Thực trạng và giải pháp phát triển ngành dầu khí Việt Nam đến năm 2035, tầm nhìn 2045

Hội nghị BCH Trung ương Đảng lần thứ 8 đã thông qua những nội dung cơ bản Nghị quyết mới về chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Khai thác dầu khí và các tài nguyên khoáng sản biển khác xếp thứ ba trong thứ tự ưu tiên phát triển các ngành kinh tế biển. Điều đó tiếp tục khẳng định vai trò đặc biệt của ngành Dầu khí đối với nền kinh tế vĩ mô nói chung và phát triển kinh tế ven biển nói riêng.

Một số thành tựu nổi bật của ngành dầu khí Việt Nam

Với trữ lượng dầu mỏ khoảng 4,4 tỷ thùng, Việt Nam được xếp thứ 28 trong số 52 quốc gia có trữ lượng dầu mỏ xác minh trên thế giới và đứng đầu khu vực Đông Nam Á. Bên cạnh đó, trữ lượng khí đã xác minh của Việt Nam đạt khoảng 0,6 nghìn tỷ m3, đứng thứ ba trong khu vực. Việc khai thác tấn dầu đầu tiên ngày 26/6/1986 đã đưa Việt Nam vào danh sách những nước khai thác và xuất khẩu dầu thô, đặc biệt là việc khai thác được tấn dầu đầu tiên từ tầng đá móng Bạch Hổ đã gây tiếng vang lớn trong giới khoa học địa chất của ngành dầu khí thế giới.

Sau hơn 35 năm khai thác tấn dầu thương mại đầu tiên, ngành dầu khí Việt Nam với đơn vị nòng cốt, chủ lực là Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) đã phát triển nhanh, xây dựng thành công và phát triển đồng bộ, hoàn chỉnh từ khâu thăm dò, khai thác, đến vận chuyển, tồn trữ, xử lý và chế biến dầu khí (lọc hóa dầu), tổ chức phân phối các sản phẩm dầu khí và hóa dầu, năng lượng dầu khí, dịch vụ kỹ thuật - công nghệ cao, thu được nhiều kết quả rất đáng khích lệ.

Khai thác dầu khí Việt Nam
Ngành công nghiệp dầu khí Việt Nam hiện đã được phát triển hoàn chỉnh, đồng bộ từ tìm kiếm thăm dò khai thác - phát triển công nghiệp khí - điện - chế biến và dịch vụ dầu khí góp phần quan trọng đảm bảo an ninh năng lượng, an ninh lương thực đất nước.

Có thể kể đến 04 đóng góp lớn của PVN cho phát triển kinh tế xã hội đất nước trong thời gian qua, gồm:

Thứ nhất, PVN đã xây dựng được hệ thống công nghiệp dầu khí hoàn chỉnh, đồng bộ từ tìm kiếm thăm dò khai thác - phát triển công nghiệp khí - điện - chế biến và dịch vụ dầu khí góp phần quan trọng đảm bảo an ninh năng lượng, an ninh lương thực đất nước.

Từ chỗ không có dầu khí, đến nay công tác tìm kiếm thăm dò đã xác định được trữ lượng dầu khí của Việt Nam có thể thu hồi khoảng 1,5 - 2,0 tỷ m3 quy dầu và cơ bản đánh giá tiềm năng dầu khí của Việt Nam đủ khả năng cân đối bền vững cho hoạt động khai thác dầu khí, đảm bảo an ninh năng lượng của đất nước trong thời gian tới. Từ điểm mốc khai thác m3 khí đầu tiên vào tháng 6/1981 và khai thác tấn dầu thô đầu tiên 26/6/1986, đến nay ở trong nước, PVN đã và đang triển khai hoạt động khai thác dầu khí tại 36 mỏ với 21 hợp đồng dầu khí trong vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý của thềm lục địa Việt Nam. Khai thác dầu ở trong nước từ khi khai thác tấn dầu đầu tiên (26/6/1986) đến hết tháng 05/2022 đạt 419,5 triệu tấn dầu thô và 173,4 tỷ m3 khí. Hiện tại sản lượng khai thác dầu thô ở trong nước trung bình đạt 7,5- 8,5 triệu tấn/năm, tương đương đạt 24-26 nghìn tấn/ngày; sản lượng khai thác khí đạt 9-11 tỷ m3/năm, tương đương đạt 26- 30 triệu m3/ngày.

