Thực trạng phát triển thương hiệu nông sản của tỉnh Hải Dương

Đề tài Thực trạng phát triển thương hiệu nông sản của tỉnh Hải Dương do ThS. Vũ Thị Thảo (Khoa Kinh tế - Quản trị, Trường Đại học Hải Dương) thực hiện.

TÓM TẮT:

Hải Dương là tỉnh có nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển sản phẩm nông nghiệp thế mạnh, đặc thù với các vùng, các huyện khác nhau. Hầu như vùng nào của tỉnh cũng có những sản phẩm nông sản nổi tiếng không chỉ trong nước mà còn xuất khẩu như: vải thiều, cà rốt, hành tỏi, ổi, bắp cải, su hào, rươi,… Tuy nhiên, hiện nay mới có số lượng ít sản phẩm nông sản được đăng ký bảo hộ nhãn hiệu. Trên cơ sở thực trạng xây dựng thương hiệu cho nông sản của tỉnh Hải Dương, bài viết phân tích những khó khăn, tồn tại trong xây dựng, quản lý và phát triển thương hiệu nông sản của tỉnh Hải Dương, đồng thời đề xuất một số giải pháp nhằm phát triển thương hiệu nông sản của tỉnh Hải Dương trong thời gian tới.

Từ khóa: thương hiệu, nông sản, tỉnh Hải Dương.

1. Đặt vấn đề

Hải Dương nằm ở trung tâm đồng bằng sông Hồng, có nhiều tiềm năng và điều kiện thuận lợi để thúc đẩy phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa tập trung, nâng cao chất lượng, giá trị gia tăng và khả năng cạnh tranh, đáp ứng nhu cầu thị trường trong nước và quốc tế. Hải Dương được coi là một trong những tỉnh có vựa rau màu lớn của cả nước, trong đó có nhiều loại nông sản chủ lực có giá trị kinh tế cao, như: vải thiều Thanh Hà, gạo nếp cái hoa vàng Kinh Môn, cà rốt Cẩm Giàng, hành tỏi Kinh Môn,...

Tăng trưởng GRDP của tỉnh năm 2023 đạt 8,16%, trong đó khu vực nông, lâm thủy sản tăng 8,8%, cụ thể, ngành Nông nghiệp tăng 4,1% ước đạt 22 nghìn 542 tỷ đồng. Thị trường tiêu thụ nông sản của tỉnh Hải Dương ngày càng mở rộng và tập trung các sản phẩm: gạo nếp cái hoa vàng, hành tỏi, cà rốt, su hào, cải bắp, su lơ, dưa hấu, dưa lê, ổi, na, củ đậu,… Năm 2023, giá trị các sản phẩm cây rau màu vụ đông ước đạt 486.308 tấn, có giá trị bình quân/ha cao gấp 2,2 lần mức trung bình của các tỉnh phía Bắc, các loại cây ăn quả, với diện tích khoảng 21.749 ha, tăng 0,7%, trong đó một số loại cây cho thu hoạch với sản lượng lớn, giá trị kinh tế cao.

Để đạt được những thành tựu đó không thể không kể tới sản xuất nông nghiệp ở các địa phương với những thế mạnh riêng, mang đặc thù của các vùng địa phương. Tuy nhiên, có thể nhận thấy giá trị nông sản Việt Nam nói chung và tỉnh Hải Dương nói riêng vẫn chưa được đánh giá cao về chất lượng, nguồn gốc xuất xứ và số lượng. Nguyên nhân chính là do nhiều sản phẩm của tỉnh chưa tiến hành xây dựng, bảo hộ nhãn hiệu, hay có chiến lược xây dựng và phát triển thương hiệu nông sản dẫn đến chất lượng nông sản không đồng đều, dễ bị các sản phẩm chất lượng kém trà trộn trên thị trường. Điều này sẽ làm thiệt hại đến sản lượng, giá bán cũng như danh tiếng của sản phẩm nông sản. Chính vì vậy, việc đăng ký nhãn hiệu cho các sản phẩm nông sản của tỉnh Hải Dương là rất cần thiết và hết sức quan trọng.

