khu vực ASEAN và tham gia các diễn đàn thanh niên toàn cầu,” ông nói.

Phát biểu tại Trại viết, ông Patrick Haverman nhấn mạnh “Nếu chỉ có Chính phủ hành động sẽ không thể chiến thắng trong cuộc đua ứng phó với biến đổi khí hậu. Họ cần sự hỗ trợ của toàn xã hội, bao gồm cả thanh niên, hiện đang đại diện cho trên 23% dân số ở Việt Nam. Tuổi trẻ là sức mạnh để đổi mới và hành động.”

Cùng với các đối tác của mình, đặc biệt là Bộ Tài nguyên và Môi trường, UNDP cho biết quyết tâm thúc đẩy một môi trường thuận lợi cho các công dân trẻ tham gia vào quá trình chuyển đổi sang một tương lai xanh và sạch hơn.

Trại viết diễn ra trong bối cảnh khi các quốc gia đang chuẩn bị cho phiên họp thứ 27 của Hội nghị các bên tham gia Công ước khung của Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu (COP27) để đưa ra giải pháp cho những cảnh báo thảm khốc trong Báo cáo đánh giá lần thứ sáu của Ủy ban Liên chính phủ về Biến đổi khí hậu (IPCC), mà Tổng thư ký Liên hợp quốc, Antonio Guterres gọi là “mã màu đỏ cho nhân loại”.

Theo cảnh báo của IPCC tại Báo cáo đánh giá lần này, các hoạt động thường ngày sẽ làm đảo ngược lại bất kỳ lợi ích phát triển nào đối với việc thực hiện các Mục tiêu Phát triển Bền vững và sẽ ảnh hưởng đến khả năng được sống trong một thế giới bền vững của các thế hệ tương lai trong vài thập kỷ tới.

PV