PVN đã cơ bản xây dựng nền công nghiệp khí hoàn chỉnh, đồng bộ ở tất cả các khâu, từ khai thác - thu gom/nhập khẩu - vận chuyển - chế biến - tồn trữ - phân phối khí và các sản phẩm khí trên toàn quốc. Hiện nay, PVN đang vận hành 5 hệ thống đường ống dẫn khí, 03 nhà máy xử lý khí (02 ở Vũng Tàu, 01 ở Cà Mau), 13 kho chứa LPG công suất gần 100 nghìn tấn,... có thể cung cấp từ 9 - 11 tỷ m3 khí/năm cho sản xuất 35% sản lượng điện quốc gia, trên 70% sản lượng đạm góp phần đảm bảo an ninh lương thực đất nước và 70-80% khí cho các hộ tiêu thụ dân dụng của cả nước.

Đồng thời, các nhà máy điện khí cũng đã được xây dựng để sử dụng các sản phẩm khí tự nhiên do PVN khai thác cũng như từ nguồn khí nhập khẩu với 04 nhà máy nhiệt điện khí công suất 2.700 MW (NMĐ khí Cà Mau 1&2, Nhơn Trạch 1&2), góp phần đáng kể trong việc đảm bảo an ninh năng lượng điện của đất nước.

PVN đã hình thành, xây dựng và đặt nền móng cho sự phát triển ngành công nghiệp lọc hóa dầu Việt Nam; đang vận hành thương mại các công trình trọng điểm dầu khí gồm: Nhà máy lọc dầu Dung Quất, Liên hợp Lọc hóa dầu Nghi Sơn, Đạm Phú Mỹ, Đạm Cà Mau... Hàng năm cung cấp: trên 13,5 triệu tấn xăng dầu các loại đáp ứng khoảng 75% nhu câu xăng dầu trong nước; 1,8 triệu sản phẩm hóa dàu, đáp ứng: cung cấp 1,6- 1,7 triệu tấn phân đạm, đáp ứng trên 70% nhu cầu phân bón trong nước. Hệ thống kho và phân phối xăng dầu thông qua PVOil với 635 cửa hàng xăng dầu trên toàn quốc, sản lượng khoảng 3-3,2 triệu tấn/năm, chiếm 17% thị phần bán lẻ trong nước (đứng thứ 2 sau Petrolimex).

PVN đã xây dựng và phát triển lĩnh vực dịch vụ dầu khí chất lượng cao đồng bộ ở tất cả các khâu, đạt trình độ ngang tầm khu vực và quốc tế, như: công nghiệp cơ khí hàng hải, cơ khí dầu khí với các sản phẩm giàn khoan nước sâu tự nâng hiện đại, giàn khai thác cổ định; phát triển dịch vụ khoan dầu khí ra nước ngoài; đã tự chủ hoàn toàn trong lĩnh vực bảo dưỡng, sửa chữa công trình dầu khí, bao gồm các giàn khoan, Nhà máy lọc dầu, nhà máy nhiệt điện khí, điện than, phân bón... Các dịch vụ này mang tính trực tiếp, nằm trong chuỗi hoạt động sản xuất dầu khí có tính chuyên nghiệp, kỹ thuật cao, gắn liền hoạt động dây chuyền trong 5 lĩnh vực, tạo nên chuỗi giá trị liên kết của PVN.

