Phát biểu tại Hội nghị Tổng kết công tác năm 2020, triển khai nhiệm vụ năm 2021 ngành Công Thương, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ghi nhận, đánh giá cao và biểu dương sự nỗ lực và những kết quả quan trọng mà ngành Công Thương đạt được trong năm 2020.
“Trong năm 2020, ngành Công Thương đã làm được rất nhiều việc, có nhiều cải cách mạnh mẽ, quyết liệt, đồng hành vì sự phát triển của doanh nghiệp và nền kinh tế”, Thủ tướng nhấn mạnh.
Tóm tắt một số thành công lớn của ngành Công Thương, Thủ tướng cho rằng công tác chỉ đạo điều hành, xây dựng thể chế, cải cách hành chính được thực hiện tốt, đạt hiệu quả; bảo đảm sự phối hợp chặt chẽ trong công tác điều hành giá các mặt hàng do Nhà nước quản lý, nhất là việc điều hành giá mặt hàng xăng dầu, bình ổn thị trường; tham mưu cho Chính phủ trong điều hành và tổ chức thực hiện tốt việc giảm giá điện cho người dân và doanh nghiệp trong thời kỳ dịch bệnh Covid-19.
Công tác cải cải hành chính, xây dựng Chính phủ điện tử của Bộ Công Thương không ngừng đổi mới, đi vào chiều sâu hơn. Sau 2 lần thực hiện cắt giảm, đơn giản hóa điều kiện đầu tư, kinh doanh thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Công Thương còn lại 553 điều kiện thuộc 25 ngành nghề kinh doanh có điều kiện của Luật Đầu tư, giảm được 880 điều kiện đầu tư kinh doanh.
Mặc dù gặp nhiều khó khăn do tác động của đại dịch Covid-19 nhưng sản xuất công nghiệp vẫn đạt mức tăng trưởng dương; duy trì được sản xuất, xuất khẩu, tạo việc làm và thu nhập cho người lao động. Ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tiếp tục là động lực tăng trưởng của toàn ngành công nghiệp.
Xuất khẩu vẫn giữ nhịp độ tăng trưởng, ước đạt 281,5 tỷ USD, tăng 6,5% so với cùng kỳ năm 2019. Cơ cấu hàng hóa xuất khẩu tiếp tục cải thiện theo chiều hướng tích cực, giảm hàm lượng xuất khẩu thô, tăng xuất khẩu sản phẩm chế biến, sản phẩm công nghiệp, hàng hóa Việt Nam tham gia sâu hơn vào chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu. Có 31 mặt hàng xuất khẩu trên 1 tỷ USD, trong đó có 9 mặt hàng xuất khẩu trên 5 tỷ USD và 6 mặt hàng xuất khẩu trên 10 tỷ USD. Xuất siêu ghi nhận mức kỷ lục gần 19,1 tỷ USD.
Hội nhập kinh tế quốc tế đạt được nhiều kết quả quan trọng và các kết quả năm 2020 đã đưa Việt Nam trở thành một trong những nền kinh tế có độ mở lớn và có quan hệ thương mại với trên 230 thị trường, trong đó có FTA với 60 nền kinh tế.
Thủ tướng nhấn mạnh, Bộ Công Thương đã phối hợp với các bộ ngành liên quan thực hiện có hiệu quả các vụ việc, đảm bảo quyền và lợi ích chính đáng của các ngành sản xuất, xuất khẩu của Việt Nam; đã kháng nghị thành công 65 vụ việc, giúp nhiều doanh nghiệp, mặt hàng xuất khẩu tiếp tục được hưởng mức thuế 0% hoặc rất thấp.
Hoan nghênh Bộ Công Thương thẳng thắn nhìn nhận các tồn tại, hạn chế trong năm 2020 cũng như giai đoạn 2016-2020 để có các biện pháp khắc phục trong thời gian tới, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc lưu ý ngành Công Thương tiếp tục tập trung xử lý, khắc phục một số vấn đề.
