Thực trạng điều tra, áp dụng biện pháp chống bán phá giá và chống trợ cấp đối với một số hàng hoá nhập khẩu vào Việt Nam

Thực tế cho thấy các biện pháp phòng vệ thương mại đã được áp dụng đều đem lại hiệu quả tích cực cho các ngành sản xuất trong nước, giúp ngành khắc phục thiệt hại do sự gia tăng của hàng nhập khẩu gây ra, giữ vững và từng bước phát triển các ngành sản xuất liên quan trong nước.

Hầu hết các hàng hóa là đối tượng áp dụng của các biện pháp phòng vệ thương mại là những mặt hàng có vai trò quan trọng trong nền kinh tế. Các biện pháp phòng vệ thương mại có mục đích đảm bảo môi trường cạnh tranh công bằng giữa doanh nghiệp sản xuất trong nước và doanh nghiệp nước ngoài, tạo điều kiện để ngành sản xuất trong nước phát triển, bảo vệ việc làm trong nước đồng thời giảm mức độ phụ thuộc vào hàng hoá nhập khẩu (đặc biệt đối với các hàng hóa cơ bản, thiết yếu của nền kinh tế như sắt thép, phân bón, v.v), góp phần thực hiện chủ trương công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, ổn định giá đầu vào cho một số ngành sản xuất trong nước.

Nhờ việc áp dụng các công cụ phòng vệ thương mại, nhiều doanh nghiệp thuộc một số ngành kinh tế đã cải thiện đáng kể tình hình sản xuất kinh doanh, thoát khỏi thua lỗ và từng bước ổn định sản xuất. Các biện pháp này đã góp phần bảo vệ công ăn việc làm của hàng trăm nghìn người lao động thuộc nhiều lĩnh vực sản xuất, tăng nguồn thu cho ngân sách nhà nước.

Phòng vệ thương mại
Các biện pháp phòng vệ thương mại đã góp phần bảo vệ công ăn việc làm của hàng trăm nghìn người lao động thuộc nhiều lĩnh vực sản xuất, tăng nguồn thu cho ngân sách nhà nước.

Trong quá trình áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại, những quan ngại về việc khan hiếm hàng hóa, hàng hóa tăng giá do thuế hay việc giảm động lực cạnh tranh của doanh nghiệp trong nước cũng được Bộ Công Thương theo dõi, xử lý thông qua giám sát diễn biến giá và rà soát định kỳ. Thực tế cho thấy nhiều doanh nghiệp sản xuất trong nước đã tăng cường xuất khẩu sau khi biện pháp phòng vệ thương mại được áp dụng (như Công ty Thép Hòa Phát, Tôn Đông Á, DAP-Vinachem…) cho thấy năng lực cạnh tranh quốc tế của các doanh nghiệp trong nước được bảo đảm.

Trên thực tế, các biện pháp phòng vệ thương mại đều chỉ áp dụng với một số quốc gia và vùng lãnh thổ nhất định, do đó, hàng hóa có xuất xứ từ các nước/vùng lãnh thổ còn lại vẫn có thể nhập khẩu vào Việt Nam không phải chịu thuế phòng vệ thương mại và cạnh tranh bình đẳng với hàng hóa sản xuất trong nước.

Tính đến hết năm 2021, Việt Nam đã tiến hành điều tra tổng cộng 25 vụ việc phòng vệ thương mại đối với hàng hóa nhập khẩu vào Việt Nam, trong đó có 16 vụ việc chống bán phá giá, 01 vụ việc chống trợ cấp, 06 vụ việc tự việc và 02 vụ việc chống lẩn tránh biện pháp phóng vệ thương mại.

Riêng trong năm 2021, Bộ Công Thương đã hoàn thành điều tra đối với 06 vụ việc, trong đó có 05 vụ việc Bộ Công Thương đã quyết định áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại đối với hàng nhập khẩu. Đồng thời, Bộ Công Thương đã khởi xướng điều tra 03 vụ việc mới. Bên cạnh đó, Bộ Công Thương đã tiến hành rà soát 07 biện pháp phòng vệ thương mại đang có hiệu lực để cân nhắc điều chỉnh mức độ, phạm vi và thời gian áp dụng các biện pháp theo quy định của pháp luật.

Dưới đây là một số vụ việc điển hình trong công tác phòng vệ thương mại tại Việt Nam thời gian qua.

