Thành phố Hồ Chí Minh: Đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền về an toàn thực phẩm

Thực hiện Kế hoạch của Ban Chỉ đạo Liên ngành về An toàn thực phẩm Thành phố Hồ Chí Minh về công tác đảm bảo an toàn thực phẩm năm 2022, 9 tháng đầu nay, Thành phố Hồ Chí Minh đã triển khai thực hiện nghiêm túc có hiệu quả mục tiêu trọng tâm đề ra, tăng cường trách nhiệm quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm trong tình hình mới. Xuyên suốt quá trình thực hiện nhiệm vụ của mình, công tác truyền thông về an toàn thực phẩm trên địa bàn Thành phố luôn được chú trọng.

Theo đánh giá Ban Chỉ đạo Liên ngành về An toàn thực phẩm Thành phố Hồ Chí Minh, công tác truyền thông kịp thời, đầy đủ đã cung cấp các thông tin với nội dung tích cực, rõ ràng, chính xác, nhất quán và minh bạch các vấn đề về an toàn thực phẩm, xử lý kịp thời các thông tin trái chiều, thiếu chính xác gây hoang mang cho cộng đồng.

Trong đó, tập trung truyền thông nhắm đến 4 đối tượng chính trong chiến dịch truyền thông là người nội trợ (người trực tiếp chọn mua, chế biến thực phẩm cho gia đình), người tiêu dùng thực phẩm, người sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm, chính quyền các cấp, các nhà quản lý.

Ban Chỉ đạo liên ngành về An toàn thực phẩm Thành phố Hồ Chí Minh (Ban Chỉ đạo) thường xuyên chỉ đạo các cơ quan, đơn vị thông tin kịp thời, đầy đủ các thông tin với nội dung tích cực, rõ ràng, chính xác, nhất quán và minh bạch các vấn đề về an toàn thực phẩm; đồng thời xử lý kịp thời các thông tin trái chiều, thiếu chính xác gây hoang mang cho cộng đồng.

Huy động tối đa các kênh truyền thông phổ biến các quy định của pháp luật về an toàn thực phẩm cũng như các kiến thức trong lựa chọn, bảo quản, chế biến và tiêu dùng thực phẩm đến người dân với nội dung phù hợp với từng đối tượng, phương tiện truyền thông đa dạng. Đặc biệt, phổ biến bằng cách viết và đăng tải các bài viết về hướng dẫn, khuyến cáo người tiêu dùng nhận biết và lưu ý khi lựa chọn thực phẩm an toàn trên Trang thông tin điện tử của Ban Quản lý An toàn thực phẩm và các sở, ngành, quận/huyện.

Bên cạnh đó, Ban chỉ đạo đã treo 1.271 băng rôn ngang, cấp phát 44.973 poster, 220.348 tờ gấp, tờ rơi tuyền cho cơ sở sản xuất, kinh doanh, người tiêu dùng, 180 buổi nói chuyện/hội nghị với 7.817 người tham dự, 11.372 lượt phát thanh trên toàn Thành phố Hồ Chí Minh.

Triển khai 345 lớp tập huấn với 20.395 người tham dự tuyên truyền về công tác đảm bảo an toàn thực phẩm cho các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, các cơ sở bếp ăn tập thể, chế biến suất ăn sẵn, cán bộ quản lý, nhân viên phụ trách bếp ăn tập thể trong các KCX-KCN trên địa bàn Thành phố, tại các chợ truyền thống và tuyên truyền về vệ sinh thú y, an toàn thực phẩm tại các cơ sở giết mổ.

 Ngoài ra, do tình hình dịch COVID-19, việc tổ chức Lễ phát động “Tháng hành động vì an toàn thực phẩm” năm 2022 được thay thế bằng hình thức thực hiện các xe loa tuyền truyền phát động Tháng hành động trên các tuyến đường chính trên toàn Thành phố nhằm tuyên truyền các thông điệp về đảm bảo an toàn thực phẩm. Song song đó, huy động sự tham gia vận động, tuyên tuyền từ Hội Nông dân và Hội Liên hiệp Phụ nữ cũng đã mang lại các nội dung sinh động, phù hợp đến người dân.