Thứ hai, với quy mô tài sản của Tập đoàn hợp nhất tại thời điểm 31/12/2021 là 40 tỷ USD, vốn chủ sở hữu của Tập đoàn là 21 tỷ USD. Tính từ năm 1986 cho tới hết năm 2021, tổng doanh thu của Tập đoàn đạt trên 445 tỷ USD, đóng góp cho GDP cả nước hung bình hàng năm từ 10 - 13%; Nộp ngân sách Nhà nước trên 115 tỷ USD, giai đoạn 2010 trở về trước đóng góp 25-30% tổng thu ngân sách cả nước, giai đoạn 2011- 2015 đóng góp 20-25%, giai đoạn 2016 đến nay do sự phát triển của các ngành kinh tế khác của đất nước PVN đóng góp 9-11% tống thu ngân sách cả nước. PVN là đơn vị có đóng góp cho Ngân sách cao nhất trong số các doanh nghiệp Nhà nước.

Đặc biệt trong 2 năm 2020- 2021, Việt Nam cũng như thế giới trải qua giai đoạn vô cùng khó khăn khi đại dịch Covid- 19 hoành hành. Với phương châm hành động đúng đắn, xây dựng kịp thời và triển khai thực hiện có hiệu các giải pháp ứng phó, PVN đã duy trì ổn định hoạt động sản xuất kinh, cụ thể năm 2020, trong khi hoạt động của nhiều công ty dầu khí lớn trên thế giới lâm vào khó khăn, hoạt động thua lỗ, thậm chí phá sản sa thải công nhân thì PVN là một trong số ít các doanh nghiệp dầu khí trên thế giới có lãi với tổng lợi nhuận trước thuế đạt 19,9 nghìn tỷ đồng, đóng góp cho Ngân sách nhà nước 83 nghìn tỷ đồng; năm 2021 đóng góp cho Ngân sách nhà nước 112,5 nghìn tỷ đồng, vượt 50 nghìn tỷ đông (tương đương vượt 80,0%) kế hoạch; lợi nhuận trước thuế hợp nhất đạt 51,7 nghìn tỷ đồng, vượt 3,0 lần kế hoạch.

Không chỉ đóng góp cho GDP, Ngân sách nhà nước bằng những con số cụ thể, PVN còn đóng vai trò trụ cột, đầu tàu, là động lực mạnh mẽ cho phát triển kinh tế thông qua triển khai thành công nhiều chuỗi dự án, công trình trọng điểm quốc gia tại các khu vực, địa bàn trên cả nước như: Dung Quất - Quảng Ngãi; Khí Điện Đạm Cà Mau; Nghi Sơn - Thanh Hóa; Bà Rịa - Vũng Tàu, Nhơn Trạch - Đồng Nai...

Thứ ba, PVN đã xây dưng được đội ngũ những người làm dầu khí hùng hậu; với số lượng hiện có là gần 60 nghìn lao động, trong đó trên 5.500 người cỏ trình độ trên đại học, trên 25.500 người có trình độ đai học và cao đẳng và trên 25.000 công nhân lành nghề, đáp ứng cơ bản nhu cầu phát triển của ngành dầu khí Việt Nam.

Thứ tư, nơi nào có hoạt động dầu khí, có giàn khoan đặt chân, ở đó chủ quyền Quốc gia được khẳng định. Trong quá trình phát triển, PVN đã phối hợp chặt chẽ với các cơ quan liên quan (Bộ Quốc phòng, Bộ Ngoại giao, Bộ Công An và các Bộ/ngành liên quan khác) trong việc triển khai các hoạt động sản xuất kinh doanh, đầu tư của Tập đoàn, các vấn đề trên biển Đông và hải đảo; Phối hợp với Bộ Ngoại giao hoàn thành báo cáo Quốc gia về ranh giới ngoài thềm lục địa Việt Nam nộp cho ủy ban thềm lục địa Liên Hợp Quốc; Phối hợp với Bộ Tư lệnh Hải quân triển khai dự án xây lắp, sửa chữa và nâng cấp các công trình DK, hệ thống chiếu sáng, dự án sản xuất năng lượng sạch và nước sạch trong khu vực quần đảo Trường Sa; Đầu tư, đưa tàu địa chấn 2D, 3D vào hoạt động và tự tổ chức khảo sát trên thềm lục địa Việt Nam, đã tạo chủ động cho Tập đoàn trong việc thực hiện các nhiệm vụ được giao (đây là công việc trước đây ta phải thuê các tàu nước ngoài thực hiện) góp phần bảo vệ chủ quyền Quốc gia trên biển.

