Thực trạng và ứng dụng của chỉ số phát triển bền vững tại thị trường Việt Nam

ThS. NGUYỄN THỊ THỤC HIỀN - ThS. TRẦN THUÝ QUỲNH (Trường Đại học PHENIKAA, Yên Nghĩa, Hà Đông, Hà Nội)

TÓM TẮT:

     Bài nghiên cứu cung cấp thông tin về tình hình phát triển của chỉ số phát triển bền vững trên thế giới, để từ đó đưa ra các đề xuất cho việc xây dựng chỉ số này ở Việt Nam. Qua việc tổng hợp các nghiên cứu đã có, nhóm tác giả kết luận rằng chỉ số phát triển bền vững là một sản phẩm đáng được phát triển và sẽ mang lại lợi ích cho nhà đầu tư trong một môi trường kinh doanh ngày càng chú trọng tới các yếu tố bền vững. Một số thách thức lớn trong việc phát triển chỉ số này bao gồm việc xây dựng chỉ số phù hợp với nhu cầu của nhà đầu tư, xây dựng mô hình đánh giá có ý nghĩa và thu thập, xử lý thông tin. Các nhà phát triển chỉ số cần khắc phục các yếu tố này để có thể đưa ra một công cụ đầu tư hiệu quả cho nhà đầu tư.

Từ khóa: chỉ số phát triển bền vững, VNSI, trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp, đầu tư trách nhiệm.

1. Đặt vấn đề

Theo báo cáo của Ngân hàng Morgan Stanley năm 2020, 95% các nhà đầu tư lớn cho rằng họ chủ động lựa chọn đầu tư vào các doanh nghiệp/dự án có yếu tố phát triển bền vững trong năm 2020 và 57% cho rằng sẽ tới thời điểm họ chỉ đầu tư vào các doanh nghiệp/dự án có cơ chế phát triển bền vững chính thức trong chiến lược phát triển. Họ cân nhắc các yếu tố về môi trường - xã hội - quản trị doanh nghiệp (Environmental - Social - Governance factors) trong các quyết định đầu tư của mình. Điều này thúc đẩy sự phát triển của hàng loạt các chỉ số bền vững (sustainability indices) trên toàn cầu.

Tại Việt Nam, Chỉ số phát triển bền vững (CSPTBV) Việt Nam (Vietnam Sustainability Index - VNSI) được ra mắt vào tháng 07 năm 2017 và đã tạo được sức hút lớn với các nhà đầu tư ngoại (Nguyễn Viên Trà, 2021). Tuy nhiên, theo bà Trần Thị Anh Đào - Phó Tổng giám đốc HOSE, các nhà đầu tư tham gia thị trường chứng khoán Việt Nam đa số mới chỉ quan tâm đến 2 chỉ số là VNINDEX và VN30, do đầu tư ngắn hạn chiếm ưu thế và trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp chưa được chú trọng. Ngược lại, các nhà đầu tư lớn từ nước ngoài lại rất quan tâm đến việc đầu tư có trách nhiệm. Ông Dominic Scriven - Chủ tịch Dragon Capital chia sẻ, từng có không ít nhà đầu tư lớn rời bỏ thị trường Việt Nam, do nhận thấy sự hạn chế trong việc thực hiện trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp. Vì vậy, trong giai đoạn tới, việc tăng trưởng theo chiều sâu trong quản trị doanh nghiệp, quản trị rủi ro, minh bạch, bình đẳng và chú trọng yếu tố bền vững hay phát triển xanh là vô cùng cấp thiết. Bài viết này cung cấp thông tin cơ bản về CSPTBV trên thế giới và tại Việt Nam, đồng thời đề xuất các giải pháp ứng dụng và phát triển chỉ số này trong đầu tư, nhằm bù đắp vào sự thiếu hụt các lý thuyết cho chủ đề này.

