Thực trạng và các giải pháp thúc đẩy dán nhãn năng lượng tại Việt Nam

Dán nhãn năng lượng tại Việt Nam được triển khai theo hình thức tự nguyện từ năm 2006 và bắt buộc phải thực hiện (đối với một số phương tiện, thiết bị) kể từ 1/7/2013.

Thực trạng dán nhãn năng lượng tại Việt Nam

Theo thống kê của Bộ Công Thương, tính đến tháng 6/2018, đã có khoảng 15.000 mã sản phẩm thuộc 23 chủng loại thiết bị đã được dán nhãn năng lượng từ 01 sao đến 05 sao. Lượng sản phẩm bán ra của các thiết bị gia dụng có dán nhãn năng lượng như quạt điện, máy thu hình, máy điều hòa không khí, tủ lạnh gia dụng chiếm hơn 90% tổng số sản phẩm bán ra trên thị trường. Dự báo lượng điện tiết kiệm từ các sản phẩm dán nhãn năng lượng sẽ đạt khoảng 10% vào năm 2020 và con số này có thể lên tới 30% vào năm 2030.

Nhãn năng lượng đã bước đầu tạo được thói quen tiêu dùng, mua sắm các sản phẩm hiệu suất cao, tiết kiệm năng lượng. Người tiêu dùng khi chọn mua sản phẩm trước đây chỉ căn cứ vào giá cả, mẫu mã thì nay đã chủ động tìm hiểu các thông tin về kỹ thuật, mức tiêu thụ năng lượng để lựa chọn sản phẩm bởi điều này ảnh hưởng trực tiếp đến lợi ích kinh tế khi tiết kiệm đáng kể lượng điện tiêu thụ trong quá trình sử dụng. Dán nhãn năng lượng không chỉ đáp ứng yêu cầu tiết kiệm và sử dụng năng lượng hiệu quả, khuyến khích cộng đồng sử dụng các sản phẩm sử dụng năng lượng hiệu suất cao, từng bước loại bỏ các sản phẩm có hiệu suất thấp, ngăn chặn hàng giả, hàng kém chất lượng, tăng tính cạnh tranh của doanh nghiệp, mà còn góp phần bảo vệ môi trường, đảm bảo phát triển bền vững.

Hoạt động dán nhãn năng lượng nhằm biến các định hướng, chính sách của nhà nước về tiết kiệm năng lượng trong sản xuất, xuất nhập khẩu, thương mại… thành áp dụng thực tế trên cả diện rộng và chiều sâu. Có hai nội dung song hành, không tách rời và thường được gọi chung là “Chương trình xây dựng tiêu chuẩn hiệu suất năng lượng và dán nhãn năng lượng”.

Thực hiện Chương trình như một mũi tên bắn trúng nhiều đích.

Về kỹ thuật và công nghệ, mục đích là ứng dụng công nghệ mới trong sản xuất, làm ra những thiết bị hiệu suất cao, tiết kiệm năng lượng và thân thiện với môi trường, từng bước tiến tới loại bỏ khỏi thị trường các phương tiện, thiết bị có công nghệ lạc hậu, giảm cường độ năng lượng trong sản xuất, tiết kiệm năng lượng trong mọi hoạt động của xã hội.

Về thương mại và xuất khập khẩu, thực hiện dán nhãn năng lượng sẽ tạo ra sức ép buộc các nhà buôn bán, nhập khẩu thiết bị phải chọn các sản phẩm đạt hoặc vượt tiêu chuẩn hiệu suất năng lượng đã quy định và đảm bảo các thông số ghi trên nhãn, góp phần định hướng thị trường, giúp người tiêu dùng chọn đúng các các sản phẩm tiết kiệm năng lượng, có hiệu suất năng lượng mong muốn đang lưu thông trên thị trường.

Về kết quả tiết kiệm, hàng triệu các thiết bị và sản phẩm sử dụng năng lượng có hiệu suất cao được sử dụng trong công nghiệp và dân dụng sẽ đem đến mức tiết kiệm lớn, hiệu quả kinh tế cao cho toàn xã hội.