Có thể khẳng định, các hoạt động sản xuất, dịch vụ khác từ dầu khí đã đóng góp quan trọng cho sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá, bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia, đóng góp lớn vào nguồn thu ngân sách và phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Đặc biệt, ngành dầu khí tham gia hiệu quả vào công tác bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam trên Biển Đông và giữ vai trò quan trọng trong Chiến lược kinh tế biển Việt Nam.

Khó khăn, thách thức và xu thế chuyển dịch năng lượng của ngành dầu khí giai đoạn 2021 – 2035

Theo Định hướng chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2035, tầm nhìn đến năm 2045, nhu cầu dầu và khí theo kịch bản đề xuất là khoảng 37 triệu TOE vào năm 2025 và tăng dần đến gần 110 triệu TOE vào năm 2050 với tỷ phần của dầu là 21%, của khí là 13% trong cân đối năng lượng sơ cấp. Trong đó, dự báo khai thác dầu và khí năm 2025 là 24 triệu TOE giảm xuống dưới 10 triệu TOE vào năm 2045. Còn theo Chiến lược phát triển ngành Dầu khí Việt Nam, mục tiêu sản lượng khai thác trong nước và nước ngoài về dầu khí năm 2025 đạt 27 - 29 triệu tấn và năm 2050 đạt 32 - 35 triệu tấn.

Nhu cầu dầu khí
(Nguồn: Ban Kinh tế Trung ương. (2020). Định hướng chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn 2045. Nhà xuất bản Đại học Kinh tế Quốc dân)

 

Khai thác xuất khẩu dầu
(Nguồn: Ban Kinh tế Trung ương. (2020). Định hướng chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn 2045. Nhà xuất bản Đại học Kinh tế Quốc dân)
Khai thác xuất khẩu khí
(Nguồn: Ban Kinh tế Trung ương. (2020). Định hướng chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn 2045. Nhà xuất bản Đại học Kinh tế Quốc dân)

Ngoài ra, Nghị quyết 55-NQ/TW của Bộ Chính trị đặt mục tiêu ngành dầu khí còn được yêu cầu “Các cơ sở lọc dầu đáp ứng tối thiểu 70% nhu cầu trong nước, đảm bảo mức dự trữ xăng dầu đạt tối thiểu 90 ngày nhập ròng, đủ năng lực nhập khẩu khí LNG khoảng 8 tỷ m3 vào năm 2030 và khoảng 15 tỷ m3 vào năm 2045”. Mức phát thải khí CO2 cho toàn quốc ở kịch bản bình thường từ 253 triệu tấn năm 2020 dự kiến tăng đến 1 tỷ tấn vào năm 2045; còn ở kịch bản có giải pháp giảm thiểu phát thải dự báo sẽ từ 237,3 triệu tấn năm 2020 lên đến 800 triệu tấn năm 2045, ở mức giảm khí thải 20%.

Các số liệu trong các kịch bản chiến lược phát triển năng lượng của nước ta có thể cho thấy nhu cầu dầu khí như nguồn cung năng lượng tăng nhanh nhưng bắt đầu từ năm 2025 Việt Nam không còn tự chủ về nguồn nguyên liệu dầu, khí và phụ thuộc hoàn toàn vào nguồn cung từ nước ngoài, sẽ tạo ra sự bất ổn lớn đối với an ninh năng lượng quốc gia và sự phát triển kinh tế đất nước. Ngành dầu khí cần triển khai các giải pháp để cải thiện tình trạng suy giảm, duy trì sự ổn định về sản lượng dầu khí, cải thiện khả năng tự chủ về năng lượng.