2. Thực trạng xây dựng và phát triển thương hiệu nông sản của tỉnh Hải Dương

Tính đến ngày 31/12/2023, Cục Sở hữu trí tuệ (SHTT) đã cấp giấy chứng nhận chỉ dẫn địa lý (CDĐL), nhãn hiệu chứng nhận (NHCN), nhãn hiệu tập thể (NHTT) cho các sản phẩm gắn với dấu hiệu chỉ dẫn nguồn gốc địa lý của tỉnh Hải Dương, trong đó có 01 CDĐL chiếm 2,44 %, 39 NHCN chiếm 95,12%, 1 NHTT chiếm 2,44% (Bảng 1). Trong đó có 36 sản phẩm nông sản (chiếm 87,8%) và 5 sản phẩm SHTT khác (chiếm 12,1%) được bảo hộ. Đặc điểm của các sản phẩm được đăng ký bảo hộ là: các sản phẩm đặc sản, truyền thống của các địa phương sử dụng dấu hiệu chỉ dẫn nguồn gốc địa lý, gắn với cộng đồng ở khu vực nông thôn. Chỉ có một số ít sản phẩm gắn liền với tên riêng biệt.

Bảng 1. Số lượng CDĐL, NHTT, NHCN được cấp giấy chứng nhận đăng ký

của tỉnh Hải Dương (tính đến ngày 30/12/2023)

STT

Hình thức bảo hộ

Số lượng

Ghi chú

Nông sản

Khác

Tổng cộng

1

CDĐL

01

0

01

Vải thiều Thanh Hà

2

NHTT

35

04

39

 

3

NHCN

0

1

1

Gốm Chu Đậu

 

Tổng cộng

36

05

41

 

                                              Nguồn: Tổng hợp từ số liệu thống kê của Cục SHTT (2023)

Thực tế cho thấy hoạt động xây dựng thương hiệu nông sản được tỉnh Hải Dương tập trung chỉ đạo và có nhiều chính sách hỗ trợ, đặc biệt là các sản phẩm đặc sản gắn liền với lợi thế về điều kiện địa lý, tự nhiên, con người. Hoạt động xây dựng thương hiệu của tỉnh Hải Dương có một số đặc điểm sau:

Thứ nhất, Bảo hộ nông sản gắn với chỉ dẫn, nguồn gốc địa lý: Đa số các sản phẩm nông sản được bảo hộ CDĐL, NHCN và NHTT đều gắn với chỉ dẫn nguồn gốc địa lý (Bảng 2), bao gồm: tên tỉnh, huyện, xã và các địa danh khác, trong đó 0,2% sản phẩm được bảo hộ sử dụng địa danh quốc tế do các tổ chức, doanh nghiệp, quốc gia đăng ký tại Việt Nam, 0,4% sản phẩm được bảo hộ sử dụng tên quốc gia, 12,3% sản phẩm được bảo hộ sử dụng tên tỉnh/ thành phố, 33,3% sử dụng tên huyện, thị xã, 27,8% sử dụng tên xã và tương đương. Đặc biệt có 26,1% sử dụng tên các địa danh, tên của làng, địa điểm…cho việc đăng ký SHTT với nông sản gắn với vùng địa lý.

Bảng 2. Thực trạng sử dụng tên địa danh trong đăng ký bảo hộ SHTT

cho nông sản của tỉnh Hải Dương (tính đến ngày 31/12/2023)

Địa danh sử dụng

NHTT

NHCN

CDĐL

Ghi chú

Tỉnh/ Thành phố

01

 

 

 

Huyện/ Thị xã

25

 

01

 

Xã/ phường/ thị trấn

07

 

 

 

Địa danh riêng thôn/ làng

02

 

 

 

Tổng cộng

35

0

01

36

                                            Nguồn: Tổng hợp từ số liệu thống kê của Cục SHTT (2023)

Cơ cấu nông sản được bảo hộ quyền SHTT: Các nông sản mà tỉnh Hải Dương đăng ký bảo hộ thương hiệu dưới dạng NHTT, CDĐL là: chăn nuôi và các sản phẩm chế biến từ chăn nuôi (2,9%), dịch vụ nông nghiệp (11,4%), sản phẩm chế biến nông và lâm sản (17,1%), lúa gạo (8,6%), thủy sản và các sản phẩm chế biến từ thủy sản (17,1%), trái cây, rau, củ quả và hoa (42,9%)…