Áp dụng biện pháp CBPG và chống trợ cấp đối với một số sản phẩm đường mía có xuất xứ từ Thái Lan (AD13-AS01)

Trên cơ sở hồ sơ yêu cầu của đại diện ngành sản xuất trong nước, Bộ Công Thương đã quyết định khởi xướng điều tra vụ việc vào ngày 21/9/2020. Ngày 09/2/2021, Bộ Công Thương đã ban hành Quyết định số 477/QĐ-BCT áp dụng biện pháp chống bán phá giá và chống trợ cấp tạm thời với một số sản phẩm đường mía có xuất xứ từ Thái Lan.

Kết quả điều tra cuối cùng cho thấy các sản phẩm đường mía nhập khẩu từ Thái Lan, bao gồm đường tinh luyện và đường thô, đã được trợ cấp, bán phá giá. Đồng thời, ngành sản xuất đường mía trong nước đã chịu thiệt hại nặng nề, thể hiện ở các yếu tố như hàng hóa nhập khẩu bị điều tra tăng mạnh, có tác động kìm giá, suy giảm sản lượng, công suất, lượng bán hàng, thị phần, doanh thu, lợi nhuận, v.v. Nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng trên là do đường nhập khẩu được trợ cấp và bán phá giá từ Thái Lan tăng mạnh trong năm 2020, lên tới gần 1,3 triệu tấn, tăng 330,4% so với năm 2019.

Sau khi cân nhắc tác động kinh tế - xã hội theo quy định của Luật Quản lý ngoại thương, tình hình cung-cầu hiện nay, ý kiến của các cơ quan quản lý nhà nước, Bộ Công Thương đã ban hành Quyết định số 1578/QĐ-BCT ngày 15/6/2021 áp thuế chống bán phá giá, chống trợ cấp chính thức đối với một số sản phẩm đường mía có xuất xứ Thái Lan ở mức 47,64%.

Điều tra chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại đối với một số sản phẩm đường mía được nhập khẩu từ Lào, Campuchia, Indonesia, Malaysia và Myanmar (AC02- AD13.AS01)

Liên quan đến việc áp thuế chống bán phá giá, chống trợ cấp đối với một số sản phẩm đường mía có xuất xứ Thái Lan, số liệu nhập khẩu của cơ quan hải quan cho thấy lượng nhập khẩu đường được khai báo là có xuất xứ từ 5 nước ASEAN gồm Lào, Campuchia, Indonesia, Malaysia và Myanmar trong giai đoạn 9 tháng sau khi Việt Nam khởi xướng điều tra chống bán phá giá, chống trợ cấp với đường mía từ Thái Lan đã tăng mạnh so với giai đoạn 9 tháng trước đó, cụ thể lượng nhập khẩu tăng từ 107.600 tấn lên 527.200 tấn. Trong khi đó, lượng nhập khẩu đường có xuất xứ từ Thái Lan vào Việt Nam đã giảm gần 38%, từ 955.500 tấn xuống còn 595.000 tấn.

Ngày 21/9/2021, Bộ Công Thương ban hành Quyết định số 2171/QĐ-BCT điều tra áp dụng biện pháp chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại đối với sản phẩm đường mía nhập khẩu từ 5 nước ASEAN trên.

Trên cơ sở thu thập, tổng hợp thông tin và ý kiến do các bên liên quan cung cấp, bao gồm thông tin từ ngành sản xuất trong nước, các doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu nước ngoài, doanh nghiệp nhập khẩu và từ các cơ quan chức năng, kết luận điều tra xác định việc sử dụng nguyên liệu đường có xuất xứ từ Thái Lan để sản xuất và xuất khẩu một số sản phẩm đường mía sang Việt Nam của các doanh nghiệp từ Campuchia, Indonesia, Lào, Malaysia và Myanmar là hành vi lẩn tránh biện pháp chống bán phá giá và chống trợ cấp đang áp dụng với sản phẩm đường của Thái Lan. Đồng thời, các chỉ số kinh tế cho thấy hiệu quả của biện pháp chống bán phá giá, chống trợ cấp đối với sản phẩm đường mía có xuất xứ từ Thái Lan hiện đang bị suy giảm do tác động của đường nhập khẩu từ 5 quốc gia nói trên.

Do đó, ngày 01/8/2022, Bộ Công Thương ban hành Quyết định số 1514/QĐ-BCT áp dụng biện pháp chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại đối với một số sản phẩm đường mía nhập khẩu từ Vương quốc Campuchia, Cộng hòa Indonesia, Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào, Malaysia và Cộng hòa liên bang Myanmar.