Các khó khăn và thách thức chính đối với ngành dầu khí Việt Nam

Lĩnh vực tìm kiếm - thăm dò - khai thác dầu khí đang đối mặt với rất nhiều khó khăn, thách thức. Sản lượng khai thác dầu của ngành dầu khí Việt Nam đang có xu hướng suy giảm tự nhiên với tốc độ suy giảm từ 5-8%/năm do khai thác quá lâu. Theo Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN), phần lớn các mỏ dầu khí đang khai thác ở Việt Nam đều được đưa vào khai thác trong giai đoạn từ 1986 - 2015. Trong đó, các mỏ có đóng góp sản lượng lớn đều đã khai thác được 15 - 36 năm (đang ở giai đoạn khai thác cuối đời mỏ), độ ngập nước cao và tiếp tục tăng liên tục theo thời gian. Độ ngập nước trung bình của một số mỏ hiện đã ở mức 50% - 90% dẫn đến sản lượng suy giảm tự nhiên. Đây cũng là thực tế chung ở giai đoạn cuối đời của các mỏ trên thế giới.

Theo thống kê từ năm 2015 đến nay, sản lượng khai thác dầu trong nước liên tục sụt giảm, từ mức 16,9 triệu tấn vào năm 2015 xuống còn 15,2 triệu tấn vào năm 2016; 13,4 triệu tấn vào năm 2017; 12 triệu tấn vào năm 2018; 11 triệu tấn vào năm 2019 và 9,7 triệu tấn vào năm 2020. Theo dự báo, sản lượng khai thác dầu khí tiếp tục giảm trong các năm tiếp theo.

Để hạn chế mức độ suy giảm sản lượng tự nhiên từ các giếng hiện hữu, nhiều giải pháp ứng phó đã được áp dụng kịp thời vào hoạt động khai thác. Theo đó, PVN và các nhà thầu đã khoan bổ sung các giếng khoan đan dày.

Tuy nhiên, với số lượng giếng khoan đan dày rất hạn chế và sản lượng thường không cao nên giải pháp ứng phó trước mắt này chỉ đóng góp dưới 10% sản lượng chung của cả mỏ. Các khu vực truyền thống có tiềm năng dầu khí đã được thăm dò khá chi tiết (bể Cửu Long, Nam Côn Sơn), các phát hiện dầu khí mới phần lớn là nhỏ, nên đòi hỏi phải mở rộng hoạt động tìm kiếm, thăm dò các khu vực nước sâu, xa bờ. Tiềm năng dầu khí chưa phát hiện còn lại tập trung chủ yếu ở vùng nước sâu, xa bờ, rủi ro cao, tiếp tục bị nước ngoài gây sức ép, cản trở các hoạt động dầu khí ở vùng đặc quyền kinh tế Việt Nam.

Bên cạnh đó, giải pháp sửa chữa, can thiệp giếng, nâng cao và tối ưu hệ số sử dụng thiết bị cũng được triển khai tích cực, nhưng cũng chỉ đóng góp cao nhất là 2% sản lượng của toàn mỏ. Trữ lượng gia tăng quá thấp khiến từ nay đến năm 2025, sản lượng khai thác dầu trong nước sẽ giảm đều đặn khoảng 10%/năm – tương đương với hơn 2 triệu tấn.

Việc giá dầu thô dao động mạnh ở mức thấp khó dự báo, tác động kép của đại dịch Covid-19 tạo nhiều bất cập, doanh thu giảm khiến nguồn tài chính của PVN ngày càng eo hẹp, phần Nhà nước để lại bị giới hạn, không đủ để đầu tư phát triển. Nguồn lực hạn hẹp, phân tán, thiếu thể chế để các đơn vị trong ngành hỗ trợ lẫn nhau nên các hoạt động tìm kiếm - thăm dò - khai thác dầu khí ngày càng bị thu hẹp. Bên cạnh đó, các điều khoản ưu đãi của Luật Dầu khí không còn đủ hấp dẫn các nhà đầu tư trong bối cảnh biến động giá dầu, không khuyến khích đầu tư vào các mỏ nhỏ, mỏ cận biên kinh tế và các mỏ đang ở thời kỳ khai thác tận thu hồi.