Chủ sở hữu các thương hiệu nông sản: Tính tới ngày 31/12/2023, chủ sở hữu các thương hiệu nông sản của tỉnh Hải Dương đã đăng ký cụ thể như sau: Đối với NHTT, chủ đơn chủ yếu là các hội nông dân các cấp huyện, cấp xã, trong đó Hội nông dân cấp huyện chiếm 51,4%, Hội nông dân cấp xã chiếm 11,4%, chủ đơn là hiệp hội chiếm 20,0%, chủ đơn là hợp tác xã và liên hiệp hợp tác xã chiếm 17,1%. Đối với CDĐL của tỉnh Hải Dương chỉ có duy nhất sản phẩm quả vải thiều Thanh Hà với chủ đơn là UBND huyện Thanh Hà.

3. Tác động tích cực của việc xây dựng và phát triển thương hiệu nông sản cho tỉnh Hải Dương

3.1. Đối với chủ thể sản xuất nông sản

- Việc xây dựng thương hiệu cho sản phẩm nông sản sẽ mang lại cho chủ thể sản xuất cơ hội bán sản phẩm nông sản ở mức giá cao hơn so với sản phẩm cùng loại, góp phần nâng cao giá trị sản phẩm, thúc đẩy kinh tế địa phương. Ví dụ: Cà rốt xã Đức Chính, Cẩm Giàng vụ đông năm 2023 trồng trên 360 ha, chủ yếu theo tiêu chuẩn VietGAP và hướng hữu cơ, sản lượng ước đạt 14.000 tấn, với giá bán tại ruộng hơn 5.000 đồng/kg, doanh thu cả xã ước đạt hơn 70 tỷ đồng; hành, tỏi ở thị xã Kinh Môn và huyện Nam Sách giá bán cả ruộng từ 13-16 triệu đồng/sào cho thương lái, thu lãi 8-10 triệu đồng/sào.

- Giúp phát triển thị trường tiêu thụ bền vững. Các sản phẩm nông sản được bảo hộ có cơ hội được nhiều người tiêu dùng biết đến, tin tưởng và sử dụng, đồng thời nhiều sản phẩm được xuất khẩu sang một số nước trên thế giới. Ví dụ: Vải thiều Thanh Hà sau khi được bảo hộ nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý tại 17 quốc gia châu Âu, đã xuất khẩu sang các thị trường: Nhật Bản, Australia, Hà Lan, Bỉ, Anh, Pháp, Mỹ, Singapore, Hàn Quốc, Trung Quốc, Lào, Campuchia, Trung Đông, Malaysia... Bên cạnh đó, sản lượng rau sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP (cà rốt, bắp cải, su hào) xuất khẩu khoảng 75.000 tấn/năm. Trong đó, một số thị trường xuất khẩu tiêu biểu như: Hàn Quốc 20.000 tấn; Nhật Bản 15.000 tấn; Malaysia 15.000 tấn; Trung Đông (Dubai), Singapore, Thái Lan, Campuchia 5.000 tấn; một số thị trường mới cao cấp như: Mỹ, EU 1.000 tấn…

- Các thương hiệu nông sản được bảo hộ đã giúp cơ sở sản xuất, doanh nghiệp có cơ sở pháp lý vững chắc đối với những sản phẩm mà họ làm ra và bảo vệ quyền lợi của họ khi có sự xuất hiện những sản phẩm hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng. Qua đó, còn thể hiện trách nhiệm, cam kết của doanh nghiệp về sản phẩm, tạo lợi thế cạnh tranh cho các doanh nghiệp trên thị trường, giúp việc đưa những sản phẩm đó ra thị trường dễ dàng, thuận lợi hơn.

- Xây dựng thương hiệu cho sản phẩm nông sản giúp nâng cao năng lực cạnh tranh của sản phẩm. Xây dựng, phát triển thương hiệu cho các sản phẩm nông nghiệp là một trong những giải pháp để phát triển nông nghiệp theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng, khả năng cạnh tranh bền vững.