Thực hiện các xe loa tuyền truyền phát động Tháng hành động trên các tuyến đường chính trên toàn Thành phố

Mặt khác, các sở, ngành liên quan tăng cường phối hợp với các cơ quan báo chí tăng thời lượng, thông tin chính xác, đầy đủ về công tác đảm bảo an toàn thực phẩm trong sản xuất, kinh doanh, lựa chọn, tiêu dùng thực phẩm và phòng, chống ngộ độc thực phẩm, chú trọng truyền thông nhằm chuyển đổi hành vi, tập quán lạc hậu không đảm bảo an toàn thực phẩm hướng vào đối tượng sản xuất, kinh doanh nhỏ lẻ. Đài Truyền hình Thành phố đã tiến hành tuyên truyền, phổ biến công tác đảm bảo an toàn thực phẩm qua các chương trình truyền hình.

Truyền thông về công tác chủ động phòng chống dịch bệnh cúm gia cầm trên địa bàn Thành phố bằng nhiều hình thức nhằm nâng cao ý thức cho người tiêu dùng chỉ sử dụng các sản phẩm gia cầm đảm bảo quy định của ngành thú y, an toàn thực phẩm, đảm bảo nguồn gốc xuất xứ, góp phần giảm thiểu tình trạng giết mổ, kinh doanh gia cầm trái phép, không rõ nguồn gốc.

Ghi nhận những kết quả khả quan trong việc bảo đảm an toàn thực phẩm, tuyên truyền những mô hình thực phẩm xanh, sạch nhằm định hướng lựa chọn cho người tiêu dùng, cơ quan báo chí đã kịp thời và chủ động tuyên truyền về các mô hình kinh doanh đạt chuẩn, về các đề án nuôi trồng áp dụng công nghệ cao, đem đến nguồn hàng chất lượng, đạt tiêu chuẩn xanh, sạch, an toàn, với mong muốn người dân ủng hộ thực phẩm sạch, mua hàng ở nơi có uy tín, không mua hàng trôi nổi nhằm đảm bảo sức khỏe và phòng ngừa tối đa nguy cơ ngộ độc thực phẩm.

Ngoài ra, Ban Chỉ đạo tiếp tục thực hiện Đề án phát triển trang thông tin điện tử, theo đó, cập nhật thường xuyên các văn bản quy phạm pháp luật, các thủ tục hành chính; cung cấp kịp thời các tin tức, sự kiện nổi bật về an toàn thực phẩm; cung cấp các thông tin về các cơ sở đạt chuẩn và các cơ sở vi phạm an toàn thực phẩm nhằm thông báo kịp thời đến người dân và cộng đồng; giới thiệu chuỗi thực phẩm an toàn, các địa điểm cung cấp thực phẩm sạch để người dân lựa chọn.

Từ nay tới cuối năm, Ban chỉ đạo tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến các văn bản pháp luật về an toàn thực phẩm mới có hiệu lực đến các cơ sở sản xuất, kinh doanh trên địa bàn, trong đó chú trọng địa bàn vùng ven. Phối hợp cùng các cơ quan, đơn vị có liên quan, cung cấp thông tin cho báo chí để đảm bảo tuyên truyền kịp thời, chính xác các chủ trương, chỉ thị của Trung ương và Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh nhằm thực hiện hiệu quả các cuộc vận động, tuyên truyền.

Phối hợp xử lý các thông tin tiêu cực, không chính xác gây hoang mang, ảnh hưởng không tốt đến dư luận xã hội, xác định rõ các nội dung trọng tâm cần tuyên truyền ở mỗi thời điểm cụ thể để chỉ đạo các cơ quan báo, đài Thành phố tuyên truyền kịp thời, chính xác, hiệu quả về các nội dung liên quan đến công tác đảm bảo an toàn thực phẩm trên địa bàn Thành phố.

 

Thăng Long