Sự thu hẹp hoạt động tìm kiếm - thăm dò trong nước kéo theo sự sụt giảm khối lượng dịch vụ và sự tăng trưởng không bền vững trong toàn ngành. Dòng tiền ngoại tệ bị chảy ra nước ngoài khi các đơn vị dịch vụ trong nước thiếu việc làm. Những bất cập trong các quy định hiện hành đã hạn chế sự phát triển dịch vụ dầu khí trong nước.

Xu thế chuyển dịch năng lượng của ngành dầu khí Việt Nam

Thực trạng về tiềm năng tài nguyên và nhu cầu luôn cao về năng lượng cho thấy công nghiệp dầu khí vẫn sẽ giữ vị trí hàng đầu trong tỷ phần năng lượng sơ cấp. Hơn nữa, sản phẩm dầu khí không chỉ là nguồn năng lượng mà còn là nguyên liệu quan trọng cho công nghiệp, hóa dầu, nông nghiệp, công nghiệp sản xuất hàng tiêu dùng.

Khi chưa có nguồn tài nguyên mới đa dạng về công dụng có thể thay thế dầu khí thì nhiệm vụ trước mắt và trung hạn trong lĩnh vực thăm dò, khai thác và chế biến dầu khí buộc phải tập trung đầu tư phát triển giải pháp và quy trình công nghệ hiện đại hơn để tăng hiệu quả, tối ưu khai thác và tiết kiệm tài nguyên, tăng hiệu quả và giá trị sử dụng các sản phẩm dầu khí, giảm thiểu nguy cơ ảnh hưởng xấu đến môi trường.

Sự chuyển dịch quan trọng, cấp bách mà ngành Dầu khí phải đối mặt đó là sự chuyển dịch trong cơ cấu năng lượng gốc hydrocarbon từ dầu sang khí. Đó là yêu cầu thực tế xuất phát từ tiềm năng tài nguyên khí thiên nhiên, suy giảm nhanh sản lượng dầu và đòi hỏi của sự phát triển cách mạng công nghiệp 4.0 trong quá trình hội nhập. Khí thiên nhiên được xem là dạng năng lượng sạch sử dụng hiệu quả cho điện và nguồn nguyên liệu cho hóa dầu, ít phát thải khí nhà kính. Với tính ưu việt trên, nên khí thiên nhiên tất yếu sẽ là nguồn nguyên liệu/năng lượng tương lai thay thế dần dầu và than.

Ngành dầu khí Việt Nam cần điều chỉnh chiến lược phát triển công nghiệp khí và xây dựng tổng quy hoạch công nghiệp khí hợp lý cho từng giai đoạn phát triển, bao gồm từ công nghệ khai thác hiệu quả các vỉa/mỏ khí nhiều CO2, tận dụng tạo thêm giá trị gia tăng, xây dựng mạng lưới đường ống, cảng biển và các khu công nghiệp khí phù hợp với quy hoạch kinh tế vùng, sơ đồ mạng lưới điện quốc gia, xây dựng chiến lược thị trường khí và sản phẩm khí với tầm nhìn kết hợp với nhập LNG. Khí hóa lỏng LNG dự báo sẽ có thị trường tiêu thụ với tốc độ tăng nhanh.

Tài nguyên khí thiên nhiên còn ở dạng băng cháy (gas hydrate hay methane hydrate) theo dự báo có tiềm năng lớn ở Biển Đông. Giải pháp kỹ thuật và công nghệ khai thác, xử lý băng cháy hoàn toàn khác công nghệ truyền thống khai thác dầu khí. Việc đánh giá và phân vùng tiềm năng băng cháy là nhiệm vụ cần được quan tâm xúc tiến và sớm tiếp cận với công nghệ thăm dò và khai thác dạng tài nguyên này.