3.2. Đối với khách hàng

Việc sản phẩm của các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân mang chỉ dẫn địa lý đã được bảo hộ sẽ giúp khách hàng dễ dàng nhận biết được sản phẩm trên thị trường, tạo niềm tin đối với người tiêu dùng về nguồn gốc, danh tiếng, chất lượng sản phẩm.

3.3. Đối với địa phương

 Thương hiệu nông sản cũng đã giúp các địa phương hình thành được các tổ chức tập thể như hội/hiệp hội, thúc đẩy sự phát triển các hợp tác xã, kết nối vào các chương trình lớn của Nhà nước như Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), đồng thời góp phần giúp các chủ thể như hợp tác xã, doanh nghiệp, hộ gia đình tổ chức sản xuất, thương mại sản phẩm trên thị trường. Đến nay, Hải Dương có 25 sản phẩm nông nghiệp và làng nghề được bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ, 1 nhãn hiệu được cấp chứng nhận chỉ dẫn địa lý, 25 sản phẩm cấp mã QR Code, xây dựng được 8 nhóm nông sản chủ lực với 150 sản phẩm OCOP.

4. Khó khăn trong việc phát triển thương hiệu nông sản của tỉnh Hải Dương

Việc phát triển thương hiệu nông sản của Việt Nam nói chung và của tỉnh Hải Dương nói riêng cũng gặp phải những vấn đề khó khăn nhất định, cụ thể như sau:

Thứ nhất, về chính sách và các cơ sở pháp lý.

 Hiện nay, các quy định pháp lý của Việt Nam đối với đăng ký SHTT cho nông sản đã khá đầy đủ từ cấp Trung ương tới địa phương, như: Luật SHTT 2005, sửa đổi bổ sung năm 2009, 2019 và 2022; Nghị định số 103/2006/NĐ-CP ngày 22/9/2006 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật SHTT về sở hữu công nghiệp; Thông tư số 01/2007/TT-BKHCN ngày 14/2/2007 của Bộ KH &CN và các thông tư sửa đổi, bổ sung, hướng dẫn thi hành Nghị định số 103/2006/NĐ-CP, cùng các chính sách đặc thù của tỉnh Hải Dương. Tuy nhiên, vẫn còn một số hạn chế ở vấn đề đăng ký cũng như quản lý thương hiệu nông sản.

Luật SHTT và các văn bản dưới luật đã quy định về điều kiện bảo hộ, chủ sở hữu, hồ sơ (đơn đăng ký), trình tự, thủ tục thẩm định hồ sơ nhưng chưa quy định cụ thể nội dung và cách thức thẩm định hồ sơ. Do đó, hoạt động thẩm định nội dung hồ sơ đăng ký CDĐL đang gặp nhiều khó khăn. Cụ thể là thẩm định các nội dung: chất lượng đặc thù, khu vực địa lý, lịch sử - danh tiếng, quy trình kỹ thuật, điều kiện tự nhiên, mối liên hệ giữa chất lượng đặc thù và khu vực địa lý… Do đó, yêu cầu đặt ra là cần có các quy định cụ thể để các ngành có chuyên môn phù hợp tham gia hợp lý vào quá trình thẩm định CDĐL.

Về hoạt động quản lý và phát triển CDĐL, NHTT và NHCN: Tồn tại lớn nhất là thiếu cơ sở pháp lý chung trong công tác quản lý và kiểm soát CDĐL, NHTT, NHCN. Do đó, cần có sự thay đổi mạnh mẽ hình thức đăng ký và quản lý CDĐL theo hướng có sự hỗ trợ kịp thời, thường xuyên, của các cơ quan bảo vệ pháp luật và kiểm tra, đấu tranh với nạn làm giả, làm nhái gây ảnh hưởng tiêu cực đến uy tín, xâm phạm quyền lợi của các nhà sản xuất chân chính.

Bên cạnh các chính sách của nhà nước về SHTT, tỉnh Hải Dương cũng có những chính sách riêng. Song, các chính sách của Tỉnh còn tồn tại một số vấn đề như: i) Tập trung chủ yếu vào nội dung xây dựng hồ sơ đăng ký, hoạt động hỗ trợ quản lý và phát triển còn nhiều hạn chế, dẫn đến các sản phẩm được bảo hộ chưa thực sự phát huy được giá trị như mong đợi; ii) Có nhiều nguồn lực hỗ trợ ở các nội dung khác nhau tập trung ở 3 ngành là: KH&CN, NN&PTNT, Công Thương nhưng sự phối hợp và tập trung nguồn lực còn hạn chế, dẫn đến nguồn lực bị phân tán chưa phát huy hết hiệu quả.

