Thực trạng ngành Dịch vụ lưu trú chia sẻ ở Việt Vam

THS. PHẠM THỊ NGỌC MAI (Khoa Tài chính Ngân hàng - Trường Đại học Kinh tế - Kỹ thuật công nghiệp)

TÓM TẮT:

Bài viết phân tích thực trạng ngành Dịch vụ lưu trú chia sẻ ở Việt Nam hiện nay. Mô hình kinh doanh chia  sẻ có nhiều hình thức, trong đó mô hình kinh tế trong ngành dịch vụ lưu trú đang phát triển,  được kỳ vọng sẽ mang tới một diện mạo mới cho ngành Dịch vụ lưu trú của Việt Nam. Tuy nhiên, sự phát triển của các dịch vụ lưu trú theo mô hình kinh tế chia sẻ ở Việt Nam thời gian qua còn mang tính tự phát, tiềm ẩn nguy cơ cạnh tranh không lành mạnh và tính bảo mật về thông tin người dùng. Điều này đặt ra những thách thức lớn với các nhà quản lý chính sách của Việt Nam.

Từ khóa: kinh doanh dịch vụ lưu trú chia sẻ, mô hình, Travelmob, Luxstay, Airbnb...

1. Một số mô hình kinh doanh dịch vụ lưu trú chia sẻ ở Việt Nam hiện nay

- Travelmob

Travelmob là một trang có thể đăng tải thông tin về việc cho thuê nhà hay phòng ngủ trong thời gian ngắn hạn. Chủ nhà sẽ cung cấp thông tin cần thiết về vị trí, diện tích, tiện ích, giá cả miễn phí trên Travelmob. Từ đó, khách du lịch sẽ có sự lựa chọn nơi lưu trú phù hợp với nhu cầu của họ dựa trên những thông tin được các chủ nhà đăng tải. Khi giao dịch thành công, chủ nhà sẽ trả một khoản phí dịch vụ, doanh thu của Travelmod chính là từ khoản phí dịch vụ đó. Được thành lập từ năm 2012 tại Singapore, Travelmob hiện nay đã có mặt ở hầu hết các điểm đến nổi tiếng trong khu vực Đông Nam Á và châu Á, trong đó có Việt Nam.

- Luxstay

Luxstay là một nền tảng do người Việt sáng lập, bắt đầu xuất hiện ở thị trường Việt Nam vào năm 2016. Tương tự như Airbnb, đây là một ứng dụng đặt phòng online kết nối chủ nhà cho thuê căn hộ du lịch cao cấp và biệt thự nghỉ dưỡng ngắn ngày với những khách hàng yêu thích sự trải nghiệm. Tuy nhiên phạm vi hoạt động của Luxstay chủ yếu tập trung vào thị trường trong nước, hiện đã trở nên phổ biến ở hầu hết các tỉnh thành Việt Nam. Nhìn chung, mức giá phòng tối thiểu ở Luxstay được đánh giá là không quá đắt, có ưu thế cạnh hơn hẳn những trang booking online lớn như Agoda, Booking, Traveloka,… Đặc biệt là những dạng căn hộ nhiều phòng cho nhóm đông người thuê. Trong vòng 3 năm, từ khi thành lập đến nay, Luxstay cũng xác nhận độ gia tăng về mặt số lượng chỗ nghỉ luôn dao động ở mức 98%, không hề kém cạnh đối thủ Airbnb.

- Airbnb

Airbnb là viết tắt của cụm từ “AirBed and Breakfas, kết nối trực tiếp những người có tài sản lưu trú (chẳng hạn như phòng hoặc căn hộ trống) với những người cần chỗ lưu trú tạm thời ( ví dụ: khách du lịch) thông qua không gian số ( Bostman & Rogers, 2010; Zervas và cộng sự, 2016; Wang và cộng sự, 2017). Airbnb được thành lập vào tháng 8 năm 2008, tính đến nay Airbnb đã trở thành một nền tảng toàn cầu và có mặt ở hơn 190 quốc gia và vùng lãnh thổ với hơn 5 triệu phòng nghỉ. (Hình 1)

