Thúc đẩy hợp tác, tiến tới sớm ký kết Bản ghi nhớ về năng lượng, khoáng sản Việt Nam - Australia

Tại Hội nghị Bộ trưởng Thương mại của các thành viên Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) tại Auck, New Zealand, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên đã buổi tiếp song phương ông Tim Ayres, Thứ trưởng Thương mại kiêm Thứ trưởng sản xuất Australia, Bộ Ngoại giao và Thương mại Australia vào ngày 16/7/2023.
Việt Nam - Australia
Buổi tiếp song phương giữa Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên và ông Tim Ayres, Thứ trưởng Thương mại kiêm Thứ trưởng sản xuất Australia, Bộ Ngoại giao và Thương mại Australia

Trong bối cảnh nền kinh tế thế giới phục hồi chậm, nhu cầu sụt giảm, trao đổi thương mại hai chiều giữa Việt Nam - Australia cũng gặp nhiều khó khăn, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đã đề nghị Bộ Ngoại giao và Thương mại Australia cần phối hợp chặt chẽ, đẩy mạnh các hoạt động hợp tác vừa tháo gỡ khó khăn, vừa thúc đẩy trao đổi thương mại song phương giữa Việt Nam - Australia như tăng cường các hoạt động xúc tiến thương mại, trao đổi đoàn doanh nghiệp, sớm mở cửa thị trường cho các sản phẩm nông sản của Việt Nam như quả chanh leo và quả bưởi…

Hai bên đã nhất trí thúc đẩy để sớm tổ chức kỳ họp lần thứ nhất Đối thoại cấp Bộ trưởng về Thương mại, qua đó trực tiếp trao đổi để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp hai nước trong bối cảnh chịu nhiều ảnh hưởng bất lợi từ suy thoái kinh tế hậu Covid-19, đồng thời đưa ra các giải pháp thúc đẩy thương mại song phương đang trong đà suy giảm 6 tháng đầu năm 2023.

Việt Nam - Australia
Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đề nghị ông Tim Ayres quan tâm, trao đổi với cơ quan phụ trách của Australia để hai bên sớm thống nhất và ký kết Bản ghi nhớ thành lập cơ chế đối thoại cấp Bộ trưởng về Năng lượng, Khoáng sản Việt Nam - Australia trong năm 2023

Bên cạnh đó, để sớm khai thác tiềm năng và thúc đẩy hợp tác giữa hai nước trong lĩnh vực năng lượng, khoáng sản, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cũng đề nghị ông Tim Ayres quan tâm, trao đổi với cơ quan phụ trách của Australia để hai bên sớm thống nhất và ký kết Bản ghi nhớ thành lập cơ chế đối thoại cấp Bộ trưởng về Năng lượng, Khoáng sản Việt Nam - Australia trong năm 2023.

Đây sẽ là cơ chế quan trọng góp phần giúp Việt Nam thực hiện mục tiêu chuyển đổi năng lượng, đảm bảo nguồn nguyên, nhiên liệu đầu vào quan trọng cho ngành công nghiệp, năng lượng Việt Nam do Australia hiện là đối tác cung ứng hàng đầu về sản phẩm than đá, quặng sắt.

Thúc đẩy hợp tác, tiến tới sớm ký kết Bản ghi nhớ về năng lượng, khoáng sản Việt Nam - Australia
Tại buổi tiếp song phương, hai bên đã trao đổi về việc thúc đẩy hợp tác trong khuôn khổ CPTPP và các diễn đàn kinh tế thương mại khu vực và đa phương

Nhân dịp này, hai bên cũng đã trao đổi về việc thúc đẩy hợp tác trong khuôn khổ CPTPP và các diễn đàn kinh tế thương mại khu vực và đa phương.

Hợp tác kinh tế và thương mại là lĩnh vực ưu tiên trong phát triển quan hệ giữa Việt Nam - Australia. Sau khi thiết lập quan hệ đối tác chiến lược, hợp tác thương mại và đầu tư song phương đã phát triển mạnh mẽ.

Hai nước đặt mục tiêu sớm trở thành một trong 10 đối tác thương mại hàng đầu của nhau và mục tiêu này đã trở thành hiện thực bất chấp ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 và suy thoái kinh tế toàn cầu.

Năm 2022, kim ngạch thương mại hai chiều đạt gần 15,7 tỷ USD, tăng 26,7% so với năm 2021; Quý I/2023, kim ngạch thương mại song phương đạt 3,41 tỷ USD, đưa Australia trở thành đối tác thương mại lớn thứ 7 của Việt Nam và Việt Nam trở thành đối tác thương mại lớn thứ 10 của Australia.

Trong đó, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang Australia đạt 5,6 tỷ USD, tăng 26,2%; nhập khẩu hàng hóa từ Australia đạt 10,1 tỷ USD, tăng 27,3%. Các nhóm hàng xuất khẩu chính của Việt Nam sang Australia gồm điện thoại các loại và linh kiện, đạt gần 765 triệu USD, tăng 12,5%; máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng khác 564,6 triệu USD, tăng 62%; máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện 522 triệu USD, tăng 7,4%; thủy sản 365 triệu USD, tăng 37%; hàng dệt, may đạt 446 triệu USD, tăng 27%…

Việt Nam nhập nhiều nguyên, nhiên vật liệu đầu vào phục vụ sản xuất như than các loại, lúa mì, bông các loại, phế liệu sắt thép, sắt thép các loại..., đặc biệt là than đá.

Australia đã mở cửa cho quả vải, xoài, thanh long, nhãn, tôm đông lạnh của Việt Nam. Việt Nam đang thúc đẩy Australia cho phép nhập khẩu chanh leo, chôm chôm, vú sữa, dừa tươi, sầu riêng, tôm tươi nguyên con. Australia thúc đẩy Việt Nam mở cửa nhập khẩu thịt hươu, thịt kangaroo, mật ong, quả đào và xuân đào.

Tính đến hết tháng 2/2023, Australia có 590 dự án đầu tư tại Việt Nam với tổng số vốn đạt khoảng 2 tỷ USD. Trong khi đó, Việt Nam đầu tư sang Australia 88 dự án với tổng vốn đầu tư là 592,3 triệu USD. Trong lĩnh vực nông nghiệp, thủy sản và lâm sản lần đầu tiên vượt mốc ấn tượng 6 tỷ đô la Australia vào năm 2022, đã tăng hơn gấp đôi trong hai năm qua.

Huyền My