Thứ hai, những hạn chế trong đăng ký xây dựng thương hiệu nông sản.

Việc lựa chọn sản phẩm, hình thức bảo hộ quyền SHTT hiện nay được tỉnh Hải Dương và các sở, các địa phương rất quan tâm, tuy nhiên quá trình triển khai còn những khó khăn, bất cập là:

- Nhận thức của chính quyền cơ sở, các tổ chức doanh nghiệp và người nông dân chưa thực sự hiểu đầy đủ được tầm quan trọng của việc xây dựng và bảo hộ thương hiệu cho sản phẩm, nên chưa chủ động trong việc xây dựng thương hiệu cho sản phẩm nông sản, dẫn đến việc chậm trễ, thiếu hợp tác trong quá trình thực hiện bảo hộ cho sản phẩm nông sản. Vì vậy, việc hoàn thiện hồ sơ của người dân để hoàn thành thủ tục còn gặp nhiều khó khăn và mất nhiều thời gian.

- Khi đi vào lập hồ sơ, chưa có tiêu chí hoặc phương pháp rõ ràng trong việc lựa chọn hình thức bảo hộ CDĐL, NHTT hay NHCN. Mặt khác, nhiều sản phẩm lựa chọn dấu hiệu đăng ký chưa được biết đến rộng rãi, không phải là tên gọi truyền thông nên thẩm định hồ sơ đăng ký còn gặp nhiều khó khăn. Điều này cũng gây trở ngại trong việc sử dụng, phát triển thương hiệu đối với các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh sản phẩm sau khi được bảo hộ.

- Về chủ thể đăng ký bảo hộ SHTT có sự khác nhau lớn đối với các NHTT, NHCN, CDĐL, nên các hoạt động xây dựng hồ sơ, tổ chức bộ máy quản lý còn nhiều khó khăn bởi không có một mô hình chuẩn cho việc quản lý các thương hiệu nông sản khi đăng ký.

Thứ ba, hạn chế về tình hình sản xuất nông sản của Tỉnh gây khó khăn cho việc xây dựng và phát triển thương hiệu nông sản.

- Sản xuất nông nghiệp vẫn còn mang tính chất nhỏ lẻ, năng lực hiệu quả hoạt động của các doanh nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp còn hạn chế, sự liên kết giữa chính quyền, người dân và doanh nghiệp chưa chặt chẽ dẫn đến tình trạng các sản phẩm nông sản phát triển một cách tự phát, không có sự quản lý chặt chẽ của các ban ngành các cấp làm ảnh hưởng tới chất lượng sản phẩm nông sản.

- Một số thương hiệu nông sản đăng ký bảo hộ chưa gắn với thực tiễn và yêu cầu sản xuất, kinh doanh ở địa phương, cũng như nhu cầu của thị trường. Điều này làm hạn chế giá trị gia tăng giá trị cho sản phẩm.

Thứ tư, khó khăn trong hoạt động quản lý, phát triển thương hiệu nông sản.

Sự hỗ trợ của Nhà nước chủ yếu tập trung vào đăng ký bảo hộ; các nội dung về quản lý, phát triển thị trường còn hạn chế, chỉ mang tính chất thí điểm, chưa đủ để thúc đẩy và nâng cao năng lực của đơn vị quản lý, đặc biệt là các tổ chức tập thể. Bên cạnh đó, các vấn đề về xây dựng sản phẩm, quảng bá và phát triển thị trường sau khi nông sản được đăng ký nhãn hiệu cũng chưa được quan tâm. Chủ sở hữu, quản lý đối với hai dạng đối tượng SHTT này chủ yếu là các cơ quan, đơn vị nhà nước nên thường là kiêm nhiệm, giao nhiệm vụ nên còn nhiều hạn chế trong công tác quản lý, phát triển thương hiệu nông sản. Trong khi đó, đối với NHTT thì các cá nhân, tổ chức, đơn vị sản xuất phân tán, nhỏ lẻ, nên ít nhiều ảnh hưởng tới quản lý và phát triển thương hiệu.