2. Phương pháp nghiên cứu

Bài viết sử dụng phương pháp nghiên cứu định tính, từ việc phân tích, tổng hợp các lý thuyết và nghiên cứu đã có, tác giả tổng hợp thông tin và đưa ra các đề xuất cho việc phát triển CSPTBV tại Việt Nam. Bên cạnh đó, nhóm tác giả sử dụng các cơ sở dữ liệu chính thức để tổng hợp các nghiên cứu liên quan tới CSPTBV trên toàn thế giới. Các từ khóa được tìm kiếm chủ yếu là: chỉ số bền vững, sustainability indices, mô hình đánh giá phát triển bền vững doanh nghiệp, framework for corporate sustainability assessment. Sau đó, tác giả tổng hợp nội dung, từ đó đưa ra phân tích để cung cấp các thông tin trả lời các câu hỏi nghiên cứu.

3. Kết quả và thảo luận

  • Định nghĩa về chỉ số bền vững
    • Lý do doanh nghiệp theo đuổi phát triển bền vững

Theo báo cáo của CIMA kết hợp với Accenture năm 2011, phát triển bền vững trong kinh doanh là “cách mà một tổ chức tạo ra giá trị cho cổ đông của họ và xã hội bằng việc tối đa hóa tác động tích cực và tối thiểu hóa tác động tiêu cực lên các yếu tố môi trường, xã hội và kinh tế”. Bansal & Roth (2000) đã trình bày 3 động lực thúc đẩy các doanh nghiệp theo đuổi trách nhiệm xã hội, gồm có: cạnh tranh, pháp lý và trách nhiệm sinh thái. Để chiếm được lợi thế cạnh tranh, các doanh nghiệp cần chú trọng việc hoạt động một cách có trách nhiệm với xã hội (Cetindamar & Husoy, 2007; Lantos, 1999). Bên cạnh đó, doanh nghiệp theo đuổi trách nhiệm xã hội thông qua việc tuân thủ các quy định để tránh lệnh trừng phạt và đảm bảo quyền được hoạt động, cũng như bảo vệ họ khỏi rủi ro ảnh hưởng tới danh tiếng (Bansal & Roth, 2000). Cuối cùng, động lực đến từ bản thân đạo đức của doanh nghiệp đã thúc đẩy doanh nghiệp thể hiện trách nhiệm với xã hội (Graafl& & van de Ven, 2006).

  • Định nghĩa về chỉ số bền vững

CSPTBV ra đời từ nhu cầu của nhà đầu tư với quan điểm “đầu tư có trách nhiệm xã hội” (socially responsible investing). Đầu tư có trách nhiệm xã hội được định nghĩa là quá trình đầu tư tài chính có cân nhắc tới các yếu tố về tác động xã hội, môi trường và quản trị doanh nghiệp (SIF, 2009). Từ nhu cầu này, nhà đầu tư cần có các thông tin chính xác về hành vi trách nhiệm với xã hội, môi trường và quản trị của các doanh nghiệp để đầu tư vào các công ty có trách nhiệm xã hội. Những yếu tố này dẫn tới sự ra đời của các CSPTBV (Olmedo et al., 2010).

Theo Olmedo và ctg. (2010), CSPTBV, tương tự như các chỉ số thị trường chứng khoán truyền thống, là các chỉ số giá thể hiện xu hướng giá qua một rổ các mã chứng khoán đại diện trên thị trường. Tuy nhiên, đối với CSPTBV, các mã chứng khoán trong rổ này là các công ty có trách nhiệm xã hội. Các thông tin về chỉ số và cách tính toán chỉ số tùy thuộc vào các tổ chức phát hành. Các CSPTBV được sử dụng để làm tài sản cơ sở cho các sản phẩm phái sinh và các sản phẩm tài chính cấu trúc. Đồng thời, các chỉ số này cũng được dùng làm căn cứ cho việc quản lý các danh mục đầu tư trách nhiệm xã hội (Fernández and Muñoz, 2009).

