Khu kinh tế ven biển - Hạt nhân tăng trưởng của các địa phương, khu vực ven biển
Nghị quyết số 09-NQ/TW, ngày 9/2/2007, của Hội nghị Trung ương 4 khóa X về Chiến lược biển đến năm 2020 và Nghị quyết số 36-NQ/TW, ngày 22/10/2018, của Hội nghị Trung ương 8 khóa XII về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đều nhấn mạnh việc xây dựng, nhân rộng mô hình khu kinh tế ven biển gắn với hình thành và phát triển các trung tâm kinh tế biển mạnh kết hợp tăng cường quốc phòng bảo vệ chủ quyền biển, đảo, hướng đến mục tiêu các ngành kinh tế thuần biển đóng góp khoảng 10% GDP cả nước; kinh tế của 28 tỉnh, thành phố ven biển ước đạt 65 - 70% GDP cả nước vào năm 2030.
Với lợi thế so sánh về vị trí địa lí, kinh tế, quốc phòng, các điều kiện tự nhiên và tài nguyên thiên nhiên, nguồn nhân lực, Chính phủ đã quyết định thành lập 19 khu kinh tế ven biển. Trong đó, định hướng xây dựng các khu kinh tế ven biển miền Bắc là ưu tiên xây dựng khu kinh tế Vân Đồn ở tỉnh Quảng Ninh trở thành cửa mở hướng ra biển, phát triển theo hướng hội nhập kinh tế với khu vực Đông Bắc Á, trong hợp tác của hai hành lang, một vành đai kinh tế ven biển vịnh Bắc Bộ. Đối với các khu kinh tế ven biển ở miền Trung, trước hết xây dựng khu kinh tế Vũng Áng, tỉnh Hà Tĩnh và khu kinh tế Vân Phong, tỉnh Khánh Hòa trở thành cửa mở hướng ra biển và theo hướng hợp tác phát triển hành lang kinh tế Đông – Tây và Bắc – Nam. Đối với các khu kinh tế ven biển ở miền Nam, tập trung xây dựng khu kinh tế Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang trở thành cửa mở hướng ra biển, hội nhập kinh tế khu vực ASEAN.
Tính đến thời điểm hiện tại, 28 địa phương ven biển đã xây dựng được 18 khu kinh tế ven biển, chỉ còn 1 khu kinh tế chưa được thành lập là Khu kinh tế Ninh Cơ (Nam Định) với diện tích quy hoạch 13.950 ha.
18 khu kinh tế ven biển đã được thành lập có tổng diện tích đạt 857,6 nghìn ha (kể cả diện tích mặt biển). Trong đó diện tích đất liền khoảng 568,4 nghìn ha (chiếm 1,68% tổng diện tích), gồm khoảng 99,2 nghìn ha được quy hoạch để phát triển các khu chức năng (khu phi thuế quan khoảng 8,6 nghìn ha, khu công nghiệp trong khu kinh tế: khoảng 39,8 nghìn ha; khu chức năng sản xuất thương mại, du lịch, dịch vụ: khoảng 53,8 nghìn ha).
Các khu kinh tế này đã thu hút 254 dự án đầu tư nước ngoài với tổng vốn đăng ký là 42 tỷ USD và 1.079 dự án đầu tư trong nước với tổng vốn đầu tư khoảng 805,2 nghìn tỷ đồng. Tổng cộng đã có khoảng 60,4 nghìn ha đất đã được nhà đầu tư xây dựng hạ tầng, cơ sở sản xuất, và đi vào vận hành kinh doanh. Tổng diện tích đất đã cho thuê để thực hiện các dự án đầu tư sản xuất trong khu kinh tế ven biển đạt khoảng 44,1 nghìn ha, chiếm khoảng 45% tổng diện tích đất dành cho sản xuất công nghiệp, du lịch, dịch vụ trong khu kinh tế ven biển.