Trang web Airbnb có giao diện khá thân thiện với người sử dụng và cách hoạt động cũng khá đơn giản. Sau khi đăng ký và hoàn thành hồ sơ cá nhân trên ứng dụng hoặc website, người dùng có thể dễ dàng tìm kiếm những điểm lưu trú cho chuyến đi của mình. Một tìm kiếm dựa trên địa điểm, ngày đi, ngày về và quy mô số khách, trang web sẽ trả về một danh sách không gian có sẵn có thể được tinh chỉnh bởi các thuộc tính giá cả, tiện nghi và các vùng lân cận. Sau đó, khách hàng có thể lựa chọn chi tiết các thuộc tính để có thể xem mô tả, ảnh và đánh giá từ những vị khách đã sử dụng trước đó. Khi quan tâm đến một không gian, khách du lịch sẽ gửi cho chủ nhà một yêu cầu đặt chỗ hoặc tin nhắn để bày tỏ sự quan tâm, có thể đặt câu hỏi và có thể cung cấp thông tin về chuyến du lịch. Máy chủ Airbnb sau đó có thể trả lời và hỏi bất kỳ câu hỏi nào về khách du lịch, hoặc nếu yêu cầu đặt phòng đã được thực hiện thì chủ nhà có thể chấp nhận đặt phòng. Thanh toán được thực hiện thông qua trang web và Airbnb kiếm doanh thu bằng cách tính phí khách hàng 6%-12% và phí tổ chức 3% (Airbnb, 2013a, 2013b).

Khác với những khách sạn truyền thống, Airbnb không sở hữu bất kỳ không gian nào mà nó cung cấp trên thị trường, do đó, nó có thể mở rộng quy mô bằng cách thêm nhiều không gian và tiếp cận thêm nhiều khách trên thị trường. Airbnb được đánh giá là ứng dụng tuyệt vời và tiện ích giúp người đi du lịch, công tác tìm kiếm được những căn phòng trống như ý mình với giá cả phải chăng (vì kết hợp trực tiếp giữa chủ nhà và khách thuê) và mang lại sự thoải mái như ở tại nhà mình.

Năm 2015, Airbnb bắt đầu thâm nhập vào thị trường Việt Nam với khoảng hơn 1.000 phòng được cho thuê. Theo Báo cáo “Homesharing Vietnam Insights giai đoạn 2015 - 2019” của Outbox Consulting, tính đến tháng 1/2019, tổng số listings trên Airbnb tại Việt Nam là 40.804 Listings, tăng hơn 40 lần chỉ sau 5 năm. Hiện nay Airbnb khá phổ biến ở Việt Nam, các listings chủ yếu tập trung ở Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh và các thành phố du lịch lớn như Đà Lạt, Sapa, Hội An, Đà Nẵng… và dự báo sẽ tiếp tục được nhân rộng chỉ trong thời gian ngắn. Tốc độ tăng trưởng số lượng listings hàng năm trên Airbnb tại TP. Hồ Chí Minh là 97%, Hà Nội là 112% và Đà Nẵng là 111%. Theo tính chất địa lý và đặc điểm vùng miền, cộng đồng homesharing ở Việt Nam phân bố phần lớn ở miền Nam với khoảng 42,3%; miền Bắc, miền Trung lần lượt là 27,2% và 26,2%, trong khi ở Tây Nguyên chỉ chiếm 4,3% với các địa danh tiêu biểu là Đà Lạt. Số liệu từ AirDNA còn cho biết, 68% chủ hộ tham gia Airbnb tại TP. Hồ Chí Minh  sở hữu 2 căn homestay trở lên, thu nhập trung bình hàng tháng 14 triệu đồng/ căn hộ, với 56% chủ nhà cho thuê nguyên căn. Con số này dự kiến sẽ còn tăng lên. Trong khi đó, tại Hà Nội, doanh thu các chủ nhà nhận được cho mỗi căn hộ lại chỉ đạt mức 8-9 triệu đồng/ tháng.

2. Thực trạng ngành Dịch vụ lưu trú chia sẻ ở Việt Nam

Kinh tế chia sẻ là mô hình kinh doanh dựa trên công nghệ số để tiết kiệm chi phí giao dịch và tiếp cận được số lượng khách hàng lớn thông qua các nền tảng số. Những lợi ích này tạo ra cơ hội cho Việt Nam trong việc thúc đẩy phát triển nền kinh tế chia sẻ nói chung và dịch vụ lưu trú chia sẻ nói riêng. Bên cạnh đó, Nhà nước cũng đã và đang nỗ lực tạo ra môi trường thân thiện để phát triển nền kinh tế chia sẻ, xây dựng các hành lang pháp lý để đảm bảo việc quản lý các mô hình kinh doanh chia sẻ hiệu quả hơn. “Đề án thúc đẩy mô hình kinh tế chia sẻ” đã được Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc ký phê duyệt tại Quyết định số 999/QĐ-TTg, ngày 12 tháng 8 năm 2019 đặt mục tiêu đảm bảo môi trường kinh doanh bình đẳng giữa các doanh nghiệp kinh doanh theo mô hình kinh tế chia sẻ và kinh tế truyền thống; đảm bảo quyền lợi, trách nhiệm và lợi ích hợp pháp của các bên tham gia mô hình kinh tế chia sẻ, bao gồm người cung cấp dịch vụ, người sử dụng dịch vụ và doanh nghiệp cung cấp nền tảng; khuyến khích đổi mới sáng tạo, ứng dụng công nghệ số và phát triển nền kinh tế số. Do đó, các chính sách kinh tế và hành lang pháp lý của Nhà nước nếu thực hiện hiệu quả sẽ tạo điều kiện thuận lợi để các cá nhân, doanh nghiệp tham gia vào các mô hình kinh tế chia sẻ.