  • Các chỉ số bền vững trên thế giới

Trong bài viết này, tác giả giới thiệu các thông tin cơ bản về 3 CSPTBV phổ biến nhất toàn cầu: chỉ số bền vững Dow Jones - Dow Jones Sustainability Index; FTSE4Good và MSCI KLD Domini 400 Social Index.

Chỉ số bền vững Dow Jones (DJSI)

DJSI là một trong những CSPTBV phát triển và nổi tiếng nhất trên thế giới. Chỉ số này được ra đời vào năm 1999 dưới sự hợp tác của liên doanh S&P Dow Jones và Sustainability Asset Management (SAM) va là quy chuẩn toàn cầu đầu tiên về đầu tư bền vững. DJSI là chỉ số giá của rổ chứng khoán từ các công ty hàng đầu thế giới dựa trên các tiêu chí về kinh tế, môi trường và xã hội.

Đầu tiên, sử dụng danh mục S&P Global BMI (xấp xỉ 10.000 doanh nghiệp) để lựa chọn ra khoảng 4.500 doanh nghiệp có giá trị vốn hóa thị trường lớn nhất tham gia bài đánh giá phát triển bền vững S&P Global (S&P Global Corporate Sustainability Assessment - CSA). Chỉ 10% doanh nghiệp có điểm cao nhất trong mỗi ngành được chọn vào rổ chứng khoán DJSI.

Tới thời điểm hiện tại, các chỉ số bền vững Dow Jones gồm các chỉ số toàn cầu, vùng và quốc gia, bao gồm: DJSI World, DJSI North America, DJSI Europe, DJSI Asia Pacific, DJSI Emerging Markets, DJSI Korea, DJSI Australia, DJSI Chile và DJSI MILA Pacific Alliance.

Chỉ số bền vững MSCI KLD Domini 400 Social Index

Ra đời vào tháng 05 năm 1990, MSCI KLD Domini 400 Social Index là chỉ số bền vững đầu tiên trên thế giới. Chỉ số này được xây dựng từ việc lựa chọn 400 công ty có điểm MSCI ESG Ratings cao nhất từ chỉ số MSCI USA IMI Index bao gồm các công ty có vốn hóa nhỏ, trung bình và lớn chiếm tổng 99% giá trị vốn hóa của thị trường Mỹ. Rổ chứng khoán này cũng loại bỏ các doanh nghiệp hoạt động trong các lĩnh vực không phù hợp với các giá trị phát triển bền vững: sản xuất sản phẩm có chứa cồn, thuốc lá, vũ khí, năng lượng hạt nhân, văn hóa phẩm đồi trụy và biến đổi gen.

MSCI ESG Ratings là hệ thống chấm điểm phát triển bền vững dùng để đo lường sự ổn định của doanh nghiệp trước các rủi ro dài hạn về môi trường, xã hội và quản trị doanh nghiệp. Cụ thể, hệ thống sẽ xác định khả năng ứng phó với các rủi ro trên của doanh nghiệp trong sự tương quan với các đối thủ của họ.

Chỉ số FTSE4Good

Chỉ số FTSE4Good ra đời vào năm 2001 bao gồm các công ty có đánh giá bền vững (ESG Ratings) cao nhất trong 7.200 công ty được lựa chọn từ các thị trường phát triển và đang phát triển. Để được lựa chọn vào bước chấm điểm ESG Ratings, các doanh nghiệp phải nằm trong rổ chỉ số FTSE Developed Index hoặc FTSE All-Share Index. Các doanh nghiệp này cũng phải đảm bảo các tiêu chí sau: hoạt động một cách thân thiện với môi trường, phát triển mối quan hệ tích cực với các bên liên quan, ủng hộ và hoạt động vì quyền con người, đảm bảo quyền của người lao động và chống lại hành vi hối lộ.