Do đòi hỏi khách quan của cách mạng công nghiệp 4.0, sự biến đổi khí hậu và tiềm ẩn rủi ro cao về môi trường liên quan chặt với ngành công nghiệp dầu khí, trong tương lai các công ty dầu khí phải đối mặt với yêu cầu đa dạng hóa nguồn năng lượng, khai thác nguồn năng lượng mới hiệu quả, sạch hơn, hạn chế tối đa phát thải khí CO2 và thỏa mãn người tiêu dùng hơn. Vì thế, ngay từ bây giờ PVN đang nghiên cứu quy hoạch tổng thể, từng bước phát triển nguồn năng lượng tái tạo, thân thiện với môi trường và đặc biệt hạn chế phát thải CO2 gây hiệu ứng nhà kính. Các dạng năng lượng tái tạo mà ngành Dầu khí ưu tiên xem xét phát triển dựa trên năng lực của mình là năng lượng gió và năng lượng hydro.

Năng lượng gió là nguồn năng lượng tái sinh, sạch có tiềm năng lớn và sẽ là một trong những nguồn năng lượng quan trọng phát triển trong thập kỷ tới, cần sớm được đầu tư. Năng lượng gió dùng chủ yếu để sản xuất điện với nhiều lợi thế do đầu tư ban đầu thấp. Theo thống kê của Equal-Ocean, điện gió phát triển mạnh nhất ở Trung Quốc với tổng công suất 211.392 MW dẫn đầu thế giới, EU là 178.526 MW, Mỹ là 96.625 MW, giảm thiểu được gần 9 tỷ tấn khí thải CO . Điện gió được xây dựng cả trong đất liền và ngoài biển và là lĩnh vực cần nhận được sự quan tâm ưu tiên hỗ trợ từ Chính phủ. Nhược điểm của điện gió là cường độ gió biến động không phù hợp với mức tiêu thụ điện trong ngày và theo mùa, khó khăn trong tích trữ điện năng, vì thế cần gắn với mạng lưới điện quốc gia.

Với tiềm lực và kinh nghiệm xây dựng các công trình biển, Chính phủ cần giao và hỗ trợ ngành dầu khí để phát triển hoàn chỉnh công nghiệp điện gió từ xây lắp, sửa chữa, bảo dưỡng và chế tạo phụ tùng thay thế. Điện gió ngoài biển và hải đảo không ảnh hưởng đến diện tích đất và môi trường sinh thái như ở đất liền. Những công trình điện gió ngoài khơi có thể sử dụng đa mục tiêu.

Năng lượng hydro cũng là nguồn năng lượng sạch của tương lai dựa trên nguồn nguyên liệu khí thiên nhiên song chưa làm chủ được công nghệ hiệu quả, tiên tiến và thị trường tiêu thụ. PVN đang có chương trình nghiên cứu phát triển dạng năng lượng này, trước tiên nghiên cứu chiến lược phát triển thị trường sử dụng năng lượng hydro.

Một số giải pháp thúc đẩy sự phát triển ngành dầu khí Việt Nam thời gian tới

Dầu và khí là năng lượng chưa thể thay thế được trong nửa đầu thế kỷ XXI, vì thế tổ chức thăm dò và khai thác các mỏ dầu khí hiệu quả, giá thành cạnh tranh, sản lượng ổn định vẫn là mục tiêu quan trọng chi phối mọi hoạt động của PVN nói riêng, ngành dầu khí Việt Nam nói chung trong trung và dài hạn. Tiềm năng và trữ lượng dầu khí dự báo còn khoảng 600-700 triệu m3 dầu và gần 800 tỷ m3 khí đủ đảm bảo cho sự phát triển ổn định ngành Dầu khí Việt Nam, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế đất nước đến giữa thế kỷ XXI.

Nhằm đảm bảo và thúc đẩy sự phát triển của ngành trong thời gian tới, ngành dầu khí Việt Nam cần đảm bảo gia tăng trữ lượng và sản lượng khai thác ổn định. Vùng biển gần bờ, chiều sâu nước đến 100 m sau hơn 30 năm khai thác hiện đã qua giai đoạn sản lượng đỉnh với trên 600 triệu tấn dầu quy đổi. Mục tiêu sắp tới là đầu tư tận khai thác ở vùng biển 200 m nước sâu và phát triển công nghệ kỹ thuật thăm dò khai thác ở vùng biển xa bờ, nước sâu trên 500 - 2.000 m, vùng chuyển tiếp sườn lục địa, với các bẫy phổ biến là phi truyền thống và hỗn hợp truyền thống với phi truyền thống, ứng dụng công nghệ mới và có những giải pháp đặc thù để phát triển và tổ chức khai thác các mỏ nhỏ, cận biên kinh tế, xây dựng cơ sở dữ liệu đặc biệt về các yếu tố chi phối hiệu quả và sự thành công trong thăm dò và phát triển mỏ, tăng tỷ lệ các giếng khoan thành công.