Theo đó, nhằm đảm bảo một môi trường cạnh tranh công bằng giữa hàng hóa sản xuất trong nước với hàng hóa nhập khẩu, bảo vệ lợi ích chính đáng của ngành sản xuất trong nước và người nông dân trồng mía, đường nhập khẩu từ Campuchia, Indonesia, Lào, Malaysia và Myanmar có sử dụng nguyên liệu đường của Thái Lan sẽ bị áp dụng cùng mức thuế chống bán phá giá và chống trợ cấp đang áp dụng với đường Thái Lan với tổng mức thuế là 47,64%, trong đó thuế chống bán phá giá là 42,99% và thuế chống trợ cấp là 4,65%. Đường nhập khẩu từ 5 quốc gia nếu chứng minh được sản xuất từ mía thu hoạch tại các quốc gia này sẽ không bị áp dụng biện pháp chống lẩn tránh.

Áp dụng biện pháp chống bán phái giá đối với một số sản phẩm sợi dài làm từ polyester có xuất xứ từ Trung Quốc, Ấn Độ, Indonesia và Malaysia (AD10)

Trên cơ sở hồ sơ yêu cầu áp dụng biện pháp CBPG của đại diện ngành sản xuất trong nước, Bộ Công Thương đã quyết định khởi xướng điều tra vụ việc vào ngày 06/04/2020. Trong bối cảnh đại dịch Covid-19, để tạo điều kiện cho các bên liên quan chuẩn bị đầy đủ thông tin, số liệu cũng như để làm rõ tác động của hành vi bán phá giá tới hoạt động của ngành sản xuất trong nước, Bộ Công Thương đã gia hạn thời hạn điều tra vụ việc đến ngày 06/10/2021.

Ngày 31/8/2021, Bộ Công Thương đã ban hành Quyết định số 2080/QĐ-BTC về việc áp dụng thuế CBPG tạm thời đối với một số sản phẩm sợi dài làm từ polyester. Sau giai đoạn điều tra sơ bộ, Bộ Công Thương tiếp tục thu thập các thông tin nhằm xem xét và đánh giá kỹ lưỡng các yếu tố thiệt hại của ngành sản xuất trong nước, mức độ bán phá giá của các doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu nước ngoài cũng như các tác động, ảnh hưởng của sản phẩm bị điều tra đối với ngành sản xuất hạ nguồn.

Kết quả điều tra cuối cùng cho thấy lượng hàng hóa bị điều tra nhập khẩu từ Trung Quốc, Ấn Độ, Indonesia và Malaysia gia tăng đột biến. Đặc biệt, trong bối cảnh Covid-19, nhập khẩu sản phẩm bị điều tra trong 6 tháng đầu năm 2021 đạt gần 258 nghìn tấn, tăng tới 37% so với cùng kỳ năm 2020. Hàng hóa nhập khẩu bán phá giá là nguyên nhân chính gây thiệt hại lớn cho ngành sản xuất trong nước. Ngày 13/10/2021, Bộ Công Thương ban hành Quyết định số 2302/QĐ-BCT áp dụng thuế chống bán phá giá chính thức vụ việc với biên độ bán phá giá của hàng hóa nhập khẩu được xác định là từ 3,36% đến 54,90%.

Việc áp dụng biện pháp chống bán phá giá đối với một số sản phẩm sợi dài làm từ polyester sẽ góp phần tạo môi trường cạnh tranh công bằng giữa các doanh nghiệp sản xuất trong nước và doanh nghiệp nước ngoài, tăng cường tính tự chủ nguồn nguyên liệu đầu vào, từ đó nâng cao giá trị gia tăng và sức cạnh tranh của sản phẩm và doanh nghiệp Việt Nam trong chuỗi giá trị toàn cầu. Bên cạnh đó, để được hưởng ưu đãi thuế quan trong một số hiệp định thương mại tự do, các mặt hàng may mặc phải đáp ứng quy tắc xuất xứ chặt chẽ theo từng hiệp định, trong đó có quy tắc phải sử dụng nguyên liệu sản xuất trong nước. Do vậy, việc tăng cường chủ động sản xuất nguyên liệu, đáp ứng yêu cầu về xuất xứ sẽ giúp ngành dệt may tận dụng được lợi ích từ các FTA.

Rà soát cuối kỳ biện pháp CBPG đối với một số sản phẩm thép mạ có xuất xứ từ Trung Quốc và Hàn Quốc (ER01.AD02)

Ngày 30 tháng 3 năm 2017, Bộ Công Thương ban hành Quyết định số 1105/QĐ-BCT về việc áp dụng biện pháp chống bán phá giá chính thức đối với sản phẩm thép mạ nhập khẩu. Thời hạn áp dụng biện pháp là 05 năm kể từ ngày 14/4/2017 đến hết ngày 13/4/2022.