Đánh giá bền vững ESG Ratings đo lường chất lượng quản trị rủi ro của doanh nghiệp đối với các vấn đề về môi trường, xã hội và quản trị doanh nghiệp. Có hơn 300 chỉ số được sử dụng để tính toán điểm ESG Ratings và tùy vào tính chất đặc thù của từng doanh nghiệp mà các chỉ số khác nhau được sử dụng. Trung bình, khoảng 125 chỉ số được áp dụng vào một doanh nghiệp để tính toán được ra điểm ESG Ratings của doanh nghiệp đó. Các doanh nghiệp có điểm ESG Ratings trên 3,3/5 sẽ được lựa chọn vào bước tiếp theo và doanh nghiệp có điểm dưới 2,9/5 sẽ có s6 tháng để cải thiện điểm ESG ratings của mình trước khi bị loại ra khỏi toàn bộ các chỉ số con trong bộ chỉ số FTSE4Good. Tiếp theo, các công ty hoạt động trong các lĩnh vực không đảm bảo các tiêu chí thân thiện với môi trường sẽ bị loại, bao gồm các lĩnh vực sau: sản xuất thuốc lá, sản xuất vũ khí và các loại vũ khí nguy hiểm khác, khai thác than. Cuối cùng rổ chỉ số sẽ được công bố và đánh giá lại định kỳ vào tháng 6 và tháng 12 hàng năm.

  • Chỉ số bền vững Việt Nam (Vietnam Sustainability Index - VNSI)

VNSI là chỉ số giá được tính theo phương pháp giá trị vốn hóa thị trường có điều chỉnh tỷ lệ tự do chuyển nhượng (free-float), với tần suất tính toán theo thời gian thực 5 giây/lần (Sở Giao dịch Chứng khoán thành phố Hồ Chí Minh, 2017). Thành phần bao gồm các cổ phiếu của công ty có điểm phát triển bền vững tốt nhất được niêm yết trên HOSE thuộc VN100.

Sau đó, các công ty sẽ được chấm điểm Phát triển bền vững bởi HOSE và chọn ra 20 doanh nghiệp có điểm cao nhất để đưa vào chỉ số. Danh sách loại trừ các doanh nghiệp hoạt động trong các lĩnh vực sau: vũ khí hoặc đạn dược; thức uống có cồn (không bao gồm bia hoặc rượu nhẹ); thuốc lá, kinh doanh casino, đặt cược hoặc tương tự; văn hóa phẩm đồi trụy; năng lượng nguyên tử và than đá. Mười lăm cổ phiếu có điểm phát triển bền vững cao nhất sẽ luôn được chọn vào rổ VNSI; cổ phiếu đứng ở vị trí 16 đến 25 thì ưu tiên cổ phiếu đã có sẵn trong danh mục của rổ VNSI kỳ trước và sau đó mới xét đến cổ phiếu mới cho đến khi lượng cổ phiếu trong rổ đạt 20 cổ phiếu. Trong trường hợp cổ phiếu bị loại khỏi rổ VN100 thì cũng sẽ bị loại khỏi chỉ số VNSI vào ngày có hiệu lực. Cổ phiếu thành phần của chỉ số sẽ được xem xét vào tháng 7 hàng năm.

Như vậy, chúng ta thấy rằng, hướng tiếp cận của HOSE trong việc xây dựng rổ chỉ số bền vững là tương đối cập nhật và bám sát phương pháp của các chỉ số bền vững lâu đời và phát triển nhất trên toàn cầu. Tuy nhiên, điểm quan trọng là bài đánh giá điểm số bền vững và phương pháp thu thập dữ liệu sẽ tạo nên chất lượng của chỉ số.