Bên cạnh đó, Việt Nam là nước có tiềm năng phát triển du lịch với nhiều lợi thế về thiên nhiên, môi trường văn hóa, chính trị ổn định. Khi nhu cầu du lịch tăng mạnh, nhu cầu mua sắm, di chuyển và đặc biệt là nhu cầu lưu trú cũng sẽ tăng theo. Do đó, có thể nói, lợi thế phát triển du lịch chính là một trong những thuận lợi để phát triển ngành Dịch vụ lưu trú ở Việt Nam. Trong khi đó, khách du lịch Việt Nam đang cho thấy sự chấp nhận sử dụng các dịch vụ lưu trú chia sẻ, vì nó cung cấp cho họ nhiều sự lựa chọn cho chuyến đi của mình hơn. Theo một khảo sát của Công ty Nielsen, cứ 4 người Việt được hỏi thì có 3 người cho biết thích ý tưởng kinh doanh về mô hình kinh tế chia sẻ (chiếm 75%). Trong một cuộc khảo sát với sự tham gia của hơn 15.000 người đến từ 27 quốc gia, trong đó có Việt Nam, khách du lịch hiện nay thường mong muốn đạt được cả 2 mục tiêu là “khám phá” và “tận hưởng” trong những chuyến đi của mình. Chính những sự thay đổi nhất định trong mong muốn trải nghiệm này, dịch vụ lưu trú chia sẻ trở thành một sự lựa chọn tối ưu không chỉ về trải nghiệm mà còn cả về chi phí.

Cuối cùng, mặc dù không phải là một công ty kinh doanh khách sạn mà là một mô hình trung gian kết nối giữa người cho thuê phòng và khách du lịch (mô giới thương mại điện tử), nhưng mô hình kinh doanh lưu trú theo phương thức kinh tế chia sẻ đã giúp người tiêu dùng có thể tiếp cận và khai thác sử dụng những tài sản mà họ không sở hữu và không có điều kiện sở hữu riêng (căn hộ; phòng nghỉ); đồng thời cũng giúp người sở hữu tài sản (chủ của các căn hộ, phòng nghỉ) có cơ hội để tăng thêm thu nhập từ những tài sản nhàn rỗi. Đây là những động lực bền vững thúc đẩy sự tham gia của các chủ nhà vào mô hình kinh doanh dịch vụ lưu trú chia sẻ.

Tuy nhiên, trong thời đại kinh tế số phát triển, kinh tế chia sẻ nói chung và dịch vụ lưu trú chia sẻ nói riêng đã và đang trở thành một xu hướng kinh doanh hấp dẫn. . Chính bởi vậy, số lượng listings cũng như những công ty chuyên nghiệp lấy home-sharing làm sản phẩm để kinh doanh kiếm lời dần trở nên phổ biến trên thị trường dịch vụ lưu trú. Sự tăng lên nhanh chóng của nguồn cung trong thời gian ngắn dẫn đến sự cạnh tranh khốc liệt của thị trường. Điều này, vô hình chung tạo ra áp lực cho các chủ nhà kinh doanh dựa trên căn hộ nhàn rỗi và phát sinh những vấn đề tiêu cực trong kinh doanh. Ở nước ta hiện nay đang manh nha những mánh khóe kinh doanh không lành mạnh, như: giả làm khách hàng để ăn trộm tài sản, đặt phòng đối thủ dài hạn và hủy phút chót để tăng cơ hội tiếp cận các listings của mình tới khách hàng. Bên cạnh đó, nhiều nhà đầu tư thấy thị trường này có nhiều tiềm năng để kiếm lời, đã sẵn sàng bỏ vốn ra để thầu lại các bất động sản để cho thuê, nhưng do thiếu chuyên môn quản lý và sự lúng túng trong xây dựng chiến lược cạnh tranh, hoạt động cho thuê không hiệu quả, dẫn đến lỗ vốn, phải giải thể.