Đáng chú ý, nhiều dự án đầu tư vào các khu kinh tế ven biển là thuộc các lĩnh vực sản xuất công nghiệp quan trọng, có quy mô lớn như lọc hóa dầu, liên hợp gang thép, cơ khí công nghiệp nặng, sản xuất động cơ ô tô, sản xuất điện...
Các khu kinh tế ven biển đã bước đầu phát huy vai trò, góp phần tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương ven biển và các vùng kinh tế, tạo ra hàng trăm nghìn việc làm trực tiếp và gián tiếp chủ yếu cho lực lượng lao động các địa phương ven biển, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, giúp nâng cao thu nhập và đời sống người dân địa phương.
Cơ cấu kinh tế nhiều tỉnh, thành phố ven biển đã dịch chuyển mạnh từ nông nghiệp và tiểu thủ công nghiệp sang dịch vụ (trọng tâm là dịch vụ du lịch, nghỉ dưỡng); đồng thời, hình thành các trung tâm công nghiệp quan trọng của cả nước như Liên hợp lọc hoá dầu Nghi Sơn, Trung tâm nhiệt điện Vĩnh Tân, Khí-điện-đạm Cà Mau,… Cơ cấu lao động các tỉnh, thành phố ven biển cũng đã dịch chuyển từ nông nghiệp, ngư nghiệp sang dịch vụ và công nghiệp. Công tác đào tạo nghề và hướng nghiệp phát triển mạnh ở một số địa phương như Quảng Ninh, Thanh Hoá, Nghệ An, Hà Tĩnh…
Mặt khác, đầu tư phát triển hạ tầng khu kinh tế ven biển, trong đó có đầu tư nước ngoài đã góp phần hiện đại hóa hệ thống kết cấu hạ tầng cho các địa phương có biển, vùng kinh tế và tạo sự kết nối giao thông, hạ tầng trên phạm vi cả nước, mang lại hiệu quả tích cực cho sự phát triển của khu vực. Việc kết hợp phát triển khu kinh tế, khu công nghiệp ven biển kết hợp với xây dựng khu kinh tế - quốc phòng vùng biển, đảo cũng đã được chú trọng, góp phần tích cực vào việc củng cố quốc phòng, an ninh, bảo vệ vững chắc chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc.
Ngoài ra, vị trí của các khu kinh tế ven biển có vai trò tạo thành các trung tâm kinh tế của vùng, địa phương có biển, gắn liền với cảng biển, sân bay, tạo điều kiện tốt cho giao lưu kinh tế, thương mại, dịch vụ, phát triển nguồn nhân lực. Sự hình thành các khu kinh tế ven biển đã góp phần thúc đẩy quá trình đô thị hoá ở vùng ven biển và bước đầu hình thành “Chuỗi đô thị ven biển” với gần 600 đô thị, chiếm khoảng 8% số lượng đô thị cả nước với dân số khoảng 19 triệu người, thể hiện rõ nhất ở ven biển Trung và Nam Trung Bộ. Một số khu nghỉ dưỡng, khu giải trí, lưu trú hiện đại đã được xây dựng xung quanh các khu kinh tế ven biển, góp phần thúc đẩy các hoạt động du lịch, cũng như cung cấp chỗ ở thường xuyên cho các chuyên gia, nhà quản lý doanh nghiệp từ nhiều nơi trên thế giới đến sinh sống và làm việc lâu dài tại các khu kinh tế. Trong dài hạn, các khu này sẽ trở thành đô thị với cư dân có trình độ cao làm việc trong các khu kinh tế.
Mô hình “cảng – đô thị - biển” được áp dụng thành công, đi đúng hướng tại nhiều địa phương. Bộ mặt nhiều tỉnh, thành phố đã thay đổi căn bản như Quảng Ninh, Hải Phòng, Đà Nẵng, Quảng Nam, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hoà, Bà Rịa – Vũng Tàu… và trở thành địa phương có các trung tâm đô thị thu hút nhiều người từ các vùng, miền của đất nước về làm ăn, sinh sống, thay vì xu hướng tập trung vào hai đô thi lớn như Hà Nội và TP.Hồ Chí minh trước đây.