  • Những thách thức trong việc phát triển chỉ số bền vững

Có 4 thách thức chính trong việc phát triển chỉ số bền vững, bao gồm: xây dựng chỉ số tương ứng với ý định đầu tư của nhà đầu tư; cơ sở xây dựng chỉ số và ma trận đánh giá; phân tích dữ liệu; và thu thập dữ liệu (IFC, 2011). Cụ thể như sau:

- Xây dựng chỉ số tương ứng với ý định đầu tư của nhà đầu tư

Esty Environmental Partners (EEP) phân các nhà đầu tư bền vững thành các nhóm với các ý định và kì vọng đầu tư khác nhau. Cụ thể, thứ nhất, trong nhóm đầu tiên, các nhà đầu tư tìm kiếm các công ty cam kết với các giá trị trách nhiệm xã hội và môi trường vì lý do theo đuổi giá trị sống của họ. Các nhà đầu tư này có thể chấp nhận hy sinh một phần lợi nhuận để theo đuổi các dự án bền vững, tuy nhiên, hiếm nhà đầu tư chấp nhận mức lợi nhuận nhỏ hơn thị trường. Thứ hai, một số nhà đầu tư khác thêm các công ty phát triển bền vững vào danh mục để giảm rủi ro và biến động với kỳ vọng thu được lợi nhuận sát với thị trường. Thứ ba, một số nhà đầu tư khác quan tâm đến đầu tư bền vững là do họ kỳ vọng các công ty với các yếu tố bền vững sẽ có lợi thế và mang lại lợi ích trên mức thị trường trong dài hạn. Vì vậy, các nhà đầu tư này cần được cung cấp thông tin về cấu trúc của bài đánh giá thực hiện trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp và các xây dựng chỉ số. Từ đó, nhà đầu tư biết được các chỉ số này có phù hợp với kỳ vọng của họ hay không. Tuy nhiên, việc công bố thông tin về cách đánh giá bền vững lại rất hạn chế, từ đó dẫn đến việc nhà đầu tư khó lựa chọn chỉ số phù hợp với kỳ vọng của mình.

- Mô hình đánh giá hoạt động bền vững của doanh nghiệp

Rất nhiều nghiên cứu đã chỉ ra các yếu tố phát triển bền vững có tác động tích cực đến kết quả hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp như tăng lợi nhuận trong dài hạn và giảm sự biến động trong kết quả hoạt động kinh doanh (Friede, Busch và Bassen, 2015; Velte, 2017; Zhao, Guo, Yuan, Wu, Li, Zhou và Kang, 2018; Torre, Mango, Cafaro và Leo, 2020). Tuy nhiên, thường có một độ trễ về thời gian kể từ khi doanh nghiệp áp dụng các chính sách về phát triển bền vững cho tới khi có sự ảnh hưởng tới kết quả kinh doanh của doanh nghiệp. Vì vậy, việc phân tích được mức độ ảnh hưởng của các chính sách phát triển bền vững tới kết quả hoạt động của doanh nghiệp để đưa ra được ma trận đánh giá phát triển bền vững một cách có ý nghĩa và việc đánh giá các các yếu tố trọng yếu của phát triển bền vững doanh nghiệp là rất phức tạp. Đây là rào cản chính trong việc xây dựng mô hình đánh một cách hiệu quả để thành lập được danh mục đầu tư bền vững mang lại lợi nhuận cao cho nhà đầu tư.

- Phân tích dữ liệu

Các tổ chức cung cấp các chỉ số và dữ liệu bền vững gặp khó khăn trong việc khai thác và đồng bộ hóa để sử dụng các dữ liệu về hoạt động bền vững của doanh nghiệp cho việc đánh giá và so sánh hoạt động bền vững của các doanh nghiệp trong và ngoài ngành. Điều này là do sự khác biệt về hình thức dữ liệu và các yếu tố ảnh hưởng tới hoạt động này như quy mô doanh nghiệp, sản phẩm, chuỗi giá trị,…