Việt Nam áp dụng hai loại nhãn năng lượng là Nhãn xác nhận và Nhãn so sánh

 

Nhãn năng lượng xác nhận: Nhãn năng lượng xác nhận là nhãn được dán cho các sản phẩm, thiết bị (đã lưu thông trên thị trường) có mức sử dụng năng lượng đạt hoặc vượt mức hiệu suất  tiết kiệm năng lượng, cụ thể là đạt hoặc vượt mức hiệu suất năng lượng cao (HEPS) theo quy định của Bộ Công Thương cho từng thời kỳ. Về hình thức, nhãn xác nhận thể hiện hình vẽ biểu tượng “Tiết kiệm năng lượng” hay còn gọi là Ngôi sao Năng lượng Việt. Nhãn năng lượng xác nhận hiện đang áp dụng cho các sản phẩm: chấn lưu, động cơ điện, máy biến áp, màn hình, máy in, máy photo copy... Nhãn này áp dụng với tính chất tự nguyện, dành cho những sản phẩm hàng đầu về hiệu suất năng lượng.                     

Nhãn năng lượng so sánh: Nhãn năng lượng so sánh là loại nhãn để so sánh hiệu suất năng lượng của sản phẩm được dán nhãn so với mức hiệu suất năng lượng tối thiểu quy định trong tiêu chuẩn hiệu suất năng lượng (cấp độ hiệu suất mà sản phẩm đạt được so với MEPS). Nhãn so sánh được dán cho các phương tiện, thiết bị lưu thông trên thị trường nhằm cung cấp cho người tiêu dùng các thông tin về hiệu suất năng lượng của sản phẩm này so với các thông tin về hiệu suất năng lượng của các sản phẩm cùng loại khác trên thị trường, giúp người tiêu dùng lựa chọn được sản phẩm có mức tiêu thụ năng lượng tiết kiệm hơn. Nhãn này sử dụng dưới hình thức bắt buộc theo danh mục và lộ trình được quy định theo thời gian phù hợp với tiến bộ công nghệ và mức độ phổ biến trên thị trường. Nhãn năng lượng so sánh bao gồm các thông tin tối thiểu như: hãng sản xuất, tên/mã sản phẩm, mã công bố, các thông tin khác (tùy thuộc vào từng sản phẩm cụ thể có thể thêm các thông tin TCVN áp dụng, công suất, xuất xứ, hiệu suất năng lượng ...). Nhãn năng lượng so sánh áp dụng cho các sản phẩm mang tính phổ biến nhất như: điều hoà không khí, tủ lạnh, quạt, nồi cơm điện, máy giặt, tivi…

Quyết định số 51/2011/QĐ-TTg quy định danh mục phương tiện, thiết bị phải dán nhãn năng lượng, áp dụng mức hiệu suất năng lượng tối thiểu và lộ trình thực hiện đã quy định các phương tiện, thiết bị phải dán nhãn năng lượng như sau:

(1) Nhóm thiết bị gia dụng gồm: Đèn huỳnh quang ống thẳng, đèn huỳnh quang compact, chấn lưu điện từ và điện tử cho đèn huỳnh quang, máy điều hòa nhiệt độ, tủ lạnh, máy giặt sử dụng trong gia đình, nồi cơm điện, quạt điện, máy thu hình...

(2) Nhóm thiết bị văn phòng và thương mại gồm: Máy phôtô copy, màn hình máy tính, máy in, tủ giữ lạnh thương mại.

(3) Nhóm thiết bị công nghiệp gồm: Máy biến áp phân phối, động cơ điện.

(4) Nhóm phương tiện giao thông vận tải gồm: Xe ô tô con (loại 7 chỗ trở xuống).