Khu kinh tế ven biển được quy định tại Điểm a, Khoản 7 Điều 2 của Nghị định số 82/2018/NĐ-CP ngày 22/05/2018 của Chính phủ quy định về quản lý khu công nghiệp và khu kinh tế. Theo đó, khu kinh tế là khu vực có ranh giới địa lý xác định, gồm nhiều khu chức năng, được thành lập để thực hiện các mục tiêu thu hút đầu tư, phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ quốc phòng, an ninh, và khu kinh tế ven biển là khu kinh tế hình thành ở khu vực ven biển và địa bàn lân cận khu vực ven biển, được thành lập theo các điều kiện, trình tự và thủ tục quy định tại Nghị định này.
Mỗi khu kinh tế ven biển có chức năng và cơ chế khác nhau nhưng tổng quát chung có thể thấy các khu kinh tế ven biển tại nước ta đã và đang được đầu tư xây dựng đã đảm bảo được một số nội dung cơ bản là: (i) có không gian kinh tế rộng lớn, mỗi khu đều có điều kiện để phát triển với cơ cấu kinh tế phát triển đa dạng; (ii) các chính sách ưu đãi về quản lí, vốn đầu tư, xuất nhập khẩu, hạ tầng kĩ thuật... đã và đang tạo được sức hút với các nhà đầu tư trong và ngoài nước với những dự án lớn; (ii) bước đầu đã hình thành một không gian kinh tế hiệu quả cao, phát huy được vị trí hạt nhân (trung tâm kinh tế) của các vùng; đồng thời đảm bảo tốt việc kết hợp giữa phát triển kinh tế với việc giữ vững an ninh, quốc phòng, chủ quyền quốc gia và tạo được sự gắn bó với các nước trong khu vực và trên thế giới trong quá trình hội nhập.
Sự phát triển của một số khu vực kinh tế ven biển điển hình
Các khu kinh tế ven biển Việt Nam khác nhau về thời gian thành lập và nền tảng ban đầu. Nhưng đến nay, một số khu đã hoạt động hiệu quả, khẳng định vị trí và vai trò làm “hạt nhân động lực” phát triển kinh tế-xã hội, thiết lập mối liên hệ kinh tế với các vùng lãnh thổ lân cận, bảo vệ an ninh quốc phòng, chủ quyền các vùng và cả nước, điển hình như các khu kinh tế sau đây:
Khu kinh tế Đình Vũ - Cát Hải (Hải Phòng)
Khu kinh tế Đình Vũ - Cát Hải (Hải Phòng) nằm trong vùng biển và ven biển phía Bắc (Quảng Ninh - Ninh Bình). Mức đóng góp của khu vực này cho GDP cả nước khá ổn định, khoảng trên 7%/năm; trong đó, TP.Hải Phòng luôn đóng góp nhiều nhất, tiếp đến là Quảng Ninh, Thái Bình, Nam ĐỊnh và Ninh Bình.
Khu kinh tế Đình Vũ - Cát Hải được thành lập vào tháng 2/2009 theo Quyết định số 145/2009/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, là khu kinh tế tổng hợp nhằm phục vụ nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của thành phố Hải Phòng và vùng duyên hải Bắc bộ, là một trung tâm kinh tế biển, đa ngành, đa lĩnh vực của vùng duyên hải Bắc Bộ và của cả nước, có cơ sở hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội hiện đại, đồng bộ gắn với bảo vệ môi trường, phát triển bền vững, bảo đảm quốc phòng, an ninh.
Khu kinh tế hiện có 8 khu công nghiệp với tổng diện tích đạt 22.540 ha, bao gồm phần diện tích Khu kinh tế hiện hữu là 22.140 ha và phần diện tích mở rộng khoảng 400 ha. Khu kinh tế có vị trí quan trọng là cửa ngõ của của các tỉnh phía Bắc; có mối liên kết chặt chẽ với cảng Hải Phòng; sân bay Cát Bi; các đường quốc lộ 5, 10,18; khai thác tổng hợp các nhân tố tạo hạt nhân vững chắc cho Hải Phòng và vùng kinh tế trọng điểm phía Bắc. Đặc biệt khu kinh tế này có khả năng mở cảng nước sâu lớn nhất phía Bắc.