- Thu thập dữ liệu

Mặc dù chất lượng của báo cáo bền vững đang được cải thiện, số lượng và chất lượng của thông tin về phát triển bền vững của doanh nghiệp vẫn còn rất hạn chế và thiếu đồng nhất, đặc biệt ở các thị trường đang phát triển như ở Việt Nam. Việc xác minh độ chính xác của các thông tin này cũng là một việc rất khó khăn. Các tổ chức đã được thành lập để cải thiện số lượng và chất lượng của các thông tin về phát triển bền vững như Hội đồng báo cáo toàn cầu (Global Reporting Initiative), Ủy ban báo cáo tổng hợp quốc tế (International Integrated Reporting Committee),…

Như vậy, những thách thức lớn nhất liên quan đến việc thu thập và xử lý dữ liệu về phát triển bền vững và xây dựng mô hình đánh giá có ý nghĩa là các thách thức lớn đặt ra cho việc xây dựng CSPTBV.

  • Đề xuất để nâng cao chất lượng chỉ số bền vững

Từ các phân tích trên, việc giải quyết được các hạn chế sẽ giúp nâng cao chất lượng của chỉ số bền vững và mang lại lợi ích cho nhà đầu tư.

Hiện nay, công bố về phương thức thu thập thông tin, cấu trúc của mô hình đánh giá, phương pháp tiếp cận thông tin của các tổ chức phát hành CSPTBV rất hạn chế. Vì vậy, các tổ chức phát hành CSPTBV cần phải công bố rõ ràng và minh bạch về các thông tin trên để tăng được sự tin tưởng của nhà đầu tư và tạo thuận lợi cho họ trong việc ra quyết định đầu tư chính xác. Ngoài các thông tin này, các nhà cung cấp nên đưa thông tin so sánh tỷ trọng ngành, vốn hóa thị trường và các thông tin hệ thống khác có thể tương tác với hoạt động bền vững và ảnh hưởng lên kết quả hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp.

Sau khi xây dựng được khung đánh giá, tổ chức cung cấp chỉ số cần xác định được các ma trận cụ thể để đánh giá từng khía cạnh phát triển bền vững. Ví dụ, về môi trường, doanh nghiệp kiểm soát chi phí liên quan đến rủi ro môi trường ra sao, duy trì sự đa dạng sinh học thế nào, các nguyên liệu sản xuất được kiểm soát thế nào,... Xây dựng được một ma trận đánh giá các yếu tố này, chúng ta có thể đánh giá được các rủi ro pháp lý mà công ty có thể gặp phải, khả năng đáp ứng của công ty trong một môi trường kinh doanh bị quản lý chặt chẽ về nồng độ khí thải. Để có thể xây dựng các ma trận và mô hình đánh giá hiệu quả, các tổ chức cũng cần thu được dữ liệu chính xác, liên tục, đầy đủ và đồng nhất qua các báo cáo được lập theo một chuẩn chung.

Các cơ quan chức năng và các tổ chức ban hành chỉ số cần đưa ra yêu cầu cụ thể về thông tin và chuẩn chất lượng của thông tin sử dụng trong các ma trận đánh giá để doanh nghiệp có thể cung cấp các thông tin một cách hiệu quả nhất. Đồng thời, các cơ quan và các tổ chức liên quan trên toàn cầu cần thúc đẩy việc doanh nghiệp báo cáo bền vững theo các chuẩn mực để tăng mức độ đồng nhất của thông tin, tạo điều kiện cho quá trình sử dụng thông tin và so sánh giữa các doanh nghiệp.