Lấy doanh nghiệp làm trọng tâm phát triển
Trước bối cảnh đó, Thủ tướng đề nghị ngành Công Thương cần xây dựng và hoàn thiện hệ thống chính sách với tầm nhìn dài hạn, nhất quán, tạo ra môi trường thuận lợi, đồng bộ hướng vào tăng năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của ngành. Tạo lập hệ thống đòn bẩy kinh tế hợp lý, ổn định và dài hạn để thúc đẩy phân bổ và sử dụng nguồn lực xã hội chủ yếu theo nguyên tắc cơ chế thị trường.
Cùng với đó, nâng cao năng suất nội ngành của các ngành công nghiệp; phát triển ngành công nghiệp phải giảm phụ thuộc vào lợi thế không bền vững của nguồn tài nguyên như dầu thô, dầu mỏ, thay vào đó phải chuyển ngành công nghiệp dựa trên khai thác tự nhiên sang nền công nghiệp dựa trên nền tảng sáng tạo lấy khoa học công nghệ làm động lực và nền tảng cạnh tranh.
“Phải coi doanh nghiệp là trung tâm đổi mới sáng tạo, là trọng tâm của sự phát triển ngành Công Thương để tiếp tục tạo ra thay đổi, nâng cao sức cạnh tranh bằng việc tạo ra môi trường thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp tốt hơn nữa trong hoạt động sản xuất kinh doanh”, Thủ tướng giao nhiệm vụ.
Ngoài ra, Thủ tướng cũng đề nghị, ngành Công Thương cần cơ cấu lại mạnh mẽ ngành công nghiệp, phải bám vào tăng năng suất, áp dụng tiến bộ khoa học công nghệ, đặc biệt là ứng dụng thành tựu của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, đồng thời, chú trọng phát triển công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp sản xuất linh kiện, cụm linh kiện nhằm tham gia sâu và có hiệu quả vào chuỗi giá trị toàn cầu.
Ngành cần thực hiện đồng bộ, hiệu quả các giải pháp thúc đẩy xuất khẩu, theo dõi sát diễn biến tình hình để có đối sách phù hợp. Chú trọng phát triển thị trường trong nước theo chiều sâu, phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại, gian lận xuất xứ hàng hóa; phát huy vai trò của các hiệp hội ngành hàng, người tiêu dùng. Làm tốt hơn nữa công tác thị trường, bao gồm cả dự báo, cân đối cung cầu, cả phát triển thị trường mới và đặc biệt là xây dựng thương hiệu hàng hóa Việt Nam…
Năm 2021, Quốc hội giao chỉ tiêu tăng trưởng GDP là 6%. Chính phủ phấn đấu đạt tăng trưởng 6,5% với các động lực tăng trưởng chính là xuất khẩu, tiêu dùng, đầu tư.
Để “cỗ xe tam mã” này tiếp tục phát huy trong năm 2021 với quy mô lớn hơn, Thủ tướng đề nghị ngành Công Thương tiếp tục phấn đấu đạt kết quả mọi mặt tốt hơn năm 2020, tổ chức thực hiện tốt phương châm “đoàn kết, kỷ cương, đổi mới, sáng tạo, khát vọng phát triển” để phát triển mạnh mẽ, góp phần quan trọng vào phát triển đất nước.
“Toàn ngành Công Thương phải lo phục vụ tết cho nhân dân, không để thiếu hàng hóa, nhất là vùng xa, các trung tâm lớn”, Thủ tướng giao nhiệm vụ và tin tưởng rằng, với truyền thống đoàn kết, gắn bó, sáng tạo, hăng say lao động và chuyên nghiệp, nhất định toàn thể cán bộ, công chức, viên chức, người lao động của ngành Công Thương sẽ đoàn kết, chung sức, đồng lòng, vượt qua khó khăn thách thức, nỗ lực phấn đấu sẽ thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra, đóng góp to lớn hơn nữa cho sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.