5. Một số giải pháp nhằm phát triển thương hiệu nông sản ở tỉnh Hải Dương

Trong thời gian tới để khắc phục những hạn chế này, theo tác giả cần thực hiện một số giải pháp sau:

Một là, các địa phương có các sản phẩm nông sản đặc thù cần phải có sự phối hợp giữa các sở, ban ngành của Tỉnh Hải Dương trong phát triển thương hiệu sản phẩm nông sản. Các sở, ban/ngành cần có các quy chế phối hợp để thực hiện những nhiệm vụ chung. Đặc biệt, việc xây dựng thương hiệu cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa người nông dân hoặc doanh nghiệp với các cơ quan quản lý và giữa các tổ chức như hợp tác xã, các hiệp hội với các sở ngành.

Hai là, tăng cường công tác đào tạo, định hướng, hướng dẫn cho các chủ doanh nghiệp, người nông dân, các hợp tác xã, cán bộ quản lý nông nghiệp, thành viên hội nông dân các địa phương về các vấn đề thương hiệu, phát triển thương hiệu, thương mại, giúp họ dần thay đổi nhận thức về việc phát triển thương hiệu và nhận thấy giá trị và lợi ích của việc xây dựng thương hiệu đối với sản phẩm nông sản. Đồng thời, tuyên truyền, vận động người nông dân ở những vùng có sản phẩm nông nghiệp đặc trưng tích cực tham gia vào các hội, hiệp hội, làng nghề để cùng nhau có trách nhiệm và quyền lợi khi tham gia xây dựng thương hiệu cho sản phẩm đặc trưng của địa phương.

Ba là, đối với hoạt động xây dựng hồ sơ đăng ký bảo hộ: việc lựa chọn hình thức bảo hộ (CDĐL, NHTT, NHCN) cần dựa trên điều kiện (quy mô, đặc thù về sản phẩm, chất lượng…), yêu cầu của từng hình thức bảo hộ để quyết định.

Bốn là, trong hoạt động quản lý, phát triển các thương hiệu nông sản ưu tiên hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã trong các dự án, hoạt động hỗ trợ, làm nền tảng để thúc đẩy việc sử dụng thương hiệu trên thị trường, tạo cơ sở, động lực để nâng cao giá trị sản phẩm. Các cơ quan quản lý kiểm tra, giám sát theo kế hoạch và khi cần thiết. Đồng thời, tăng cường học hỏi kinh nghiệm của các mô hình quản lý, phát triển thương hiệu nông sản thành công cũng như rút kinh nghiệm để hoàn thiện các mô hình quản lý cho hiệu quả. Đối với các sản phẩm nông sản sau khi đã được đăng ký bảo hộ, các chủ nhãn hiệu tập thể, các cá nhân, tổ chức quản lý thương hiệu phải tiến hành quản lý tốt các đối tượng này sau khi đăng ký, thông qua các quy chế sử dụng, quy chế quản lý và cần xử lý nghiêm các sai phạm do lợi dụng danh tiếng của thương hiệu sản phẩm được đăng ký bảo hộ làm ăn gian dối gây mất giá trị hình ảnh thương hiệu trong mắt người tiêu dùng…

Năm là, tỉnh Hải Dương cần tiếp tục đầu tư phát triển các vùng trồng đạt tiêu chuẩn quốc tế, đổi mới tổ chức sản xuất, gắn sản xuất với thị trường trên cơ sở tích tụ đất đai, thu hút các doanh nghiệp đầu tư hình thành các liên kết theo chuỗi giá trị từ sản xuất, chế biến đến tiêu thụ ứng dụng khoa học - kỹ thuật. Thực hiện cơ cấu lại theo định hướng sản xuất hàng hóa tập trung, ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp thông minh, nông nghiệp hữu cơ; thiết lập và cấp mã số vùng trồng, xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm nông nghiệp chủ lực, có lợi thế gắn với quy trình tiêu chuẩn hóa sản phẩm theo tiêu chuẩn trong nước và quốc tế, tạo nhiều giá trị khác biệt nhằm nâng cao giá trị gia tăng cho các sản phẩm nông sản.