Gần đây nhất, Quyết định 04/2017/QĐ-TTg quy định Danh mục phương tiện, thiết bị phải dán nhãn năng lượng và áp dụng hiệu suất năng lượng tối thiểu có hiệu lực từ ngày 25/4/2017 (thay thế Quyết định số 51/2011/QĐ-TTg nói trên) đã bổ sung thêm các phương tiện, thiết bị, gồm: (i) Nhóm thiết bị gia dụng: đèn LED, bình đun nước nóng có dự trữ, (ii) Nhóm thiết bị văn phòng và thương mại: máy tính xách tay, (iii) Nhóm phương tiện giao thông vận tải gồm: xe mô tô, xe gắn máy.

Như vậy, đến nay Việt Nam đã quy định các phương tiện, thiết bị phải dán nhãn năng lượng gồm: 13 loại thiết bị gia dụng, 5 loại thiết bị văn phòng và thương mại, 2 loại thiết bị công nghiệp và 3 loại phương tiện giao thông vận tải.

Lộ trình thực hiện dán nhãn năng lượng

Lộ trình thực hiện dán nhãn năng lượng được quy định tại Quyết định số 51/2011/QĐ-TTg quy định danh mục phương tiện, thiết bị phải dán nhãn năng lượng, áp dụng mức hiệu suất năng lượng tối thiểu và lộ trình thực hiện. Sau đó từ 25/4/2017 thực hiện theo Quyết định 04/2017/QĐ-TTg (thay thế Quyết định 51/2011 nói trên). Nếu chưa tính đến nhóm thiết bị ngành giao thông vận tải thì lộ trình đối với 3 nhóm sản phẩm còn lại được chi tiết hóa như sau:

Lộ trình dán nhán năng lượng

Để phù hợp với thực tế phát triển tiến bộ công nghệ và mức độ nhập khẩu, phổ biến trên thị trường đối với các nhóm phương tiện, thiết bị khác nhau, lộ trình thực hiện dán nhãn năng lượng cũng khác nhau, căn cứ vào mức độ phổ biến trong thực tế sử dụng, mức độ phát triển của công nghệ và thời gian chuẩn bị phân phối ra thị trường các đời sản phẩm sử dụng năng lượng có tính năng tiết kiệm tiến bộ hơn.

Ngoài các phương tiện, thiết bị thuộc diện bắt buộc, nhà nước khuyến khích các doanh nghiệp thực hiện việc dán nhãn năng lượng tự nguyện đối với phương tiện, thiết bị không thuộc danh mục quy định, ví dụ các dòng sản phẩm nổi trội có cấp độ trên 5 sao, đi tiên phong trên thị trường. Hoạt động này rất cần sự động viên, vinh danh, khích lệ thích đáng của nhà nước để hình thành những “ngọn cờ“ kéo theo sự cạnh tranh, lôi kéo các sản phẩm cùng loại tiến theo hướng ngày càng tiên tiến, bền vững giống như chương trình đã và đang được khích lệ ở các nước phát triển: Sản phẩm hàng đầu (Top-Runner) ở Nhật Bản, Ngôi sao Năng lượng EU, Ngôi sao Năng lượng Mỹ...

Quy định pháp lý cũng đặc biệt nhấn mạnh đến việc từng bước hạn chế sản xuất, nhập khẩu và đưa vào tiêu dùng những sản phẩm, trang thiết bị công nghệ cũ, mức hiệu suất năng lượng tối thiểu kém, ví dụ như: (i) Đối với nhóm thiết bị gia dụng: Từ ngày 01/01/2014, không được phép nhập khẩu và sản xuất các thiết bị có hiệu suất năng lượng thấp hơn mức hiệu suất năng lượng tối thiểu. (ii) Đối với các nhóm thiết bị công nghiệp, thiết bị văn phòng và thương mại: Từ ngày 01/01/2015, không được phép nhập khẩu và sản xuất các thiết bị có mức hiệu suất năng lượng thấp hơn mức hiệu suất năng lượng tối thiểu. (iii) Đối với các sản phẩm đèn tròn (đèn sợi đốt): Từ ngày 01/01/2013, không được nhập khẩu, sản xuất và lưu thông loại đèn có công suất lớn hơn 60W.

