Thực phẩm Sao Ta hoàn thành kế hoạch năm 2023
Công ty Cổ phần Thực phẩm Sao Ta (mã cổ phiếu FMC - sàn HoSE) vừa cho biết, tính chung cả năm 2023, doanh số tiêu thụ đạt 200,6 triệu USD, giảm 11,3% so với mức thực hiện của năm 2022 và hoàn thành 100% so với kế hoạch doanh số 200 triệu USD. Trong đó, sản lượng tôm tiêu thụ thành phẩm đạt 17.407 tấn, giảm 3,7% so với năm 2022.
Ban lãnh đạo Thực phẩm Sao Ta chia sẻ, nhìn chung năm 2023 có những khó khăn khá nặng nề, công ty không thể tránh nhưng đã nỗ lực hạn chế tối đa mặt tiêu cực, sự sụt giảm về mặt doanh số chủ yếu do giá bán đầu ra trung bình giảm khoảng 10% so với năm 2022.
Tuy tình hình nuôi tôm cả năm không tốt nhưng vùng nuôi của công ty đã có kết quả khá khả quan, góp phần giảm giá thành sản phẩm cuối cùng, dẫn đến mức lợi nhuận khá ổn, sẽ đạt trên 300 tỷ đồng, ban lãnh đạo Thực phẩm Sao Ta cho biết.
Đây được xem là những kết quả khả quan trong bối cảnh hoạt động xuất khẩu tôm Việt Nam trong năm 2023 chịu tác động mạnh từ tình trạng nhu cầu suy yếu, cạnh tranh quyết liệt từ tôm giá rẻ của Ecuador và Ấn Độ. Theo ước tính của Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thuỷ sản Việt Nam (VASEP), kim ngạch xuất khẩu tôm cả nước năm 2023 ước đạt 3,4 tỷ USD, giảm mạnh 21% so với năm 2022.
Trước đó, ông Hồ Quốc Lực - Chủ tịch HĐQT Thực phẩm Sao Ta đã cho biết, mặc dù kết quả kinh doanh của công ty năm nay sẽ sụt giảm so với năm 2022 nhưng mức sụt giảm này sẽ khả quan hơn nhiều so với mức giảm của toàn ngành chế biến, xuất khẩu tôm Việt Nam nhờ việc công ty đã linh hoạt áp dụng nhiều biện pháp.
Cụ thể, trong khi thị trường xuất khẩu truyền thống là Mỹ gặp khó, Thực phẩm Sao Ta đã chuyển hướng, dồn lực phát triển thị trường Nhật Bản. Để xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản đòi hỏi chất lượng rất cao, ít doanh nghiệp tôm đáp ứng được nhưng đơn giá thường ở mức cao.
Thị trường Nhật Bản vừa giúp công ty tận dụng tối đa lợi thế nhà máy với dây chuyền hiện đại, chuyên cung cấp các sản phẩm tôm chế biến sâu, vừa tránh cạnh tranh trực tiếp về giá với tôm nguyên liệu giá rẻ của Ecuador và Ấn Độ.
Trong số các nước phát triển, nền kinh tế Nhật Bản cũng khá ổn định và chịu ít áp lực từ lạm phát hơn các quốc gia khác. Bên cạnh đó, khi đã tìm được đối tác cung cấp đáp ứng được chất lượng, các doanh nghiệp nhập khẩu Nhật Bản thường có xu hướng ít thay đổi nhà cung cấp, bao tiêu đầu ra cho các doanh nghiệp xuất khẩu, Chủ tịch Thực phẩm Sao Ta cho biết.
Xuất khẩu tôm có thể gặp khí ít nhất 6 tháng nữa
Trong thời gian qua, Thực phẩm Sao Ta cũng tập trung giải quyết “điểm nghẽn” về tự chủ nguyên liệu đầu vào. Vấn đề của nhiều doanh nghiệp thủy sản nói chung và tôm nói riêng tại Việt Nam là khả năng tự chủ còn thấp phải mua tôm từ bên ngoài nên biến động giá tôm nguyên liệu sẽ ảnh hưởng đến biên lợi nhuận.
Thực phẩm Sao Ta đã mở rộng vùng nuôi của mình thêm 203 ha sau khi đưa khu trang trại Vinfarm ở Vĩnh Thuận vào khai thác từ tháng 7/2023, nâng tổng diện tích vùng nuôi lên 525 ha và nâng khả năng tự chủ lên 40% so với mức 30% ghi nhận vào năm 2022. Kỳ vọng kể từ năm 2024 khi vùng nguyên liệu này đi vào hoạt động hoàn toàn sẽ giúp củng cố hơn nữa khả năng tự chủ của Thực phẩm Sao Ta, từ đó giúp cải thiện biên lợi nhuận gộp.
Về triển vọng kinh doanh thời gian tới, ban lãnh đạo Thực phẩm Sao Ta thận trọng nhận định khó khăn đang diễn ra sẽ còn tiếp tục kéo dài, ít ra ở 6 tháng đầu năm 2024 và công ty sẽ có kế hoạch để duy trì nhịp độ kinh doanh.
Bên cạnh đó, vụ kiện chống trợ cấp ngành tôm Việt từ nguyên đơn bên Hoa Kỳ sẽ là thách thức không nhỏ từ năm 2024, khiến công ty phải có sự tính toán trong kinh doanh nhằm giảm thiểu tối đa rủi ro cho mình, ban lãnh đạo Thực phẩm Sao Ta cho biết.