Cần sớm đưa vào khai thác các mỏ khí như: Cá Voi Xanh, Kèn Bầu, Lô B... Quy trình phát triển các mỏ khí có tính đặc thù đòi hỏi phải giải quyết đồng bộ chuỗi giá trị gồm khai thác, vận chuyển đưa vào bờ, xử lý và phát triển hộ tiêu thụ, thống nhất giá mua - bán khí, đặc biệt cần thiết phải có sự điều tiết của Chính phủ ngay từ đầu.

Đồng thời, ngành dầu khí Việt Nam cần chú trọng nâng cao hiệu quả khai thác tài nguyên. Ngành dầu khí Việt Nam đã thành công trong công nghệ thăm dò và khai thác dầu khí, nhưng thực tiễn cho thấy cần phải nhanh chóng đổi mới công nghệ theo hướng tăng hiệu quả khai thác và sử dụng hiệu quả tài nguyên dầu khí.

Dư địa vẫn còn lớn để tận thu dầu, khí từ các mỏ đang hoạt động, cũng như mở rộng khai thác sang các hình thái tầng chứa mới. Mục tiêu quan trọng hiện nay là nghiên cứu phát triển công nghệ thăm dò, tổ chức phát triển để nhanh đưa các mỏ dầu nhỏ, mỏ vệ tinh, các bẫy phi truyền thống vào khai thác hiệu quả, với hệ số thành công cao, tiết kiệm chi phí, giảm giá thành khoan và đầu tư, ứng dụng các giải pháp nâng hệ số thu hồi dầu.

Đặc điểm của các mỏ khí là hàm lượng khí CO2 cao, phân bố không đều giữa các mỏ và trong nội bộ từng mỏ với hàm lượng dao động từ vài % đến 50 - 60%. Hiện các hộ tiêu thụ (các nhà máy điện, đạm) đang sử dụng khí có hàm lượng CO2 đến 8%, vì thế nhiều vỉa khí có hàm lượng CO2 cao hơn không được khai thác, ảnh hưởng đến hệ số thu hồi. Mục tiêu để nâng hiệu quả sử dụng tài nguyên khí là nghiên cứu áp dụng các giải pháp khoa học kỹ thuật để tăng khả năng khai thác và sử dụng khí có hàm lượng nhiều CO2, biến lượng khí này sau khi xử lý thành các sản phẩm có giá trị kinh tế gia tăng và giải quyết bài toán môi trường. Chế biến sâu khí, tăng tỷ phần làm nguyên liệu tạo sản phẩm có giá trị gia tăng cao hơn. Nhu cầu khí ngày càng tăng, ngoài sử dụng cho ngành năng lượng sạch cũng cần dành tỷ lệ thích đáng làm nguyên liệu cho hóa dầu.

Ngành dầu khí là ngành kinh tế - kỹ thuật đặc biệt, việc đảm bảo và thúc đẩy sự phát triển của ngành dầu khí không chỉ gắn với vấn đề đảm bảo an ninh năng lượng mà còn là sự phát triển của chuỗi giá trị kinh tế trong chiến lược phát triển đất nước, liên quan đến chất lượng cuộc sống của người dân, đảm bảo nguyên liệu đầu vào cho các ngành kinh tế chủ chốt như phân bón, hóa dầu, các sản phẩm hóa chất… và đặc biệt là động lực phát triển kinh tế vùng, tham gia bảo vệ chủ quyền biển đảo, đóng góp ngân sách Nhà nước.

Minh Trang