Thị trường nông sản thế giới tăng giá bất chấp các dữ liệu trái chiều của USDA

Chốt phiên giao dịch ngày 13/7, giá nông sản trên thị trường thế giới có xu hướng tăng lên bất chấp các dữ liệu mới nhất của Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ trái ngược với nhận định của thị trường.
Giá nông sản
 Diễn biến giá ngô, đậu tương, lúa mì trên sàn CBOT kể từ tháng 1/2020 đến nay (Đồ hoạ: Công ty Cổ phần Saigon Futures)

Chốt phiên giao dịch ngày 13/7 (theo giờ địa phương), giá ngô giao tháng 12/2021 trên Sàn giao dịch hàng hoá Chicago (CBOT) tăng 7,75 cents lên 5,4050 USD/giạ (25,4 kg/giạ ngô). Giá đậu tương giao tháng 10/2021 cũng tăng nhẹ 1,50 cents lên mức 13,5125 USD/giạ (27,2 kg/giạ đậu tương).

Trong đầu phiên giao dịch, dưới tác động của Báo cáo Triển vọng cung cầu nông sản thế giới (WASDE) tháng 7/2021 do Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ (USDA) công bố, thị trường nông sản Hoa Kỳ có xu hướng giảm xuống. Tuy nhiên, đến cuối phiên giao dịch, tâm lý thị trường được cải thiện đã giúp giá các loại nông sản chính tăng lên. 

Cụ thể, báo cáo WASDE tháng 7/2021 cho thấy lượng tồn kho đậu tương và ngô của Hoa Kỳ cũng như trên toàn cầu vào cuối niên vụ 2021/2022 tăng cao hơn so với báo cáo hồi tháng 6/2021.

Công ty Cổ phần Saigon Futures, đơn vị tư vấn phái sinh hàng hoá tại Việt Nam, cho biết lượng tồn trữ đậu tương và đậu tương trên toàn cầu vào cuối niên vụ 2021/2022 còn cao hơn cả các dự báo của thị trường đưa ra trước đó. Điều này đã khiến giá các loại nông sản chịu áp lực giảm khi báo cáo WASDE tháng 7/2021 mới được công bố.

Xem chi tiết phân tích của Công ty Cổ phần Saigon Futures về tác động của báo cáo WASDE tháng 7/2021 đến thị trường nông sản thế giới tại đây.

Đối với mặt hàng ngô, mặc dù dữ liệu trong báo cáo WASDE tháng 7/2021 trái ngược với dự báo của thị trường và đẩy giá ngô xuống thấp trong đầu phiên giao dịch, giá ngô có xu hướng tăng trở lại về cuối phiên giao dịch khi thị trường nhận thấy vẫn còn quá sớm để đánh giá tác động lượng tồn trữ và năng suất canh tác ngô niên vụ 2020/2021 cũng như niên vụ 2021/2022 lên giá ngô hiện nay.

Báo cáo nông sản
 Dữ liệu về mức tồn kho đậu tương, ngô và lúa mì cuối niên vụ 2021/2022 tại Hoa Kỳ cũng như trên toàn cầu (Đồ hoạ: Công ty Cổ phần Saigon Futures)

Trong khi đó, giá đậu tương được nâng đỡ một phần khi dữ liệu trong báo cáo WASDE tháng 7/2021 cho thấy tồn kho đậu tương cuối niên vụ 2020/2021 của Hoa Kỳ thấp hơn so với các dự báo của thị trường cũng như thấp hơn so với báo cáo WASDE tháng 6/2021.

Tháng 7 được đánh giá là thời điểm quan trọng đối với hoạt động sinh trưởng các loại nông sản chính tại Hoa Kỳ do đó thị trường hiện tập trung theo dõi thêm diễn biến nông vụ trong các báo cáo tiếp theo của USDA để đánh giá chính xác hơn diễn biến giá ngô, đậu tương và lúa mì trong thời gian tới.

Trong tuần trước, thị trường nông sản đã chứng kiến làn sóng bán tháo diện rộng bất chấp nhiều thông tin cơ bản hỗ trợ giá. Một số phân tích cho thấy thị trường sẽ còn tiếp tục dao động mạnh và phụ thuộc nhiều vào diễn biến thời tiết nông vụ của Hoa Kỳ trong 30 – 45 ngày tới đây.

Dưới đây là một số điểm quan trọng trong báo cáo WASDE tháng 7/2021 của USDA.

Tồn kho đậu tương
 Dữ liệu về mức tồn kho đậu tương, ngô và lúa mì cuối niên vụ 2020/2021 tại Hoa Kỳ cũng như trên toàn cầu (Đồ hoạ: Công ty Cổ phần Saigon Futures)
Triển vọng mặt hàng đậu tương
 Triển vọng mặt hàng đậu tương tại Hoa Kỳ và trên toàn cầu (Đồ hoạ: Công ty Cổ phần Saigon Futures)
Triển vọng giá ngô
 Triển vọng mặt hàng ngô tại Hoa Kỳ và trên toàn cầu (Đồ hoạ: Công ty Cổ phần Saigon Futures)
Quang Đặng