Thiết kế và xây dựng 01 mô hình kho thông minh phục vụ cho công tác đào tạo nguồn nhân lực quản lý trong ngành logistics

Xây dựng và hoàn thiện giải pháp đồng bộ mô hình cất trữ và soạn hàng thông minh phục vụ cho công tác đào tạo, để tiến tới hoàn thiện sản phẩm thương mại đáp ứng nhu cầu của các doanh nghiệp trong nước và quốc tế.

Thông tin chung đề tài:

Tác giả: TS. Trần Anh Quân; ThS. Nguyễn Chí Cường; TS. Nguyễn Đức Minh và các cs

Đơn vị: Công ty CP Viện Máy và Dụng cụ Công nghiệp (Viện IMI)

Nội dung chính của giải pháp/nghiên cứu

- Tổng quan về cách mạng công nghiệp 4.0.

- Hệ thống hoá những chức năng cơ bản của logistics.

- Logistics phục vụ công nghiệp 4.0 và nền kinh tế số.

- Nghiên cứu ý niệm về nhà máy thông minh và những vấn đề về logistics.

- Nghiên cứu, phân tích và dự báo xu thế phát triển về xã hội, kinh doanh của ngành logistics.

- Nghiên cứu, phân tích và dự báo xu thế phát triển về công nghệ của ngành logistics.

- Xây dựng chương trình đào tạo thực tế về logistics phù hợp.

- Một số giải pháp công nghệ về logistics ban đầu cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ (SMEs) trong nền kinh tế số, với đặc thù Việt Nam, trong bối cảnh toàn cầu hoá.

- Nghiên cứu tổng quan công nghệ, thiết bị kho logistics thông minh với trọng tâm là hệ thống cất trữ và sắp xếp hàng thông minh 

- Thiết kế, chế tạo hệ thống cất trữ và sắp xếp hàng thông minh.

- Xây dựng giải pháp, phần mềm điểu khiển hệ thống cất trữ và sắp xếp hàng thông minh.

- Lắp ráp, thử nghiệm, hiệu chỉnh và hoàn thiện hệ thống cất trữ và sắp xếp hàng thông minh.

Mục tiêu giải pháp/nghiên cứu

- Cung cấp được thông tin toàn diện, hữu ích về những công nghệ cốt lõi, nền tảng trong ngành logistics.

- Đề xuất được một số giải pháp công nghệ cho hoạt động logistics trong quá trình phát triển theo xu thế cách mạng công nghiệp 4.0 của các doanh nghiệp quy mô vừa và nhỏ tại Việt Nam.

- Xây dựng được và hoàn thiện giải pháp đồng bộ mô hình cất trữ và soạn hàng thông minh phục vụ cho công tác đào tạo, để tiến tới hoàn thiện sản phẩm thương mại đáp ứng nhu cầu của các doanh nghiệp trong nước và quốc tế.

Kết quả nghiên cứu/giải pháp

Về khoa học và công nghệ, công trình đã xây dựng Báo cáo đầy đủ cung cấp thông tin toàn diện, hữu ích về những công nghệ cốt lõi, nền tảng trong ngành logistics;

- Công trình đã có bộ đề xuất một số giải pháp công nghệ cho hoạt động logistics trong quá trình phát triển theo xu thế cách mạng công nghiệp 4.0 của các doanh nghiệp quy mô vừa và nhỏ tại Việt Nam;

- Công trình đã xây dựng và hoàn thiện giải pháp đồng bộ mô hình cất trữ và sắp xếp hàng hóa thông minh phục vụ cho công tác đào tạo (bao gồm 01 mô hình hệ thống cất trữ và sắp xếp hàng thông minh, hoạt động tốt trong thực tế, đáp ứng mục đích phục vụ cho công tác đào tạo; Kích thước mô hình: ≈ 2 m x 3 m x 1 m), để tiến tới hoàn thiện sản phẩm thương mại đáp ứng nhu cầu của các doanh nghiệp trong nước và quốc tế.

Tác động và lợi ích mang lại của kết quả nghiên cứu đối với lĩnh vực KH&CN có liên quan: Tiếp cận sâu và làm chủ khái niệm công nghiệp 4.0, nhà máy thông minh, logistics 4.0; Tiếp cận sâu các xu thế phát triển toàn diện của công nghiệp và logistics trong nền kinh tế số (xã hội và kinh doanh, kỹ thuật và công nghệ); Lan toả sang các lĩnh vực nghiên cứu khác thông qua các dự báo và kịch bản phát triển.

Tác động và lợi ích mang lại của kết quả nghiên cứu đối với tổ chức chủ trì và các cơ sở ứng dụng kết quả nghiên cứu: Tạo điều kiện nâng cao vị thế của các nhà nghiên cứu và sản xuất thiết bị (chuẩn bị năng lực đón đầu hậu công nghiệp 3.0) trong nước, trước mắt để phục vụ ngành logistics, trong bối cảnh thực tế nhiều đơn vị sản xuất còn manh mún lạc hậu, lại bắt buộc tham gia/chịu ảnh hưởng của hội nhập và toàn cầu hoá; Tạo hướng nghiên cứu mới tích hợp đa ngành, đa lĩnh vực, đem lại sức cạnh tranh và giá trị gia tăng cao, giá trị mới cho sản phẩm.

Tác động đối với kinh tế - xã hội với môi trường: Sẵn sàng mở rộng và thích ứng với các kịch bản phát triển của kinh tế số; Tiết kiệm ngoại tệ cho đất nước; Củng cố an ninh, quốc phòng khi làm chủ mạng lưới logistics và các thiết bị thông minh trong hệ thống liên mạng; Đào tạo, xây dựng đội ngũ cán bộ KHKH trình độ chuyên môn cao, tạo công ăn việc làm mới cho người lao động; Nâng cao “tri thức” tích hợp trong các sản phẩm nội địa; Góp phần phát triển bền vững cho nền kinh tế (hiệu quả, tiết kiệm, bảo vệ môi trường, an ninh, an toàn, đáp ứng các nhu cầu xã hội học,…).

Tác động đối với cơ quan quản lý: Hệ thống các nghiên cứu chuyên môn sẽ cung cấp dữ liệu phục vụ cho hoạch định chiến lược, chính sách của các cơ quan quản lý trong khung cảnh toàn cầu hoá và xu thế phát triển của Cách mạng công nghiệp 4.0 và nền kinh tế số. Bên cạnh đó là đáp ứng các chủ trương, yêu cầu của quản lý nhà nước: Chỉ thị số 16/CT-TTg ngày 04/05/2017 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường năng lực tiếp cận cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4; Kế hoạch hành động nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển Dịch vụ Logistics Việt Nam đến năm 2025 (Quyết định số 200/QĐ-TTg ngày 14/02/2017 của Thủ tướng chính phủ); Nghị quyết 05-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về một số chủ trương, chính sách lớn nhằm tiếp tục đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao chất lượng tăng trưởng, năng suất lao động, sức cạnh tranh của nền kinh tế; Nghị quyết 05-NQ/TW nhấn mạnh Logistics là ngành dịch vụ tiềm năng cần phải được tập trung phát triển.