Sáu là, đẩy mạnh xúc tiến thương mại, số hóa chuỗi cung ứng từ người sản xuất đến người tiêu dùng: Thương hiệu của sản phẩm nông sản có phát triển được hay không ngoài chuyện được đăng ký bảo hộ thì việc quan trọng nhất của thương hiệu sản phẩm đó là sự biết đến, chấp nhận, tin yêu của người tiêu dùng. Vì vậy, sau khi sản phẩm đã được đăng ký bảo hộ thành công, các đơn vị sở hữu, tổ chức quản lý cần tăng cường công tác tuyên truyền và quảng bá các sản phẩm nông sản, với nhiều hình thức khác nhau: quảng bá qua các phương tiện thông tin đại chúng, trưng bày hội chợ, triển lãm, tham gia các sự kiện của địa phương, tăng cường ứng dụng các công cụ truyền thông hiện đại trong quảng bá sản phẩm; Đẩy mạnh mạng lưới phân phối và tiêu thụ sản phẩm nông sản đã được bảo hộ giúp người tiêu dùng dễ dàng tiếp cận các sản phẩm qua các kênh trực tiếp và online; Tăng cường phối hợp đưa các sản phẩm có chất lượng xuất hiện trên các gian hàng trong siêu thị, cửa hàng thực phẩm sạch, chuỗi tiêu thụ sản phẩm và mở rộng thị trường không chỉ trong nước mà còn chú trọng đặc biệt đến xuất khẩu.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. Báo cáo Tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023 và dự kiến kế hoạch năm 2024 tỉnh Hải Dương.
  2. Hồ Ngọc Cường, Nguyễn Thị Thùy Dung (2022). Xây dựng thương hiệu cho nông sản Việt Nam: Một số vấn đề pháp lý và thực tiễn. Diễn đàn khoa học công nghệ Việt Nam, số 11 năm 2022.
  3. Nhất Nguyên (2024). Hải Dương - Ngôi sao vụ đông. Truy cập tại https://baohaiduong.vn/hai-duong-ngoi-sao-vu-dong-368697.html
  4. Phương Lan (2022). Hải Dương: Chú trọng phát triển thương hiệu, đưa nông sản vươn xa trong chuỗi giá trị toàn cầu. Truy cập tại http://baokiemtoan.vn/hai-duong-chu-trong-phat-trien-thuong-hieu-dua-nong-san-vuon-xa-trong-chuoi-gia-tri-toan-cau-21383.html
  5. Lưu Đức Thanh (2019). Xây dựng, quản lý và phát triển chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu chứng nhận và nhãn hiệu tập thể. Truy cập tại https://ipvietnam.gov.vn/phat-trien-chi-dan-ia-ly/-/asset_publisher/SGA9PgvmYtWI/content/thuc-trang-trong-xay-dung-quan-ly-va-phat-trien-chi-dan-ia-ly-nhan-hieu-chung-nhan-va-nhan-hieu-tap-the?inheritRedirect=false
  6. Sở Công Thương tỉnh Hải Dương (2019). Thúc đẩy chế biến, tiêu thụ nông sản tỉnh Hải Dương trong bối cảnh hội nhập quốc tế. Truy cập tại http://tinhuyhaiduong.vn/news/Pages/calendar.aspx?ItemID=1372

The current brand development for agricultural products in Hai Duong province

Master. Vu Thi Thao

Faculty of Economics - Management, Hai Duong University

Abstract:

Hai Duong is a province with many favorable conditions to develop strong and specific agricultural products. Almost every district of Hai Duong province has its own famous agricultural products that are widely consumed across Vietnam and exported to some countries, such as lychees, carrots, onions, garlic, guava, cabbage, kohlrabi, worms, etc. However, the number of Hai Duong province’s specific agricultural products that are registered for trademark protection is quite low. Based on the current brand development for agricultural products in Hai Duong province, this study analyzed the difficulties and shortcomings in building, managing, and developing brands for agricultural products. The study also proposed some solutions to help Hai Duong province's agricultural products better develop in the coming time.

Keywords: brand, agricultural products, Hai Duong province.

[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 2 tháng 2 năm 2024]

Tạp chí Công Thương