Một số giải pháp tạo thuận lợi và thúc đẩy dán nhãn năng lượng

Chương trình dán nhãn năng lượng đã đạt được nhiều kết quả tích cực như nâng cao nhận thức cho người dân nhận diện sản phẩm tiết kiệm năng lượng, góp phần loại bớt dần các thiết bị hiệu quả thấp, tiêu tốn năng lượng, chuyển dịch thị trường sang các sản phẩm ít tiêu hao năng lượng, thân thiện môi trường, góp phần giảm tiêu thụ điện…

Nhưng trong triển khai Chương trình này còn khá nhiều bất cập, trong đó có nhận thức của cộng đồng và doanh nghiệp còn hạn chế; chưa có các giải pháp quản lý và công nghệ đủ mạnh; doanh nghiệp khó khăn về vốn hoặc về vay tín dụng ưu đãi cho các dự án tiết kiệm năng lượng; truyền thông và đào tạo về tiết kiệm năng lượng còn hạn chế, không kịp thời; chưa đủ sự giúp đỡ, hỗ trợ quốc tế...

Ngoài ra, việc thực hiện lộ trình dán nhãn năng lượng còn gặp khó khăn về nguồn nhân lực và nguồn kinh phí triển khai, cơ sở hạ tầng thử nghiệm, các tiêu chuẩn, thiết bị thử nghiệm hiệu suất năng lượng thiếu và không đồng bộ, các văn bản chính sách hỗ trợ chưa hoàn thiện...

Để nâng cao hiệu quả thực hiện các hoạt động dán nhãn năng lượng cần triển khai đồng bộ các nhóm giải pháp sau đây:

Thứ nhất, nhóm giải pháp về tiếp tục hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật và văn bản điều hành quản lý, tác nghiệp

Một hệ thống văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL) tương đối đầy đủ đã được xây dựng và ban hành, tạo thành khung pháp lý tương đối hoàn chỉnh theo định hướng thống nhất các hoạt động trong lĩnh vực sử dụng năng lượng tiết  kiệm và hiệu quả (SDNL TK&HQ); quy định cụ thể các chế tài quản lý hoạt động của chương trình áp dụng Tiêu chuẩn hiệu suất năng lượng và Dán nhãn năng lượng cho các phương tiện, thiết bị sử dụng nhiều năng lượng và phương tiện, thiết bị sử dụng phổ biến trong đời sống; xác định cụ thể lộ trình thực hiện.

Cho đến năm 2018, trong lĩnh vực này đã ban hành được trên 20 VBPL ở cấp vĩ mô (bao gồm các Nghị định của Chính phủ, Quyết định của Thủ tướng Chính phủ và Thông tư của các Bộ, ngành liện quan); 30 bộ Tiêu chuẩn MEPS áp dụng cho các nhóm thiết bị mục tiêu; 07 Quyết định chỉ định cơ sở thử nghiệm; 16 văn bản hướng dẫn khác. Trong đó đặc biệt phải nói đến văn bản pháp luật bao trùm lĩnh vực này là Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả số 50/2010/QH12, được Quốc hội thông qua tháng 6/2010 và có hiệu lực từ 01/01/2011 (sau đây gọi tắt là Luật TKNL), bên dưới đó là Nghị định số 21/2011/NĐ-CP ngày 29/3/2011 của Chính phủ, quy định chi tiết và biện pháp thi hành Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, các Quyết định cấp Thủ tường Chính phủ, các Thông tư cấp Bộ ...