4. Kết luận

Tổng kết lại, chỉ số phát triển bền vững đang dần được phát triển mạnh mẽ tại các thị trường đang phát triển như Việt Nam. Đây là một công cụ giúp nhà đầu tư có thể xây dựng danh mục đầu tư có thể mang lại lợi nhuận ổn định trong dài hạn. Như nhóm tác giả đã thảo luận trong phần đầu của bài viết, các nhà đầu tư lớn, đặc biệt là các nhà đầu tư ngoại, đang có sự quan tâm lớn đến đầu tư trách nhiệm. Vì vậy, việc phát triển các sản phẩm đầu tư để đáp ứng nhu cầu này là rất cần thiết. Bên cạnh đó, CSPTBV ở Việt Nam là một khái niệm mới mẻ, hiện nay chỉ có duy nhất một chỉ số là VNSI, vì vậy, nhà đầu tư chưa có sự quan tâm đến chỉ số này. Các nghiên cứu trong tương lai có thể nghiên cứu về tác động của hoạt động phát triển bền vững lên kết quả hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, từ đó cung cấp thêm kiến thức, cũng như thu hút sự quan tâm của nhà đầu tư với chỉ số này.

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. A., W. (1992). Defining Sustainable Development. Environmental Science & Technology, 26, 1902.
  2. Bansal, P., Roth, K. (2000). Why Companies Go Green: A Model of Ecological Responsiveness. Academy of Management Journal, 43, 717-736. https://doi.org/10.5465/1556363.
  3. Barbier, E.B. (1987a). The Concept of Sustainable Economic Development. Environmental Conservation, 14, 101-110. https://doi.org/10.1017/S0376892900011449.
  4. Barbier, E.B. (1987b). The Concept of Sustainable Economic Development. Environmental Conservation 14, 101-110. https://doi.org/10.1017/S0376892900011449.
  5. Costanza, R., Patten, B.C. (1995). Defining and predicting sustainability. Ecological Economics, 15, 193-196. https://doi.org/10.1016/0921-8009(95)00048-8.
  6. Fernández, M.A., Muñoz, M.J. (n.d) Inversión socialmente responsable: Estrategias, Instrumentos, Medición y Factores y de Impulso. Spain: Documento AECA.
  7. H., B. (1987). Our common future. Oxford: Oxford University Press.
  8. Hopwood, A.G., Unerman, J., Fries, J. (Eds.) (2010). Accounting for sustainability: Practical insights. London, United Kingdom: Earthscan.
  9. , G., B., van de V., n.d. (2006). Strategic and Moral Motivation for Corporate Social Responsibility. Journal of Corporate Citizenship, 22, 111-123.
  10. Muralikrishna, I.V., Manickam, V. (2017). Environmental management: science and engineering for industry. Oxford, United Kingdom: Butterworth-Heinemann, an imprint of Elsevier.
  11. Hải Linh (2020). Phó tổng giám đốc HOSE tiết lộ 20 cổ phiếu vững vàng trong dịch COVID-19. Truy cập tại: https://laodong.vn/kinh-te/pho-tong-giam-doc-hose-tiet-lo-20-co-phieu-vung-vang-trong-dich-covid-19-839198.ldo
  12. Nguyễn Viên Trà (2021). Xu hướng chủ đạo của hệ thống tài chính toàn cầu và giải pháp chiến lược đối với Việt Nam. Tạp chí Kinh tế tài chính Việt Nam, số 4 tháng 10/2021.

 

Current situation and implementation of the sustainable development index in Vienam

Master. NGUYEN THI THUC HIEN - Master. TRAN THUY QUYNH

PHENIKAA University,

Yen Nghia, Ha Dong, Ha Noi

Abstract:

This paper provides information about the development of the sustainable development indexes in the world, thereby making recommendations for the development of this index in Vietnam. By reviewing previous studies, it shows that the development of the sustainable development index is necessary and the index will bring benefits to investors as the business environment is increasingly paying attention to sustainable factors. Major challenges of the sustainable development index development in Vietnam are the index suitability for investors and the capacity of the index to collect and process information. The index’s developers need to overcome these challenges to creat a useful sustainable development index for investors.

Keywords: sustainable development index, VNSI, corporate social responsibility, responsible investment.

[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, 

Số 6, tháng 4 năm 2022]