Căn cứ theo quy định tại Khoản 2 Điều 82 Luật Quản lý ngoại thương và Điều 11 của Hiệp định chống bán phá giá của WTO, Bộ Công Thương ban hành quyết định số 1524/QĐ-BCT ngày 04/06/2020 rà soát cuối kỳ việc áp dụng biện pháp chống bán phá giá đối với một số mặt hàng thép mạ có xuất xứ từ Trung Quốc và Hàn Quốc.

Bộ Công Thương đã thu thập thông tin, tổng hợp ý kiến các bên liên quan, xem xét và đánh giá kỹ lưỡng về những tác động của sản phẩm thép mạ nhập khẩu với ngành sản xuất trong nước và mức độ bán phá giá của các doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu của Hàn Quốc và Trung Quốc. Kết quả điều tra cho thấy sau 05 năm áp dụng biện pháp chống bán phá giá, ngành sản xuất trong nước không còn chịu thiệt hại đáng kể và trước mắt hàng hóa nhập khẩu từ Hàn Quốc và Trung Quốc cũng không có khả năng tái diễn thiệt hại cho ngành sản xuất trong nước.

Trên cơ sở kết quả điều tra, Bộ Công Thương ban hành Quyết định số 924/QĐ-BCT ngày 12/5/2022 chấm dứt áp dụng biện pháp chống bán phá giá đối với một số sản phẩm thép mạ có xuất xứ từ Hàn Quốc và Trung Quốc.

Rà soát cuối kỳ biện pháp tự vệ đối với phân bón DAP, MAP nhập khẩu (ER02.SG06)

Ngày 02/03/2018, Bộ trưởng Bộ Công Thương ban hành Quyết định số 686/QĐ-BCT về việc áp dụng biện pháp tự vệ chính thức đối với sản phẩm phân bón DAP/MAP có mã HS: 3105.10.20; 3105.10.90; 3105.20.00; 3105.30.00; 3105.40.00; 3105.51.00; 3105.59.00; 3105.90.00 trong 2 năm. Mức thuế tự vệ áp dụng trong 2 năm là 1.072.104 đồng/tấn. Quyết định này được ban hành trên cơ sở yêu cầu hợp lệ của ngành sản xuất trong nước và sau một quá trình điều tra, đánh giá toàn diện tác động của các sản phẩm này tới thị trường Việt Nam theo đúng quy định của pháp luật có liên quan.

Ngày 03/03/2020, Bộ Công Thương đã ban hành Quyết định số 715/QĐ-BCT gia hạn áp dụng biện pháp tự vệ đối với sản phẩm phân bón DAP/MAP. Theo đó, từ 7/3/2020 - 6/3/2021, mức thuế tự vệ đối với các sản phẩm phân bón DAP/MAP có mã HS như trên là 1.050.663 đồng/tấn; từ 7/3/2021 - 6/3/2022, mức thuế tự vệ là 1.029.219 đồng/tấn; từ 7/3/2022 - 6/9/2022, mức thuế tự vệ là 1.007.778 đồng/tấn. Biện pháp tự vệ sẽ hết hạn từ ngày 7/9/2022, mức thuế về 0 đồng/tấn. Việc áp dụng thuế tự vệ theo lộ trình giảm dần một mặt tạo môi trường công bằng cho sản xuất trong nước phát triển nhưng cùng với đó cũng hướng tới việc duy trì môi trường cạnh tranh để mang tới lợi ích cho người sử dụng phân bón.

Theo quy định của Luật quản lý ngoại thương và Hiệp định tự vệ của WTO, trước khi biện pháp tự vệ kết thúc, Cơ quan điều tra sẽ tiến hành rà soát cuối kỳ biện pháp trên cơ sở yêu cầu của bên liên quan.

Căn cứ trên hồ sơ yêu cầu của đại diện ngành sản xuất trong nước, ngày 28/01/2022, Bộ Công Thương ban hành Quyết định số 117/QĐ-BCT về việc rà soát cuối kỳ biện pháp tự vệ lần thứ 2 đối với sản phẩm phân bón DAP, MAP nhập khẩu (ER02.SG06).

Trên cơ sở kết quả rà soát, căn cứ theo quy định tại điểm b khoản 3, Điều 71 Luật Quản lý ngoại thương và khoản 3 Điều 69 Nghị định số 10/2018/NĐ-CP ngày 15/1/2018 quy định chi tiết một số điều của Luật Quản lý ngoại thương về các biện pháp phòng vệ thương mại, Bộ Công Thương quyết định không gia hạn việc áp dụng biện pháp tự vệ đối với sản phẩm phân bón DAP, MAP nhập khẩu.

Uyên Chi