Dữ liệu chính thức của Cơ quan Thống kê Quốc gia Trung Quốc (NBS) cho thấy hoạt động sản xuất chế tạo của nước này trong tháng 9 vừa qua đã bật ngờ sụt giảm trở lại, trái ngược với dự báo của giới quan sát.
Cụ thể, chỉ số Nhà quản trị mua hàng (PMI) trong tháng 9/2021 của nước này chỉ đạt 49,6 điểm, thấp hơn mức 50,1 điểm. Đây cũng là lần đầu tiên kể từ hồi tháng 2/2020, chỉ số PMI lĩnh vực sản xuất chế tạo của Trung Quốc giảm dưới ngưỡng 50 điểm, dấu hiệu cho thấy các hoạt động công nghiệp đã bị thu hẹp trong thời gian vừa qua.
NBS cho biết sự sụt giảm chỉ số PMI trong tháng vừa qua chủ yếu do tình trạng thiếu hụt năng lượng, mất điện diện rộng khiến hoạt động sản xuất bị gián đoạn. Các dữ liệu cho thấy hoạt động sản xuất của các lĩnh vực công nghiệp tiêu thụ nhiều năng lượng của Trung Quốc như lọc hoá dầu và luyện kim trong tháng vừa qua ở mức dưới 45 điểm, phản ánh sự sụt giảm đáng kể về sản lượng của những ngành này.
Giới phân tích cảnh báo tình trạng thiếu điện diện rộng tại Trung Quốc đang gây ra những rủi ro lớn đến các chuỗi cung ứng trên toàn cầu và gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến đà phục hồi kinh tế nước này, kéo theo đó là những tác động đến nhiều nền kinh tế khác. Hoạt động sản xuất tại một số quốc gia Châu Á như Nhật Bản đã bị đình trệ do sự đứt gãy các chuỗi cung ứng có sự tham gia của các nhà máy tại Trung Quốc.
Việc thiếu hụt nguồn cung than kết hợp với các biện pháp giảm lượng phát thải khí nhà kinh tế trong bối cảnh nhu cầu sử dụng điện tại Trung Quốc đang tăng lên đã khiến giá than đá trên thế giới tăng lên mức cao kỷ lục, dẫn tới việc siết chặt sử dụng điện tại nhiều nơi trên khắp Trung Quốc. Ít nhất 20 tỉnh tại nước này đã phải luân phiên cắt điện diện rộng nhằm duy trì hệ thống điện.
Bên cạnh đó, tình trạng giá nguyên vật liệu đầu vào tăng mạnh khiến hoạt động sản xuất của nhiều nhà máy gặp khó khăn. Các chỉ số phụ trong bộ chỉ số PMI cho thấy giá nguyên vật liệu đầu vào cho các nhà máy tại Trung Quốc trong tháng trước đạt tới 63,5 điểm, cao hơn nhiều so với mức 61,3 điểm hồi tháng 8. Trong khi đó, chỉ số đơn đặt hàng mới của các nhà máy tiếp tục giảm tháng thứ 2 liên tiếp xuống còn 49,3 điểm.
Trong những tháng gần, đà phục hồi kinh tế của Trung Quốc đã bắt đầu chậm lại. Một số nhà quan sát nhận định tăng trưởng kinh tế quý 4 năm nay của Trung Quốc có thể sẽ tiếp tục suy yếu nếu như chính phủ nước này không có các chính sách thích hợp.
Ông Zhiwei Zhang, nhà kinh tế trưởng của quỹ đầu tư Pinpoint Asset Management (Trung Quốc), nhận định “Câu hỏi lớn hiện nay là liệu Chính phủ Trung Quốc có điều chỉnh ngay chính sách tiền tệ và tài khoá để tăng cường hỗ trợ nền kinh tế hay nước này sẽ đợi đến cuối năm nay mới thay đổi các chính sách”.
Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC) hiện đã giữ nguyên mức lãi suất điều hành cho vay đối với các doanh nghiệp và các hộ gia đình tháng thứ 17 liên tiếp. Hồi giữa tháng 7 vừa qua, PBoC đã nới lỏng các quy định về lượng dự trữ tiền bắt buộc đối với các ngân hàng tại nước này.