Mặc dù hệ thống VBQPPL trong lĩnh vực này tương đối đầy đủ, nhưng phải nhìn nhận rằng việc thực thi và kết quả mang lại chưa được như mong muốn. Do đó, trên cơ sở Luật TKNL và các văn bản dưới Luật, cần tiếp tục rà soát, bổ sung hoàn thiện hệ thống các văn bản điều hành quản lý, tác nghiệp để thực sự đưa được các quy định pháp lý vào thực tế sản xuất, kinh doanh, đồng thời đưa ra được những chế tài khả thi để loại bỏ dần các công nghệ sử dụng năng lượng có hiệu suất thấp trên thị trường và thúc đẩy các công nghệ hiệu suất cao. Trong đó chú trọng sửa đổi kịp thời một số văn bản có trước khi Luật TKNL có hiệu lực hoặc bộc lộ nhiều bất cập để phù hợp với điều kiện mới. Một ví dụ điển hình là năm 2016 Bộ Công Thương đã làm được một bước tiến lớn về cải cách hành chính trong lĩnh vực này, đã ban hành được Thông tư 36/2016/TT-BCT vào tháng 12/2016 quy định dán nhãn năng lượng cho các phương tiện, thiết bị sử dụng năng lượng, thay thế cho Thông tư 07/2012/TT-BCT (vốn rất rườm rà về thủ tục hành chính, gây nhiều khó khăn vướng mắc cho doanh nghiệp).những sửa đổi cần thiết cho dán nhãn NL

Chương trình mục tiêu quốc gia về Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả đã được ban hành trong hai giai đoạn, 2006-2011 và 2012-2015, là công cụ cực kỳ quan trọng trong điều hành và đem lại những thành quả đáng ghi nhận. Tuy Chương trình bị gián đoạn trong các năm 2016-2019, nhưng vừa qua Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chương trình quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả giai đoạn 2019 - 2030 để tiến hành triển khai trong hai giai đoạn, 2020-2025 và 2025-2030 (Quyết định số 280/QĐ-TTg ngày 29/3/2019).

Trong các công cụ điều hành quản lý và tác nghiệp, một biện pháp rất quan trọng là thúc đẩy xây dựng các cơ chế tài chính thích hợp, vừa mang tính khuyến khích vừa có tác dụng hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư thực hiện giải pháp tiết kiệm năng lượng. Hiện tại chúng ta vẫn thiếu cơ chế hỗ trợ cho các doanh nghiệp đầu tư thay thế dây chuyền công nghệ lạc hậu bằng dây chuyền công nghệ hiệu suất cao, tiết kiệm năng lượng; thiếu cơ chế giải quyết được tình trạng doanh nghiệp cần vốn nhưng không tiếp cận được những khoản vay tín dụng ưu đãi cho các dự án tiết kiệm năng lượng.

Một biện pháp cần thiết trong quản lý nữa là cần có văn bản chế tài để tăng cường công tác giám sát các cơ sở lớn sử dụng năng lượng trọng điểm, đảm bảo công tác báo cáo tình trạng sử dụng năng lượng và kế hoạch sử dụng năng lượng hàng năm nhằm giảm suất tiêu hao năng lượng trên đơn vị sản phẩm. Đồng thời cần đưa ra những chính sách phù hợp, khả thi để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ - trong khả năng hạn chế cả về tài chính, nhân lực, kinh nghiệm quản lý - cũng có thể từng bước áp dụng được các biện pháp tiết kiệm năng lượng và thiết thực hưởng lợi từ việc sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, qua đó vừa phát triển được doanh nghiệp mình theo hướng bền vững, vừa góp phần tiết kiệm năng lượng cho quốc gia, cho xã hội.

Thứ hai, nhóm giải pháp về xây dựng, bổ sung, hoàn thiện các tiêu chuẩn kỹ thuật, công nghệ

Như trên đã nói, hai mặt không tách rời nhau là dán nhãn năng lượng song hành với xây dựng tiêu chuẩn hiệu suất năng lượng. Xây dựng tiêu chuẩn hiệu suất năng lượng cho mỗi loại thiết bị (dự kiến được dán nhãn) là điều kiện tiên quyết phục vụ cho công việc dán nhãn.