Toàn bộ khu vực này đang là nơi hấp dẫn nhất thu hút đầu tư với sự hiện diện của nhiều nhà đầu tư lớn trong nước và nước ngoài. Tổng số vốn thu hút đầu tư nước ngoài đến nay đạt gần 11 tỷ USD (chiếm gần 2/3 tổng số vốn FDI đầu tư vào Hải Phòng từ trước tới nay) với các nhà đầu tư lớn có thương hiệu trên thế giới như LG (LGE, LGD, LGI, LGC); Bridgestone; Nipro Pharma; Kyocera; Fuji Xerox; Regina Miracle… thuộc các lĩnh vực sản xuất linh kiện điện tử cho tivi, máy tính, khí công nghiệp, máy móc thiết bị, bao bì…
Trong những năm gần đây, đầu tư trong nước có bước phát triển đột phá, thu hút được hơn 100.000 tỷ đồng, chiếm hơn 70% tổng vốn đầu tư lũy kế từ trước đến nay, với những dự án lớn như: Nhà máy sản xuất ô tô Vinfast của Tập đoàn Vingroup, vốn đầu tư 70.000 tỷ đồng; dự án xây dựng khu cảng hàng hóa, bến tàu du lịch, ga cáp treo, nhà máy sản xuất các sản phẩm du lịch, khu dịch vụ hậu cần du lịch của Tập đoàn Sungroup, vốn đầu tư gần 5.000 tỷ đồng; dự án Khu vui chơi giải trí, nhà ở và công viên sinh thái đảo Vũ Yên của Tập đoàn Vingroup quy mô 1.000 ha với tổng số vốn đầu tư gần 2.000 tỷ đồng…
Theo đồ án quy hoạch chung Khu kinh tế Đình Vũ- Cát Hải đến năm 2025, khu vực này còn phải hướng tới mục tiêu hình thành cửa ngõ logistics quốc tế với vai trò là trung tâm kinh tế biển của Đông Nam Á thông qua việc xây dựng các bến tiếp theo của Cảng cửa ngõ quốc tế Hải Phòng; bảo đảm chức năng logistics và khu ngoại quan quy mô lớn gắn liền với cảng nước sâu; hình thành ngành công nghiệp tiên tiến và các khu đô thị văn minh, hiện đại, tạo động lực thu hút nguồn vốn đầu tư, công nghệ tiên tiến và nguồn nhân lực chất lượng cao.
Với Cảng cửa ngõ quốc tế Hải Phòng cùng hệ thống đường cao tốc Hà Nội- Hải Phòng, cầu Bạch Đằng và đường cao tốc kéo dài tới Vân Đồn (Quảng Ninh); đường cao tốc ven biển, cầu và đường Tân Vũ- Lạch Huyện 1 và 2… thì trong tương lai gần, một trong những lĩnh vực chủ yếu của Khu kinh tế Đình Vũ - Cát Hải là phát triển kinh tế hàng hải mà trọng tâm là phát triển dịch vụ cảng được nhận định sẽ tăng trưởng mạnh. Qua đó, đưa Hải Phòng trở thành một trong những trung tâm kinh tế biển của vùng biển Bắc bộ và cả nước, giao thương quốc tế hiện đại ở Bắc bộ, là động lực lôi kéo, thúc đẩy Hải Phòng phát triển, trở thành địa phương thực hiện thành công quá trình công nghiệp hoá - hiện đại hoá theo tinh thần Nghị quyết 45 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển TP.Hải Phòng tới năm 2030, tầm nhìn tới năm 2045.