3. Một số giải pháp đề xuất

- Xây dựng chính sách giám sát linh hoạt để hạn chế tối đa việc thất thoát thuế

Nhà nước và các Bộ, ban, ngành liên quan cần xây dựng cơ chế chính sách giám sát để tránh thất thoát thuế từ thị trường kinh doanh dịch vụ lưu trú chia sẻ. Nhà nước cần bổ sung các quy định và chế tài quy định chặt chẽ hơn đối với các nền tảng cung cấp dịch vụ môi giới thương mại điện tử từ nước ngoài thâm nhập vào Việt Nam. Cần thực hiện công tác thanh tra, kiểm tra thuế để xác định doanh thu khi có dấu hiệu trốn thuế. Bên cạnh đó, cơ quan nhà nước cần có cơ chế để xác định, thống kê danh sách các cơ sở được phép kinh doanh dịch vụ lưu trú chia sẻ. Ngoài ra, có thể phối hợp với các nước trong việc trao đổi các thông tin liên quan đến dữ liệu tính toán thuế phải thu của các doanh nghiệp đang hoạt động kinh doanh theo mô hình như AirBnB để có thể kiểm soát được tình hình doanh thu và dòng tiền của các mô hình này tại Việt Nam.

- Đảm bảo tính cạnh tranh công bằng và lành mạnh của thị trường homesharing

Các bên cung cấp hàng hóa dịch vụ chia sẻ cần đáp ứng đủ các điều kiện theo pháp luật chuyên ngành quy định để đảm bảo tính cạnh tranh công bằng, bình đẳng trong thị trường và bảo vệ lợi ích của khách hàng khi tham gia vào thị trường homesharing. Các nền tảng công nghệ trung gian như Airbnb, Luxstay cần thực hiện các chương trình xác minh, phân loại một cách khắt khe căn hộ để đảm bảo trải nghiệm của khách hàng. Chỉ những nơi ở thực sự đẹp, vị trí thuận tiện và chủ nhà cung cấp những đồ dùng đạt tiêu chuẩn mới có thể tham gia hệ thống. Qua đó, du khách sẽ giảm thiểu tối đa mức độ thất vọng giữa chất lượng thực tế với những hình ảnh xem trên web và ứng dụng đặt phòng trực tuyến.

- Vấn đề quản lý thông tin người dùng cần được nâng cao

Các mô hình kinh doanh dịch vụ lưu trú chia sẻ trên nền tảng số thường lưu trữ một khối lượng lớn dữ liệu của khách hàng và các chủ nhà, do đó, sẽ đặt ra rủi ro về tính bảo mật dữ liệu người dùng. Hiện nay các Bộ, ban, ngành cũng đã đưa ra các đề thảo về việc xây dựng các bộ Luật, Nghị định, Thông tư để bảo vệ dữ liệu cá nhân. Luật An ninh mạng của Việt Nam chính thức có hiệu lực từ ngày 1/1/2019. Tuy nhiên, vấn đề thực thi pháp luật cần phải hướng tới việc thực hiện triệt để quy định “thông tin người dùng Việt Nam chỉ được tồn tại trong lãnh thổ Việt Nam” nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các tổ chức, cá nhân.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. Airbnb. (2013a). What are guest service fees? Airbnb. Retrieved June 6, 2013, from https://www. airbnb.com/help/question/104
  2. Airbnb. (2013b). What are host service fees? Airbnb. Retrieved June 6, 2013, from https://www. airbnb.com/help/question/63
  3. AirDNA. (2019). Vietnam Homestays Fill Gaps and Provide Opportunities.
  4. Botsman, R., and R. Rogers. (2010). What’s Mine Is Yours: The Rise of Collaborative Consumption. New York: Harper Business.

 The current situation of shared accommodation services in Vietnam

Master. Pham Thi Ngoc Mai

Faculty of Finance and Banking

University of Economics - Technology for Industries

ABSTRACT:

This paper analyzes the current situation of shared accommodation services in Vietnam. The development of sharing economy business models including shared accommodation services are expected to bring new development opportunities to Vietnam’s accommodation industry. However, the development of shared accommodation services in Vietnam is still spontaneous with potential risks of unfair competition and confidentialitty of service users’ information. It poses great challenges to state management agencies in Vietnam.

Keywords: shared accommodation services, model, Travelmob, Luxstay, Airbnb.

[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 18, tháng 7 năm 2021]