Nước ta đang xây dựng và áp dụng loại tiêu chuẩn phổ biến là Tiêu chuẩn Hiệu suất năng lượng tối thiểu (Minimum Energy Performance Standard – MEPS), theo đó các sản phẩm cùng loại không đạt các chỉ tiêu MEPS sẽ bị hạn chế tiêu thụ dần và đi đến thải loại, cấm sử dụng. Hơm nữa, hướng đi và đích đến phải là áp dụng một loại tiêu chuẩn cao hơn gọi là Tiêu chuẩn Hiệu suất năng lượng mục tiêu (Target Energy Performance Standard – TEPS). Loại tiêu chuẩn này có yêu cầu hiệu suất năng lượng tiên tiến nhằm khuyến khích các doanh nghiệp phấn đấu nâng cao hiệu suất năng lượng cho các sản phẩm do doanh nghiệp sản xuất ra trong điều kiện kỹ thuật công nghệ cho phép và với giá thành hợp lý. Cả hai loại tiêu chuẩn MEPS và TEPS phải được sửa đổi, cập nhật, nâng cao dần theo trình độ phát triển công nghệ trong nước để tùng bước hội nhập với tiêu chuẩn khu vực và thế giới.

Thứ ba, nhóm giải pháp về tăng cường tuyên truyền, thông tin, đào tạo và xây dựng năng lực

Chương trình dán nhãn năng lượng cần vạch ra kế hoạch càng cụ thể càng tốt trong lộ trình thực hiện, trước hết bao gồm: xác định các sản phẩm mục tiêu, các nguyên tắc thực hiện, các mốc thời gian, các yêu cầu kỹ thuật và các biện pháp chế tài từ quá trình khuyến khích, tự nguyện đến bắt buộc thực hiện đối với cả đối tượng quản lý và đối tượng chịu quản lý. 

Về các sản phẩm mục tiêu, cần xác định rõ các nhóm sản phẩm với thứ tự ưu tiên dán nhãn năng lượng phù hợp với trình độ kinh tế của nước ta nói chung và của từng vùng miền, địa phương nói riêng. Ví dụ nhóm điều hòa không khí hoặc máy giặt nay đã là rất phổ biến tại khu vực thành phố, nhưng chưa thể phổ cập cùng thời điểm cho khu vực nông thôn; nhóm sản phẩm đèn tiết kiệm năng lượng hoặc ti vi thì đã có mặt ở đa số các gia đình có mức thu nhập trung bình trung bình trở lên .v.v. Xác định các sản phẩm mục tiêu cũng cần gắn chặt với định hướng thương mại nhập khẩu và quản lý nhập khẩu.

Về tăng cường tuyên truyền, cần phổ biến sâu rộng thông tin về các sản phẩm đã hoặc cần được dán nhãn năng lượng cho người tiêu dùng, cho các doanh nghiệp, các đơn vị sử dụng nhiều năng lượng. Một trong những yếu tố quyết định thành công là nâng cao nhận thức và sự quan tâm của người tiêu dùng để họ chủ động chọn mua các sản phẩm tiết kiệm năng lượng chứ không chỉ quan tâm thuần túy về giá cả hay thương hiệu như trước đây. Bên cạnh đó, để một chương trình dán nhãn nhận được sự ủng hộ của công chúng, cần đảm bảo các yêu cầu của nhãn là chính xác và hợp lý.

Về các biện pháp chế tài, cần xây dựng lộ trình chính sách và cơ chế bắt buộc cũng như hình thức xử phạt vi phạm đối với các sản phẩm không dán nhãn, nâng cao năng lực cho các cơ quan quản lý giám sát thực hiện chương trình dán nhãn.

Về xây dựng năng lực, cần tiến hành một cách đồng bộ đối với cả hai đối tượng: (i) đối tượng quản lý và thực hiện chương trình dán nhãn; (ii) đối tượng thụ hưởng lợi ích của dán nhãn.

Thứ tư, nhóm giải pháp về phát huy sức mạnh tổng hợp của mọi đối tượng trong xã hội nhằm đạt mục tiêu sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả

Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả thông qua công cụ thích hợp là chương trình dán nhãn năng lượng mang lại lợi ích nhiều mặt cho quốc gia, cho xã hội, cho doanh nghiệp và cho người tiêu dùng, cũng có nghĩa là hoạt động này liên quan và chịu tác động tương hỗ của nhiều đối tượng tổ chức, đối tác, cá nhân. Nhưng trong thời gian qua chưa có một kế hoạch vừa toàn diện và dài hạn, vừa trọng điểm và chi tiết để triển khai, do đó Chương trình dán nhãn chưa khai thác được tối đa nguồn lực to lớn từ sự quan tâm và cộng tác của các đối tác quan trọng đối với Chương trình như ngành Điện.