Khu kinh tế Nghi Sơn (Thanh Hoá)
Khu kinh tế Nghi Sơn (Thanh Hoá) nằm trong vùng biển và ven biển Bắc Trung Bộ, duyên hải Trung Bộ (Thanh Hoá – Bình Thuận). Mức đóng góp của khu vực này vào GDP cả nước đang có xu hướng tăng dần qua các năm, đạt trên 14%. Đầu tàu kinh tế của khu vực này là Thanh Hoá, Nghệ An, Đà Nẵng và Khánh Hoà.
Khu kinh tế Nghi Sơn được thành lập vào tháng 05/2006 theo Quyết định số 61102/2006/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Khu kinh tế có diện tích tự nhiên 106.000 ha, nằm ở phía Nam tỉnh Thanh Hóa, trên trục giao thông Bắc - Nam của đất nước, là cầu nối giữa vùng Bắc Bộ với Trung Bộ, Tây Bắc và Nam Bộ, với thị trường Nam Lào và Đông Bắc Thái Lan. Các chức năng trong khu thuế quan gồm khu cảng biển, khu đô thị nhà ở, khu vui chơi giải trí, trung tâm tài chính, trung tâm dịch vụ.
Khu kinh tế Nghi Sơn được định hướng phát triển thành một khu kinh tế tổng hợp đa ngành, đa lĩnh vực, trọng tâm là công nghiệp nặng và công nghiệp cơ bản như: công nghiệp lọc hóa dầu, công nghiệp luyện cán thép cao cấp, cơ khí chế tạo, công nghiệp điện, công nghiệp vật liệu xây dựng, sản xuất hàng tiêu dùng, chế biến và xuất khẩu, xây dựng các khu đô thị, khu du lịch… gắn với việc khai thác có hiệu quả cảng nước sâu Nghi Sơn.
Tính đến giữa năm nay, Khu kinh tế Nghi Sơn đã thu hút được lượng vốn đầu tư nước ngoài đạt xấp xỉ 14 tỷ USD. Trong đó, phải kể đến dự án Nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn có tổng mức đầu tư 9 tỷ USD, Nhà máy Nhiệt điện Nghi Sơn 2 có tổng mức đầu tư 2,8 tỷ USD, Nhà máy xi măng Nghi Sơn có tổng mức đầu tư 650 triệu USD.
Các dự án này đã đóng góp lớn vào giá trị sản lượng công nghiệp, xuất nhập khẩu, thu ngân sách và tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP), trở thành động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Thanh Hóa. Chỉ riêng Nhà máy Lọc hóa dầu Nghi Sơn năm 2022 có thể đóng góp 21.000 tỉ vào ngân sách địa phương. Bên cạnh các dự án có vốn đầu tư nước ngoài lớn, rất nhiều các nhà đầu tư trong nước cũng đã lựa chọn Nghi Sơn làm điểm đến.
Bên cạnh đó, cảng Nghi Sơn được định hướng phát triển trở thành cảng nước sâu lớn nhất khu vực Bắc Trung Bộ và có tiềm năng phát triển thành một trong những cảng biển lớn nhất Việt Nam. Hiện tại, Cảng Nghi Sơn đã và đang được đầu tư xây dựng, có 19 bến đã đi vào hoạt động; trong đó, 2 cầu cảng tổng hợp và khu hậu cần cảng của Công ty Cổ phần Cảng dịch vụ dầu khí tổng hợp PTSC Thanh Hóa, có khả năng tiếp nhận tàu 70.000 DWT; 3 cầu cảng tổng hợp của Công ty Cổ phần Đầu tư khoáng sản Đại Dương, có khả năng tiếp nhận tàu chở hàng tổng hợp trọng tải đến 60.000 DWT; 4 cầu cảng tổng hợp Quốc tế của Công ty Cổ phần Gang thép Nghi Sơn, có thể tiếp nhận và cung cấp dịch vụ cho các tàu container có sức chở đến 3.500 TEU (tương đương trọng tải 30.0000 - 40.000 DWT)... Với những lợi thế, tiềm năng phát triển tại khu vực này và được sự ủng hộ của tỉnh, Tập đoàn CMA CGM, hãng tàu vận tải container lớn thứ 3 thế giới đã quyết định mở tuyến vận tải container quốc tế từ Khu kinh tế Nghi Sơn đi Singapore, châu Âu, Bờ Tây Hoa Kỳ, Châu Phi thông qua cảng trung chuyển Singapore.