Bên cạnh ngành điện, các ngành có mức độ tiêu thụ năng lượng cao, có tiềm năng tiết kiệm lớn như xây dựng, giao thông, chế tạo thiết bị… cũng mới ở bước đầu trong việc tham gia chương trình dán nhãn năng lượng và còn dư địa rất lớn cho việc triển khai đồng bộ giữa các ngành. Các thông tin liên quan về dán nhãn sản phẩm tiết kiệm năng lượng đã được tuyên truyền, quảng bá nhưng chưa đủ sâu rộng, chưa đủ thường xuyên để hình thành nề nếp, ý thức của các đơn vị và người tiêu dùng trong việc chi tiêu, mua sắm thiết bị tiết kiệm năng lượng. Do vậy trong thời gian tới ngoài sự cố gắng cải tiến hệ thống văn bản pháp quy và thủ tục hành chính của các cơ quan quản lý nhà nước các cấp, cần chú trọng huy động, khai thác hơn nữa nguồn lực xã hội hóa của các thành phần đối tượng nói trên.

Thứ năm, nhóm giải pháp về tăng cường hợp tác quốc tế

Trong hoàn cảnh Việt Nam chưa có nhiều kinh nghiệm và nguồn lực để thực hiện tiết kiệm năng lượng và dán nhãn năng lượng như nhu cầu mong muốn, sự giúp đỡ, hỗ trợ của các tổ chức quốc tế là tác nhân rất quan trọng, là đòn bẩy có tác động thúc đẩy quá trình này ở nước ta. Một số hoạt động tiêu biểu đã tiến hành hiệu quả có thể kể đến như: Chương trình hiệu suất năng lượng và bảo tồn năng lượng cho Việt Nam (do EU, UNDP, Hà Lan và SIDA tài trợ, giai đoạn 1995-2001); Các Chương trình quảng bá đèn tiết kiệm năng lượng (do WB và GEF tài trợ, giai đoạn 2004-2009); Chương trình chiếu sáng công cộng hiệu quả (do UNDP và GEF tài trợ, giai đoạn 2006-2010);  Dự án thúc đẩy bảo tồn năng lượng trong các doanh nghiệp nhỏ và vừa (do UNDP tài trợ, giai đoạn 2006-2010); Chương trình thí điểm hiệu suất năng lượng thương mại (do WB và GEF tài trợ, giai đoạn 2004-2009); Dự án trợ giúp giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu thông qua việc tăng cường hiệu suất năng lượng cho các doanh nghiệp Việt Nam để phát triển bền vững (do DANIDA Đan Mạch tài trợ, giai đoạn 2009-2013); Dự án nghiên cứu Quy hoạch tổng thể về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả ở Việt Nam (do JICA Nhật Bản tài trợ, giai đoạn 2008-2009)… Thời gian gần đây cũng có một số dự án hỗ trợ của các tổ chức quốc tế như WB, EU, GIZ… tài trợ hoặc cho vay đang được triển khai thực hiện, mang lại thuận lợi đáng kể cả về nguồn lực tài chính và nguồn lực con người.

Trong hợp tác quốc tế, một khía cạnh quan trọng là hợp tác khu vực giữa các nước có xuất phát điểm và tiềm lực không quá xa nước ta, nhằm chia sẻ thông tin, kinh nghiệm, tối đa hoá các tác động tích cực, tránh lặp lại các yếu tố không thành công, chia sẻ các bài học kinh nghiệm của các quốc gia và kinh nghiệm quốc tế đã được đúc kết, tập hợp và chuyển giao.

TS.Nguyễn Thăng Long

Hội KHCN sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả Việt Nam