Khu kinh tế mở Chu Lai (Quảng Nam)
Khu kinh tế mở Chu Lai (Quảng Nam) là khu kinh tế mở cũng như khu kinh tế ven biển đầu được Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập vào tháng 06/2003 với tổng diện tích đạt 27.040 ha, thuộc vùng duyên hải Nam Trung Bộ. Đây là khu vực có vị trí quan trọng về an ninh, quốc phòng, và là một trong 8 nhóm khu kinh tế trọng điểm quốc gia với mô hình khu kinh tế tổng hợp, áp dụng các cơ chế chính sách mới, tạo môi trường đầu tư thuận lợi, bình đẳng, phù hợp theo thông lệ quốc tế.
Khu kinh tế mở Chu Lai đóng vai trò là khu kinh tế biển đa ngành, đa lĩnh vực, một trong những hạt nhân, trung tâm phát triển lớn của vùng kinh tế trọng điểm miền Trung, là Khu vực phát triển đô thị, là trung tâm công nghiệp ô tô và công nghiệp phụ trợ ngành ô tô, hàng không, trung tâm cơ khí - điện và sản phẩm hóa dầu; công nghiệp dệt may và phụ trợ ngành dệt may, các loại hình công nghiệp khác ứng dụng công nghệ cao và có hàm lượng chất xám cao; trung tâm nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao và là trung tâm du lịch dịch vụ gắn với việc khai thác sân bay Chu Lai và hệ thống cảng Chu Lai – Kỳ Hà. Ngoài ra, Khu kinh tế mở Chu Lai còn đóng vai trò là một trong các đầu mối về giao thông vận tải, giao thương và giao lưu quốc tế quan trọng của khu vực miền Trung và Tây Nguyên, kết nối ra biển Đông của vùng Tây Nguyên, Lào, Campuchia.
Khu kinh tế mở Chu Lai có hệ thống giao thông thuận lợi, gắn kết với trục giao thông quốc gia Quốc lộ 1A, đường sắt Bắc - Nam, đường ven biển Đà Nẵng - Hội An - Chu Lai, đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi và các tuyến quốc lộ thuộc hành lang kinh tế Đông - Tây. Sân bay Chu Lai thuộc Khu kinh tế mở Chu Lai hiện là sân bay có diện tích lớn nhất Việt Nam, vừa phục vụ nhu cầu dân sự lẫn hoạt động quân sự.
Cảng Kỳ Hà thuộc Khu kinh tế mở Chu Lai nằm rất gần tuyến hàng hải quốc tế Bắc - Nam, cách phao số 0 khoảng 4 km, tạo điều kiện thuận lợi cho việc vận chuyển hàng hóa trong nước và quốc tế. Cảng Kỳ Hà có 2 cầu cảng, hiện tiếp nhận tối đa tàu 6.600 DWT, công suatas khai thác đạt 0,5 triệu tấn/năm và đang được định hướng từng bước chuyển đổi công năng thành khu bến phục vụ chuỗi dự án khí – điện Cá Voi Xanh, có bến tổng hợp, hàng lỏng/khí, bến khách (phục vụ tuyến từ đất liền ra đảo), tiếp nhận tàu đến 20.000 tấn.
Cảng Chu Lai có công suất 4 triệu tấn/năm, cầu cảng dài 500m, có khả năng tiếp nhận cùng lúc 3 tàu có trọng tải 30.000 DWT và đang được phát triển để đón được tàu 50.000 DWT. Cảng có khả năng cung ứng chuỗi dịch vụ trọn gói cho đa chủng loại hàng như hàng lỏng, khí, hàng container, hàng siêu trường, siêu trọng, hàng rời. Hệ thống kho bãi được xây dựng theo tiêu chuẩn quốc tế và phân chia theo từng khu vực chuyên dụng, gồm kho ngoại quan, kho hàng, kho lạnh, bãi container. Bên cạnh các tuyến vận chuyển nội địa, cảng còn khai thác các tuyến vận chuyển quốc tế Chu Lai - Trung Quốc, Chu Lai - Hàn Quốc, Chu Lai - Nhật Bản.
Qua 19 năm thành lập, Khu kinh tế mở Chu Lai hiện có 08 khu công nghiệp được cấp phép đầu tư, có 06 khu công nghiệp đã đi vào hoạt động, thu hút được 180 dự án với tổng vốn đầu tư là 122,6 nghìn tỷ đồng, tương đương với 5,6 tỷ USD Mỹ (48 dự án FDI với tổng vốn đăng ký 721 triệu USD, 132 dự án DDI với tổng vốn đăng ký 106,5 nghìn tỷ đồng). Trong đó có 113 dự án đã đi vào hoạt động với tổng vốn thực hiện 43,3 nghìn tỷ đồng.
Một số dự án động lực quy mô lớn đang hoạt động như Khu đô thị – du lịch Nam Hội An với tổng vốn đầu tư lên đến 1 tỷ USD, Khu phức hợp du lịch nghỉ dưỡng Vinpearl Nam Hội An, 27 dự án với các nhà đầu tư chiến lược nước ngoài như Công ty Hyosung, Công ty Panko, Công ty Doosan, Công ty Moon Chang (Hàn Quốc), Công ty Aman (Đức)… Đặc biệt, nhóm dự án công nghiệp ô tô và công nghiệp hỗ trợ ngành ô tô do Công ty cổ phần Ô tô Trường Hải (THACO) thực hiện, có tổng vốn đầu tư hơn 30.000 tỷ đồng với công suất sản xuất các loại xe hơn 215.000 xe/năm; riêng các dự án của THACO đóng góp từ 50-60% thu ngân sách hàng năm toàn tỉnh Quảng Nam.
Kinh nghiệm thực tiễn về phát triển các khu kinh tế nói chung, các khu kinh tế ven biển trên thế giới đã khẳng định:
- Các khu kinh tế là công cụ hữu hiệu thực hiện chiến lược phát triển kinh tế vùng lãnh thổ hướng vào xuất khẩu, là cầu nối ngắn nhất giữa thị trường trong nước và thị trường quốc tế, khai thác tối đa lợi thế so sánh, tăng cường hiệu quả áp dụng công nghệ mới của mỗi quốc gia.
- Các khu kinh tế mở ra đời là những “hạt nhân” tạo bước nhảy vọt cho việc phát triển nhanh nền kinh tế bởi sức lan tỏa của nó, từ khả năng thu hút vốn đầu tư, lao động, đến nâng cao đời sống người dân địa phương, tạo bước đi nhanh trong tiến trình hội nhập quốc tế.
- Các khu kinh tế có hình thức tổ chức lãnh thổ theo hướng chuyên môn hóa. Việc quy hoạch các khu kinh tế sẽ giúp cho quá trình phát triển đạt được mức cân đối nền kinh tế theo vùng lãnh thổ. Mặt khác, nó khẳng định được lợi thế so sánh “tĩnh” ban đầu với lợi thế về chính sách “động” để tạo nên sự phát triển nhanh của nền kinh tế.
- Khẳng định sự thành công của một khu kinh tế thể hiện ở chỗ: mức thu hút vốn đầu tư, tạo việc làm cho người lao động, tỉ trọng đóng góp trong tăng trưởng kinh tế, năng lực xuất khẩu, chuyển giao công nghệ mới, làm hạt nhân thúc đẩy địa phương, vùng và “đầu tàu” lôi kéo các vùng lân cận phát triển.
- Sự thành công của các khu kinh tế được thể hiện ở góc độ là đảm bảo lợi ích cho tất cả các bên tham gia (nhà đầu tư, các doanh nghiệp sản xuất, người lao động, cộng đồng dân cư). Đặc biệt là sự ổn định lợi ích lâu dài của nền kinh tế địa phương, vùng và quốc gia.